HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TP ĐÀ NẴNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN THƯỜNG VỤ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:03/HD-BTV Đà Nẵng, ngày 27 tháng 02 năm 2013
HƯỚNG DẪN
Hưởng ứng đợt thi đua thực hành tiết kiệm lập thành tích kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”
Căn cứ Hướng dẫn số 03/HD-ĐCT ngày 06/02/2013 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam về việc thực hiện đợt thi đua thực hành tiết kiệm lập thành tích kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2013);
Căn cứ Chương trình hành động số 08/CTHĐ-BCH ngày 18/01/2013 của Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam về việc thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”;
Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng xây dựng Hướng dẫn thực hiện gồm những nội dung cụ thể như sau:
I. Mục tiêu:
– Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường;
– Góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của TW Hội và Chương trình giảm nghèo của thành phố;
– Tạo chuyển biến mới về nhận thức và hành động của cán bộ Hội; phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó của hội viên, phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, thoát nghèo bền vững.
II. Chỉ tiêu cụ thể:
– 100% chi hội tổ chức hoạt động tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ về đợt thi đua và thực hiện khâu đột phá.
– 100% chi hội có ít nhất một loại hình tiết kiệm; vận động 80% hội viên tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm.
– Phấn đấu đến cuối đợt thi đua (tháng 12/2013), tổng dư nợ tiết kiệm trong kỳ đạt 50 tỷ đồng. Tiết kiệm giúp đỡ bằng tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ – trẻ em nghèo, khó khăn, hoạn nạn tăng hơn so với năm 2012 (nguồn từ vận động hội viên và được quy đổi thành tiền)
– Phấn đấu giúp 1.838 hộ phụ nữ thoát nghèo vào cuối năm 2013.
– Phấn đấu mỗi quận/huyện Hội xây dựng được 01 mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng gắn tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ sau học nghề.
III. Nội dung và giải pháp thực hiện:
1. Hoạt động thi đua làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững.
1.1 Vận động tiết kiệm tăng nguồn vốn giúp nhau phát triển sản xuất:
– Tiết kiệm tại chi hội, tổ/nhóm phụ nữ TKTD, TDTK, GVQV thực hiện theo Kế hoạch số 76/KH-BTV ngày 16/11/2012 của Hội LHPN thành phố về việc triển khai hoạt động vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại chi hội.
– Nguồn tiết kiệm vận động được từ cộng đồng, xã hội (hỗ trợ không hoàn lại hoặc cho vay không lãi suất) sẽ do cấp Hội vận động được quản lý và sử dụng như sau:
+ Đối với cấp cơ sở: để lại cơ sở, hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất;
+ Đối với cấp quận/huyện: phân bổ nguồn vốn vận động được cho các địa bàn khó khăn tại địa phương.
Nguồn vốn vận động từ cộng đồng, xã hội được quản lý và cho vay theo nguyên tắc bảo toàn vốn gốc, lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất NHCSXH cho vay hộ nghèo. Mức lãi suất cụ thể, quy định sử dụng lãi suất thu được (nếu cho vay có lãi) do BTV Hội LHPN từng cấp quyết định đối với nguồn vốn do cấp mình vận động, quản lý.
1.2 Vận động thực hiện các hình thức tiết kiệm khác:
– Tiết kiệm chi phí sản xuất;
– Tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội;
– Tiết kiệm trong sử dụng lương thực, thực phẩm;
– Tiết kiệm trong sử dụng điện, nước;
– Tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm;
– Tiết kiệm trong sử dụng vật dụng gia đình…
Các hình thức tiết kiệm nêu trên cần được thực hiện thường xuyên hàng ngày, trong từng công việc cụ thể, là giải pháp thiết thực chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn, cải thiện mức sống gia đình; đồng thời có thêm điều kiện giúp đỡ phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
1.3 Cách thức vận động thực hành tiết kiệm:
– Bản thân cán bộ, hội viên gương mẫu thực hành tiết kiệm;
– Khuyến khích các thành viên gia đình cùng thực hành tiết kiệm;
– Tổ chức hoạt động tiết kiệm trong các chi hội phụ nữ;
– Vận động tiết kiệm trong cộng đồng xã hội.
2. Hoạt động thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”
2.1.Nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ, hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
2.1.1. Đối với cán bộ Hội các cấp:
– Xác định rõ trách nhiệm, sâu sát cơ sở, nắm vững tình hình và nhu cầu thực tế của hội viên, phụ nữ để có giải pháp vận động, hỗ trợ phù hợp.
– Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chủ trương công tác của Hội LHPN thành phố, chủ động khai thác nguồn lực, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính hiệu quả.
