Dù đang làm việc ở lĩnh vực nào, đảm nhiệm vị trí công tác gì: công nhân, trí thức, lực lượng vũ trang hay làm khoa học, quản lý… các chị đều là những người phụ nữ sáng ngời các phẩm chất đạo đức Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang, luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực lao động, học tập, công tác tốt và có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần dựng xây quê hương, đất nước. 10 chị xứng đáng sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2014 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày mai, 17/10.
Website TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tóm tắt thành tích của các chị cùng bạn đọc.
1. TS.Nguyễn Thị Bích Điểm – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Thanh niên
Xuất thân là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Long An, tỉnh Long An, từ năm 1986 chị chuyển sang làm công tác thanh niên. Trải qua nhiều vị trí công tác (cán bộ nghiên cứu phòng Nghiên cứu Thanh niên thuộc Viện Nghiên cứu Thanh niên; Trưởng phòng Nghiên cứu Sử Đoàn và Quan hệ Quốc tế, Trưởng phòng Nghiên cứu phong trào Thanh niên), từ năm 2010 đến nay, chị giữ chức Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Thanh niên.
Trong quá trình công tác, chị đã trực tiếp và tham gia thực hiện trên 30 đề tài, chuyên đề khoa học; có 20 công trình được công bố; trong đó có 6 đề tài cấp Bộ do chị làm chủ nhiệm. Điển hình như đề tài “Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cán bộ Đoàn cấp TW” do chị làm chủ nhiệm và đề tài “Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” do chị làm trưởng nhóm. Đây là một trong những đề tài khó và mới,góp phần tích cực vào việc đổi mới công tác đánh giá chất lượng tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn TN.
Là một lãnh đạo nữ, chị tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới như làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ: “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới của Đoàn TNCSHCM nhằm phát triển nữ thanh niên”; trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Những giải pháp tăng cường vai trò của gia đình trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”; tích cực tham gia mảng nghiên cứu về nâng cao vị thế cho phụ nữ; làm chuyên gia nhóm đánh giá cuối kỳ dự án ”Cộng đồng tham gia phòng chống bạo lực gia đình”. Chị cũng đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; tích cực tham mưu, đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển nữ thanh niên, xây dựng cơ chế chính sách phát triển nữ thanh niên, phụ nữ thông qua các hội thảo khoa học. Chị cũng là thành viên của Hội đồng Nữ Thanh niên Việt Nam gần 20 năm. Chị đã được nhận Bằng khen của TTCP; 5 Bằng khen của các ngành; 5 Giấy khen; Huy hiệu vì Thế hệ trẻ.
2. Chị Nguyễn Thị Hương Giang – Công nhân bậc 6/7 Nhà máy gạch Tiêu Giao, Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long thuộc Tổng Công ty Viglacera
Là tổ trưởng sản xuất – PX tạo hình 3, Nhà máy Gạch Tiêu Giao, trong nhiều năm liên tục, chị trực tiếp làm việc tại bộ phận sản xuất ngói 22v/m2 và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vai trò là tổ trưởng, chị luôn tỉ mỉ, sát sao, phân công công việc cụ thể, đôn đốc kiểm tra đảm bảo chất lượng, năng suất, an toàn lao động; uốn nắn kịp thời những công nhân tay nghề còn yếu, thường xuyên theo dõi sự biến đổi của chất lượng sản phẩm để có những đề xuất phù hợp nhằm ổn định sản xuất. Chị là người tham gia chỉ đạo sản xuất, đưa mức lương sản phẩm từ 160 ngàn/người/ca lên 190 ngàn/người/ca; đề xuất hợp lý hóa các công đoạn sản xuất, sử dụng máy móc, giảm giờ làm, tăng thu nhập; tham gia đóng góp một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật như chế tạo máy xuyên lỗ ngói 22v/m2 thay cho xuyên lỗ thủ công cải thiện điều kiện làm việc, giảm bớt nhân công 1 người/máy ngói, làm lợi cho đơn vịgần 60 triệu đồng/năm. Chị cũng đề xuất, góp ý chỉnh sửa làm đẹp ngoại quan sản phẩm thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho công ty. Với thành tích đó, chị Giang đã được nhận Bằng khen của TTCP; 3 Bằng khen cấp Bộ; 2 lần CSTĐ cấp ngành; 5 năm CSTĐCS.
3. Ths. Đinh Thị Hoa – Trưởng Bộ môn Quản lý Tài Nguyên và Môi trường, Khoa Nông – Lâm, Đại học Tây Bắc.
Tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Lâm nghiệp VN, chị về làm giảng viên Bộ môn Lâm nghiệp, Khoa Nông – Lâm, Trường Đại học Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Hiện chị là Trưởng Bộ môn Quản lý Tài Nguyên và Môi trường, Khoa Nông Lâm, Trường ĐH Tây Bắc, chị là nghiên cứu sinh Trường ĐH Lâm nghiệp VN. Chị đã có 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp cơ sở. Chị đã có 4 công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Điển hình như: ”Kiến thức bản địa của người Thái trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”, “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gây trông và phát triển Bò khai, rau Sắng tại Sơn La”… Chị được nhận Bằng Lao động sáng tạo năm 2011; Giải ba – Giải thưởng Sáng tạo KHCN VN (Vifotec); Giải khuyến khích cuộc thi “Ý tưởng xanh”; 2 Bằng khen, 1 Giấy khen.
4. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền – Bí thư Đảng ủy, YV HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Từ một công nhânmay của tổ May 1, phân xưởng May 1 thuộc Tổng Công ty May 10, nhờ không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, chị đã trưởng thành, trải qua nhiều vị trí từ tổ trưởng tổ sản xuất, phó quản đốc phân xưởng, Giám đốc Xí nghiệp May 3, Giám đốc điều hành Công ty, Phó Tổng Giám đốc và hiện nay là Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10. Là người đứng đầu Công ty, chị luôn sát sao cùng Ban giám đốc tìm ra các giải pháp, phương hướng hoạt động đưa doanh thu của Công ty tăng cao qua các năm. Năm 2008, chị mạnh dạn áp dụng thành tựu khoa học vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đề xuất các biện pháp quản lý, đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu May 10 thông qua việc mở Cửa hàng may đo Veston, tham gia các chương trình biểu diễn thời trang lớn, quảng bá thương hiệu trên Con đường Gốm sứ ven Sông Hồng… Các năm tiếp theo, chị cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; mạnh dạn nghiên cứu phân tích cải tiến thao tác ở các công đoạn nhằm tăng năng suất lao động từ 15-20%, có bộ phận tăng từ 40-50%; mở rộng quy mô sản xuất tạo việc làm cho trên 1000 lao động tại Hải Phòng; góp vốn thành lập Công ty CP Đông Bình tại Bắc Ninh, Công ty CP Thiệu Đô tại Thanh Hóa; xây dựng mô hình TCT, thành lập khu sản xuất sơmi tại May 10 và tại địa phương, xây dựng cơ chế và lộ trình giao khoán, hoạch toán độc lập cho các xí nghiệp thành viên; xây mới và khai trương chuỗi siêu thị M10 Mart tại Thái Bình, Thanh Hóa; đăng cai tổ chức hội thi thợ giỏi lần thứ 4 khu vực phía Bắc; mở rộng lĩnh vực kinh doanh với số vốn đầu từ 101,77 tỷ năm 2010 lên đến 112,30 tỷ đồng vào năm 2013. Từ năm 2011, môi trường kinh doanh có nhiều bất lợi, bằng sự quyết đoán, năng động, chị đã tạo việc làm ổn định cho hơn 8000 lao động. Chị đầu tư nghiên cứu giảm thời gian chế tạo sản phẩm sơmi từ 1889 giây xuống còn 696 giây góp phần tăng năng suất lên 3 lần so với 10 năm trước; giảm giờ làm thêm 30 phút/ngày/người, bình quân giảm 25h/người/năm; thành lập Trung tâm Thương mại & SX công nghệ cao Hưng Hà với 3 nhất: hiện đại nhất, xây dựng nhanh nhất và giao hàng nhanh nhất; thành lập phòng thông tin và truyền thông, xuất bản bản tin nội bộ “Phong cách May 10”, phát hành bộ đĩa “May 10 cùng năm tháng”, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư Nhà máy Veston Hưng Hà, Công ty TNHH 888. Chị tiếp tục cho áp dụng công nghệ tiên tiến: áp dụng dây