BỘ CÔNG AN – HỘI LHPN VIỆT NAM CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN CHỈ ĐẠO NQLT 01 – TW Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–
Số:43 – 2008/KH KẾ HOẠCH Hà Nội, ngày05 tháng 5 năm 2008
Triển khai thực hiện NQLT số 01 về“Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” từ năm 2008 đến năm 2012
———————————
Ngày 8/5/2002, TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an đã ký Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Hội Liên hiệp phụ nữ và công an trong cả nước đã phối hợp với các lực lượng tiến hành có kết quả những mục tiêu, nội dung Nghị quyết liên tịch 01 đề ra đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên từ gia đình, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Ban chỉ đạo NQLT 01- TW có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết từ năm 2008 đến năm 2012, như sau:
I – Mục đích yêu cầu:
1- Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong lực lượng Công an và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp từ nay đến năm 2012, gắn với thực hiện Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/NQ- CP, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chương trình quốc gia phòng chống ma tuý, chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em với việc thực hiện 6 nhiệm vụ công tác Hội và các phong trào thi đua do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an phát động.
2-Đẩy mạnh sự phối hợp với các Ban, Ngành đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động TB và XH, Bộ Quốc phòng… trong việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, tạo sức mạnh toàn dân trong xây dựng một mặt trận đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội rộng khắp từ gia đình đến cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh – trật tự, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3- Tăng cường sự phối hợp truyền thống giữa lực lượng Công an và Hội LHPN Việt Nam, qua đó phát huy tính chủ động, tích cực và nâng cao vai trò nòng cốt, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân và cán bộ Hội viên phụ nữ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
II- Nội dung, biện pháp công tác lớn:
A, nội dung:
1- Hội liên hiệp phụ nữ và Công an các cấp có kế hoạch phối hợp và thường xuyên nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ chiến sỹ, hội viên trong bảo vệ, chấp hành đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Vận động hội viên phụ nữ, các thành viên trong gia đình về ý thức phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện 4 không với ma tuý: Không sử dụng, không sản xuất, không buôn bán, không vận chuyểnma tuý.
Vận động các bậc cha mẹ đối xử bình đẳng với các con; không bạo lực gia đình; quan tâm phòng ngừa buôn bán phụ nữ trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, con em trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, không sử dụng văn hoá phẩm đồi trụy, không ăn chơi đua đòi, không tảo hôn…
2- Phát động phong trào cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, đặc biệt là những hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội như: buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, mại dâm, tổ chức môi giới mại dâm, hiếp dâm… góp phần làm giảm án hình sự và làm giảm các tai, tệ nạn xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
3- Tích cực quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, cảm hoá giúp đỡ người vi phạm pháp luật, lầm lỡ tái hoà nhập cộng đồng. Giúp đỡ hội viên định hướng nghề nghiệp cho con em trong gia đình, vận động trẻ em tới trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ học, bỏ nhà đi qua đêm của thanh thiếu niên…
4- Vận động hội viên phụ nữ phối hợp với Công an địa phương ngăn ngừa, hạn chế các đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật, không gây rối trật tự công cộng, không đua xe trái phép, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về trật tự an toàn giao thông.
5- Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong phong trào phụ nữ tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội từ trong gia đình, cảm hoá, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư; Củng cố công tác hoà giải tại cơ sở.
6- Phối hợp tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, Hội phụ nữ và lực lượng CAND trong sạch vững mạnh.
B, biện pháp công tác lớn:
1- Hội liên hiệp phụ nữ và Công an các cấp tham mưu cho Cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương cấp mình có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp với Hội phụ nữ và Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và đưa Nghị quyết vào cơ chế quản lý, chỉ đạo thường xuyên của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở.
2- Hội liên hiệp phụ nữ và Công an các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện NQLT01 từ năm 2008 đến năm 2012 sâu rộng đến toàn thể cán bộ hội viên phụ nữ, cán bộ chiến sĩ CAND.
3- Các cấp Hội phụ nữ và lực lượng Công an căn cứ nội dung kế hoạch của Ban chỉ đạo TW, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2002 – 2007 và tình hình thực tế địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả Nghị quyết; Xây dựng được nhiều cơ sở, địa bàn, cụm dân cư và mỗi gia đình không có bạo lực, không có con em, người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư, nhằm góp phần làm kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đẩy lùi tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm ma tuý, tội phạm buôn bán phụ nữ – trẻ em…
4- Lồng ghép việc triển khai thực hiện Nghị quyết với thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề văn hoá, giáo dục; thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình quốc gia phòng chống ma tuý, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dânvì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
5- Hội phụ nữ và Công an các cấp phối hợp với nhà trường tiến hành các nội dung biện pháp tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên học sinh nâng cao ý thức tự giác, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng lối sống lành mạnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, nội dung Nghị quyết liên tịch, gương người tốt việc tốt, những mô hình tiêu biểu trong phòng chống tội phạm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương cũng như ở các địa phương (Phát thanh, truyền hình, Báo chí); tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật (Phim ảnh, sân khấu…), nhất là các cuộc thi viết, thi vẽ, hội thi dưới hình thức sân khấu hóa về đề tài phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn ma túy của Hội Phụ nữ và lực lượng CAND nhằm thu hút đông đảo cán bộ hội viên và nhân dân tham gia góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
6-Hội phụ nữ và Công an các cấp kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành, phân công thường trực Hội phụ nữ và lực lượng Công an theo dõi, tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết. Chỉ đạo điểm ở quận (huyện), phường (xã) về mô hình công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình, người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội tại gia đình và cộng đồng dân cư.
III – Tổ chức thực hiện:
– Căn cứ vào những mục tiêu yêu cầu và nội dung, biện pháp công tác lớn trên đây, Hội liên hiệp phụ nữ và Công an tỉnh, thành phố vận dụng điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
– Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban chỉ đạo liên ngành 01 các tỉnh, thành phố có kế hoạch kiểm tra và sơ kết kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; rút ra bài học kinh nghiệm, những tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa hai ngành tại đơn vị, địa phương.Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ và Công an các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo theo 2 địa chỉ: Cục Chính trị Cảnh sát, 40 Hàng Bài – Hà Nội và Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam, 39 Hàng Chuối -Hà Nội để Ban chỉ đạo Trung ương tổng hợp kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết trong toàn quốc, đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát và có thông báo rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết ở các địa phương.
– Kinh phí tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 của Bộ Công an, TW Hội LHPN Việt Nam và các địa phương sẽ trích từ nguồn kinh phí của Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm đã được Chính phủ cấp cho mỗi ngành và các địa phương.Hàng năm Ban chỉ đạo 138/BCA dành một khoản kinh phí Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã được Chính Phủ cấp cho BCĐ 138/BCA hỗ trợ cho các hoạt động về công tác tuyên truyền, khen thưởng và tổ chức các hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của Ban chỉ đạo NQLT 01 – TW.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH HỘI LHPNVN
CHỦ TỊCH |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG |
NGUYỄN THỊ THANH HOÀ |
THƯỢNG TƯỚNG LÊ THẾ TIỆM |
Nơi nhận:
– Đ/c Bộ trưởng BCA (để báo cáo)
– Các đ/c trong BCĐNQLT01-TW (để chỉ đạo)
– CA và Hội LHPN các tỉnh, TP (để thực hiện)
– BTG TW Hội và C12 (để thực hiện)
– Lưu C28 (P4).
Nguồn tin: Phu nu Da Nang