2.1.2. Đối với hội viên, phụ nữ:
– Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để chị em hiểu đúng, đầy đủ và có trách nhiệm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ giảm nghèo; thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tiếp cận các nguồn lực để giảm nghèo; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận phụ nữ.
– Vận động hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, mở rộng hợp tác, liên kết, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo.
2.2.Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.
– Vận động, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ học nghề, tiếp cận tín dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch phát triển kinh tế, mô hình sản xuất kinh doanh đã được xác định tại địa phương.
– Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả bền vững.
+ Xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như dạy nghề gắn với tạo việc làm ổn định sau học nghề; phát triển sản xuất an toàn gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ liên kết) phù hợp với quy hoạch phát triển, phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng thực tế của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ.
+ Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cần huy động sự tham gia của các hộ có vốn, có kinh nghiệm làm ăn, hộ nghèo, cận nghèo để giúp đỡ lẫn nhau, giảm nghèo bền vững.
2.3. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm thành phong trào sâu rộng, hiệu quả.
– Tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức tiết kiệm trong cán bộ, hội viên phụ nữ. Duy trì thường xuyên hoạt động tiết kiệm tại chi hội phụ nữ nhằm tạo thói quen tiết kiệm trong chị em.
– Hướng dẫn hội viên, phụ nữ biết cách quản lý chi tiêu và thực hành tiết kiệm trong gia đình.
– Đa dạng hóa, duy trì các mô hình tiết kiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng hội viên phụ nữ; hướng dẫn cách thức quản lý và sử dụng các sản phẩm tiết kiệm hiệu quả có ý nghĩa.
– Phát triển hoạt động tiết kiệm thành phong trào sâu rộng trong hội viên phụ nữ theo chỉ tiêu phân bổ hàng năm của Hội Phụ nữ thành phố.
2.4. Tập trung sự chỉ đạo và nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ nông thôn, di dời, giải tỏa.
– Rà soát, nắm vững tình hình, nguyên nhân, nhu cầu và xây dựng kế hoạch, biện pháp giúp phụ nữ thoát nghèo theo chỉ tiêu phân bổ thi đua của Hội Phụ nữ thành phố. Chú trọng vận động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo từ chi hội, cộng đồng,…
– Thực hiện có hiệu quả các hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH, các chương trình/dự án tín dụng của Hội Phụ nữ thành phố. Có giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để phụ nữ thuộc hộ nghèo được tiếp cận các chương trình dạy nghề, chuyển giao KHKT, tạo việc làm cho phụ nữ ở nông thôn, miền núi, khó khăn, vùng quy hoạch, giải phóng mặt bằng,…
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp Hội tổ chức lễ phát động đợt thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” vào dịp 8/3/2013, tổng kết vào tháng 12/2013 tại hội nghị BCH Hội LHPN các cấp.
Từ năm 2014, thực hành tiết kiệm theo gương Bác tiếp tục là nội dung quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ hàng năm; góp phần xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội.
2. Từng cấp Hội có trách nhiệm vận động cán bộ Hội thuộc thẩm quyền quản lý tích cực hưởng ứng đợt thi đua thực hành tiết kiệm trong gia đình và nơi công tác; gương mẫu thực hành tiết kiệm ít nhất 01 ngày lương/tháng tạo thêm nguồn vốn vay cho chị em khó khăn và giúp đỡ nhân đạo.
Tuyên truyền sâu rộng về nội dung đợt thi đua, vận động xã hội tham gia hưởng ứng và ủng hộ Hội thực hiện các chỉ tiêu thi đua.
3. Cấp cơ sở Hội vận động hội viên, phụ nữ tại địa bàn cơ sở thực hành tiết kiệm tại gia đình và tham gia hoạt động tiết kiệm tại chi hội phụ nữ đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
4. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể liên quan để tăng thêm nguồn lực giúp các cấp Hội cơ sở tổ chức các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
5. Căn cứ hướng dẫn của Hội LHPN thành phố, các quận/huyện Hội, đơn vị trực thuộc, Ban Tuyên giáo – nữ công LĐLĐ, các phòng, ban Hội LHPN thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể nghiêm túc triển khai đảm bảo thực hiện được mục đích, yêu cầu, các chỉ tiêu của đợt thi đua và chương trình hành động thực hiện khâu đột phá góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững.
Nơi nhận TM. BAN THƯỜNG VỤ
– BTV Thảnh ủy, UBND TP
– BTG, Ban Dân vận TU CHỦ TỊCH
– UB MTTQVN TP (đã ký)
– VP TU, UBND TP
– Hội đồng TĐKT TP Đỗ Thị Kim Lĩnh
– UV BCH Hội LHPN TP
– HPN các q/h, các ĐVTT,
BTG-Nữ công LĐLĐ;
– Lưu: VT, Ban KT