Ngự trên chiếc ngai, chị nhìn về phía trước. Nơi ấy đồng lúa, bãi mía, triền ngô xanh mướt dưới nắng. Khói lò đường un tỏa, mùi mật thơm ngọt. Nơi ấy là Ái Mỹ, mảnh đất cho chị làn da mịn màng, dáng vẻ thanh thoát.
Cha chị là thợ nấu đường giỏi nhất vùng. Dù nghèo ông vẫn theo học chữ Hán, chữ quốc ngữ để… làm vốn! Ông được dân làng bầu làm lí trưởng rồi bị quan huyện cách chức vì “keo kiệt”! Trả triện, ông trở về với ruộng vườn, nấu đường thuê. Ngày rảnh ông giúp vợ gánh đường ra chợ bán, chẳng ngượng vì đã từng “nhất hương vi trưởng”. Ông cho con đi học trường Tổng. Khi cách mạng bùng lên, chị và anh Hai cùng trai gái làng rầm rập “nào ta đi hùng binh”, vận động hũ gạo tiết kiệm, cứu đói đồng bào miền Bắc… “Vốn” chữ được cha con chị “đầu tư” vào lớp bình dân học vụ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, từ Đà Nẵng giặc Pháp mở rộng chiếm đóng. Nhà chị tản cư về Việt An. Ra đi chỉ áo quần và nồi niêu, mâm đồng chậu thau đã đóng “Tuần lễ đồng”. Chị dâu chị cởi đôi hoa tai ngày cưới góp “Tuần lễ vàng” để mua vũ khí chống quân xâm lược. Rồi chị và anh trai được lệnh trở về hoạt động. Mẹ khóc: bỏ nhà cửa, ruộng vườn nay lại xa con… Cha chị thì bảo đi là phải! Nước mất thì nhà tan.
Theo tiếng gọi đất nước, chị không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn với mẹ. Bà điên loạn vì một trận bom của Pháp rồi chết dưới một giếng nhỏ giữa đồng. Chị dâu bị sốt rét ngày hai cơn, da xám ngoét, mắt vàng, tóc rụng dần. Phải sống dựa vào bố chồng, một người hết sức thương con dâu nhưng tuổi đời đã bảy mươi. Chị xin cha chồng tạm về với cha mẹ đẻ đã hồi cư trong vùng tạm chiếm để chữa bệnh và có cơ hội giúp anh em chị hoạt động.
Chị lao vào công việc: vận động dân hồi cư làm cơ sở cách mạng, xây dựng Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Mẹ chiến sỹ, hũ gạo kháng chiến; vận động chị em mua thuốc tây, gạo, vải cho kháng chiến, xây dựng đời sống mới: ăn sạch, ở sạch, uống sạch…
Năm 1948, chị gặp anh, là cán bộ cách mạng. Mẹ anh cũng tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Anh Ngọc, anh trai anh là Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Anh Ngọc rút vào hoạt động bí mật. Chị về địa phương, trụ bám trong lòng dân đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ. Đang họp chi bộ, chị thấy anh về. Anh tìm chị để báo cáo chi bộ cho chị đi tập kết cùng anh. Vốn điềm đạm, ít nói nhưng giờ đây anh cầm tay chị: từ liên khu anh đi một mạch về đây, không kể ngày đêm. Vợ chồng mình lấy nhau 6 năm nhưng chẳng mấy ngày gần nhau. Cùng tập kết mình sẽ có dịp chăm sóc nhau… Chị thương anh vô cùng nhưng không muốn bỏ nhiệm vụ, lại càng không thể bỏ mẹ chồng. Anh Ngọc hoạt động bí mật, còn ai bên mẹ sớm tối? Anh im lặng. Biết sao được, tạm thời xa cách là tình cảnh của cả nước. Cả hai không dám nhìn vào mắt nhau. Anh chớp mắt. Mắt chị cũng cay xè. Anh ôm chặt chị, hôn lên má. Chị chỉ biết vâng dạ trước những dặn dò, ngẩn ngơ theo bước chân ngập ngừng của anh. Mỗi lần anh quay lại chị phải nuốt nước mắt, không để anh và các đồng chí trong chi bộ thấy.
Địch tiếp quản đến đâu lùng sục cán bộ kháng chiến đến đó. Đã xảy ra cuộc khủng bố đẫm máu ở Hà Lam, chợ Được. Anh Đàm Kỉnh, anh Nguyễn Ngô bị chúng bỏ vào bao tải ném xuống sông Vu Gia; anh Trương Minh, Trương Can và hàng loạt cán bộ xã Đại Hòa bị chúng thủ tiêu … Đình Không Chái trước là cơ quan huyện lúc này trở thành nơi tố cộng. Chúng bỏ người vào bao tải cột chặt miệng, thẳng tay đánh, ai có người thân theo cách mạng thì học “chỉnh huấn”, o ép vợ cán bộ tập kết, bắt ly khai. Chị sống hợp pháp tại làng mà như “cá rô mắc cạn”.
