THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 2010
ĐỀ ÁN
Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
(Giai đoạn 2010- 2015)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở thực tiễn
1. 1. Thực trạng về phẩm chất, đạo đức phụ nữ hiện nay
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện rõ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất; có lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương và đức hy sinh.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam một mặt tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức quý báu, những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá mà các thế hệ trước đã để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, việc gìn giữ, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay còn một số tồn tại như:
– Một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ.
– Một bộ phận phụ nữ sống thiếu lý tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội, cộng đồng; một bộ phận nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội. Một số phụ nữ vi phạm pháp luật như tham gia vào các hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em; buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma tuý trái phép; tham gia chơi lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan… Hoạt động mại dâm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát, nhất là ở các khu du lịch, các thành phố lớn.
-Nhận thức của một bộ phận người dân, phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ; tình trạng ngoại tình, ly hôn có chiều hướng gia tăng; lối sống thiếu văn hoá, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang là vấn đề đáng lo ngại.
–Trong xã hội, nhất là giới trẻ đang có xu hướng sống thực dụng, có quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Xu hướng lấy chồng ngoại chỉ vì lợi ích vật chất trước mắt đã xuất hiện ở một bộ phận nữ thanh niên. Những cuộc hôn nhân theo hình thức thương mại hoá này đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng cho phụ nữ: bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng ép quan hệ tình dục với nhiều người trong gia đình, bị bán làm gái mại dâm hoặc bị hành hạ, đánh đập. Hình ảnh các cô dâu Việt được rao bán trên một số báo Hàn Quốc, Đài Loan; những vụ xem mặt, chọn vợ tập thể diễn ra ở một số nơi đã và đang làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá, đạo đức, làm sai lệch hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
– Một bộ phận phụ nữ còn hạn chế về mặt nhận thức, quen sống thụ động, tự ty, an phận, chấp nhận những đối xử bất bình đẳng, chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, thậm chí thiệt hại tính mạng. Vấn đề sức khoẻ của phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những thách thức như bệnh phụ khoa, lây nhiễm HIV/AIDS …
Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã chỉ rõ: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”.
Những tồn tại nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do nhận thức của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, thiếu thông tin; chưa chú trọng việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức; chưa có ý thức giữ gìn, phát huy các phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ, của dân tộc. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn, các vấn đề xã hội nảy sinh chậm được giải quyết, sự bùng nổ thông tin với nhiều loại thông tin ngoài luồng khó kiểm soát, sự du nhập văn hóa nước ngoài với lối sống đề cao sự hưởng thụ đang tác động vào các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ.
Thực tiễn khách quan trên cho thấy, trong quá trình đổi mới kinh tế – xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những chuẩn mực phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam nói riêng và hệ các giá trị chuẩn mực của người Việt Nam nói chung đang biến đổi theo một số xu hướng đáng chú ý sau đây ([1]):Một là xu hướng chuyển trọng tâm các giá trị phẩm chất đạo đức nặng về tinh thần sang kinh tế. Hai là xu hướng chuyển phạm vi quyền lợi từ xã hội và tập thể sang cá nhân và cộng đồng địa phương. Ba là xu hướng chuyển mục tiêu từ lâu dài sang ngắn hạn. Bốn là xu hướng chuyển từ thụ động chờ đợi sự hỗ trợ nhà nước sang tích cực và chủ động của cá nhân trong việc đánh giá và thực hiện hành vi, hoạt động đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Năm là xu hướng chuyển từ hình thức đánh giá cào bằng, bình quân chủ nghĩa sang hình thức đánh giá có phân biệt năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.Các xu hướng biến đổi hệ các giá trị và phẩm chất đạo đức ấy đòi hỏi cần có sự định hướng tiêu chí người phụ nữ Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1.2. Thực trạng của công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ hiện nay
Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về giáo dục và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các Bộ, ngành chức năng đã có hoạt động hướng đến giáo dục phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam như ngành Thông tin – Truyền thông tuyên truyền trên hệ thống truyền thông đại chúng từ trung ương đến địa phương; ngành Giáo dục lồng ghép việc giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống vào một số môn học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các hoạt động ngoại khoá trong các nhà trường; Nhà nước, các ngành, các đoàn thể tổ chức một số giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước…
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội; được phát động thành phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” triển khai rộng khắp trong các cấp Hội phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam còn những hạn chế, bất cập sau:
– Chưa có sự định hướng và thống nhất về nội dung, về mẫu hình người phụ nữ theo tiêu chí con người mới, người phụ nữ mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chưa có sự phối hợp, gắn kết, lồng ghép chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức với tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.
– Việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức chưa thường xuyên, còn mang tính đơn lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, đoàn thể và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, kỹ năng truyền thông; giữa cơ quan quản lý Nhà nước về công tác truyền thông và các lĩnh vực truyền thông thuộc các ngành chức năng chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ.
– Ít quan tâm biểu dương những gương phụ nữ điển hình về đạo đức, lối sống; chưa tạo được dư luận xã hội phê phán và lên án kịp thời những việc làm trái pháp luật, đi ngược thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc.
Từ thực trạng và tình hình trên cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ là một trong những yêu cầu cần thiết trong chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam, cần phải được đẩy mạnh, phải được xem là nhiệm vụ có tính ưu tiên của cả hệ thống chính trị mà tổ chức nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có sự tham gia chủđộng, tích cực của các Bộ, ngành, đoàn thể.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý của việc xây dựng Đề án
– Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
– Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH TW khoá IX số 16- NQ/TW (18/3/2002) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới;
– Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ X của Đảng (nhiệm kỳ 2006- 2010) tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”;
– Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;
– Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước;
– Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2007;
– Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn Quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2007 – 2012);
– Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày 05/01/2009.
Để góp phần xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn Quốc lần thứ X, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 – 2015).
Giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Namkhông chỉ cần thiết đối với người phụ nữ, mà còn cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, với vai trò của người mẹ, “người thầy đầu tiên của con người”, phụ nữ có vai trò quan trọng, tác động đến các thành viên trong gia đình. Do vậy, Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 – 2015)là một Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thực hiện Đề án sẽ góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, của con người Việt Nam một cách bền vững.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đề án phải thiết thực cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam;
2. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm tính kế thừa những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam; vừa định hướng xây dựng tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước, được các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng xã hội đồng tình, tiếp nhận, thực hiện;
3. Đề án đảm bảo tính khoa học và thực tiễn; huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trên cơ sở phối hợp với các bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, đồng thời lồng ghép, phối hợp với các chương trình, đề án khác nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án, tránh lãng phí. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo tính xã hội rộng rãi, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền;
4. Việc thực hiện Đề án gắn với các phong trào thi đua yêu nước trong từng thời kỳ, phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ, quần chúng nhân dân, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc xây dựng, gìn giữ, phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam;
5. Đề án góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến hết năm 2015, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam phấn đấu đạt được kết quả sau:
– Trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức, nữ công nhânđược tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
– Trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành: Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông làm công tác tuyên truyền và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ từ chi hội trưởng trở lên; cán bộ Đoàn thanh niên; cán bộ phụ trách Nữ công của Công đoàn từ cấp cơ sở trở lên; cán bộ nghiệp vụ văn hóa và cán bộ nếp sống, văn hóa và gia đình cơ sở từ cấp xã trở lên được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng thụ hưởng
– Báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Công đoàn các cấp; đội ngũ quản lý và giáo viên của ngành Giáo dục; đội ngũ quản lý, phóng viên các cơ quan truyền thôngchuyên viết và thực hiện chương trình về mảng đề tài phụ nữ của ngành Thông tin và Truyền thông; cán bộ nghiệp vụ văn hoá và cán bộ nếp sống, văn hóa và gia đình cơ sở của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
– Phụ nữ Việt Nam nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.
2.Phạm vi thực hiện
Đề án triển khai từ năm 2010 – 2015 ở Trung ương và các địa phương trong cả nước.
V. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ
1. Nội dung tuyên truyền, giáo dục
– Các giá trị đạo đức truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được xây dựng, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước;
– Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu; định hướng các giá trị đạo đức, phẩm chất phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ mới.
2. Nhiệm vụ
– Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam, tiêu chí người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cộng đồng và hệ thống trường học; trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng; thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;
– Xây dựng lực lượng cán bộ, tuyên truyền viên nòng cốt trong tổ chức, thực hiện tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam;
– Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc triển khai công tác xây dựng, hoạch định chính sách liên quan tới tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức chongười dân Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng;
– Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các hoạt động của Đề án hàng năm, giữa kì và cuối kì.
