Bình đẳng giới là một trong những giá trị mang tính toàn cầu. Mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.Trong nhiều năm qua, bình đẳng giới đã và đang từng bước được thực hiện có hiệu quả ở nước ta ngay từ khi nó được tiếp nhận. Tuy nhiên, tiến trình đi tới mục tiêu đầy nhân văn ấy vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở, thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất đó là định kiến giới. Bình đẳng giới sẽ không thực chất, không thành công nếu như định kiến giới vẫn tồn tại. Vì vậy, xóa bỏ định kiến giới là việc làm cần thiết cho dù điều đó còn khó khăn, phức tạp.
Luật Bình đẳng giới của nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõ, định kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Chính vì vậy, định kiến giới gây áp lực cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ. Định kiến giới tạo ra những giới hạn khó vượt qua và hình thành hố sâu ngăn cách giữa nam và nữ bằng sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và thậm chí cả hưởng thụ. Bất luận ở đâu, thời điểm nào, môi trường tương tác ra sao, chúng ta đều có thể bắt gặp định kiến giới. Cho dù định kiến giới có thể hiện diện bằng nhiều gương mặt, đường nét, sắc màu nhưng hệ lụy chung của nó vẫn là sự phân biệt nam nữ và theo đó là sự bất bình đẳng mà sự thua thiệt vẫn nghiêng về những người phụ nữ. Sự bất bình đẳng này đã chi phối việc trao quyền cho phụ nữ dẫn đến hạn chế vai trò của người phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động xã hội trong khi họ có rất nhiều tiềm năng.
Không chỉ trong môi trường xã hội, định kiến giới còn tồn tại trong các mối quan hệ gia đình. Nó thể hiện ở cách cư xử mà đỉnh điểm là các hành vi bạo lực giới, ở sự phân công lao đông, ở tư tưởng trọng con trai, xem thường con gái. Người chồng tự cho mình là người có quyền hành cao nhất, chi phối mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người vợ. Vẫn bởi cái quan niệm “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” nên người vợ thường không có tiếng nói trong gia đình, nếu có chăng cũng không phải là tiếng nói quyết định. Trong khi mọi việc trong gia đình và thấu hiểu con cái thường do người vợ quán xuyến, am tường. Việc phân công lao động cũng bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Cho rằng, việc của đàn bà, rửa bát, quét nhà, nuôi con, chợ búa…là những việc đàn ông không thể và không được động tay bởi đàn ông cần làm những việc lớn lao hơn(!?). Vì vậy, một lần nữa, gánh nặng định kiến lại đè lên vai người phụ nữ. Sự bất bình đẳng ấy đến nay vẫn còn tồn tại và thậm chí còn nặng nề hơn bởi phụ nữ ngày nay, ngoài công việc nội trợ họ còn phải lao động kiếm sống và tham gia các công việc xã hội. Theo thông báo chính thức của Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ, thời gian lao động của nữ thường cao hơn nam giới 3-4 h/ ngày. Khoảng thời gian vượt trội này chính là công việc nội trợ không tên và không được trả công. Sự phân chia bất hợp lý công việc nội trợ làm người vợ mệt mỏi, không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân, theo đuổi những sở thích và phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Hiện nay, mặc dù định kiến giới có phần bớt nặng nề hơn song vẫn chưa thoát khỏi những quan niệm đã tồn tại từ thời phong kiến. Đó là đặc quyền vẫn nghiêng về phía nam giới và người phụ nữ vẫn bị yếu thế. Theo đó, tạo áp lực cho cả hai giới đối với việc thực hiện vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong cuộc sống, đồng thời là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Tiến trình đi tới mục tiêu bình đẳng giới sẽ rất khó khăn nếu như vẫn tồn tại rào cản định kiến giới.
Thực tế đã ghi nhận những nỗ lực của Đảng và nhà nước ta trong quá trình thực hiện bình đẳng xã hội nói chung và bình đẳng giới nói riêng. Những nỗ lực này được thể hiện qua những văn bản mang tính pháp lý cao như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992, Luật Bình đẳng giới 2006 và các điều khoản trong các văn bản luật khác. Các báo cáo, nghị quyết của Đại hội Đảng qua các thời kỳ cũng xem bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cầnlãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực. Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm ( 2011-2015), báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: “Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ”. Quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và các chính sách của nhà nước thực sự đã và đang thay đổi diện mạo đời sống xã hội nói chung và đời sống người phụ nữ nói riêng. Vị thế của người phụ nữ cả về kinh tế lẫn chính trị ngày càng được khẳng định, từng bước rút ngắn khoảng cách con đường đi tới mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiếnlàhiện tượng tâm lí tiêu cực có tính chất định hình, không dễ thay đổi ngày một ngày hai. Vì vậy, để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ , kiên trì và sáng tạo.
Việc trước hết phải làm đó là tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Mặc dù vây nhưng khẳng định này chưa phải đã hoàn toàn được chấp nhận trong xã hội. Giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa được lồng ghép rõ nét trong chương trình giáo dục chính thống của hệ thống giáo dục quốc dân, cũng chưa được thực hiện một cách thường xuyên, phủ khắp trong cộng đồng. Nhận thức về giới và bình đẳng giới chủ yếu thông qua các kênh dự án tài trợ dưới hình thức tập huấn, hội thảo, các chiến dịch tuyên truyền ngắn do đó hiệu quả không cao, đối tượng tiếp cận bị thu hẹp, nhận thức vấn đề còn sơ lược nếu như không nói là nông cạn. Để khắc phục tất cả những hạn chế này, cần phải thay đổi, cải tiến hình thức tuyên truyền giáo dục về giới và bình đẳng giới. Nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ba môi trường giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Theo đó, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Trường học là nơi thuận lợi và có điều kiên để xây dựng một môi trường bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng tốt nhất và hiệu quả nhất.Tuy nhiên, việc giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường sẽ không thành công nếu thiếu sự tương tác tích cực của giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Truyền thông cũng là một lực lượng quan trọng góp phần tác động để thay đổi những nhận thức sai lầm của công chúng về phụ nữ và đàn ông. Ở một số nước phát triển, bên cạnh việc tôn vinh người phụ nữ, truyền thông còn cổ súy rất nhiều cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Những chương trình vào bếp cùng người nổi tiếng, những diễn dàn đưa người cha về với trái tim gia đình là những chương trình được nhiều người yêu thích, ủng hộ.
Xóa bỏ định kiến giới không chỉ dừng ở việc thay đổi nhận thức mà quan trọng hơn, phải giúp con người sống với đúng bản chất của mình. Có nghĩa là phải xây dựng được một thái độ sống đúng đắn, tích cực để từ đó người ta có thể thay đổi chính mình và thay đổi cả thế giới. Những quan niệm xưa cũ từng làm cho vị thế, thân phận người phụ nữ thấp kém, mỏng manh cần phải phê phán đúng mức và điều chỉnh cho phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, những nhu cầu giới cũng cần phải được quan tâm, điều tiết kịp thời. Đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội. Thay đổi các khuôn mẫu văn hóa dựa trên cơ sở giới và tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ là những mục tiêu hành động mạnh mẽ, cụ thể nhằm phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống hiện tại, hướng tới xây dựng một điển hình phụ nữ năng động, vượt qua những rào cản định kiến giới, làm chủ cuộc đời mình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong chiến lước xây dựng và phát triển đất nước. Xóa bỏ định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó – mục tiêu mà mỗi một người dân Việt Nam đều khát khao, mong đợi và đang hết mình cống hiến./.
Ngô Liên Hương