chuyền Lean, chỉ số KPI; thúc đẩy kinh doanh hàng trong nước; các đơn vị tự tổ chức đào tạo thao tác chuẩn cho công nhân. Nhờ những biện pháp quyết liệt, sáng tạo, năng động, nắm bắt được thị trường của chị và Ban Giám đốc, doanh thu của Công ty đã tăng cao, năm 2008 đạt 607 tỷ đồng, năm 2013 đạt 1,800 tỷ đồng; lợi nhuận tăng từ 16,70 tỷ đồng năm 2008, 42 tỷ đồng năm 2013; nộp ngân sách đạt từ 7,18 tỷ đồng năm 2008, đạt 27,32 tỷ đồng năm 2013; thu nhập bình quân của người lao động đạt 1,8 triệu đồng năm 2008, 5,500 triệu động năm 2013. Đến nay, TCT của chị đang giải quyết việc làm cho trên 10 ngàn lao động, chủ yếu lao động từ các vùng nông thôn.
Là người đứng đầu Công ty và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, phó CT Công đoàn TCT, chị luôn tạo sự đoàn kết trong Công ty, duy trì đều đặn hoạt động chào cờ và chia sẻ thông tin vào sáng thứ hai hàng tuần; luôn quan tâm đến đội ngũ công nhân, tạo điều kiện cho họ đi học tập các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng xí nghiệp thu hút thêm nhiều lao động, trong đó có nhiều lao động nữ tại các địa phương. Chị chỉ đạo tổ chức “Ngày Hội May 10” với sự tham gia 2000 CBCNV; tổ chức tặng mũ bảo hiểm cho 10 ngàn CBCNLĐ tại 7 tỉnh, thành; tổ chức Trường Mầm non May 10 cho 340 cháu là con CBCNV để bố mẹ yên tâm công tác. Chị được nhận Huân chương Lao động Hạng hai; 2 Bằng khen cấp Bộ, 5 năm liền CSTĐCS, 2 năm liền CSTĐ cấp Bộ.
5. NSND Trịnh Thị Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sảnDân ca Xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An
Tốt nghiệp trung cấp Diễn viên và ĐH quản lý Văn hóa, năm 1985 chị đầu quân về đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh. Từ tháng 8/2006 đến nay, chị là diễn viên, Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Dân ca Nghệ An, nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ. Là một diễn viên nòng cốt của sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, chị đã đóng nhiều vai diễn chính phụ với nhiều tính cách nhân vật, chị đã giành Huy chương Vàng trong vở “Góc khuất đời người”. Trên 15 hoạt động nghệ thuật, chị đã tham gia đóng hơn 30 vai diễn khác nhau như Bà mẹ trong vở Lời thề thứ 9, vai cô Nghệ trong “Cô gái sông Lam” và hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan thân mẫu Bác Hồ trong “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví Giặm”…Chị còn được giao đóng nhiều vai trong các vở kich hát Ví dặm, một thể loại Kịch hát mới được sáng tạo trên cở sở làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh và giành 8 Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp; giải diễn viên xuất sắc của Tạp chí sân khấu và được đánh giá là một trong những diễn viên sáng giá nhất tại hội diễn. Chị còn tham gia sáng tác, chuyển thể, đạo diễn nhiều chương trình, kịch mục cho Nhà hát; tham gia xây dựng chương trình sử thi nghệ thuật “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví Giặm”; tham gia sưu tầm dân ca, hướng dẫn dân ca Nghệ Tĩnh trên đài truyên hình Nghệ An, tham gia đề tài nghiên cứu “Tổng quan các trò diễn xuất dân gian Hò Ví Giặm”. Chị còn là kịch bản “Cổ tích giữa đời thường” được phát trên THNA, sáng tác và đạo diễn kịch bản “Dệt bức tranh quê”; viết và dàn dựng phục hồi các trò diễn xướng dân gian Xứ Nghệ làm mô hình hướng dẫn cho cộng đồng như: Phường Cấy; Phường Nón; Phường Chài; Phường Vải…; tham gia dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình. Chị được nhận Bằng khen của TTCP; danh hiệu NSDN; Huy chương vàng; 4 Bằng khen; 4 năm liên là CSTĐCS.
6. Đại tá Nguyễn Thị Minh Lý – Phó Trưởng phòng 1-Cục 47, Tổng Cục CSTCTP, Bộ Công An
Tốt nghiệp ĐH Cảnh sát HN, đến nay chị đã có thâm niên 37 năm tuổi nghề. Trong đó, có hơn 20 năm chị trực tiếp làm các công tác điều tra, trinh sát hình sự và trinh sát điều tra tội phạm ma túy. Đây là môi trường đầy cam go, phức tạp và nguy hiểm, thường xuyên phải sống xa gia đình, điển hình như chuyên án 176, với vai trò nội tuyến, chị đóng giả là người giúp việc – một mình vào tận hang ổ của bọn tội phạm buôn bán ma túy để nắm thông tin, quy luật đi lại, hoạt động của chúng. Đó là những quãng thời gian vô cùng căng thẳng, phải rất bản lĩnh và mưu trí để vượt qua khó khăn. Bằng những thông tin thu thập được, chị đã giúp cho chuyên án được triệt phá thành công. Thời gian năm 2000, chị cùng đồng đội luân phiên xa gia đình vào nằm vùng trong TP HCM – nơi tình hình tội phạm ma túy rất phức tạp, số con nghiện và đối tượng mua bán lẻ dày đặc, đặc biệt có tổ dân phố với 42/44 hộ có đối tượng buôn bán hoặc nghiện ma túy. Không kể ngày đêm, chị cùng đồng đội xây dựng cơ sở nằm tình hình, tập hợp thông tin có giá trị giúp chuyên án thành công, xóa tụ điểm phức tạp tại phường Cầu Kho, Mã Lạng, Nguyễn Cư Trinh – Quận 1 – TP HCM. Ngoài ra, chị trực tiếp cùng đồng đội tham gia nhiều chuyên án lớn như triệt phá thành công đường dây buôn bán ma túy tại bãi vàng Ngân Sơn, Bắc Kạn; chuyên án triệt phá chợ “hàng trắng” ở bãi rác Thành Công, Công viên Tuổi trẻ, phường Thanh Nhàn, HN; tụ điểm phức tạp tại xã Thôm Mòn, Thuận Châu, Sơn La, xã có 9/9 bản đều có tụ điểm buôn bán ma túy. Chị cũng đã cùng Hội Phụ nữ ở đây vận động chồng con họ cai nghiện, không tham gia buôn bán ma túy, đề xuất xây dựng CLB PCMT tại các bản. Mô hình này được nhân rộng tại nhiều xã, trường học vùng biên giới phía Bắc. Chị được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba; Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất; Bằng khen của TTCP; 16 Bằng khen các Bộ ngành.
7. Đại sứ Ths.Nguyễn Thị Nguyệt Nga – Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại Giao
Tốt nghiệp ĐH Ngoại giao, chị về làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1981. Sau hơn 30 năm làm việc trong ngành, chị có nhiều đóng góp cho công tác đối ngoại trong và ngoài nước. Hiện chị là Đại sứ – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, UV BCH TW Hội LHPN VN, PCT UBVSTBPN Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Tuyên giáo-UVTV Đảng Bộ – Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM Diễn đàn Hợp tác Á – Âu của VN, Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại, Phó Giám đốc 2 DA Quốc gia.