Rồi điều lo lắng đã đến. Một cán bộ huyện đầu hàng đã khai danh sách cán bộ nằm vùng rồi một cơ sở không chịu nổi đòn tra khảo đã khai chị giao tài liệu đấu tranh đòi hiệp thương. Đầu tháng 10/1954, anh chị bị bắt đưa về Nha Công an quận Đại Lộc. Cuối tháng 10 đến lượt chị, giam tại Nha Lộc Mỹ. Chúng hỏi dự định làm gì? Khủng bố chị bằng đòn tra tấn anh Lời (một Đảng viên), chúng lấy bông tẩm dầu quấn mười đầu ngón tay anh, châm lửa đốt, thịt cháy xèo xèo khét lẹt. Món “khai vị” chúng dành cho chị là ngũ trảo. Mỗi lần đũa tre siết lại, mười ngón tay chị như bị cắt từng đoạn, buốt tận tim gan. Ngón tay chị sưng tròn như củ khoai từ, không nắm được vẫn bị chúng cắm kim vào đầu ngón, dùng bông tẩm dầu quấn vào đuôi kim để đốt. Mồ hôi toát ra đầm đìa, chị ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong buồng giam, chị em tù đang chăm sóc. Hôm sau, chúng dùng roi gân bò quật từ đầu đến chân, đè ngửa chị, cậy răng đổ nước xà phòng rồi đứng lên bụng dẫm. Máu mũi, máu miệng chị trào ra theo nước xà phòng. Chị lại ngất đi.
Chúng giải chị về quận Đại Lộc. Chí, tên ác ôn khét tiếng cười khẩy: “Tưởng bằng cái ghè hóa ra con mèo ướt”. Chị nhìn đôi mắt đỏ ngầu của hắn: “Tôi tham gia chống Pháp như mọi người. Hết kháng chiến tôi về nhà làm ăn”.Hắn nhảy xổ vào chị như mèo vồ chuột, hai bàn tay hộ pháp tới tấp vả vào mặt chị, đấm vào ngực vào bụng, đá vào lưng vào đầu chị. Chị đang có kinh, máu trong người chảy ra bê bết, loang lổ cả nền nhà. Hắn ghì đầu chị, lấy tóc làm dẻ lau máu. Chị chẳng còn nghe hắn nói gì, chẳng biết hắn đánh vào đâu, cả người tê dại, đầu ong ong. Chị thấy mình rơi từ trên cao xuống, người nhẹ hẩng, ngộp thở và lịm dần. Chị thấy chồng. Anh từ miền Bắc về. Hai người ngồi bên bờ suối. Nước trong vắt, róc rách chảy. Anh nắm tay chị nói về hòa bình, về ngày cả nhà sum họp và cả mơ ước có cháu để bà bồng ẵm. Anh rủ chị xuống tắm. Chị ngập ngừng, anh vốc nước té vào người… Chị mở mắt. Cảm giác êm dịu tan biến. Hóa ra chúng dội nước cho chị tỉnh. Đầu tóc, quần áo bết máu và nước. Thằng Chí vẫn ngồi đó, trên bàn thêm hai khúc củi bằng cổ tay. Hắn gằn giọng: “Khai không? Muốn chết thì tao cho chết”. Tất nhiên chị không muốn chết, nhưng chẳng vì muốn sống mà khai báo. Hai khúc củi thi nhau giáng xuống. Hắn đánh chị như đánh trống trận. Ban đầu còn nghe tiếng “bịch, bịch” sau xa dần rồi mất hút. Chị lại bất tỉnh.
Khi tỉnh lại chị thấy mình nằm ở buồng giam. Có tiếng reo “Chị Dục tỉnh rồi…”. Chị cựa mình nhưng chân tay không còn gân cốt, người sưng híp, mềm nhủn như quả dưa chín rệu. Muốn mở miệng xin tí nước nhưng tiếng kêu không thoát khỏi đôi môi sưng vều như hai múi bưởi. Chị em lấy muối thoa, cho uống nước tiểu. Rát bỏng nhưng chị không kêu rên. Chị nghĩ đến cha, có hai đứa con thì cả hai trong lao tù. Nhưng cha chịu đựng được. Cha thường nói “ai cũng một lần chết, có chết thì chết vinh, đừng chết nhục”. Chị nghĩ đến chồng, phải sống, để giấc mơ ấy thành sự thật.
Tên Chí lại lôi chị lên, bắt nằm trên bàn, cột chân tay, dùng hai thanh tre cật gõ từ đầu đến chân như đánh đàn. Mỗi nhát gõ là chị giật thót người, đòn đánh không mạnh nhưng nhói tận tim gan. Vừa đánh nó vừa hỏi đi hỏi lại những câu cũ rích. Không thể chịu lép một bề. Phải tấn công lại. Nhìn vào mắt hắn chị hỏi: “Nếu tôi khai chính ông liên lạc với tôi ông có chịu không?”. Hắn nhảy xổ vào chị, đấm đá túi bụi: “Mả cha mày! Liên lạc với mày này!…”. Tay đánh, miệng chửi đến khi mệt nhoài, hắn ra lệnh lính đè chị xuống, trói tay chân, đổ nước xà phòng vào miệng, vào mũi. Chị càng nôn oẹ, chúng càng đổ, cho đến khi không thở được nữa. Hết đi tàu thủy, chúng cho đi tàu bay. Cột hai tay hai chân chị treo lên, hai thằng đứng hai bên thẳng tay đấm vào chị như đánh quyền Anh. Cuối cùng tên Chí dành cho chị đòn móc họng. Hắn dồn toàn lực vào bàn tay, nghiến răng bấm mạnh vào họng chị vừa kéo về phía trước vừa nâng lên buộc chị phải rướn theo. Bất thình lình hắn đẩy chị về phía sau, đầu đập vào tường đánh “bốp”. Mắt nảy đom đóm, tay chân bủn rủn, chị đổ xuống như tàu lá héo. Hắn đá tới tấp, dẫm đạp lên đầu, lên ngực, chị lại mê đi. “Các ông đánh đập, truy bức đủ điều chỉ vì tôi tham gia kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho dân tộc. Các ông phải trả tự do cho tôi. Đó là hợp tình hợp lý, đúng Hiệp định Giơnevơ” chị nói khi tỉnh lại.
