Tại Đà Nẵng, những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Phụ nữ tham gia cấp uỷ, Ban Thường vụ các cấp ngày càng tăng. Tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử tại Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 24,02%, cao hơn mức quy định chung của Trung ương là từ 15% trở lên. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia BCH ở cả 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Cấp xã/phường: tỷ lệ 35,5% (tăng 2,6%), địa phương cao nhất đạt 60%; cấp quận/huyện: tỷ lệ 24,4% (tăng 3,4%), đơn vị cao nhất đạt 30%; cấp thành phố: tỷ lệ 21,6% (11/51), tăng 8,1%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020 là 50%; nữ đại biểu HĐND cấp thành phố là 24,5%; cấp quận, huyện là 31,6%; cấp xã, phường là 34%.
Nhiều chương trình hành động tại các địa phương được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng.
Tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND phải đạt ít nhất 35% nhằm đảm bảo khả năng trúng cử của phụ nữ. Bên cạnh đó nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã quy định vị trí, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác bầu cử như: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về việc “Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Chính trị – Xã hội”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”… Theo đó các cấp Hội phụ nữ cầnchủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng; Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị; Tham gia các tổ chức bầu cử và các hội nghị hiệp thương; Tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; và tham gia công tác tuyên truyền và vận động bầu cử…
Đặc biệt, tại điểm a, khoản 3, Điều 2 Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, ngày 11/01/2021 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc “Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” quy định: “Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Do đó, cùng với các nhiệm vụ được triển khai hướng tới một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, thì việc đảm bảo tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia vào quá trình quyết định các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội nói chung, và chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ nói riêng… Tin tưởng rằng cuộc bầu cử sẽ thành công trên tất cả các phương diện, chúng ta cần sáng suốt lựa chọn đại biểu nữ và nam tiêu biểu có đủ đức đủ tài xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội LHPN thành phố Đà Nẵng