Ngày 10/10/2013, chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 03 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức "Ngày hội Phụ nữ sáng tạo và vinh danh phụ nữ tiêu biểu". Tại ngày hội có 40 tập thể, cá nhân đã được tôn vinh, gồm:
1. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan – Giảng viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đại diện nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu sản xuất phụ gia an toàn thực phẩm từ tinh bột biến hình và ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”.
Các chị Trương Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Lan và nguyễn Thị Hoài Tâm là đồng tác giả Đề tài “Nghiên cứu sản xuất phụ gia an toàn thực phẩm từ tinh bột biến hình và ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”, đề tài đã đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IX. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng tại các cơ sở sản xuất giò chả, chả cá, mì sợi … hoàn toàn có thể thay thế hàn the là 1 chất độc hại đã bị cấm dùng trong các sản phẩm thực phẩm. Các phụ gia thực phẩm được sản xuất từ tinh bột biến hình được sản xuất từ trong nước có thể thay thế một số phụ gia an toàn thực phẩm phải nhập ngoại, nhờ đó chủ động được trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và vẫn đảm bảo thị hiếu người tiêu dùng.
2. Chị Nguyễn Thị Ngọt – Giáo viên tổ Hóa Sinh học trường THCS Nguyễn Huệ
Chị là chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng các mẫu ngâm động vật trong giảng dạy bộ môn sinh học ở bậc tiểu học, bậc THCS, bậc THPT hiện nay tại TP Đà Nẵng”. Đây là bộ giảng dạy trực quan về các mẫu ngâm động vật trong hóa chất foocmon 6% đầu tiên được ứng dụng trong dạy và học tại các trường trên địa bàn thành phố . Ứng dụng của đề tài rất thuận tiện cho giáo viên giảng dạy môn sinh học, dễ dàng quan sát đa chiều và là vật thật để cho học sinh tiếp thu kiến thức tích cực, hứng thú trong học tập. Sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, tính chuẩn xác về mặt kiến thức và tính thực tiễn cao.
3. Chị Trần Thị Minh Hà– Phó hiệu trưởng, trường THCS Huỳnh Ngọc Huệ đại diện cho nhóm tác giả Mô hình “Đồ dùng dạy học đa năng”
Chị Trần Thị Minh Hà và chị Nguyễn Thị Mai làđồng tác giả của mô hình “Đồ dùng dạy học đa năng” cho học sinh tiểu học; bảng đồ dùng dạy học đa năng được Hội đồng khoa học giáo dục nhà trường đánh giá có tính mới, hiệu quả cao trong dạy học các môn toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Đồ dùng dạy học đa năng gọn nhẹ, dễ di chuyển, thuận tiện cho giáo viên; đặc biệt việc học sinh được tự thao tác trên đồ dùng dạy học của thầy cô cũng là cách giúp các em tự thể hiện mình, hứng thú và tập trung trong học tập cao hơn.“Đồ dùng dạy học đa năng” đã đăng kí dự thi Hội thi sáng tạo kĩ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2013.
4. Chị Phạm Thị Xuân Nguyệt – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dệt may 29/3.
Năm 2007, Công ty Dệt may 29/3 chuyển sang mô hình cổ phần hóa, chị Nguyệt được giao nhiệm vụ là Tổng giám đốc, với trọng trách hết sức lớn lao này chị đã cùng với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc đưa công ty với 2.200 lao động vượt qua những khó khăn thách thức trong giai đoạn đầu chuyển đổi và liên tục nhiều năm kinh doanh có hiệu quả đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%. Chị là Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu, cải tiến nâng công suất sinh hơi của lò hơi trong ứng dụng cải tiến lò hơi đốt dầu sang đốt than". Đề tài đã đạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI. Ứng dụng của đề tài nhằm giảm chi phí về nhiên liệu sản xuất, đồng thời nâng công suất sinh hơi của lò sau cải tiến cao hơn công suất sinh hơi ban đầu của lò và có thể được áp dụng đối với những thiết bị khác có môi trường làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao.
5. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Minh Hạnh – Phó trưởng khoa Hóa Trường Bách khoa Đà Nẵng.
Chị là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: “Nghiên cứu biến hình tinh bột từ 1 số loại hoa màu và ứng dụng tinh bột biến hình trong công nghệ thực phẩm”; “Nghiên cứu quá trình lên men acid citric từ 1 số phế liệu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền trung tây nguyên”; “Nghiên cứu sản xuất các phụ gia an toàn thực phẩm từ tinh bột biến hình và ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”; “Nghiên cứu ứng dụng tinh bột biến hình làm chất tá dược cao cấp trong công nghệ dược phẩm”; “Nghiên cứu chuyển hóa tinh bột để sản xuất thực phẩm bằng các hợp chất thiên nhiên”; Gần đây nhất chị đã hướng dẫn 03 sinh viên nghiên cứu khoa học và đạt giải nhất giải sinh viên NCKH của trường ĐH Bách khoa năm 2013 với đề tài “Nghiên cứu một số thành phần hóa học, hoạt tính sinh học của củ Cây Kiến Kỳ Nam và ứng dụng sản xuất một số Trà dược giải khát”. Với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học chị đã được ĐH Đà Nẵng công nhận danh hiệu giảng viên giỏi và chiến sỹ thi đua cơ sở liên tục từ 1999 đến nay; Bộ giáo dục và đào tạo 3 lần tặng bằng khen và công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp bộ năm học 2006 – 2007; 2005 chị được nhận bằng khen của Chính phủ.
6. Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ; đại diện nhóm tác giả Mô hình đồ dùng dạy học "Chiếc hộp kỳ diệu"
Mô hình đồ dùng dạy học "Chiếc hộp kỳ diệu" là sản phẩm sáng tạo của 2 cô Nguyễn Thị Thanh Hồng và Lê Thị Kiều Nhi đều là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ; Mô hình đạt giải A hội thi “Đồ dùng dạy học tự làm” cấp Quận năm học 2012 – 2013. Thiết bị đồ dùng "Chiếc hộp kỳ diệu" phù hợp thực tế, thuận tiện việc sử dụng, bảo quản, di chuyển ở bất cứ nơi nào góc nào; là phương tiện dạy học phong phú, đa dạng về chức năng sử dụng, trẻ được chơi nhiều tròmới lạ, hấp dẫn từ chiếc hộp kỳ diệu, kích thích sự tò mò và phát triển khả năng sáng tạo, phát triển trí tuệ tích cực cho trẻ.
7. Chị Nguyễn Thị Như Ý – Chuyên viên Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Việt Nam – Ấn Độ.
Chị là tác giả của ý tưởng “Xây dựng hệ thống Thùng rác ngầm”. Ý tưởng của chị đã lọt vào Top 5 Vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng” lần thứ 2 do CLB cán bộ trẻ Tp tổ chức. Ý tưởng của đề tài nhằm mục đích bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu mùi hôi, giảm diện tích đất sử dụng, giảm được các thùng rác nằm ngốn ngang trên đường, tạo cảnh quan xanh cho thành phố.
8. Tiến sĩ Đoàn Thị Thu Loan – Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học và Vật liệu – Khoa hóa trường Đại học bách khoa Đà Nẵng,
Chị đã đạt được Giải thưởng Quốc tế Boehme – Foerderpreis năm 2006 về “Lĩnh vực nghiên cứu sự ảnh hưởng của tác chất hóa học đến nền sợi dệt”; hiện chị là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu Composite ứng dựng làm vật liệu nội thất và gia dụng từ phế phẩm nông, lâm nghiệp”. Tính sáng tạo của sản phẩm là sử dụng công nghệ mới chế tạo sản phẩm từ phế phẩm nông, lâm nghiệp trấu và mùn cưa nhằm thay thế các sản phẩm truyền thống gỗ, nhựa… trong các ứng dụng trang trí nội thất, sản phẩm gia dụng, xây dụng …do đó có các tính năng ưu việt nhẹ, rẻ, bền, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, góp phần giải quyết v/đ ô nhiễm môi trường do lượng dư thừa các phế phẩm gây nên.
9. Chị Đoàn Thị Thanh Thủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Chăm Chăm.
Nghiên cứu về loại cây Hisbicus, chị Thanh Thủy thấy loại cây này với nhiều tính năng vừa là cây thực phẩm vừa là cây dược liệu có ích cho sức khỏe và mang lại lợi ích kinh tế cao. Năm 2011 chị đã mạnh dạn đề xuất với UBND thành phố, chấp thuận để công ty TNHH Chăm Chăm tiến hành triển khai đề án: “Trồng thử nghiệm, nhân giống sản xuất rượu vang và các chế phẩm khác từ đài hoa Hisbicus” tại khu vực Hố Ông P.Hòa Hiệp Bắc. Trong 2 năm thực hiện đề án, chị nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng Đà Nẵng thích hợp cho sự phát triển loại cây này; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động phải chuyển đổi ngành nghề do chỉnh trang đô thị từ 45 – 60 tuổi trình độ thấp. Chị đã tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang, nước giải khát, với quy mô 1 triệu lít/năm và trà mứt và các chế phẩm khác từ cây Hisbicus;
10. Chị Nguyễn Thị Hồng Phấn– Hiệu trưởng Trường Mầm non 20/10 đại diện nhóm tác giả Mô hình dạy học “ Sân khấu rối đa năng”
Với ý tưởng sáng tạo ra đồ dùng dạy học phục vụ học sinh mẫu giáo, tập thể giáo viên trường Mầm non 20/10 đã thiết kế bộ đồ dùng "Sân khấu rối đa năng”. Dồ dùng dễ làm, an toàn, dộ bền cao. Sản phẩm góp phần tạo điều kiện về phương tiện trực quan sinh động, sử dụng được trong nhiều hoạt động, giúp giáo viên khai thác khả năng tư duy của trẻ; đồng thời tạo hứng thú cho trẻ, giúp trẻ tự tin tham gia học và chơi một cách tích cực và có hiệu quả với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”
11. Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân -Tổng giám đốc Công ty TNHH –VLXD Đông Nguyên
Là một tổng giám đốc trẻ, năng động, điều hành công ty chuyên về sản phẩm gạch đá xây dựng và trang trí nội ngoại thất mang kiến trúc cổ Châu Âu; chị đã không ngừng đề ra các giải pháp để phát triển kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; mở rộng thị trường, mở rộng mặt hàng, đầu tư cơ sở vật chất …để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với sự nỗ lực của chị và tập thể công ty, năm 2010 công ty của chị đã được nhận huy chương vàng Thương hiệu Việt và cúp sản phẩm dịch vụ ưu tú hội nhập WTO. Hiện nay công ty đã giải quyết việc làm cho gần 300 lao động có thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội; chị đã được Hội liên hiệp thanh niên trao tặng danh hiệu “thanh niên sống đẹp”.
12. Chị Nguyễn Thị Liền – Giám đốc công ty TNHH Thanh Ngọc Minh,
Với ý tưởng dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, để người khuyết tật chứng minh được khả năng của mình; từ đó, giúp họ có thêm sự tự tin vào bản thân, tự lập vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng đối với người thân gia đình, xã hội đã thôi thúc chị vượt qua mọi khó khăn quyết tâm thành lập công ty dành cho người khuyết tật đặc biệt là trẻ khuyết tật; Từ Khi thành lập đến nay chị đã đào tạo nghề thêu ren mỹ thuật, làm tranh thêu cho 100 em, các em thành thạo nghề, tự tạo ra được sản phẩm và đã có thu nhập. Những bức tranh thêu của các em, chị tham gia chương trình bán đấu giá “gọi giấc mơ xanh”, “những trái tim hồng” với số tiền thu được 280 triệu đồng, chị đã dùng 230 triệu ủng hộ Hội bảo trợ trẻ em mồ côi và hỗ trợ 50 em khuyết tật và học sinh nghèo. Hiện tại có khoảng 20 em đang làm việc thường xuyên tại công ty và có thu ổn định.
13. Chị Lê Thị Thanh Thời – P.Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ; đại diện nhóm tác giả Mô hình đồ chơi “ cầu trượt của bé”
Mô hình "Cầu trượt của bé" là sản phẩm sáng tạo của 2 cô Đàm Thị Loan Hiệu trưởng và Nguyễn Thị Thanh Thời Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ; Mô hình đạt giải A hội thi “Đồ dùng dạy học tự làm” cấp Quận và giải B cấp thành phố . Ứng dụng của mô hình giúp cho trẻ phát triển tích cực về thể chất, phát triển tốt thể lực, rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin, khéo léo thông qua các kỹ năng leo lên xuống cầu thang, trượt, nhảy xuống độ cao 1,2 cm. Mô hình gọn nhẹ được đặt trong lớp không chiếm nhiều diện tích, khi không sử dựng có thể tháo lắp dễ dàng và gọn gàng. Đồ dùng đảm bảo tính an toàn cao, hiệu quả kinh tế.
14. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân – giảng viên khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Năm 2012, chị là một trong 3 nữ khoa học của Việt Nam đạt Giải thưởng khoa học L’Oreal – Unesco Vì sự tiến bộ của Phụ nữ khoa học cho đề án nghiên cứu “Nghiên cứu mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng sản xuất nhiên liệu sinh học”. Tính mới và sáng tạo của đề án này là phát triển mô hình nuôi tảo Chlorella vulgaris kết hợp xử lý nước thải và khí thải; đồng thời tận dụng nguồn sinh khối cho mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học. Mô hình có thể ứng dụng ở các trại chăn nuôi lớn; có khả năng ứng dụng rất cao tại các cơ sở chế biến thủy sản, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng và hiện nay đang gặp khó khăn ở khâu xử lý. Vi tảo thu hồi cũng có thể sản xuất Biogas và làm thức ăn gia súc.
15. Chị Nguyễn Thị Thu Tâm – Chủ cơ sở sản xuất hương “ TỊNH QUANG” P. Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Là một hộ nghèo, cả 2 vợ chồng chị đều không có việc làm ổn định thu nhập bấp bênh, năm 2004 chồng chị mất để lại cho chị gánh nặng gia đình đã khó khăn càng khó khăn chồng chất. Được Hội phụ nữ phường giúp vay vốn, sau nhiều lần trăn trở chị quyết định chọn nghề làm hương, và tự đi tiêu thụ sản phẩm; ban đầu đủ ăn, dần dần có tích lũy, phấn khởi chị càng học hỏi kinh nghiệm, đầu tư thêm máy móc nên hương của chị ngày càng chất lượng được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ trên cả nước với thương hiệu hương "Tịnh Quang". Hiện nay cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập từ 3 triệu/tháng đ trở lên.