Chúng kết cung, chuyển chị về Hội An. Những người kháng chiến đã qua nhà lao cấp quận, bị quy kết “ngoan cố” đều bị đưa về đây. Lớp dưới, lớp trên, kẻ nằm, người ngồi, kêu rên, nguyền rủa không lúc nào dứt.
Chúng nhốt chị vào xà-lim số 1, xà-lim dành cho kẻ trọng tội. Là nhà xí sửa lại nên mỗi bề 8 tấc, cao 2 mét, có lỗ thông hơi ở chân tường. Tường loang lổ máu, đen kịt. Khi cánh cửa sắt đóng lại, trong phòng nhờ nhờ tối.
Cùng đến với chị có Ngọc Anh. Cô đã công tác với chị suốt thời kì kháng chiến. Lúc ấy Ngọc Anh thon thả, duyên dáng, là ước mơ của bao chàng trai. Bây giờ làn da trắng mịn đã xám xịt, sần sùi, tím bầm, mái tóc óng mượt ngả màu vàng úa. Chỉ đôi mắt vẫn dịu dàng, tình cảm.
Những tháng hè, hơi nóng từ bốn bức tường phả ra ngột ngạt. Chị và Ngọc Anh chẳng màng đến áo quần mà chỉ thèm một quãng trời, một luồng gió. Thèm ngắm đồng lúa, dòng sông Vu Gia trong vắt, quanh năm chảy về xuôi. Thèm gặp bà con làng xóm. Nhiều đêm không ngủ chị lại mơ thấy ánh trăng trước sân nhà, in rõ bóng anh…
Cửa xà lim chỉ mở vào giờ vệ sinh hay phát cơm. Cơm nguội, muối sống, nước lạnh. Đói nhưng chị và Ngọc Anh không dám ăn, mặt có chút máu là lập tức chúng gọi lên tỉnh đường tra hỏi. Mỗi lần hỏi cung có hai tên to khỏe chuyên ra đòn. Hỏi, không trả lời: đánh; trả lời không theo ý muốn của chúng: đánh. Là cấp tỉnh, cách giết người cũng hiện đại hơn. Mỗi bàn hỏi cung đều có dụng cụ tra điện. Đó là thứ chúng ưa dùng nhất, đỡ vất vả hơn và người bị tra tấn đau đớn nhiều hơn. Mỗi lần bị tra điện về miệng chị khô khốc, cổ đắng nghét, ước có cả vò nước uống cũng hết, chân tay rụng rời, nằm mê suốt ngày. Vết roi điện lằn dọc, lằn ngang, cháy sém da, bầm tím cả người. Đêm nằm co quắp, ngày ngồi một chỗ, ăn uống kham khổ, tay chân chị phù lên, véo không còn biết đau rồi không cử động được nữa. Mọi sinh hoạt Ngọc Anh phải giúp, từ xoa bóp đến cõng đi vệ sinh.
Đời mình chỉ đến đây? Chị nhớ mẹ, nhớ cha và tự nhủ: không được chết. Chị cố nuốt thêm miếng cơm. Phải đòi mở cửa, đòi thuốc chữa trị.
Bọn cai ngục nhượng bộ, cửa xà lim được mở cả ngày để lấy nước, tắm giặt nhưng vẫn bắt chị “tố cộng”. Ngọc Anh dìu tới nơi chị ngã khuỵu bất tỉnh. Mọi người kêu la, chúng phải chuyển chị sang nhà thương.
Ở nhà thương bọn mật vụ vẫn không rời mắt. Cứ vài hôm lại phải dìu nhau đến phòng hỏi cung để chúng “khai thác”. May sao chị gặp Liễu, nhân viên văn phòng Phụ nữ Huyện hồi kháng chiến. Sau Hiệp định Giơnevơ, một tên công an ép Liễu làm vợ và xếp cho Liễu làm y tá. Dựa vào quyết định của bác sĩ, Liễu giữ chị lại, bí mật tiếp thức ăn và thuốc thang.
