Nhằm góp phần thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại thành phố Đà Nẵng; hướng đến góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Vừa qua, Đoàn giám sát do bà Lương Thị Đạo – Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố làm trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với các phường trên địa bàn thành phố: Hòa An (Q.Cẩm Lệ), Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) và Hòa Khê (Q.Thanh Khê) về công tác triển khai Luật phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2022 tại các địa phương.
Tại các phường, Đoàn giám sát đã chia thành 2 tổ làm việc trực tiếp với các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải cơ sở ở để nắm tình hình triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ 2022; đồng thời, Đoàn đã làm việc với UBND phường để nghe báo cáo và xem hồ sơ lưu trữ.

Qua giám sát cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền luật Phòng chống BLGĐ 2022 từ khi Luật được ban hành đến nay được UBND các phường quan tâm; đã triển khai áp dụng bước đầu các giải pháp ngăn chặn các hành vi bạo lực, bảo vệ người bị bạo lực; công tác phối hợp được tăng cường, việc xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình phòng chống BLGĐ được chú trọng hơn. Các địa chỉ tin cậy được chọn ở các phường đa phần được đặt tại trụ sở của cơ quan chức năng như Công an phường, Trạm Y tế phường và một số khu vực có nguy cơ cao nhằm thuận tiện cho nạn nhân và người dân đến liên hệ, trình báo và đảm bảo an toàn. Các thành viên tổ hòa giải cơ sở ở cộng đồng đều là những người có uy tin ở khu dân cư, nhiệt tình với công tác hòa giải. Kể từ khi Luật PCBLGĐ 2022 được ban hành, có hiệu lực đến thời điểm này, số vụ việc xảy ra bạo lực gia đình tại các địa bàn có giảm hơn so với thời gian trước.

Tuy nhiên, UBND các phường vẫn còn tồn tại một số hạn chế đó là: các địa chỉ tiếp nhận tin báo chưa đầy đủ; vẫn còn tiềm ẩn về bạo lực gia đình trong thực tế bởi một số nạn nhân vẫn chưa mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng do ảnh hưởng tâm lý cam chịu, giữ gìn danh dự cho gia đình; công tác tập huấn, triển khai Luật và các văn bản mới có hiệu lực có liên quan vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến đội ngũ cán bộ cốt cán tại khu dân cư, dẫn đến vẫn còn nhiều khu dân cư tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy còn lúng túng trong công tác triển khai Luật; việc sử dụng nguồn kinh phí trong công tác phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế; chế độ cho hoạt động của các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải cơ sở vẫn chưa được thực hiện đầy đủ…

Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, đồng Lương Thị Đạo – Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố – Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND các phường trong thời gian tới cần khắc phục các hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra; tiếp tục tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai hoạt động của các địa chỉ tin vậy và các tổ hòa giải cơ sở, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp và phản ánh đến các ngành chức năng liên quan của thành phố giải quyết. Trong thời gian đến, Hội LHPN thành phố tiếp tục sẽ cùng phối hợp, đồng hành cùng với các địa phương trong các hoạt động nhằm bảo đảm cơ sở thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phát hiện những việc làm hay, nhân tố mới, mặt tích cực để nhân rộng; phát hiện những sai sót, khuyết điểm, kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời, bổ sung các chính sách phù hợp góp phần xây dựng thành phố an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em./.