Gần một năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) phối hợp các tình nguyện viên duy trì các lớp dạy tiếng Anh và vẽ 0 đồng cho hàng chục thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ở đây, các em không chỉ được bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu miễn phí, mà còn được trang bị các kỹ năng sống thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, ý nghĩa.
Chất lượng dạy và học của lớp luôn ở mức cao, được chứng minh qua sự chuyển biến trong thành tích học tập tại trường của các em. Ảnh: X.D |
Lớp học tiếng Anh và vẽ miễn phí ở nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư (KDC) Trung Bình A3, phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Cứ mỗi chiều tối thứ Sáu, Chủ nhật và thứ Hai hằng tuần, lớp học này lại sáng đèn, rộn ràng tiếng thầy cô và các học trò nhỏ. Trước đây, lớp học này do Chi bộ KDC Trung Bình A3 phối hợp các tình nguyện viên tổ chức nhằm giúp trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học thêm ngoại ngữ. Tuy nhiên, từ năm 2023, lớp được bàn giao lại cho chi hội phụ nữ KDC quản lý và triển khai các hoạt động.
Chị Hoàng Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Trung Bình A3 cho biết, hiện lớp học 0 đồng có 2 lớp tiếng Anh (THCS và tiểu học) diễn ra vào tối thứ Sáu, Chủ nhật và 1 lớp vẽ vào chiều thứ Hai, mỗi lớp có 12-15 em theo học. Phần lớn, các em theo học ở các lớp đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở KDC, không có điều kiện đi học thêm, thuê gia sư. Do đó, sự xuất hiện của lớp học miễn phí có thể xem như cánh tay nối dài, đỡ bớt một phần gánh nặng kinh tế cho các gia đình.
“Trước và sau mỗi buổi học, hội viên có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng KDC dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp bàn ghế và hỗ trợ nước uống, trang thiết bị học tập cho các em”, chị Thủy cho hay.
Dù là lớp miễn phí, nhưng ở đây, các em được giảng dạy theo giáo trình tiếng Anh chuẩn quốc tế; được giáo viên có chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật hướng dẫn kỹ năng vẽ một cách bài bản. Vì vậy, chất lượng dạy và học của lớp luôn ở mức cao, được chứng minh qua sự chuyển biến trong thành tích học tập tại trường của các em. Một trong các điểm đặc biệt của lớp học này là giáo viên đều không phải người công tác trong ngành giáo dục, nhưng có chung niềm đam mê dạy học và yêu quý trẻ thơ.
Anh Nguyễn Tuấn Nam (SN 1995, quê Quảng Trị) – dạy lớp tiếng Anh cho biết, tinh thần của lớp là khơi gợi hứng thú học tiếng Anh cho các em, để các em không xem đây là một môn học bắt buộc. Chính vì thế, các buổi học giữa thầy và trò luôn được lồng ghép các yếu tố vui nhộn, sáng tạo. Nhờ vậy, các em đều chăm chỉ bám lớp, nhiều em nhỏ đến lớp sớm cả tiếng để chờ học. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp các em có được nền tảng vững chắc trong quá trình học tập, làm hành trang cho tương lai”, anh Nam chia sẻ.
Mang ý nghĩa nhân văn và hoạt động có hiệu quả, lớp học được mọi người trong KDC Trung Bình A3 ủng hộ, khuyến khích duy trì. Hơn nữa, học sinh rất thích thú học tập, nên không khí lớp học lúc nào cũng vui vẻ, rộn ràng. Nhiều phụ huynh có con tham gia lớp học bày tỏ sự phấn khởi khi con em mình không chỉ tiến bộ về thành tích học, mà còn tự tin và trưởng thành hơn. Có cháu đang theo học lớp tiếng Anh 0 đồng, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (tổ 18, phường Thạc Gián) cho biết, trước đây, cháu bà gần như chưa có kỹ năng đọc, nói tiếng Anh. Thế nhưng, sau khi đến lớp gần 1 năm, học lực của cháu trong môn tiếng Anh tiến bộ rõ rệt. Đến nay, hình thành thói quen tự học tại nhà và có thể giao tiếp tiếng Anh khá trôi chảy.
Để động viên các bé, năm nay, Hội LHPN phường Thạc Gián trích quỹ may đồng phục lớp, tặng quà dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 và trao thưởng cho các em có thành tích cao trong học tập. Cùng với đó, tổ chức tập các tiết mục múa hát, nhảy cho các em tham gia phong trào văn nghệ ở trường và địa phương. Chủ tịch Hội LHPN phường Thạc Gián Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học, các em được tham gia các chuyến dã ngoại, học vẽ ngoại cảnh và trải nghiệm giao tiếp với người nước ngoài ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Hội LHPN phường còn kết nối và mở các lớp rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, giúp các em tự tin, phát triển một cách toàn diện.
“Có thể nói, mô hình lớp học miễn phí do hội phụ nữ quản lý ngày càng phát huy hiệu quả, được cộng đồng, địa phương và hội cấp trên đánh giá cao. Mặt khác, mô hình còn khai thác được công năng của nhà sinh hoạt cộng đồng, thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn. Thời gian tới, Hội LHPN phường tiếp tục duy trì, lan tỏa và cố gắng nhân rộng thêm các lớp học miễn phí khác, góp phần giúp trẻ em khó khăn vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội”, bà Nga nhấn mạnh.
Nguồn Báo Đà Nẵng