Chúng đưa chị về trại giam ban đầu. Có miếng bánh, quả chuối ngoài tiếp tế vào chị em đều dành cho. Chị bày chị em hát, học đan, thêu, đánh cờ tướng, kinh nghiệm đối phó. Bọn chúng đánh hơi thấy, nhốt nàng vào xà lim 10. Trước mặt xà lim là mương nước, lềnh bềnh phân từ nhà vệ sinh chung đổ ra, thối nồng nặc. Chỉ quơ tay là bắt được ruồi nhặng. Chúng sà vào cơm, thức ăn, cả mồm, mắt. Bệnh chị tái phát, ban đầu còn gắng gượng đi lại sau chỉ ngồi một chỗ. Mọi việc phải dựa vào chị em, những bộ xương xanh xao, vàng võ. Nhiều lúc nhìn chị họ khóc. Chị biết mình đang kề bên cái chết.
Rồi chị được trả tự do với thân thể chưa đầy 30 ký, hai chân liệt hoàn toàn. Anh Hai và một người bà con mang thúng đựng lúa ra bến xe khênh chị về.Cha chị ra tận ngõ, miệng cười nhưng nước mắt rưng rưng. Lần đầu tiên chị thấy cha khóc. Cha vuốt tóc chị. Chị dâu nấu nước gội đầu cho chị.
Tối hôm đó, sau 3 năm nằm trên sàn xi măng xà lim, chị được nằm trên chõng tre. Chị cảm giác như nằm trong vòng tay mẹ, mơ màng có tiếng ru hời. Đâu đó tiếng dế gáy, âm thanh lâu lắm chị mới được nghe thấy. Chị thức giấc khi mặt trời đã lên cao. Sắp đến Tết nhưng làng xóm im lìm. Các cuộc bắt bớ tra khảo làm không khí nặng nề. Không để chúng giết âm thầm, cha chị tương kế tựu kế, “xin phép” bọn Hội đồng hương chính rào vườn, không cho con cái ra khỏi nhà ban đêm! Sau lớp công sự bằng tre lạt, cả nhà chuẩn bị dao phay, rựa, dao lỡ… với quy ước nếu bọn ác ôn lẻn vào nhà sẽ được đối xử như kẻ trộm. Nếu phá cửa xông vào được coi như kẻ cướp. Thà chết chứ không để chúng trói tay đem giết.
Cha chị cho thuê bớt mấy sào đất lấy tiền thuốc thang chạy chữa. Chị vịn cột, vịn giường nhúc nhắc tập đi, quyết lấy lại đôi chân của mình.
Chị đi học may ở Điện Bàn. Tại đây chị bắt được liên lạc với Đảng. Huyện Ủy đồng ý cho chị thoát ly. Chị bàn với anh Hai, giả đi buôn rồi đến Khe Tre, nằm giữa Đại Hồng và Đại Phong. Nơi đây địch đã giết 10 cán bộ Đại Hồng, anh linh đồng chí sẽ che chở cho chị. Ý nghĩ đó cho chị vững bước.
Mưa tầm tã, trời đen như mực. Co mình trong tấm nylon, chị căng đôi mắt cộm rát vì nước mưa chờ đợi tín hiệu và nghĩ đến mẹ chồng, nhà cách đây chỉ vài cây số. Dù không xa, nhưng do hai xã khác nhau nên chị không được đi lại. Từ ngày chị ra tù, mẹ con chỉ gặp nhau một lần. Mẹ khóc, thương con dâu nhưng chẳng có gì cho. Chị khóc, mẹ đã bị chúng tra đủ tội: con đứa là cán bộ Huyện, đứa tập kết, đứa nằm vùng, tiếp tế lương thực, ủy lạo binh sĩ, nhà cho cách mạng làm trụ sở… Con chẳng đỡ đần mẹ chút gì. Mẹ lau nước mắt, lấy trong lai quần lá thư chồng chị từ miền Bắc gửi về đã hai năm. Hai trang giấy pơ-luya đã ngả sang màu vàng chi chít chữ.
Chị dành dụm, mua len đan cho mẹ cái áo ấm. Ra đi lần này chị không dám đến từ giã mẹ, cũng không viết thư để lại hoặc nhắn qua người quen, chỉ gửi cái áo. Chắc chắn khi biết chị đã đi mẹ chỉ lo mà không trách.
Có tiếng sột soạt, chị vội nắm chặt đuôi dao thủ thế: địch lùng sục hay thú rừng? Từ nhà chị đã tính, nếu bất ngờ địch ập đến, không kịp thoát thân thì con đường của chị là mạng đổi mạng. Nơi đây các đồng chí Đại Hồng đã bị địch bắn chết trong tư thế hai tay bị trói chặt. Còn chị đang hoàn toàn tự do, chị không thể chết dễ dàng.
Chị dán mắt, hướng tai về phía sông. Dưới ánh chớp giăng, chỉ thấy cây rừng và tiếng ồ ồ của nước sông Vu Gia đang đổ mạnh về xuôi. Nước lớn anh em không sang được hay trên đường gặp trắc trở? Nếu có gì thì đã nghe tiếng súng. Chị nghĩ miên man, tìm lý lẽ tự giải thích cho mình…Gà gáy lần thứ nhất rồi lần thứ ba. Không thể chờ nữa, lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng chị đi một mạch về nhà mẹ chồng. Mẹ đang bên bếp lửa. Mẹ không ngủ được, căn nhà nhỏ thành quá rộng. Mấy hôm sau chị mới được biết, trên đường đi gặp chị, anh Điểu đã hi sinh vì địch phục kích ở chân núi.
