Đây là nhận định của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tại Hội thảo “Công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em góp phần phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em” vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Theo thống kê của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 06 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 86 vụ/146 đối tượng xâm hại trẻ em với 88 em. Trong số trẻ em bị xâm hại, có 6 em bị xâm hại có độ tuổi dưới 06 tuổi, 28 em trong độ tuổi từ 06 đến dưới 13 và 54 em trong độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có tới 17 vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn Thành phố (trong đó 13 vụ xâm hại tình dục, 4 vụ bạo lực), gấp đôi so với 2021.
Điều đó cho thấy một thực tế rằng; công tác truyền thông phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay.
Đối tượng xâm hại trẻ em có thể là người hàng xóm, bạn bè của gia đình bố mẹ hoặc bố dượng … Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trẻ em bị xâm hại không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng kinh tế – xã hội khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển.
Các đơn vị ở Đà Nẵng tích cực tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em (Ảnh minh hoạ)
Nỗ lực trợ giúp pháp lý cho trẻ em bằng nhiều biện pháp
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, các cấp Hội luật gia Đà Nẵng đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử người thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn am hiểu tâm lý trẻ em vì sau sự việc xảy ra, nhiều em bị tổn thương tâm lý, sợ người lạ, bản thân một số em thiểu năng trí tuệ, trầm cảm dẫn đến việc tìm hiểu nội dung sự việc, lấy lời khai khó khăn.
Nhờ vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại của các địa phương trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được các tình tiết khách quan của vụ án và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại.
Hằng năm các tư vấn viên, báo cáo viên pháp luật… của Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia thành phố được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam… tổ chức, Tập huấn về” Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực gia đình”, “Trợ giúp pháp lý thân thiện với người chưa thành niên”, “Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực tố tụng đối với vị chưa thành niên”, “Tham vấn ý kiến cho tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực với trẻ em”, “Tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên và nhạy cảm giới”…
Nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại lo sợ bị ảnh hưởng đến danh dự gia đình
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, công tác trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ví như, các cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được đầy đủ về hoạt động bảo vệ trẻ em, nên việc phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em chưa thường xuyên, thiếu sự chủ động.
Thậm chí, người dân vẫn chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, dẫn đến việc thực hiện quyền của trẻ em trong một số trường hợp còn hạn chế, nhất là người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nên việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ chưa được thực hiện đầy đủ.
Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có cả người thân của trẻ em chưa thật quan tâm, chưa hiểu biết về pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý. Còn e ngại khi tiếp cận với cơ quan, tổ chức có liên quan, kể cả tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt, nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra. Gia đình không tố giác hoặc thời gian tố giác quá muộn, nên việc tiếp cận với các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại có thời điểm chưa kịp thời.
Việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ còn gặp khó khăn. Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại thường do người trợ giúp là nữ, nên ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn phải am hiểu tâm lý trẻ em.
Nhằm tạo điều kiện cho những trẻ em, người chưa thành niên sinh sống tại những xã thuộc vùng sâu, vùng xa… không có điều kiện tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, thì việc tăng cường trợ giúp pháp lý cho trẻ em càng cần được quan tâm hơn. Hiện nay, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng đã thiết lập cơ chế ứng phó hoặc phản ứng nhanh giữa các cơ quan, đặc biệt là những cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ quan tố tụng với các tổ chức trợ giúp pháp lý, nhằm có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân trong vụ việc xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em. Đồng thời, Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ tư vấn pháp luật. Thu hút lực lượng cán bộ tư vấn pháp luật có kinh nghiệm, đặc biệt là nữ tham gia tố tụng, để đáp ứng kịp thời công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại một cách kịp thời.