Hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào”, theo nguyện vọng của Hội LHPN Lào, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã có bài viết về quan hệ hữu nghị Việt-Lào và phụ nữ hai nước gửi đăng tập san đặc biệt của Báo Phụ nữ Lào. Dưới đây là toàn văn bài viết.
Là hai nước láng giềng gần gũi, nhân dân Việt Nam và Lào có mối quan hệ lâu đời, gắn bó trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa quốc tế trong sáng, tình đoàn kết, thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, son sắt, nghĩa tình và đầy hiệu quả vì độc lập, tự do, tiến bộ xã hội.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam có bề dày quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào vẫn trước sau như một, trở thành sức mạnh kỳ diệu, truyền thống quý báu để hai dân tộc chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng đất nước giàu đẹp văn minh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc.
Trong tình hữu nghị chung giữa hai dân tộc Việt-Lào, mối quan hệ đoàn kết, keo sơn, gắn bó, thân thiết của phụ nữ hai nước – những người vừa là đồng chí vừa là chị em càng trở nên sâu sắc, đậm đà hơn. Là một lực lượng đông đảo trong xã hội, với tình cảm và trách nhiệm của mình, các thế hệ phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Lào đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Trong đấu tranh giành độc lập tự do của hai dân tộc, phụ nữ hai nước đã luôn sát cánh bên nhau, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Phụ nữ Việt Nam luôn nhớ ơn và mãi khắc ghi hình ảnh những người mẹ, người chị, em gái Lào đã che chở, nuôi dưỡng bộ đội và cán bộ Việt Nam trong vòng tay thân thương, đầm ấm của mình. Những người mẹ Lào nhiều năm giúp đỡ bộ đội Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã đem lại giá trị tinh thần to lớn cho những người mẹ Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh các nữ thanh niên xung phong, nữ quân y và nữ chuyên gia Việt Nam đồng cam cộng khổ, chia lửa với nhân dân Lào, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới hai nước càng củng cố, tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt giữa phụ nữ và nhân dân hai nước – một mối quan hệ luôn được vun đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng trong đó có phụ nữ Việt Nam và Lào.
Hòa bình lập lại, quan hệ giữa phụ nữ hai nước được nâng lên tầm cao mới. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác về trao đổi thông tin, kinh nghiệm và trao đổi đoàn (những năm 80 của thế kỷ XX) và nhiều Văn bản Thỏa thuận Hợp tác qua các thời kỳ (1999-2000; 2004-2006; 2007-2010). Hai bên đã trao đổi các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm về công tác Hội, hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển tài chính vi mô, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe phụ nữ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép phát triển nông thôn…, chia sẻ thông tin về sự phát triển ở mỗi nước, cũng như những vấn đề liên quan đến phụ nữ.Nhiều nữ cán bộ của Lào đã sang học tập tại Việt Nam. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tập huấn, hội thảo, ký kết văn bản nghi nhớ, thỏa thuận hợp tác… được thực hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt những tỉnh giáp biên (Quảng Trị- Savanakhet, Hà Nội – Viên Chăn; Tp. HCM – Viên Chăn, Hà Tĩnh – Pôlikhămxay, Kon Tum – A tô pư và Sêkong, Nghệ An – Xiêng Khoảng; Quảng Bình – Khăm Muộn; Thanh Hóa – Hủa Phẳn; Thừa Thiên Huế – Savanakhet). Việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hai bên; hợp tác trong phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đi làm ăn xa; chia sẻ kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác.
Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, phụ nữ hai nước đã phối hợp và ủng hộ nhau trên nhiều diễn đàn quốc tế. Cùng là thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế (WDIF) và Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO), phụ nữ hai nước đã tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho phong trào phụ nữ của khu vực và quốc tế.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của hai nước, trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ từng bước được cải thiện. Phát huy truyền thống vẻ vang, các tầng lớp phụ nữ hai nước đã đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ở hai nước đã có những chuyển biến tích cực.
