Ninh ( 15 tuổi), cô bé có nước da bánh mật vẫn rất ngại ngần khi tiếp xúc với chúng tôi. Qua lời các cô giáo trẻ của Trường giáo dưỡng số 3 (V26 – Bộ Công An) đóng tại Phú Túc, Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng thì nay Ninh đã có vẻ lớn hơn rất nhiều. Em dịu hiền hơn, vui hơn và chăm chỉ hơn. Cái ngày em rời ngôi trường đặc biệt này cũng sắp đến nhưng dường như Ninh vẫn thấy lo sợ. Em sợ mình sẽ lạc lõng trong ồn ào dư luận, trong những ánh mắt nhìn nghi ngại và thiếu thông cảm của mọi người xung quanh. Em lo mình lại quay về con đường cũ còn nguy hiểm hơn bội phần…
Đó là suy nghĩ mà chúng tôi đọc được không chỉ trong ánh mắt của Ninh (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) mà của nhiều trẻ khác đang học tập khi được tham gia diễn đàn “ Trao đổi kinh nghiệm về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH” do Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Đà Nẵng và Bộ Công An tổ chức tại trường Giáo dưỡng số 3 vào tháng 7 vừa qua. Vấn đề giáo dục trẻ vi phạm pháp luật (VPPL) trở thành con người tốt của xã hội không chỉ ở trong phạm vi nhà trường mà làm sao để kết quả của thời gian đó phát huy khi các em trở về cộng đồng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà gia đình là nhân tố quyết định để các em có điểm tựa đứng lên sau những sai phạm đã gây ra. Thượng tá Phạm Văn Huynh, Hiệu trưởng trường cho biết các em vào đây do các hành vi như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, mãi dâm – ma túy và giết người – hiếp dâm. 800 em hiện đang có mặt tại trường thì có đến 80% đã bỏ học và khoảng 50% chỉ có trình độ tiểu học. Đặc biệt, gần 40% các em thiếu sự chăm sóc, quan tâm của bố mẹ như mồ côi, bố mẹ ly dị hoặc ly thân. Riêng tại TP Đà Nẵng, tính từ năm 2006 đến nay đã có 56 em “tốt nghiệp” trở về hòa nhập với cộng đồng nhưng nhiều em đã gặp phải sự xa lánh của họ hàng và những người xung quanh. Sự tổn thương trong lòng con trẻ đẩy mặc cảm, tự ti lên một mức độ khác và kéo theo đó là tâm lý dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội nếu như không kịp thời giúp đỡ và ngăn chặn. Chính vì vậy, những đơn vị tham gia diễn đàn đều mong muốn tìm được tiếng nói phối hợp trên nhiều mặt để ngăn chặn tình trạng trẻ em VPPL trong xã hội. Tuy là một hội thảo nhưng đây cũng như cuộc trò chuyện, trao đổi thân tình, nhất là khi có sự tham gia của các em. Tại đây, cán bộ Hội Phụ nữ P. Tam Thuận ( Q. Thanh Khê) cho biết đã luôn phối hợp với CA và tổ dân phố tổ chức lễ phát động phong trào “ Quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc” và tuyên truyền về phòng chống tội phạm – ma túy cho hơn 13 ngàn lượt chị em tham gia trong 5 năm qua. Không ngừng vận động hội viên đăng ký gia đình không có con vi phạm pháp luật và xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò gia đình cũng như phụ nữ trong công tác này là cô cùng quan trọng bởi hiệu quả tiếp cận, và giáo dục do phụ nữ thực hiện dễ ảnh hưởng đến các em. Hay như chị Ngô Thị Nhâm, tổ phó tổ dân phố kiêm chi hội phó Phụ nữ An Trung 3, P An Hải Tây, Sơn Trà lại mang đến diễn đàn kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị đã lấy chính kinh nghiệm của mình để thăm hỏi, động viên giúp đỡ 6 em bỏ học giữa chừng tiếp tục đến trường và có nhiều tiến bộ, nhiều em sau này đã tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, có việc làm thu nhập ổn định.
Nói đến giáo dục con em trong gia đình và ngay tại cộng đồng thì đòi hỏi sự góp sức của nhiều thành phần của xã hội. Ngoài trách nhiệm phải là yêu thương thực sự để những con chim non thôi sợ hãi vì một lần gãy cánh. Chỉ cần người dân xem nhẹ việc này thì nguy cơ trẻ VPPL gia tăng là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi rời diễn đàn, mang theo những tâm sự của đoàn thanh niên, của Uy ban DSGD và TE, của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy – CATP Đà Nẵng…mà hy vọng những trăn trở về giúp đỡ các em hòa nhập cộng đồng mai đây sẽ tốt nhiều hơn.
Nguồn tin: V.H