16. Chị Nguyễn Thị Phi Anh – Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương Mại Thuận Phước
Là 1 Tổng Giám đốc, với tính cách năng động, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ dám làm trong kinh doanh, chị đã có nhiều phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao; chị đã từng bước cùng ban giám đốc đưa công ty vượt qua những khó khăn, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trên thương trường. Hiện các sản phẩm của công ty đã có mặt hầu hết trên thị trường quốc tế và trở thành sản phẩm thương hiệu có uy tín cao với người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ…. Ngoài ra, chị cùng với ban lãnh đạo công ty, công nhân viên tham gia tích cực các hoạt động xã hội từ thiện như: năm 2012 nhận phụng dưỡng 03 mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ các hộ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số tiền 122 triệu đồng.
17. Chị Trần Thị Hà – Chủ trang trại mô hình VAC, Thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang,
Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 12 năm tham gia làm chi hội trưởng phụ nữ chi hội Thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương chị luôn ý thức phải vượt lên chính mình, nỗ lực vươn lên làm giàu và giúp đỡ chị em trong chi hội thoát nghèo. Thực hiện mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng theo chủ trương của Nhà nước, chị đã chủ động học hỏi, tính toán cộng với sự kiên trì bền bỉ trong lao động, vay vốn phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất gia đình chị khai hoang. Hiện nay, trang trại của chị đã có 24 chuồng heo với hơn 100 heo thịt và 9 heo nái, 500 con gà, vịt; cơ sở sản xuất nấm linh chi, nấm sò; 4 ao nuôi cá với diện tích mặt nước là 12 sào và 12 ha rừng trồng cây keo. Chị đã tạo việc làm cho 7 lao động, với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
18. Chị Đặng Thị Tuyết Hồng – p. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ đại diện nhóm tác giả Mô hình “bộ đồ dùng rê bóng”
Mô hình "Bộ đồ dùng Rê bóng” là sản phẩm sáng tạo của 2 cô Nguyễn Hứa Kiều Hoa Hiệu trưởng và Đặng Thị Tuyết Hồng phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ. Mô hình đạt giải A Hội thi “Đồ dùng dạy học tự làm” bậc mầm non Quận Hải Châu năm 2011; đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI; giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI. Mô hình "Bộ đồ dùng Rê bóng” giúp trẻ phát triển khả năng định hướng trong không gian, phát triển tư duy sơ đồ, phát triển kỹ năng khéo léo của tay… ngoài chức năng để trẻ chơi, giáo biên có thể sử dụng để dạy toán, dạy chữ cái, gắn tranh kể chuyện, dạy vẽ, dạy viết…Ứng dụng của mô hình phục vụ thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ.
19. Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Phượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng
Từ năm 2005, với tâm huyết của một nhà giáo, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Phượng lập đề án thành lập Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng. trải qua bao vất vả đến 2008 trường hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đến nay qua 5 năm trưởng thành và phát triển chị Kim Phượng đã cùng với Ban giám hiệu nhà trường đưa thương hiệu trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đã trở thành địa chỉ đào tạo chất lượng không chỉ tại Đà Nẵng, khu vực miền trung tây nguyên mà còn trên phạm vi cả nước.
20. Vũ Thị Kim Liên – cơ sở trồng nấm và nuôi dế thương phẩm P.Thọ Quang, quận Sơn Trà,
Năm 2008 chị đã được Hội Phụ nữ phường giới thiệu vào lớp học nghề làm nấm và nuôi dế thương phẩm. Nhận thấy công việc phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao nên chị càng không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở Đà Nẵng và Tp HCM. Đến nay, chị đã xây dụng được 1 cơ sở trồng nấm và nuôi dế thành phẩm giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động, việc làm thời vụ cho 10-15 người chủ yếu là PN nghèo và bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn tận tình hướng dẫn cho 57 người về kỹ thuật trồng nấm, nuôi dế; đã có 15 chị đã tự mở được cơ sở làm nấm riêng tăng thu nhập cho gia đình. Chị đã được UBND Tp tặng bằng khen là điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
21. Chị Nguyễn Thị Ánh – Chủ cơ sở sản xuất Nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu,
Thương hiệu Nước Mắm Nam Ô đã trở thành một sản phẩm quen thuộc và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều tại thành phố Đà Nẵng bởi chất lượng và kinh nghiệm của người sản xuất được tích lũy qua nhiều thể hệ. Với quyết tâm giữ nghề và làm giàu trên chính quê hương của mình, chị Nguyễn Thị Ánh đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo trong chế biến sản phẩm. Hiện nay, với chất lượng và uy tín của Mắm Nam Ô, chị đã có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động và sản phẩm ngày càng đáp ứng cho người tiêu dùng trong khu vực.