(Các hoạt động của Đề án được phân thành 4 Tiểu Đề án và được mô tả chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Khảo sát, xây dựng mô hình chỉ đạo điểm
a) Tổ chức khảo sát tại một số địa phương, một số trường học, một số ngành về công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm xác định nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả với các nhóm đối tượng;
b) Xây dựng các điểm chỉ đạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện thực tiễn của từng địa phương, vùng miền, ngành, lĩnh vực. Đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng.
2. Xây dựng cơ chế hoạt động
a) Cơ chế phân cấp và phối hợp
– Các hoạt động của Đề án được phân thành 4 tiểu Đề án theo nhóm đối tượng và lĩnh vực hoạt động; được giao cho từng cơ quan, tổ chức chủ trì, có phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức cấp trung ương với cấp địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đánh giá kết quả của Đề án;
– Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì trong việc thực hiện triển khai Đề án, tăng cường phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia và cộng đồng trong thực hiện Đề án.
b) Cơ chế huy động nguồn lực
– Bảo đảm đủ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc phân cấp ngân sách. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí đối với nội dung công việc do các Bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung công việc do các cơ quan thuộc địa phương thực hiện;
– Huy động nguồn lực ngoài ngân sách; khuyến khích các nguồn hỗ trợ khác (nguồn lực từ các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tài trợ; nguồn lực được tạo nên từ hình thức xã hội hoá công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ…).
c) Cơ chế giám sát, đánh giá
– Phát huy vai trò các Bộ, ngành, đoàn thể tham gia phối hợp thực hiện hoạt động giám sát;
– Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình thực hiện và giám sát việc thực hiện các hoạt động của Đề án.
3. Các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật tuyên truyền, giáo dục
a) Xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục
– Xây dựng bộ tài liệu tập huấn đào tạo giảng viên, tuyên truyền viên;
– Xây dựng bộ tài liệu truyền thông, các ấn phẩm truyền thông làm cẩm nang truyền thông tại cơ sở: tờ rơi, sổ tay, ap phích, băng, đĩa phù hợp với từng nhóm đối tượng;
– Xây dựng tài liệu truyền thông thí điểm bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng miền, địa phương.
b)Xây dựng nguồn nhân lực
Tổ chức Hội thảo, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho:
– Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Đoàn Thanh niên, Công đoàn cấp trung ương và địa phương;
– Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên thực hiện Đề án trong trường học;
– Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ văn hoá và cán bộ nếp sống, văn hóa và gia đình cơ sở;
– Các nhà quản lí, phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương chuyên viết và thực hiện chương trình về mảng đề tài phụ nữ.
c) Sử dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn
Tuỳ theo tình hình, đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, địa bàn, sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:
– Tổ chức truyền thông trực tiếp: mở các chiến dịch truyền thông, các hoạt động truyền thông nhân các dịp lễ lớn của dân tộc, các ngày truyền thống của ngành, đoàn thể; mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt câu lạc bộ;
– Tổ chức tuyên truyền, trao đổi, thảo luận trong sinh hoạt hội viên tại các chi hội phụ nữ;
– Tuyên truyền, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, mạng lưới truyền thanh cơ sở, mạng internet…;
– Tổ chức thi sáng tác, thi viết, thi tìm hiểu; tổ chức triển lãm; xây dựng phim truyền hình, phim tài liệu, video clip ngắn, tiểu phẩm, kịch … về tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phương pháp thực hiện Đề án
-Triển khai tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh đất nước tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tổ chức chỉ đạođiểm tại 06 tỉnh, thành đại diện, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trong cả nước.
– Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin giữa trung ương và địa phương trong việc triển khai Đề án; đánh giá kết quả thực hiện Đề án giữa kỳ, cuối kỳ.
– Phối hợp với các chương trình, dự án, đề án khác đang thực hiện tại địa bàn cơ sở để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, tiết kiệm.
2. Thành lập Ban Điều hành Đề án tại Trung ương
a) Ban Điều hành Đề án Trung ương do Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết định thành lập gồm: Trưởng Ban Điều hành là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các Phó Ban Điều hành là lãnh đạo của các Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; các thành viên thường trực Ban Điều hành là đại diện lãnh đạo cấp Vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
– Tổ thư ký giúp việc Ban Điều hành Đề án do Trưởng Ban quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ;
– Các cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các Tiểu Đề án thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc thực hiện phần công việc được giao; phối hợp với Ban Điều hành triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án.
b) Cơ chế hoạt động
– Ban Điều hành Đề án chịu trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế hoạt động của Ban; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo điều phối các hoạt động của Đề án nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc và trong từng địa bàn cụ thể; đề ra các giải pháp phù hợp tăng cường hiệu quả hoạt động của Đề án; chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát định kì, tổng hợp báo cáo thực hiện Đề án cho Chính phủ; sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước.
– Hoạt động giám sát được tiến hành thông qua: Báo cáo định kỳ của Ban Điều hành; quyết toán hoạt động; các cuộc họp Ban Điều hành: họp thường kỳ, đột xuất; các đợt kiểm tra tại địa phương; trao đổi thông tin nhanh (điện thoại, Fax, mail); báo cáo giám sát của cấp cơ sở: Báo cáo định kì 6 tháng, 1 năm, giai đoạn.
– Các cơ quan, tổ chức chủ trì các Tiểu Đề án xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo về Ban Điều hành Đề án chung.
3. Phân công trách nhiệm
a) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện Đề án; thành lập Ban Điều hành Đề án; tổng hợp xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Điều hành Đề án; tổ chức kiểm tra các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước;
– Chỉ trì,phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng và thực hiện Tiểu Đề án 1:Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cán bộ, hội viên, phụ nữ (giai đoạn 2010 -2015),bao gồm các hoạt động: biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ theo tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các cấp Hội; tổ chức tuyên truyền, giáo dục tiêu chí phụ nữ Việt Nam cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm; kiểm tra, giám sát, đánh giá Tiểu Đề án.
– Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chi Minh tổ chức tuyên truyền, giáo dục tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong nữ thanh niên ngoài hệ thống trường học; nữ cán bộ, công chức, viên chức và nữ công nhân lao động.
– Tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 12 hàng năm.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và thực hiện Tiểu Đề án 2:Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các trường học(giai đoạn 2010 -2015),bao gồm các hoạt động: biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho các đối tượng học sinh, sinh viên; tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phối hợp Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm; kiểm tra, giám sát đánh giá Tiểu Đề án.
– Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan trong Đề án chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án.
– Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nội dung của Đề án được phân công về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước ngày 20 tháng 11 hàng năm.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông
– Chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3: Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng (giai đoạn 2010 -2015); đưa tiêu chí người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào các tác phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình; chỉ đạo các cơ quan truyền thông mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng phim tài liệu phục vụ nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các các cơ quan truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền nội dung Đề án và các kết quả đạt được trong thực hiện Đề án.
– Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan trong Đề án chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án.
– Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nội dung của Đề án được phân công về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước ngày 20 tháng 11 hàng năm.
d) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
– Chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 4: Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (giai đoạn 2010 – 2015), bao gồm các hoạt động: tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ văn hoá và cán bộ nếp sống, văn hóa và gia đình cơ sở;tổ chức, huy động lực lượng văn nghệ sỹ tham gia các cuộc thi sáng tác, biểu diễn, trưng bày nghệ thuật về tiêu chí người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đưa tiêu chí người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch.
– Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cơ quan trong Đề án thực hiện các nội dung của Đề án.
– Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nội dung của Đề án được phân công về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
đ) Bộ Tài chính có trách nhiệm: bảo đảm ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; ban hành văn bản hướng dẫn về lập dự toán, quản lí, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án; phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông ,Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong Đề án; phối hợpkiểm tra, giám sát thực hiện Đề án;
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan;
g) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp tham gia thực hiện.
4. Tiến độ thực hiện Đề án
Việc thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 2010 đến hết năm 2012
Thực hiện các công việc cụ thể sau:
– Hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
– Thành lập Ban điều hành Đề án; xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ; xây dựng, ban hành các văn bản phục vụ cho việc quản lý, điều hành và thực hiện Đề án;
– Tổ chức khảo sát xác định các nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp;
– Tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, phóng viên, cộng tác viên và tuyên truyền viên các cấp của các ngành liên quan trong Đề án;
– Biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
– Chỉ đạo điểm về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại các tỉnh, thành đại diện các vùng, miền trong cả nước;
– Tổ chức tuyên truyền, giáo dục tiêu chí phụ nữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch; trong hệ thống các trường học và trong hội viên, phụ nữ;
– Tổ chức các Hội thảo, diễn đàn, toạ đàm, các hội thi; xây dựng phim truyền hình, phim tư liệu, video clip ngắn, tiểu phẩm, kịch …;
-Kiểm tra việc thực hiện nội dung của Đề án;
-Sơ kết công tác thực hiện Đề án vào quý IV năm 2012.
Giai đoạn 2: Từ năm 2013 đến hết năm 2015
Thực hiện các công việc sau:
– Tiếp tục các hoạt động xây dựng nguồn nhân lực và bổ sung các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ;
– Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ trên phạm vi cả nước;
-Tiếp tục tổ chức các Hội thảo, diễn đàn, toạ đàm, các hội thi; tæ chøc triÓn l·m; xây dựng phim truyền hình, phim tư liệu, video clip ngắn, tiểu phẩm, kịch …;
– Kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án;
– Nhân rộng các mô hình về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cộng đồng, trường học, các ngành liên quan;
– Tổng kết Đề án vào Quý IV năm 2015.
VIII. KINH PHÍ
8.1. Tổng kinh phí ước tính: 95.010.000.000đ (gồm cấp trung ương: 66.350.000.000đ; cấp địa phương: 28.660.000.000đ). Trong đó:
a) Kinh phí thực hiện các Tiểu Đề án
Ước tính: 93.660.000.000 đ, trong đó:
+ Tiểu Đề án 1: 35.940.000.000đ (cấp trung ương: 5.900.000.000đ; cấp địa phương: 30.090.000.000 đ)
+ Tiểu Đề án 2: 23.920.000.000đ (cấp trung ương: 6.700.000.000đ; cấp địa phương: 17.220.000.000đ)
+ Tiểu Đề án 3: 25.180.000.000đ (cấp trung ương)
+ Tiểu Đề án 4: 9.970. 000. 000 đ (cấp trung ương)
b) Kinh phí thực hiện Đề án :
Ước tính: 1.350.000.000 đ(cấp trung ương),trong đó:
+ Kinh phí tổ chức Hội nghị giới thiệu, triển khai Đề án (tại Hà Nội):
100.000.000đ
+ Kinh phí cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá:
100.000.000đ/năm x 5 năm = 500.000.000 đ
+ Kinh phí hoạt động biểu dương, khen thưởng, sơ kết, tổng kết tại trung ương:500.000.000 đ
– Giai đoạn I : 200.000.000 đ
– Giai đoạn II: 300.000.000 đ
+ Kinh phí hoạt động Ban Điều hành (chế độ họp Ban Điều hành định kỳ, chi phí hành chính):
50.000.000 đ/năm x 5 năm = 250.000.000 đ
8.2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
– Kinh phí thực hiện Đề án trên cơ sở kinh phí ước tính của Đề án theo nguyên tắc phân cấp ngân sách.
Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung công việc do các Bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện.
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với các nội dung, công việc do các cơ quan thuộc địa phương thực hiện.
– Đối với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được phân công chủ trì thực hiện các Tiểu Đề án có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết (phần kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm) gửi về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (trước ngày 15 tháng 7 hàng năm) để tổng hợp gửi Bộ Tài chính trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức chủ trì các Tiểu Đề án.
– Việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chủ trì các Tiểu Đề án phải chịu trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính về ngân sách và báo cáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổng hợp báo cáo chung của Đề án.
– Đối với ngân sách thực hiện Đề án của địa phương do Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt năm trên cơ sở kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí của các ngành, tổ chức, đoàn thể địa phương xây dựng.
IX. HIỆU QUẢ VÀ TÍNH BỀN VỮNG CỦA ĐỀ ÁN
9.1. Tính hiệu quả
– Góp phần giữ gìn và phát huy những phẩm chất, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
– Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam với các phẩm chất tiêu biểu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nêu cao vai trò của người phụ nữ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển kinh tế – xã hội.
– Góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia; thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện quyền phụ nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam.
9.2. Tính bền vững
-Đề án đã xây dựng được nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm tính kế thừa những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam; vừa phù hợp với thời kì phát triển, hội nhập; do đó, được các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng xã hội đồng tình, tiếp nhận, tự giác thực hiện, góp phần hình thành chuẩn mực về người phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
– Đề án tạo được hệ thống tài liệu và xây dựng được đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các bộ, ngành, đoàn thể trong Đề án làm công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo các tiêu chí. Khi Đề án kết thúc, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể trong Đề án, đội ngũ này tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả trong lĩnh vực công tác của mình.
– Đề án đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong việc góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí mới; đồng thời hình thành được mối quan hệ phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành chức năng với Hội Liên hiệp Phụ nữ trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
– Từ việc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần định hướng xây dựng và hình thành phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con ngườiViệt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách bền vững./.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(đã ký)
NGUYỄN TẤN DŨNG