Mấy tháng sau chị mới lên cứ được. Vì dẫm các ổ phân trâu, chân chị sưng và nhiễm trùng. Y tá phải cắt bỏ móng chân, quấn băng, thay thuốc hằng ngày. Chị ở lại trại chăn nuôi với mấy con heo, mấy chục con gà để anh em đi công tác.
Chị nhận được thư anh Hai, anh kể lúc mới về phải nằm trong mía, bẻ mía ăn chống đói. Hôm chị đi, địch đã bắt cha và chị dâu “…Chúng nhốt cha suốt ngày trong lô cốt nước ngập tới ngực, da thịt cha nhăn nheo trắng bạc. Chị em đã gần ngày ở cữ vẫn bị cột dưới trụ cờ dang nắng. Tối chúng rắc tro từ ngõ vào… Ba ngày Tết anh ở trong buồng nhà A. Nhân ngày Tết cha đã đến chúc tết và thăm mẹ A đang ốm. Hai cha con cách một tấm phên mỏng mà như ngàn trùng. Cha không biết có anh. Anh chỉ có thể ghé mắt nhìn cha qua khe hở. Cha già đi nhưng vẫn rắn rỏi… Bà TG nói nếu biết tin con trai đi tập kết ở đâu và còn sống, bà sẽ làm thịt con heo trong chuồng để ăn mừng. Khi anh mang thư và ảnh Kh gửi về, bà mừng rối rít, hôn và ấp ảnh con vào ngực…”
Chị ray rứt, lúc Đảng cần mình lại nằm một chỗ. Hai tháng sau lành chân, chị được điều về Hội Phụ nữ. Sau Đại hội Phụ nữ lần thứ I, chị được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Quảng Đà. Đàn ông chẳng còn mấy, mọi việc vùng sau lưng địch đều qua tay chị em: đồng áng, lấy tin từ đồn địch, đưa tin đi các nơi, lo ăn ở cho cán bộ, bộ đội, tham gia du kích, chăm sóc thương binh… Chị vừa đào tạo cán bộ vừa hướng dẫn cơ sở vận động dân đào hầm bí mật, đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kềm, binh vận… Có cuộc đấu tranh mà quân Mỹ và chư hầu không thể quên: hàng trăm chị em đã vượt qua khuôn khổ lễ giáo, cởi bỏ quần áo, kéo nhau lên đồn đấu tranh chống địch hãm hiếp phụ nữ, đòi chúng trừng trị tội phạm, bồi thường cho người bị nạn…
Rồi anh về công tác ở khu, thỉnh thoảng mới gặp nhau. Chị có thai khi đã 40 tuổi. Các mẹ các chị thương chị bụng vượt mặt vẫn bám trụ, họ không cho chị tắm nước lạnh, bắt chị ăn nhiều mè, mua sắm tã lót, quần áo sơ sinh, thuốc bổ…Cuối tháng thứ chín chị mới trở về cứ để sinh. Đau vật vã một ngày mà không sinh được. Có người khuyên bỏ con để cứu mẹ nhưng chị đã 40, lần này không được có nghĩa không bao giờ. Cuối cùng sự mát tay của Phượng, nữ hộ sinh mới 19 tuổi đã cứu chị và con. Chị đặt cho con tên Phượng để nhớ ơn cô và chắc anh bằng lòng. Cha Long con Phượng, việc trời định sẵn!
Chín ngày sau được tin, anh về thăm con một đêm hôm sau lại gởi cho anh em bệnh viện, lên đường công tác. Chị vui ngây ngất, cận kề cái chết mà mình sinh được con, được gặp chồng, dù chỉ phút chốc…
Từ năm 1963, vùng B Đại Lộc đã được mở kìm. Gia đình chị chia làm hai nơi. Cha chị tiếp tục bám quê. Chị dâu chị đưa hai con lên vùng mở để không may có chết thì còn người sống sót. Nghe chị sinh chị đến thăm. Gặp hôm trước thì hôm sau chị dâu chị bị bom giết chết, cháu Liêm bị mảnh đại bác cắt một bàn chân, cháu Chính bị địch đưa về đồn Ái Nghĩa. Chị tự nhủ mình không khóc, nhưng nước mắt cứ trào ra. Gia đình anh Hai đã tan nát dưới bom đạn địch. Mẹ chị bảy mươi vẫn bám làng cuốc xới nuôi hai cháu mồ côi cha mẹ do bom Mỹ và làm chỗ dựa cho anh em cách mạng.
Cơ quan Phụ nữ đã về vùng mở. Chị ở lại bệnh viện mươi hôm nữa cho đủ tháng rồi về cơ quan anh. Anh đi suốt, hai mẹ con nằm nhờ đầu một kho lúa nhưng trong kho không còn một hạt. Các chú, các bác phải bớt suất ăn của mình để chị có sữa. Con đói sữa khóc, khóc cả lúc chị họp, nửa đêm gà gáy cũng khóc. Cuối cùng, chị đưa được cháu về vùng mở. Là vùng mở nên suốt ngày máy bay gầm rú, bom nổ đinh tai nhức óc. Dù bên con nhưng chẳng mấy khi con được mẹ ru ngủ, chẳng mấy khi con được một giấc ngon, bữa đói bữa no, núp hầm, chạy càn. Mùa mưa vẫn ác liệt, đào hố lót ny lông cho con nằm, chị vừa làm việc vừa trông.