22. Chị Nguyễn Thị Kim Minh – Giáo viên Trường THCS Trần Quý Cáp.
Chị là tác giả của đề tài ”Ứng dụng công nghệ thông tin để dạy lịch sử” đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc thứ XI và giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI. Ứng dựng của đề tài đã được sử dụng thưởng xuyên trong các tiết học lịch sử lớp 6 từ năm 2010 rất thành công, đã giúp học sinh tiếp thu bài nhanh, hứng thú với môn học và đã được tổ chuyên môn ghi nhận và áp dụng trong việc dạy học lịch sử trên toàn quận và thành phố.
23. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn – Chủ cơ sở giống cây xanh Tổ 5 Thôn La Bông, xã Hòa Tiến Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng
Xuất phát là một nông dân nghèo, với khát khao thoát khỏi cảnh túng thiếu; chị không ngừng tự tìm tòi, học hỏi cách thức làm kinh tế. Từ phong trào thi đua xây dựng “Mái nhà xanh” do Hội LHPN thành phố phát động và ý tưởng nơi nào có cơ sở hạ tầng là nơi đó có cây xanh, chị đã bắt đầu sự nghiệp từ những nhành cây cảnh đã được cắt tỉa mà người khác không dùng, mang về ươm lại thành sản phẩm để bán; chị mạnh dạn đề nghị Hội PN xã hỗ trợ vay vốn để phát triển cơ sở và giới thiệu tham gia các lớp tập huấn trồng hoa và cây cảnh để nâng cao kiến thức và tay nghề. Đến nay, chị đã có vườn ươm hơn 2.000m2 chuyên cung cấp giống các loại cây xanh cho công ty cây xanh thành phố và các gia đình có nhu cầu; cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 10 lao động nữ nghèo.
24. Chị Nguyễn Thị Thanh Hải – Chủ cơ sở điêu khắc Đá mỹ nghệ Quốc Hiệp Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn,
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, bắt đầu công việc kinh doanh bằng một kệ gỗ để trưng bày các mặt hàng đá khác nhau do chồng sản xuất. Chị nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu của du khách, giúp chồng thay đổi mẫu mã tạo thêm nhiều sản phẩm mới; từ đó công việc kinh doanh ngày cành thuận lợi; chị mở rộng cơ sở sản xuất, chủ động đầu tư thiết bị mới, tìm tòi sưu tầm nguyên liệu đá nhiều màu sắc từ các nước trên thế giới. Đến nay chị đã tạo dựng được cơ sở điêu khắcđá mỹ nghệ với 1 vườn tượng rộng 2000m2 thu hút được lượng khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm; đồng thời giải quyết việc làm cho 30 lao động, trong đó có 24 lao động nữ.
25. Chị Trần Thị Bình – đại diện Câu lạc bộ Tiểu thương chi hội 5 – Phường Tam Thuận – Quận Thanh Khê- TP Đà Nẵng
CLB Tiểu thương chi hội 5Phường Tam Thuận được thành lập từ 6/2005, có 50 thành viên tham gia với nhiều ngành nghề khác nhau như lò sản xuất chả bò, lò chả cá, cơ sở cửa sắt, cơ sở may vá, buôn bán đồ mỹ nghệ… Hoạt động nổi bật của CLB là thành lập mô hình tiết kiệm; số tiền chị em tham gia tiết kiệm lên đến 600 triệu đồng/năm, từ đó hỗ trợ nhau mở rộng sản xuất, tăng vốn kinh doanh. Sau 7 năm đi vào hoạt động CLB đã tạo việc làm tại chỗ cho 162 HVPN, đồng thờithường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế và sửa chữa nhà ở cho PN nghèo, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, công tác nhân đạo, tương thân tương ái trong cộng đồng với tổng số tiền làm từ thiện trên 800 triệu đồng…
26. Chị Đinh Thị Minh – Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Chị là chủ nhiệm đề tài "Mô hình dạy diện tích hình thang” cho môn toán lớp 5. Đề tài đạt giải A tại hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp quận năm 2011 và đạt giải Khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI. Ứng dụng đề tài đem lại lợi ích rất lớn cho giáo viên khi truyền thụ kiến thức cho học sinh, đảm bảo tính trực quan, tính chính xác khi dạy học. Phù hợp với tâm lý khám phá, tìm tòi của lứa tuổi tiểu học, giúp cho học sinh nắm được kiến thức một cách có hệ thống, nhớ nhanh sau khi nghe giảng.
27. Chị Đặng Thị Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thiện – Phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Là 1 người phụ nữ khuyết tật, nhưng có 1 bản lĩnh mạnh mẽ; với ý chí “Tuy mình tàn nhưng không phế”, chị đã vươn lên tạo dựng chính cuộc đời mình với bao nỗi nhọc nhằn đắng cay; cũng từ đó chị hiểu những người cùng cảnh ngộ hơn ai hết. Bằng sự nỗ lực của bản thân cuối cùng chị cũng đã thực hiện được ước mơ của mình thành lập công ty “Tâm Thiên” đào tạo nghề may và giải quyết việc làm cho người khuyết tật, nghèo và trẻ mồ côi. Từ chỗ chỉ có 1 vài chiếc máy may đến nay công ty đã có 25 máy may, 2 máy thêu, 1 máy in lụa. Số học viên khuyết tật, mồ côi học ở công ty của chị đã lên đến 72 người. Sau những ngày gian khó, hiện nay công ty của chị đã thường xuyên nhận được các hợp đồng may đồng phục cho các đơn vị, với 30.000 sản phẩm/năm tạo điều kiện tăng thu nhập cho nhân viên Công ty.
28. Chị Nguyễn Thị Hà – Chủ cơ sở sản xuất bánh in Hà Châu Phường An Khê, quận Thanh Khê ,
Từ một công nhân viên nhà nước do tinh giảm biên chế về làm nghể mua phế liệu; gia đình chị là hộ nghèo của địa phương. Trong khi đi mua phế liệu chị được người quen giới thiệu cho học nghề làm bánh in, cùng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị đã không ngừng học hỏi cải tiến chất lượng sản phẩm nên bánh của chị ngày càng chất lượng, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp; làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2009 chị được công nhận thoát nghèo; Hiện nay, chị đã là chủ cơ sở sản xuất bánh in Hà Châu, và tạo việc làm cho 6 lao động, tại địa phương.
29. Chị Hồ Thị Hoài Tâm – Giáo viên Trường Mầm non Bạch Dương.
Chị là chủ nhiệm đề tài "Bộ dụng cụ dạy phát triển vận động cho trẻ mầm non”. Đề tài đạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI và giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI. Bộ dụng cụ giúp cho giáo viên tổ chức dạy cho trẻ được nhiều vận động khác nhau; kích thích trẻ tham gia tích cực hoạt động và tăng khả năng hợp tác giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ. Bộ dụng cụ không chỉ phục vụ cho hoạt động thể chất mà còn phục vụ cho các hoạt động văn học, tạo hình. Hiện nay, Bộ dụng cụ đã được ứng dụng rộng rãi cho các trường mầm non trong quận Ngũ Hành Sơn.
30. Chị Trần Thị Thu Thủy – Giám đốc điều hành Công ty TNHH ẩm thực Trần
Khởi nghiệp từ ý tưởng nung nấu về tạo dựng một thương hiệuẩm thực đặc sản của thành phố Đà Nẵng; do đó từ 1 cửa hàng nhỏ chuyên về ẩm thực với món ăn “heo 2 đầu da”, chị đã mạnh dạn phát triển thành đặc sản “bánh tráng thịt heo 2 đầu da” nổi tiếng không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả nước biết tiếng; Sau 10 năm xây dựng và khẳng định thương hiệu ẩm thực TRẦN, với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” công ty mang lại cho khách hàng 1 dịch vụ hoàn hảo nhất;chị đã mở rộng quy mô hoạt độngvới 5 điểm quán trong thành phố có trên 200 cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, chị đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội với kinh phí 120 triệu đồng/năm. Riêng năm 2013 kinh phí chương trình thiện nguyện là 500 triệu đồng.
31. Chị Nguyễn Thị Em – chi hội trưởng đại diện Chi hội phụ nữ thôn La Bông – Xã Hòa Tiến- huyện Hòa Vang
Chi hội thôn La Bông trên 860 phụ nữ, đa sô chị em làm nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, sô phụ nữ nghèo còn cao; để giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh giảm nghèo và làm giàu chính đáng Chi hội chủ động đề xuất với các ban, ngành tổ chức 4 lớp tập huấn nghề làm nấm, trồng hoa, làm lúa giống cho 250 HVPN. Tín chấp cho chị em vay 1,3 tỷ đồng từ ngân hàng CSXH, vận động HV xây dựng Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo” được trên 140 triệu đồng. Bên cạnh đó Chi hội đã thành lập các mô hình như: Tổ sản xuất nấm giải quyết 10 lao động; bảo lãnh cho 1 cơ sở sản xuất nhựa nhỏ lẻ vay vốn để mở rộng sản xuất nay đã phát triển thành doanh nghiệp giải quyết được 40 lao động tại địa phương; hỗ trợ mô hình trồng hoa và cây xanh phát triển giải quyết được 10 lao động … Từ các mô hình làm kinh tế trên Chi hội đã tạo công ăn việc làm cho 63 HVPN, đã giúp nhiều chị em chuyển đồi ngành nghề, có thêm thu nhập khi nông nhàn thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Chi hội đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng của Hội.