Phụ nữ Việt Nam rất vui mừng trước sự trưởng thành, phát triển của phụ nữ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đạt được những thành tựu to lớn trong chính trị, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo nữ các cấp của Lào không ngừng phát triển. Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào khóa VII là nữ và một số Chủ tịch, Phó chủ tịch các Ủy ban của Quốc hội cũng là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Lào chiếm 25%. Số lượng nữ Bí thư, Phó bí thư, thường trực huyện ủy tăng vượt bậc lên 271 đồng chí (so với năm 2005 tăng thêm 116 đồng chí).
Hòa cùng với những thành công của phụ nữ Lào, phụ nữ Việt Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong các lĩnh vực. Tuổi thọ trung bình của nữ giới là 75,6; nữ sinh viên chiếm trên 50% trong các trường đại học và cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2011). Với 48,41% lực lượng lao động cả nước, phụ nữ Việt Nam có mặt ở mọi ngành nghề kinh tế, chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến (52,3%), giáo dục đào tạo (68,4%); y tế 61% (Nguồn:Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục thống kê), tham gia ngày càng nhiều vào các ngành kinh tế đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ cao. 25% doanh nghiệp và trên 3 triệu hộ gia đình sản xuất kinh doanh là do phụ nữ làm chủ. Trong chính trị, phụ nữ Việt Nam nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo cao trong Đảng, Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội… Nữ cấp ủy cấp xã, cấp huyện vànữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%; nữ công chứctrong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến trung ương chiếm 31%.
Chúng ta vô cùng phấn khởi, tự hào được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ hai nước, phụ nữ Việt – Lào đã ngày càng nỗ lực phấn đấu và tiến bộ hơn; tổ chức Hội phụ nữ hai nước ngày càng chủ động và hợp tác hiệu quả hơn; từ đó đã có những đóng gópquan trọng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Những đóng góp đó luôn được Đảng, Chính phủ, nhân dân hai nước ghi nhận và đánh giá cao.
Với sự đóng góp hiệu quả trong xây dựng củng cố tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào, hai Hội Phụ nữ hai nước chúng đã được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam – Lào. Chính phủ Lào đã trao tặng Huân chương Tự do Hạng nhất – Huân chương Cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào – cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1998); trao tặng“Huân chương Lao động hạng 2” cho Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương (2012) và trao Huân chương Hữu nghị cho Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – đồng chí Hà Thị Khiết (5/2005). Chính phủ Việt Nam trao tặng “Huân chương hữu nghị” cho đồng chí Si sảy – Chủ tịch Hội LHPN Lào và đồng chí on-Chăn – nguyên Chủ tịch Hội LHPN Lào (5/2012). Hai Hội cũng trao kỷ niệm chương của hai Hội cho lãnh đạo và cán bộ Hội hai bên.
Năm 2012 là năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào,kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. Năm 2012 cũng là năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2012-2017 giữa Hội phụ nữ hai nước với nhiều nội dung quan trọng. Nhiều hoạt động thiết thực đã và đang được Hội Phụ nữ hai nước tổ chức để hưởng ứng năm đoàn kết hữu nghị này. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nammới đây đã vận động được 25 xuất học bổng, mỗi xuất 2 triệu đồng, để hỗ trợ các nữ học sinh, sinh viên của Lào đang du học ở Việt Nam; tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, giáo trình và kế hoạch đào tạo cho cán bộ phụ nữ Lào; chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động hợp tác…
Trong thời gian tới, phụ nữ và tổ chức Hội hai nước sẽ tiếp tục hợp tác theo hướng ngày càng đi vào hoạt động chiều sâu với nội dung thiết thực và hiệu quả. Phụ nữ hai nước luôn luôn trân trọng và quyết tâm mãi mãi gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống quý báu, thủy chung, tình nghĩa giữa hai nước, coi đó là một tài sản vô giá của hai dân tộc. Tổ chức Hội hai nước có trách nhiệm tổ chức giáo dục cho phụ nữ, nhằm truyền tiếp mãi mãi cho các thế hệ phụ nữ và nhân dân mai sau về mối quan hệ keo sơn, trong sáng, mẫu mực của hai dân tộc, coi đó là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thị Thanh Hòa,
Ủy viên TW Đảng , Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam