Ở khu dân cư Mỹ Tân 1, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) đang nổi lên phong trào thu gom rác thải tài nguyên để bán gây quỹ hoạt động cho khu dân cư (KDC) rất hiệu quả. Người làm nên “ngày hội thu gom rác thải tài nguyên” là ông Chu Văn Khiêm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Mỹ Tân 1.
Phong trào thu gom rác thải sinh hoạt sôi nổi tại KDC Mỹ Tân 1. Ảnh P.V |
Suốt nửa năm nay, đúng 6 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần, đã thành lệ, người dân trong KDC Mỹ Tân 1 chủ động mang những bao đựng rác thải nhựa, phế liệu (rác tài nguyên) đến tại sân nhà ông Khiêm để gom lại. Sau khi tập kết, vợ chồng ông Khiêm cùng Ban công tác Mặt trận, các chi hội, đoàn thể trong KDC phân loại, gọi người thu mua. Số tiền thu được, thống nhất giao cho chi hội Phụ nữ KDC quản lý. “Dường như người dân trong KDC đã quen với việc này. Nếu ông Khiêm không “gõ kẻng”, họ cũng sẽ tự mang đến gom vào nhà ông Khiêm”, Bí thư chi bộ Mỹ Tân 1 phường Phước Mỹ, bà Ngô Thị Tuyết Hồng nhìn nhận.
Sau hơn 6 tháng triển khai mô hình thu gom, phân loại rác tài nguyên của Hội Cựu chiến binh quận Sơn Trà để bán, gây quỹ hoạt động KDC, đến nay Chi hội Cựu chiến binh Mỹ Tân 1 do ông Khiêm đại diện đã thu về gần 20 triệu đồng. Con số đủ để nói lên hiệu quả mô hình, nhưng cái được lớn hơn thế nhiều. Theo ông Khiêm, là thay đổi được thói quen, ý thức của người dân trong KDC về bảo vệ môi trường, đã tạo nên phong trào lan tỏa rộng khắp không chỉ nội trong 2 tổ 44, 45 thuộc KDC Mỹ Tân 1.
Tuy nhiên khi mới triển khai mô hình đã không dễ dàng như vậy. “Khi chủ trương đưa ra từ Quận hội phổ biến xuống Phường hội, nhiều người cũng bàn ra, cho rằng sẽ không thể triển khai thành công mô hình này đến các KDC. Rồi ngay cả khi anh Khiêm nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng nghĩ, chẳng biết rồi làm đến đâu”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phước Mỹ Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ thật lòng.
“Thấy anh Khiêm quyết tâm, tôi đồng tình. Nhưng để quyết chủ trương đó, tôi yêu cầu anh Khiêm phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Sau đó, chi bộ họp, bàn và thống nhất thông qua. Để bảo đảm đồng thuận trong chi bộ, việc trình bày kế hoạch rất quan trọng. Khi thấy có khả thi, công tác vận động sẽ quyết định thành bại”, bà Hồng nói.
Câu cửa miệng mọi người hay nói khi nhắc lại thời gian đầu triển khai mô hình này tại KDC Mỹ Tân 1 là “Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm”, để nhắc nhở nhau, cùng nỗ lực đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Cho đến nay, khi mô hình đã mang lại hiệu quả, hiệu ứng tích cực lan rộng khắp phường.
Bà Hồng kể, có lần đi công việc, trên đường đi bắt gặp nhiều vỏ chai nhựa nằm lăn lóc dọc đường. Bà đã dừng xe để xuống nhặt, bỏ vào bao, kẹp xe tiếp tục đi công việc. Trưa về mang đến nhà ông Khiêm để gom chung. “Ban đầu, một số người ngạc nhiên khi thấy chúng tôi nhặt vỏ chai ở bất kỳ đâu bắt gặp. Nhưng sau dần họ hiểu ra và rất ủng hộ, còn nhặt giúp. Giờ ra bãi biển sạch tưng. Chúng tôi còn bị áp lực, vì nhiều nơi họ cũng hưởng ứng, thu lượm vỏ chai nhựa về cho KDC mình, nên số lượng thu gom sẽ giảm. Áp lực mà vui”, bà Hồng kể.
Để có thành công hôm nay, ông Khiêm khẳng định, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ chi bộ, sự kiên trì của bản thân cũng như các chi hộ, đoàn thể trong KDC khó mà đạt được hiệu quả như hiện nay. “Mấy hôm rồi trời mưa, thấy tôi chậm triển khai, chị Hồng nhắc ngay. Thế là căng bạt lên. Chỉ cần thế, mọi người đã biết và chủ động mang phế liệu đến “nhập kho”. Khi có người làm, thì mọi người sẽ cùng làm. Không ai có thể đứng bên lề được”, ông Khiêm nói.
Hiệu quả mô hình của chi hội Cựu chiến binh Mỹ Tân 1 triển khai đã thật sự lan tỏa khắp toàn phường Phước Mỹ. Ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định, với sự quyết tâm, nhiệt tình, trách nhiệm của ông Khiêm nói riêng, KDC Mỹ Tân 1 nói chung, đã tạo nên sự thành công đáng kể. Điều này đáng để các KDC khác học hỏi, nhân rộng mô hình để nâng cao hơn nhận thức cho người dân, cùng chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng là thành phố môi trường.
Theo Báo Đà Nẵng