Thời gian qua, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác lẫn tinh thần cho học sinh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh đối với việc đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan phối hợp trường học tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho học sinh về vấn đề này.
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) nhiều quận trên địa bàn thành phố phối hợp các trường TH, THCS tổ chức chương trình truyền thông đến học sinh về vấn đề phòng chống bạo lực học đường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với người dưới 18 tuổi, phòng chống xâm hại trẻ em,…
Năm học 2023-2024, Hội LHPN quận Thanh Khê tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, chương trình tham vấn tâm lý học đường dành cho đối tượng học sinh THCS. Đồng thời, thành lập “Góc tham vấn tâm lý học đường” tại trường học để thầy cô giáo có thể trị liệu, hỗ trợ tâm lý cho trẻ khi gặp những cảm xúc tiêu cực liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Bà Đỗ Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội LHPN Quận Thanh Khê cho biết, vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em luôn là nội dung được các cấp Hội quan tâm. Bên cạnh những hoạt động tuyên tuyền tại trường học, Hội LHPN quận thực hiện xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, củng cố địa chỉ tin cậy,…
Thời gian đến, Hội tiếp tục công tác tuyên truyền, tổ chức chương trình tham vấn tâm lý học đường. Đồng thời, củng cố, duy trì các mô hình đã thành lập trên địa bàn quận.
Hội LHPN quận Thanh Khê tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh tại 10 trường THCS trên địa bàn quận
Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường, cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng trường TH Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, bạo lực học đường thường bắt nguồn từ những xô xát rất nhỏ nhưng sau đó trở nên nghiêm trọng. Hiện nay, bạo lực học đường không hạn chế ở nam giới mà còn bao gồm cả nữ giới, không chỉ xuất hiện giữa học sinh và học sinh, mà còn gắn liền với các tình huống bạo lực giữa học sinh và giáo viên.
Xác định nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em là vấn đề quan trọng, hằng năm, trường TH Huỳnh Ngọc Huệ phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền: Giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5, Chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường”,… cho học sinh toàn trường.
“Để ngăn chặn bạo lực học đường, cải thiện chương trình giáo dục là bước quan trọng. Nhà trường lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống vào chương trình học giúp học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, hình thành thái độ tích cực và tạo nền tảng cho việc ngăn chặn bạo lực.
Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động rèn luyện và thi đua cũng như các chương trình trải nghiệm là cách làm hiệu quả để hỗ trợ học sinh tham gia và phát triển tính thiện”, cô Hương chia sẻ.
Học sinh mạnh dạn chia sẻ, đặt câu hỏi cho thầy giáo về những thắc mắc của bản thân liên quan đến phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em
Thời gian qua, trường TH Huỳnh Ngọc Huệ phối hợp Công an phường Hòa Khê, Công an quận Thanh Khê tổ chức tọa đàm, truyền đạt kiến thức về bạo lực học đường để các em hiểu và biết cách phòng tránh.
Cùng với đó, tạo môi trường học tập tích cực, vui vẻ, giúp học sinh phát triển toàn diện; chú trọng hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để thực hiện tốt hơn việc dạy học và giáo dục.
Theo cô Hương, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực học đường và giúp các em nâng cao hiểu biết để bảo vệ bản thân. Đặc biệt, việc giáo viên can thiệp kịp thời đối với các yếu tố tiêu cực trong và ngoài trường học cũng là điểm đáng lưu ý.
Gần đây nhất, trường TH Huỳnh Ngọc Huệ tổ chức buổi tập huấn chủ đề Nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm học 2023-2024. Tại buổi tập huấn, học sinh được lắng nghe chia sẻ về những dấu hiệu có nguy cơ bị xâm hại, được hướng dẫn các cách xử lí tình huống và cách bảo vệ bản thân khi bị xâm hại,…
Học sinh tham gia xử lý tình huống tại buổi tập huấn
Em Trần Ngọc Vy Anh – học sinh lớp 3/2 trường TH Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, buổi tập huấn rất bổ ích đối với các bạn học sinh. Đồng thời bày tỏ rất thích thú với những tình huống giả định được thầy giáo đưa ra để học sinh có thể nêu ý kiến, tìm kiếm cách xử lí khi không may bị người lạ lợi dụng, xâm hại.
Chia sẻ về những kiến thức nhận được thông qua buổi tập huấn, em Trần Ngọc Liên Hoa – học sinh lớp 5/2 cho rằng, buổi tập huấn đã giúp các bạn học sinh, đặc biệt là học sinh nữ biết về những trường hợp nguy hiểm mà bản thân có thể bị xâm hại.
“Chúng em được hướng dẫn quy tắc “5 ngón tay 4 vòng tròn”, điều này giúp em xác định được người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó em có thể biết cách bảo vệ bản thân, từ chối tiếp xúc những mối quan hệ nguy hiểm, tránh nguy cơ bị lạm dụng hoặc bị xâm hại”, Liên Hoa nói.
Học sinh được trang bị các kĩ năng cần thiết phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em từ những buổi học ngoại khóa
Trước thực trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận, việc giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh là vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhà trường thì sự quan tâm, giáo dục đến từ gia đình chính là nền tảng vững chắc để các em có thể bảo vệ bản thân, hạn chế xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố