Hiện nay, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập” cho hội viên, phụ nữ trong đó chú trọng đến hoạt động xây dựng các nhóm tiết kiệm tín dụng, góp vốn quay vòng nhằm huy động nguồn vốn sẵn có trong hội viên, phụ nữ giúp chị em sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, với hoạt động này vẫn còn những điểm hạn chế về thành phần tham gia, số lượng lớn chị em nghèo, thu nhập thấp, chưa có việc làm…không có đủ điều kiện để tham gia hoạt động này. Do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đòi hỏi, nhất là những hộ cận nghèo, khó khăn.
Từ thực trạng trên, lãnh đạo thành phố cũng đã có ý tưởng đưa vốn đến tận khu dân cư, đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo, giúp họ vượt lên khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trong cộng đồng. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Đà Nẵng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2016 và buổi nói chuyện tại cung thể thao Tuyên Sơn (tổ chức ngày 6/3/2012), đ/c Nguyễn Bá Thanh – nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, đã chỉ đạo và giao cho Hội Phụ nữ các cấp triển khai thêm một nguồn quỹ mới mang tên: “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”.
Tên gọi “Qũy hỗ trợ phụ nữ nghèo” đã toát lên được mục đích và ý nghĩa mang đậm tính nhân văn. Theo đồng chí Nguyễn Bá Thanh, để lập được “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” thì không đơn giản, không thể ép buộc mà phải vận động, khéo léo và kiên nhẫn, đòi hỏi người cán bộ phải có tâm huyết, phải có “lửa” nhiệt tình. Trước tiên, quỹ được thành lập trên cơ sở vốn huy động nội lực của tất cả hội viên, phụ nữ trong chi hội (500.000 đ/ Hội viên/ năm), nghĩa là mỗi hộ gia đình đều có đóng góp, điều đó thể hiện tính liên đới, đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng khu dân cư. Một điều rất thực tế trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có lúc gặp hoạn nạn, khốn khó, sẽ có lúc cần gấp một khoản tiền nào đó để lo cho gia đình, thì với nguồn quỹ này, người dân sẽ yên tâm, tin tưởng hơn với chính nguồn quỹ mà bản thân mình cũng có đóng góp, và nó lại được quản lý tại chính địa phương mình, nên khi cần giải ngân vốn sẽ được giải quyết kịp thời. Đối tượng thụ hưởng của quỹ dành cho mọi phụ nữ tham gia đóng góp xây dựng quỹ tại chi hội, trong đó đặc biệt ưu tiên cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ gặp rủi ro bất trắc trong cuộc sống. Thuận lợi rất lớn mà các Chi hội Phụ nữ đã nhận được từ việc xây dựng nguồn quỹ này đó chính là sự quan tâm vào cuộc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, tổ Dân phố, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tại khu dân cư, đặc biệt là chủ trương cấp vốn đối ứng của Thành phố, khi mỗi Chi hội hoàn thành huy động vốn thành lập quỹ sẽ được nhận vốn đối ứng tương đương với vốn huy động được trong hội viên từ UBND thành phố. Đối với những hội viên phụ nữ nghèo, đặc biệt nghèo sẽ được hỗ trợ từ Qũy vì người nghèo thành phố, cũng như sự kêu gọi đóng góp từ các tổ chức, cá nhân. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với các cấp Hội phụ nữ nói riêng và chăm lo cho đời sống nhân dân nói chung là vô cùng sâu sắc.
Sau khi có chủ trương các cấp Hội Phụ nữ Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, tổ dân phố vận động việc thành lập quỹ tại chi hội, cho đến thời điểm này toàn thành phố có 145 chi hội đã thành lập quỹ, với 13.429 HV và số tiền đóng góp là 6.485.500.000 đ. Trong đó có 18 chi hội đã được nhận vốn đối ứng của UBND thành phố. Các ban điều hành quỹ tại khu dân cư đã rất linh hoạt trong việc sử dụng quỹ, bằng cách giải ngân tại chỗ để hỗ trợ cho các hộ khó khăn trên địa bàn mình. Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm năm 2013, các chi hội đã giải ngân cho 1.272 hộ với số tiền 6.477.548.000 đ. Nhờ đó, các chị em phụ nữ đã có điều kiện để phát triển kinh tế và giải quyết kịp thời những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Biên, Chi hội phó Chi hội 39, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đã phát biểu cảm nhận rằng: “Trước đây, để được vay vốn, chị em phải làm thủ tục rất rườm rà như đăng ký danh sách, chờ đề xuất, xác nhận của địa phương…, chờ Ngân hàng giải ngân. Có những chị em gặp rủi ro, hoạn nạn phải đi vay nóng với lãi suất cao. Nay có nguồn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo”, chỉ cần một lá đơn là có tiền, vừa chủ động, vừa giải quyết ngay được những khó khăn cấp bách nên ai cũng vui lắm!”
Tuy nhiên, trong quá trình thành lập quỹ tại các Chi hội Phụ nữ, bên cạnh những thuận lợi qua bước đầu triển khai hoạt động quỹ đã gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt khó khăn cho Ban Điều hành ở khu dân cư về nguyên tắc quản lý tài chính ( như cập nhật số liệu, theo dõi dư nợ; tiền gốc, lãi ; quá trình hoàn trả vốn; thực hiện cơ chế vốn quay vòng….) có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng không quản lý được nguồn vốn làm thất thoát vốn của ngân sách và vốn đối ứng của hội viên phụ nữ đóng góp. Vì vậy, qua nhiều cuộc họp với sự thảo luận, tham gia góp ý của các sở, ban ngành liên quan, nhằm đảm bảo cho nguồn quỹ này được duy trì lâu dài và đẩy đủ tư cách pháp nhân về quản lý, Lãnh đạo thành phố đã thống nhất phê duyệt đề án và điều lệ hoạt động của quỹ, nhất là cơ chế quản lý quỹ sao cho hiệu quả (Quyết định số 5186/QĐ-UBND và Quyết định số 5187/QĐ-UBNDcủa UBND thành phố ký ngày 29/7/2013).
Theo đó, Hội LHPN xã/ phường có đầy đủ tư cách pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề quản lý tài chính của Qũy. Hội LHPN thành phố đã đề ra một số giải pháp cho các chi hội trong thời điểm hiện tại, trong đó đã hướng dẫn giải pháp chuyển toàn bộ nguồn vốn của Qũy về Hội LHPN xã/ phường trực tiếp quản lý, hoặc giải pháp Ban điều hành quỹ tại khu dân cư tự vận hành, quản lý nguồn vốn huy động từ hội viên phụ nữ theo mô hình tổ tiết kiệm tín dụng tại chi hội phụ nữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để thất thoát, làm mất vốn của hội viên phụ nữ đóng góp và sẽ không được cấp đối ứng từ nguồn ngân sách thành phố… Sau khi đề xuất các giải pháp, có 78 chi hội đã thực hiện giải pháp chuyển toàn bộ nguồn vốn về Hội LHPN xã/ phường quản lý (3.351.650.000 đ).
Qũy hỗ trợ phụ nữ nghèo từ khi thành lập đến nay, đã minh chứng được những lợi ích vô cùng thiết thực và gần gũi với đời sống nhân dân. Dù có sự thay đổi về cách thức quản lý so với ban đầu, song giá trị nhân văn của “Qũy hỗ trợ phụ nữ nghèo” vẫn không thay đổi về mặt ý nghĩa, góp phần rất lớn vào việc thực hiện chỉ thị 24 của Thành ủy, cũng như công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển, giàu đẹp và đáng sống./.
Đỗ Thị kim Lĩnh, TUV, Chủ tịch Hội LHPNTP Đà Nẵng