1. Chị Nguyễn Thị Phúc – hội viên Chi hội phụ nữ thôn Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang)
Sinh ra và lớn lên từ một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ chị đã phải tự lập kinh tế và giúp đỡ cha mẹ trong việc đồng áng. Đến khi lập gia đình, có 2 con đang trong độ tuổi đi học, chị luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, để các con có điều kiện ăn học. Năm 2017, chị bàn bạc với gia đình, mạnh dạn đầu tư trồng 02 ha rau sạch tại đồng rau Yến Nê 1. Với bản tính cần cù, chịu khó ham học hỏi và được sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; chị đã kịp thời ứng dụng vào vườn rau, nên toàn bộ diện tích rau của gia đình chị sinh trưởng phát triển tốt, tạo được nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Ngoài việc đầu tư trồng rau sạch, gia đình chị còn phát triển chăn nuôi gà thả vườn, trung bình hàng năm xuất bán 2 lứa gà ăn thịt, đem về thu nhập từ việc chăn nuôi gà khoảng 50 triệu/năm. Từ hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình ngày được cải thiện và nâng lên rõ rệt, con cái được học hành đầy đủ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Phúc còn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào của Hội phụ nữ. Bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn thường xuyên truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trong Hội, để chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Với sự cố gắng nỗ lực đó, nhiều năm liền gia đình chị Phúc đều đạt gia đình văn hóa. Chị xứng đáng là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ chịu thương, chịu khó.
2. Chị Huỳnh Thị Dân – hội viên Chi hội phụ nữ Đông Hải (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn)
Xuất thân từ một gia đình khó khăn, nhưng đến khi lập gia đình chị còn gặp nhiều khó khăn hơn nhiều lần vì chồng chị thất nghiệp, một mình chị phải gánh vác kinh tế gia đình. Để có thu nhập trang trải cho gia đình, hàng ngày chị phải phụ bán hàng đá mỹ nghệ tại các cơ sở đá mỹ nghệ trên địa bàn phường.
Chị Huỳnh Thị Dân trao quà cho các em học sinh nghèo
Với ý chí vươn lên trong cuộc sống, trong cái khó ló cái khôn chị đã tìm đến Chi hội phụ nữ đề xuất được hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế. Qua sự giúp đỡ nhiệt tình của Chi hội, chị đã được vay nguồn NHCSXH 50 triệu đồng, với số vốn ban đầu chị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mượn địa điểm nhà mẹ ruột để mở cửa hàng bán đồ trang sức từ đá. May mắn là công việc kinh doanh của chị cơ bản thuận lợi, được khách hàng tin tưởng và giới thiệu cho nhiều người đến ủng hộ. Khi việc kinh doanh đã ổn định, chị đã bàn với chồng vay Ngân hàng với số tiền lớn hơn để đầu tư mở rộng cơ sở kinh doanh, không chỉ bản lẻ mà chị còn bán sỉ cho những cửa hàng nhỏ lẻ lân cận. Với những nỗ lực, sự cố gắng của bản thân, đến nay vợ chồng chị đã mở 2 của hàng lớn, không chỉ bán bán mặt hàng nữ trang từ đá mà còn bán cả các tượng lớn đủ loại đá, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ những khó khăn bản thân đã trải qua, chị luôn tâm niệm sẽ giúp đỡ cho những người khó khăn như mình, hiện nay chị đã giải quyết việc làm cho 15 lao động làm việc tại các cửa hàng của mình, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị thường xuyên hỗ trợ kinh phí giúp cho các em học sinh nghèo vượt khó học tốt và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Hội ở địa phương.
Ban Tuyên giáo tổng hợp