Trong quá trình công tác, chị đã chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương triển khai đường lối hội nhập quốc tế; đóng góp xây dựng chủ trương về hội nhập quốc tế cho NQ ĐH XI của Đảng; đề xuất và chủ trìviệc VN tham gia chính thức đàm phán Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên TBD (TPP); xây dựng đề án vận động chính trị ngoại giao phục vụ đàm phán; phối hợp đề xuất chủ trương thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EFTA, Hàn Quốc, EU và liên minh thuế quan Nga, Belaruts, Ca-dắc-xtan; chủ động phối hợp với bộ ngành thúc đẩy đàm phán Đô-ha;chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9 tại Hà Nội, đề xuất chủ trương và vận động thúc đẩy các đối tác phối hợp với VN về vấn đề Biển Đông, đề xuất xây dựng bộ lập trường của VN đối với các diễn đàn APEC, AEM; chủ động thúc đẩy triển khai quyết liệt và trực tiếp vận động góp phần vận động thành công 45 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN; tích cực thúc đẩy, tháo gỡ các vướng mắc trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương, đa phương như vận động EU bãi bỏ thuế chống phá giá đối với giày da, vận động Braxin không đưa giày da của VN vào diện điều tra áp thuế, tháo gỡ các vướng mắc trong việc đưa tôm đông lạnh vào Mỹ.
Trong việc hỗ trợ cơ quan đại diện của VN thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, hỗ trợ các ngành, đơn vị thống nhất nhận thức và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chị đã chỉ đạo triển khai các lớp bồi dưỡng; chỉ đạo và tham gia trực tiếp vào các dự án. Bên cạnh đó, chị còn chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu 2 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp cơ sở và 5 chuyên đề. Điển hình như đề tài “Phương hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020”…
Với vai trò là PGĐ DA “Nâng cao năng lực Lãnh đạo cán bộ nữ khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, chị đã tổ chức thành công 10 đoàn lãnh đạo cao cấp đi trao đổi chính sách về BĐG và VSTBPN. Chị cũng có nhiều đóng góp tích cực vào việc tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức về BĐG, đóng góp vào việc tham mưu, đề xuất chính sách tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ tạo cơ sở cho việc xây dựng NĐ quy định chi tiết khoản 2 điều 187 của Bộ LĐ. Chị tham gia hỗ trợ thành lập Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công tại Học viện CTHC QG HCM. Là PCT UBVSTBPN của Bộ, chị luôn chủ động đề xuất và thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động như tổ chức giao lưu giữa ban nữ công Bộ với ban nữ công Bộ Ngoại giao TQ; sáng kiến giao lưu hàng năm giữa nữ cán bộ ngoại giao Bộ với các nữ cán bộ ngoại giao ASEAN, giữa các nữ cán bộ ngoại giao VN với các nữ Đại sứ, phu nhân Đại sứ, cán bộ ngoại giao đoàn. Chị cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ nâng cao năng lực chuyên môn: đề bạt 02cán bộ nữ làm Phó Vụ trưởng; công nhận tập sự cho 02 nữ Phó Vụ trưởng; tỷ lệ nữ trong Vụ chiếm 63%, lãnh đạo vụ 4/7 chiếm 57%; tổ trưởng chiếm 75%. Với những thành tích của mình, chịd được thưởng Huân chương lao động hạng Ba; Bằng khen của TTCP; 4 Bằng khen; 2 Giấy khen; CSTĐtoàn quốcnăm 2013; CSTĐ cấp Bộ năm 2011; CSTĐCS 4 năm liền; kỷ niệm chương VSNPTPNVN.
