TW HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐOÀN CHỦ TỊCH Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
Số:130/KH-ĐCT Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2011
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC NGÀY HỘI GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tố chức xã hội cùng toàn thể các gia đình quan tâm hơn tới việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; Thông báo số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư; Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ; Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổ chứcNgày hội Gia đình hạnh phúc.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Việc tổ chức Ngày hội Gia đình hạnh phúc nhằm tiếp tục phát huyn những giá trị truyền thống, văn hóa của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng, xã hội tới việc xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.
2. Tôn vinh, biểu dương các gia đình hạnh phúc, tiêu biểu, gương mẫu, con cháu thảo hiền, anh em hòa thuận, sống có văn hóa, có trách nhiệm với gia đình; động viên, khuyến khích mọi người, mọi gia đình và xã hội có những việc làm, hành động cụ thể quan tâm tới gia đình, thiết thực xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện bình đẳng giới, tuyên truyền hướng dẫn thực hiện giảm nghèo, ngăn ngừa bạo lực gia đình, góp phần thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch” và Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”.
3. Tạo không khí, sự kiện văn hóa bổ ích nhân ngày Gia đình Việt Nam; để các gia đình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xây dựng phát triển gia đình hạnh phúc bền vững, phát huy mạnh mẽ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình thúc đẩy nâng cao chất lượng các mối quan hệ gia đình.
4. Ngày hội Gia đình hạnh phúc được tổ chức tại tất cả các địa phương vào dịp kỉ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm với nội dung, hình thức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng nơi, từng đối tượng, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ và nhân dân tham gia.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA CÁC NGÀY HỘI GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
1. Nội dung, chủ đề
Hằng năm, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các ngành liên quan lựa chọn chủ đề phù hợp để thống nhất chỉ đạo tổ chức Ngày Hội Gia đình hạnh phúc trong phạm vi cả nước.
Hội LHPN các cấp căn cứ vào nội dung phối hợp với ngành văn hóa, thể thao, du lịch, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; căn cứ vào kết quả thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không 3 sạch”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc phù hợp với yêu cầu tình hình địa phương nói chung; nhu cầu đời sống của phụ nữ, gia đình nói riêng.
2. Hình thức
Tùy điều kiện cụ thể, trong tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc ở từng địa phương, đơn vị có thể lựa chọn các hình thức tổ chức sau:
– Tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam gắn với đánh giá kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng Gia đình hạnh phúc 5 không 3 có sạch”.
– Tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các gia đình hạnh phúc, tiêu biểu, con hiếu thảo, cha mẹ nuôi, dạy con tốt… hoặc tổ chức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chủ đề liên quan đến gia đình.
– Phối hợp tổ chức triển lãm hình ảnh về phụ nữ, gia đình, trẻ em và môi trường, sức khỏe nhân Ngày Gia đình Việt Nam.
– Tổ chức các sân chơi phù hợp, hấp dẫn thông qua hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, thời trang, ngành nghề truyền thống nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho các gia đình.
– Các hoạt động hướng dẫn, tư vấn về tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình; về nuôi, dạy con, về sức khỏe phụ nữ, trẻ em; các kỹ năng xử lý tình huống trong gia đình, tập trung vào phụ nữ đơn thân, gia đình phụ nữ trẻ, gia đình có phụ nữ di cư; có phụ nữ xuất khẩu lao động; gia đình phụ nữ chủ hộ nghèo.
3. Công tác tuyên truyền
– Tuyên truyền bằng nhiều hình thức sáng tạo, hấp dẫn, lan tỏa sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của TW và địa phương, của hệ thống Hội về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực gia đình, về gia đình truyền thống, gia đình hiện đại và những đặc thù về chức năng của gia đình Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của xã hội; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
– Biên soạn, in ấn và phân phối các tài liệu liên quan đến gia đình. Trước mắt biên soạn tài liệu của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch”; kỹ năng dạy trẻ vị thành niên với các hình thức: sách hỏi đáp; tờ gấp, tranh cổ động, panô tuyên truyền…
– Tổ chức thu thập ý kiến, thông tin đóng góp cho việc tổ chức Ngày hội để rút kinh nghiệm tổ chức trong những năm tiếp theo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ngày hội gia đình hạnh phúc được tổ chức hàng năm với các hoạt động ý nghĩa, với nội dung và hình thức hấp dẫn, lành mạnh và tiết kiệm.
1. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
– Đưa nội dung hoạt động tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc là hoạt động phong trào trọng tâm để thực hiện có nhiệm vụ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc hằng năm.
– Chỉ đạo định hướng tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc phù hợp với từng năm đối với Hội LHPN cấp tỉnh, thành.
– Hằng năm, TW Hội phối hợp với Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, các ngành liên quan, doanh nghiệp, các viện, trường, các tổ chức xã hội; Hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông để tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc với các hoạt động phong phú, đa dạng, sinh động, hiệu quả.
– Ban Gia đình-Xã hội chủ trì phối hợp với các Ban liên quan tham mưu, đề xuất với Đoàn Chủ tịch nội dung, quy mô, hình thức tổ chức hoạt động Ngày hội cấp TW hàng năm.
2. Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị
– Phối hợp với Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh, thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa kế hoạch tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc” vào chuỗi các hoạt động lớn trong năm của tỉnh, thành để có kế hoạch tổ chức thực hiện.
– Xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo và hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội đối với từng cấp; trong chỉ đạo, có chọn điểm để tập trung đầu tư và có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm.
– Khai thác, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tạo nguồn lực cho các hoạt động.
Trong quá trình thực hiện, TW Hội khuyến khích sự phối hợp tổ chức hoạt động giữa các địa phương và ngành trong việc triển khai các hoạt động của Ngày Hội Gia đình.
Trên cơ sở Kế hoạch của Đoàn Chủ tịch, đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành và các đơn vị trực thuôc nghiên cứu vậnd ụng phù hợp; chủ động tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc” vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm đạt yêu cầu đặt ra. Coi trọng rút kinh nghiệm chỉ đạo việc tổ chức Ngày hội vào những năm sắp tới.
Đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành phố theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức Ngày hội về Trung ương Hội LHPN Việt Nam (qua Ban Gia đình-Xã hội) trước ngày 06/7 hàng năm./.
Nơi nhận: TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
– Ban Dân vận TW, Ban Tuyên giáo TW Đảng (để b/c); PHÓ CHỦ TỊCH
– Thường trực Đoàn Chủ tịch (để b/c); (Đã ký)
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (để b/c);
– Các Ban, đơn vị cơ quan TW Hội (để t/hiện);
– Các Tỉnh, Thành Hội và các đơn vị trực thuộc
– Lưu VT, GĐXH
Trần Thanh Bình