Biết mẹ con chị về sống trong dân, mẹ chồng chị tìm đến, nằng nặc đòi về ở với bà. Chị không muốn. Bảy mươi tuổi vẫn phải nuôi hai đứa cháu, giờ thêm mẹ con chị sống thế nào? Hết nằn nì bà đánh vào chỗ yếu của chị: “Nếu con không về thì giao cháu nội của mẹ để mẹ nuôi”. Rồi bà khóc: “Con không giao thì mẹ không về”.
Chị đành mang con về với mẹ, trong túp lều bên dưới là hầm. Ngày cuốc xới, tối làm công tác. Những trận đòn tra khảo làm chị đau mỗi khi trở trời. Mẹ nấu cháo, nấu lá xông, sắc thuốc, tắm rửa cho con, giặt áo quần cho chị… Mỗi khi địch thả bom, nã pháo, bà ẵm cháu xuống hầm. Lấy thân mình che chắn cho cháu, bà chắp tay: vái Phật, vái Bác Hồ, vái anh hùng liệt sỹ phù hộ độ trì cho con cháu…
Cha chị “hành quân” theo một đơn vị bộ đội đến thăm. Ông bàn với bà sui và nàng gửi Phượng cho chị Bốn Nên, chị sẵn sàng giúp đỡ. Anh Hai (lúc này anh đã về công tác ở vùng mở) đưa Phượng về vùng giáp ranh, chị sẽ đến nhận. Chờ mãi không thấy, anh chị bí mật về nhà thì bị địch phục kích, may mà thoát được.
Anh Hai bị vỡ gót chân trong chiến dịch Tết Mậu Thân được ra miền Bắc chữa. Chị cũng được Khu ủy cho mang con ra miền Bắc. Chị không biết anh đang công tác đâu để bàn bạc chỉ biết an ủi mẹ chồng: “Nhờ cô bác nuôi, chẳng bà mẹ nào muốn, nhưng bây giờ đó là tốt nhất, cháu tránh được bom đạn và con có điều kiện hoạt động”.
Chị chẳng có gì để lại cho mẹ. Có hai bộ áo quần, một bộ mặc trong người, một bộ để thay đổi. Mẹ hết lục lọi trong nhà lại chạy sang hàng xóm nhưng vẫn không tìm ra thứ gì để cho con cho cháu, kể cả một bữa cơm. Hai mẹ con hì hục đầu tắt mặt tối mấy tháng trời mới dành dụm được ít lúa đã bị địch đốt trong trận càn. Chúng bảo “không để mụ già tiếp tế Việt cộng”. Bồng con ra đến đầu làng thì chị nghe mẹ gọi. Tập tễnh chạy theo, nước mắt mẹ lưng tròng: “Tìm mãi chỉ có con dao xếp, mẹ cho con để cắt cơm ăn khi đi đường”. Chị nghẹn ngào đến khó thở: “Rồi mẹ lấy gì cắt trầu?”. Mẹ tìm cái khác. Mẹ để dao vào bàn tay, ép mấy ngón tay chị lại. Nước mắt chị lăn dài. Khi về làm dâu chị đã thấy con dao này, lưỡi mòn vẹt, đen xỉn, chỉ cái cán bằng đồng thau vẫn màu vàng. Mẹ khó tìm được cái mới, nếu có thì chẳng có tiền.
Cha chị mắt đã mờ nhưng vẫn vượt rào ấp chiến lược và bọn chỉ điểm, đi dưới làn đại bác địch để lên cứ nhìn mặt con cháu lần nữa, dù chỉ như qua màn sương khói.
Chị mang theo Kiệm, con anh Hai. Cháu đi theo diện chính sách, ra Bắc để học tập. Phượng cứ đòi mẹ ẵm trước ngực. Anh em khỏe đi trước bẻ cành làm dấu cho cô cháu theo. Tối gặp nhau, sáng mai lại đi. Máy bay Mỹ thả bom, bắn rốc két, chất độc hóa học, khói súng khét lẹt, bom chưa nổ nằm bên đường. Chạy, mẹ ngã con dập đầu, cháu lăn kềnh bên suối. Lương thực chỉ mấy củ sắn, ít bắp, khoai môn nước. Có hôm củ nâu, họa hoằn mới được lon gạo. Nhiều lần đoàn phải ở lại trạm chờ tìm lương thực. Quanh trạm vài ba cây số chẳng tìm ra thứ cây lá nào có thể gọi là rau. Con đang bú. Mẹ đói, con đói. Hôm nào được bát cơm chị để dành mớm từ từ cho con.