8. Chị Mai Thị Bích Nguyện – Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình
Trường THCS An Vũ là một trong những trường có nhiều khó khăn, nằm trên địa bàn xã có nhiều phức tạp về an ninh, chất lượng giáo dục đứng cuối bảng toàn huyện 37/37, phần lớn học sinh thuộc diện khá, TB, yếu; đội ngũ giáo viên trình độ không đồng đều và còn thiếu. Trên cương vị hiệu trưởng, bí thư chi bộ, nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành của chị đã đưa chất lượng giáo dục, phong trào đoàn đội của trường vào tốp đầu của huyện. Trong 5 năm, trường đã có trên 800 học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh; có nhiều em đạt giải nhất, nhì, ba cấp huyện, cấp tỉnh; từ chỗ có 1 GV nữ dạy giỏi, đến nay đã có 168 lượt GV đạt GV dạy giỏi. Trường không có học sinh mắc TNXH, các phong trào thi đua được phát động, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong đội ngũ giáo viên và học sinh. Không chỉ quản lý tốt hoạt động tại trường, chị tích cực tham gia và hoàn thành tốt các công việc thanh tra, cố vấn, giám khảo các Hội thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Chị là người đi đầu trong phong trào làm chuyên đề giảng dạy, đúc rút kinh nghiệm cho toàn huyện, toàn tỉnh học tập; chị đã tổ chức thực hiện 4 chuyên đề cấp huyện, 1 chuyên đề cấp tỉnh: Triệu phú ngôn ngữ, Ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng mở…được đánh giá cao và đăng trong Kỷ yếu ngành giáo dục Thái Bình. Chị xây dựng tủ sách cá nhân có 600 đầu sách có giá trị dùng chung cho đội tuyển HS giỏi, CBGV trong trường; bản thân chị vẫn tham gia giảng dạy môn GDCD lớp 9 đạt chất lượng cao, giúp các em nghiêm túc chấp hành pháp luật, không sa vào TNXH. Chị có 18 sáng kiến xếp loại A; 02 sáng kiến xếp loại B và tích cực nghiên cứu 2 đề tài cấp huyện, 1 giải pháp khoa học đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo KHCN tỉnh, giải Nhì Hội thi sáng tạo toàn quốc; chị là tác giả độc quyền về phần mền “Từ điển Tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trái tuyến” – sáng kiến này đã được tặng giải thưởng WIPO. Các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của chị đều có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, lợi ích cho cộng đồng. Để có được nhiều thành công đó, chị đã phải rất nỗ lực, vượt qua khó khăn khi chồng đóng quân xa nhà, một mình chăm sóc bố mẹ già; nuôi dạy, chăm sóc 2 con chăm ngoan. Chị được nhận Bằng khen của TTCP; Huy chương vàng WIPO; Bằng Lao động sáng tạo năm 2013; Bằng khen của tổ chức WIPO; 6 Bằng khen các ngành; 7 Giấy khen; Giải nhất Hội thi sáng tạo toàn quốc; GV dạy giỏi 10 năm; GV giỏi cấp tỉnh 8 năm; CSTĐCS, cấp tỉnh 12 năm.
9. Ths.Hà Thị Xuân – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc –Mỹ phẩm – Thực phẩm tỉnh Bắc Kạn
Tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, từ năm 1993-2001, chị là cán bộ phụ trách công tác Dược tại Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông; từ 2001-2006 chị giữ chức PGĐ Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm, từ 2007 đến nay chị giữ chức Bí thư Chi bộ, Giám đốc TT Dược phẩm -Mỹ phẩm tỉnh Bắc Kạn.