32. Chị Nguyễn Thị Phước – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Phước, quận Hải Châu,
Chị Nguyễn Thị Phước là chủ doanh nghiệp sản xuất nhang với quy mô sản xuất lớn. Cơ sở của chị sản xuất hơn 40 loại nhang khác nhau, cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, công ty của chị đã tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động, trong đó có 23 lao động nữ nghèo, khó khăn, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc kinh doanh, chị luôn quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho công nhân lao động tại công ty, hỗ trợ cho những chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cho người lao động, khuyến khích động viên chị em vươn lên… Riêng năm 2013 chị đã hỗ trợ cho địa phương 64 triệu đồng để tặng quà, giúp đỡ hộ nghèo …
33. Chị Nguyễn Thị Tường Oanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ “ Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ” Phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ,
Ban đầu từ 1 người nhận gia công giày cho công ty giày Riker của Đức đóng tại khu công nghiệp Điện Quang để tạo thu nhập cho gia đình; khi phường thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, nhiều chị em lớn tuổi thất nghiệp khó có cơ hội tìm việc làm mới, kinh tế khó khăn. Chị mạnh dạn ký hợp đồng với công ty nhận thêm nhiều hàng về làm; tập hợp chị em lại, hướng dẫn chị em học nghề; ban đầu do lớn tuổi học chậm thu nhập thấp nên chị em nản chí; chị không ngừng động viên và tận tình hướng dẫn, đến nay thu nhập của chị em có người đạt 5 triệu /tháng. Chị đã giúp được 60 chị có việc làm ổn định trong đó có 15 chị thuộc hộ đặc biệt nghèo, nghèo, hộ đơn thân, hiện nay 12 chị đã được công nhận thoát nghèo.
34. Chị Trịnh Thị Hồng – Chi hội trưởng đại diện Chi hội phụ nữ Hòa Phú 5 – Phường Hòa Minh – Q. Liên Chiểu
Chi hội phụ nữ Hòa Phú 5 thuộc khu tái định cư là Chi hội có 327 HVPN thì có 144 HVPN đơn thân, nghèo. Từ thực trạng đó, Chi hội đã chủ động xây dựng nhiều mô hình hoạt động nhằm hỗ trợ chị em giúp nhau phát triển kinh tế như: Tổ ''Góp vốn tình thương'' với số tiền huy động trên 1 tỷ đồng hỗ trợ chị em vốn làm ăn, “Tổ tiết kiệm 2T thu được trên 855 triệu đồng trao tặng sinh kế và học bổng cho PN nghèo”, “Bé nuôi heo đất trong 2 năm 2011 – 2012 các em tiết kiệm được gần 55 triệu đồng để mua dồ dùng học tập cho bản thân và 1 số bạn nghèo trong khu vực”,… Đặc biệt, Chi hội đã thành lập được Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo” với 100% HVPN tham gia, số tiền huy động được 235.500.000đ được thành phố đối ứng 148.500.000đ chi hội đã giải ngân cho 60 hộ vay để phát triển kinh tế. Từ các mô hình trên, Chi hội đã hỗ trợ vốn cho chị, em nghèo, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Riêng trong năm 2013, Chi hội đã giúp 7 HVPN thoát nghèo.
35. Chị Ngô Thị Hồng – chủ cơ sở chế biến, tận dụng vải đầu khúc Thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang,
Sau khi về hưu, chị quyết định thành lập 1 cơ sở chế biến vải đầu khúc với mục đích tạo thêm thu nhập cho gia đình; Ban đầu chị chịu khó tìm hiểu, liên hệ mua lại các loại vải vụn, vải đầu khúc… của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về tái chế may lại thành các sản phẩm như tấm lau nhà, thảm để sàn, thảm chùi chân…cung cấp cho thị trường; Qua 1 thời gian làm việc thấy hiệu quả, với lợi nhuận ban đầu, chị đã mở rộng cơ sở sản xuất, và vận động chị em trong thôn chưa có việc làm hoặc trong thời gian nông nhàn tham gia vào cơ sở của chị để tạo thêm thu nhập. Đến nay cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 30 chị.
36. Chị Hồ Thị Phụng – Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Bảo Ngọc phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu,
Từ 1 người phải làm rất nhiều việc khác nhau để kiếm sống như bán bánh bèo, bán sữa, bán cháo… năm 1994 chị được nhận vào làm việc trong 1 nhóm trẻ gia đình với nhiệm vụ chăm sóc các cháu; với tinh thần yêu nghề mến trẻ, ban ngày đi làm, ban đêm chị đăng ký đi học lớp sư phạm 12 + 2 để tự nâng cao kiến thức và nghiệp vụ với mơ ước sẽ mở được 1 cơ sở nuôi dạy trẻ riêng.
Khởi đầu từ 1 lớp trẻ 20 cháu ở 1 ngôi nhà cấp 4 đi thuê, vươn lên từ những khó khăn, đến nay chị Phụng đã là Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Bảo Ngọc với 2 cơ sở khang trang, tiện nghi, phục vụ tốt cho nhu cầu dạy và học của cô và trò. Trường có trên 300 cháu đang theo học; 1 đội ngũ 30 giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp. Trong nhiều năm qua chất lượng dạy và học của trường luôn được phòng Giáo dục và đào tạo Q.Hải Châu ghi nhận và đánh giá cao.