Đến Ninh Bình đúng hai tháng hai mươi lăm ngày thì Phượng sốt cao, không ăn, không bú, nằm thiêm thiếp. Chị đưa con vào viện, bác sĩ bảo Phượng sưng phổi nặng. Chị nhìn con mắt nhắm nghiền, mũi phập phồng, hơi thở hổn hển mà nước mắt chảy hai hàng. Chẳng may con có việc gì biết nói với bà nội sao đây? Ba con nữa… Con ơi, con duy nhất của ba mẹ, nếu con chết, mẹ sẽ gởi con lại đây và trở lại miền Nam tìm gặp ba con, xin ba con tha thứ cho mẹ… Chị ngồi bên con cả đêm, mắt mở nhưng người cứ lịm đi. Mỗi lần bừng tỉnh, vội sờ chân con, thấy vẫn ấm chị mới thở được. Cả bệnh viện đã dồn hết sức lực để giành lại sự sống cho con chị.
Anh Hai chị đi bằng cáng cứu thương đến Hà Nội mất gần mười tháng. Được chữa bệnh, học tập nhưng chị vẫn nhớ mẹ chị, các cháu, làng mạc tan hoang, những đồng mía xanh ngắt thành bãi mìn, dây thép gai xám xịt…
Đi tham quan Liên Xô với chị là cuộc tập dượt: để con quen với việc xa mình và bản thân mình cũng là một thử thách. Chủ động vậy nhưng khi thấy các cháu bé người Nga, thậm chí con búp bê trong tủ kính chị cũng nhớ con, nhớ cả những phút con thoi thóp trên giường bệnh, tim chị muốn ngừng đập.
Mình là đảng viên, mình phải đi trước, phải đối đầu trực tiếp với quân thù. Nơi ấy còn có chồng, cha và mẹ… Chị xin trở lại chiến trường.
Chị mua hai tấm vải, một xám nhạt, một nâu. Mẹ thích màu này. Chị thuộc lòng kích cỡ mẹ, cắt nhanh nhưng may thì đột từng mũi. Chị mang theo ảnh Phượng để mẹ ôm cháu vào lòng, hôn như những ngày bà cháu ôm nhau xuống hầm. Chị gói con dao cắt trầu mẹ đã cho hơi ấm cả ngàn ngày qua.
Đã sẵn sàng cho ngày lên đường thì chị nhận được thư chồng: anh bị khớp nặng, sắp ra Bắc chữa bệnh. Ở lại giúp anh những ngày đau ốm, chăm sóc con, đó là dịp gần gũi nhau trong khoảng thời gian cuối đời… Sao trớ trêu đến vậy? Năm 1954, anh muốn chị cùng anh ra Bắc, chị xin ở lại. Giờ anh muốn ở lại, chị lại xin đi. Biết nói với anh sao đây? Lấy nhau trên hai mươi năm nhưng thời gian bên nhau có thể tính trên đầu ngón tay. Ở lại chị sẽ được chăm sóc anh, gần gũi con. Con chưa đầy 4 tuổi cần vòng tay mẹ lắm chứ. Thương con, thương chồng nhưng… Bao anh chị em miền Bắc từ giã cả quê hương, gia đình đi giải phóng miền Nam, đi tận mũi Cà Mau, ngày ngày đối mặt với bom đạn. Mình là con em miền Nam, quen thuộc chiến trường, có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Thôi. Tạm xa nhau một số năm nữa, coi như là sự kéo dài quãng thời gian đã không gần nhau. Anh ít nói nhưng tình cảm và dễ chấp nhận những giải pháp có lý có tình.
Điều khó khăn nhất với chị là khi xa con. Phượng ôm ghì cổ mẹ trong đêm cuối cùng. Tay vừa rời ra là vội vàng chụp lại như sợ đánh mất. Khi mẹ con chia tay, Phượng òa lên khóc, níu lấy mẹ không chịu thả. Chị phải nói dối: mẹ đi họp, chiều mẹ lại về. Phượng cứ chạy theo xe. Anh Hai chị phải bế cháu lên, giữ cháu lại.
Chị tự nhủ con có cậu, rồi ba con sẽ ra… thế nhưng đêm chị không ngủ được vì nhớ con da diết. Đường phía trước xa mờ nhưng hình ảnh con luôn hiển hiện. Mỗi bước đi gần miền Nam hơn, gần quê hương hơn nhưng lại là mỗi bước xa con hơn. Chị em trong đoàn ai cũng cố nói điều đáng yêu nhất của con mình để đỡ nhớ đỡ thương nhưng rồi mắt người nào cũng đỏ hoe.
Nỗi nhớ con vợi đi đôi chút nỗi lo chuyến đi của chồng lại đầy lên. Sưng khớp chắc phải lê từng bước, chắc anh lủi thủi chống gậy đi sau một mình, theo những cành lá làm dấu. Anh có đủ sức đến trạm trong ngày hay phải nằm giữa rừng đêm? Chân đau làm sao chạy khi địch thả bom? Vấp ngã sẽ buốt nhói tim gan… Chị thấy nghẹt thở rồi tự an ủi: anh ốm hẳn phải có người đi với anh…
Chị chú ý từng người từ Nam ra. Đến trạm nghỉ, việc đầu tiên là đi tìm anh. Chị hình dung cuộc gặp có thể ngay trên đường: sẽ là một buổi tối giận dỗi, thương cảm, xót xa rồi sáng mai hai người đi về hai hướng. Chắc anh buồn lắm, ngậm ngùi vì yêu cầu hợp tình hợp lý của mình không được chấp nhận. Chị sẽ cố giải thích, tin rằng anh sẽ thôi không oán trách mình.
Qua gần chục tỉnh như thế nhưng về đến Quảng Nam chị mới gặp anh. Anh gầy quá, da xám ngoẹt, đi khập khiễng. Anh bất ngờ khi gặp chị, mắt đờ đẫn, ngồi lặng thinh. Chị ứa nước mắt, phải chi được ở bên anh! Một nỗi buồn xen lẫn ân hận. Chị nói với anh chị không làm gì khác ngoài điều đã ước hẹn lúc xây dựng gia đình nhưng giờ phải tạm gác lại vì Tổ quốc chưa yên – như anh đã nói với chị trong lần anh tập kết ra Bắc. Chị mở gói quà dành cho mẹ, khoe đường kim mũi chỉ của mình. Anh nói mẹ đã mất. Những ngày cuối cùng, mẹ luôn gọi anh Ngọc, gọi anh, gọi em… Nước mắt lăn nhanh trên má chị, rơi xuống tấm áo thơm mùi vải mới. Cả đời mẹ lặn lội để ra đi khi mòn mỏi về thể lực, héo hon về tình cảm. Mẹ biết không, trên đường đi chưa bao giờ con dùng dao mẹ tặng. Con dao đã thành báu vật, con cất kỹ…
Chị kiếm thêm cho anh chút thức ăn, xoa nắn cho anh những chỗ đau nhức, kể anh nghe tình cảm bà con miền Bắc. Chuyện nhiều nhất là con: con khỏe, con giống anh, con nghịch ngợm, con thông minh… Chị nói không biết chán. Anh nghe không biết chán. Chị cố dựng lên những viễn cảnh tươi đẹp để anh vượt qua gian khổ trên đường đi. Cả hai đều cố tránh những gì có thể gợi lên buồn bã, nhớ thương, những cái thực sự đang xâm chiếm lòng mình. Vợ chồng chị ở trạm giao liên mười ngày. Hôm tiễn anh, chị cố ghìm không để bật ra tiếng khóc. Anh đau ốm, đường sá khó khăn, bom đạn Mỹ ngày đêm rải thảm, biết đâu vạ gió lại nhằm vào cuộc đời đã thừa khốn khổ của mình. Chị siết chặt tay anh, hôn anh thật lâu, nước mắt đẫm mặt. Lại như lần anh đi tập kết, chị bần thần nhìn theo bước chân ngập ngừng của anh cho đến khi anh ngoảnh lại, vẫy tay trước khi khuất vào rừng. Nước mắt ràn rụa, rừng cây trước mặt chị như phủ sương.
Năm tháng sau có thư anh. Như dự đoán, Phượng không nhận ba, cứ một mực “chú dối cháu, ba cháu đang đánh Mỹ ở miền Nam cơ!”. Cuối cùng anh phải giả thư nàng giới thiệu ba Long với con, Phượng mới chịu đến với ba.
Tháng 3 năm 1975, chị bị bom vùi kín khi đi công tác Quảng Ngãi. Anh em đào kéo lên chị chỉ còn thoi thóp, quần áo rách bươm, máu trào ra miệng, mũi và tai. Chị đang nằm bệnh viện tiền phương ở Châu Ổ thì được tin Đà Nẵng giải phóng. Phượng được Ban thống nhất Trung ương cho về.
Mẹ con xa nhau bốn năm nhưng vẫn nhận ra nhau ngay. Ôm chặt con, nước mắt mặn đắng môi cho chị rõ một điều: đây không phải giấc mơ.
Công việc cán bộ phụ nữ rất nhiều: thành lập các tổ chức xã, huyện, thị đến thành phố, tỉnh. Phối hợp với Hội đồng quân quản vận động ngụy quân ngụy quyền trình diện, nấu cơm phục vụ bộ đội. Giúp đỡ các gia đình di tản về quê, khai hoang phục hóa sản xuất… Sáng mang con đến nhà trẻ, tối về thấy con chờ ngoài ngõ, mắt như sao đêm. Chị vội vo gạo nhóm bếp nhặt rau, kể cho con việc trong ngày như một cách báo công.
Một tháng sau chồng chị về với một hòm sách to đùng. Anh được phân về công tác tại trường Đảng. Chị thương anh vô cùng, là người ít nói nhưng giờ đây anh phải làm nghề chuyên đi nói. Anh được đề bạt trưởng khoa, suốt ngày giảng dạy, nói chuyện.
Ở cơ quan về, từ xếp hàng mua gạo mua củi, làm chuồng nuôi gà, vớt bèo nuôi heo đến dọn nhà sau mỗi trận mưa bão, chị và con gánh vác. Nhà chật nhưng chị vẫn dành riêng cho anh một khoảng để sách. Sau khi về hưu, anh bị tai biến, liệt người. Chị chăm sóc, níu anh với đời được 9 năm nữa.
Chị là Huỳnh Thị Dục, thôn Ái Mỹ, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tên từ ngày thoát ly gia đình theo cách mạng của chị là Hoàng Thị Dũng.
Minh Thủy