Vượt qua những khó khăn của đơn vị mới thành lập (năm 2002), với vẻn vẹn 2 cán bộ, văn phòng làm việc phải đi thuê mượn, nhờ sự năng động, nhạy bén của chị, đến nay, trụ sở Trung tâm, kiểm nghiệm đã được xây dựng với tổng diện tích 1500m2, đội ngũ cán bộ tăng lên. Chị đã xây dựng kế hoạch và trực tiếp rèn luyện tay nghề cho các kiểm nghiệm viên thành thạo các kỹ thuật phân tích được 163 hoạt chất, đảm bảo chất lượng, không có thuốc giả lưu hành trên địa bàn. Từ năm 2010, chị chỉ đạo lấy khoảng 550 mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm; các mẫu được phân tích cẩn thận giúp ngành y tế hạn chế thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Chị chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại nguồn và tại 123 trạm Y tế xã. Từ năm 2010 đến nay, chị thực hiện 8 đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, điển hình như đề tài ”Định lượng đồng thời Amoxicilin và Acid Clavulanic trong chế phẩm thuốc bằng phương pháp phổ đạo hàm”, kết quả đã giúp TT kiểm tra chất lượng thuốc ngay tại đơn vị, tiết kiệm được nguồn kinh phí, thời gian và chủ động trong chuyên môn. Kết quả nghiên cứu này đã đạt giải 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ II và bản thân chị đã nhận Bằng Lao động sáng tạo của TLĐ. Hiện chị đang triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng trong một số rau xanh trên địa bàn thị xã Bắc Kạn”. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, chị còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào: TDTT, sinh hoạt CLB… Là chủ nhiệm CLB nữ công 20/10 của 10 đơn vị trực thuộc Sở Y tế với 162 thành viên, chị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thi trang phục dân tộc; Dạ hội “Em và mùa xuân”, văn nghệ “Ngân vang điệu hát dân ca”, lớp khiêu vũ…. Chị được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, LĐLĐ tỉnh; Bằng lao động sáng tạo năm 2011; 3 Giấy khen; CSTĐCS 5 năm liền, CSTĐ cấp tỉnh 1 lần.
10. TS.Hà Thị Thúy – Phó Viện Trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật
Năm 1961, tốt nghiệp chuyên ngành Sinh lý thực vật, Đại học Khoa học Tự nhiên, chị về là cán bộ nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Hiện với cương vị là Phó Viện Trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật, chị đã xây dựng, tham gia xây dựng và triển khai nhiều hướng nghiên cứu mang tính chiến lược cho Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật như nghiên cứu công nghệ phôi vô tính, hạt nhân tạo và bioreactor và ứng dụng trong nhân nhanh một số cây có giá trị kinh tế; nghiên cứu ứng dụng di truyền và công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây ăn quả có múi không hạ… Xây dựng tập đoàn quỹ gen một số các loài cây trồng làm thực liệu lâu dài cho nghiên cứu như bộ giống cây ăn quả có múi, bộ giống lúa… Các hướng nghiên cứu trên đều mang tính mới, hiện đại và thực tiễn, chứng tỏ hướng đi đúng của Phòng. Bản thân chị đã trực tiếp nghiên cứu nhiều đề tài cấp NN, cấp Bộ, chỉ từ năm 2013 đến nay, chị đang có 8 đề tài nghiên cứu, điển hình như đề tài nghiên cứu bảo tồn in vitro tâp đoàn một số giống cây ăn quả có múi, nghiên cứu ứng dụng công hệ tế bào để tuyển chọn và xây dựng hệ thống giống cam quý sạch bệnh, không hạt, chất lượng cao cho các tỉnh phía Bắc… Chị là tác giả chính của 12 giống và đồng tác giả 5 giống được công nhận chính thức và 14 giống công nhận tạm thời. Chị cũng là tác giả chính của 6 quy trình kỹ thuật như quy trình nhân nhanh invitro giống lan hoàng thảo, quy trình nhân giống cam Valencia 2 sạch bệnh Greening và Tristeza…Chị cũng là người tham gia phân lập gen và đồng tác giả bản quyền trình tự các gen vius gây bệnh cây trồng và có 9 bài báo khoa học về tạo giống ăn quả có múi không hạt. Bên cạnh đó, chị tích cực chuyển giao 8 quy trình, giống mới vào sản xuất tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều viện, trường ĐH trong cả nước, trực tiếp giảng dạy các môn Nuôi cấy mô tế bào thực vật, Công nghệ tế bào thực vật của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Phương Đông, Thái Nguyên, ĐH Mở HN;hướng dẫn 12 thạc sỹ khoa học. Chị đã được tặng 19 Bằng khen; 2 Bằng lao động sáng tạo; Giải thưởng tài năng sáng tạo nữ 2009-2010; Bằng khen “Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2011”; 3 năm liền CSTĐ cấp Bộ, 6 năm liền CSTĐCS.
Nguồn: hoilhpn.org.vn