37. Chị Phạm Thị Lệ Thu – Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm kính Nam Ân
Năm 1996, bắt đầu kinh doanh với tên gọi Doanh nghiệp tư nhân – thương mại – dịch vụ Nam Ân; năm 2012 mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn đang phải đương đầu với nhiều trở ngại để trụ vững; nhưng từ những kinh nghiệm được đúc kết trong nhiều năm, nhận thấy cơ hội từ thị trường, chị đã mạnh dạn quyết định thành lập Công ty cổ phần nhôm kính nam Ân và đầu tư nhà máy mới với dây chuyền sản xuất cửa nhôm cao cấp và dây truyền sơn tĩnh điện với những thiết bị hiện đại nhập ngoại tạo ra sản phẩm mới, có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện tại, công ty của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và việc làm thời vụ cho 20-30 lao động, với thu nhập từ 2,6 -10 triệu đồng/tháng.
38. Chị Cao Thị Thủy – giáo viên Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Là giáo viên dạy Mĩ thuật tiểu học kiêm dạy nghề thủ công ở một trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, chị luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong công việc; chị đã tự tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm"Hạt giấy" làm đồ trang sức, lưu niệm hoặc các sản phẩm thủ công gia dụng tinh sảo …vừa lạ mắt vừa phù hợp nhu cầu thị hiếu của xã hội; hiệu quả của sản phẩm “Hạt giấy” ở chỗ nguyên liệu sản xuất là các loại giấy đã qua sử dụng tái chế lại nên giá thành rất hợp lý . Việc đưa sản phẩm này áp dụng trong quá trình dạy học cho học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ đã giúp học sinh tập trung chú ý, rèn luyện kỹ năng vận động, kỹ năng phối hợp và tạo ra sản phẩm có ích. Các sản phẩm của chị đã đạt Giải A Hội thi sáng tạo đồ dùng cấp trường năm học 2010 – 2011 và giải Nhì bức tranh ghép hạt giấy "Em yêu Hạ Long" tại Cuộc thi sáng tạo Ngày Hội học sinh tiểu học TP năm 2012.
39. Chị Vũ Thị Mùi – Chủ nhiệm HTX sản xuất giồng và nuôi trồng nấm An Hải Đông
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, đồng thời với suy nghĩ nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ mang tính cá thể sẽ thu nhập không cao và đầu ra của sản phẩm khó tiêu thụ; chị vận động chị em đóng góp vốn đề thành lập HTX, năm 2003 HTX ra đời đi vào hoạt động với số vốn ban đầu 50 triệu đồng. Vượt qua những thách thức của buổi đầu khởi nghiệp, với vai trò là chủ nhiệm chị đã cùng Ban quản trị HTX vạch ra các phương án để xây dựng HTX ngày 1 vững vàng hơn. Hiện nay HTX của chị có 32 xã viên; bình quân mỗi năm HTX sản xuất từ 8 – 12 tấn giống các loại ( nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi, bào ngư) cung cấp trong thành phố và Quảng Ngãi, Thừa thiên – Huế, Quảng Trị. HTX của chị ngoài việc cung cấp giống; còn bao tiêu nấm thành phẩm cho các hộ gia đình, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 3000kg nấm các loại và đặc biệtnăm 2011 HTX của chị đã nghiên cứu và sản xuất thành công rượu Linh chi và trà linh chi; sản phẩm trà linh chi rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
40. Chị Trần Thị Lộc – Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Giải quyết việc làm” Chi hội phụ nữ 9C phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Khi công ty giải thể, chị và chồng đều thất nghiệp; gia đình trở thành hộ nghèo của phường. Năm 1998 nhân công ty lưới Sadavi của Nhật thành lập chị mạnh dạn vào công ty xin học nghề và nhận hàng về làm gia công; nhận thấy trong khu dân cư mình sống có nhiều chị em lao động phổ thông thu nhập bấp bênh; chị đã vận động được 10 chị em thành lập một tổ chị trực tiếp làm nhóm trưởng hướng dẫn nghề lại cho chị em và nhận hàng về cho chị em làm, thu nhập của chị em tăng dần từ 3 – 5 triệu /tháng. Để giúp tổ hoạt động có hiệu quả hơn, chị đã chủ động đề xuất với Hội LHPN phường thành lập CLB “Giải quyết việc làm” mà chị là chủ nhiệm, đến nay CLB đã giải quyết được việc làm cho 25 thành viên, đồng thời kiến nghị với công ty mua bảo hiểm y tế cho chị em để động viên chị em tiếp tục gắn bó với nghề.
Hội LHPN thành phố Đà Nẵng