ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
MỘT GIẢI PHÁP CƠ BẢN CỦA HỘI LHPN TP ĐÀ NẴNG
Đỗ Thị Kim Lĩnh
Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng
Kính thưa Đoàn Chủ tịch!
Thưa Đại hội!
Đoàn đại biểu đại diện cho phụ nữ thành phố Đà Nẵng rất phấn khởi và xúc động được có mặt tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI. Trong không khí trang trọng và trong niềm vui chung này, thay mặt toàn thể cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ Đà Nẵng, xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quý và toàn thể đại biểu tham dự Đại hội sức khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội!
Sau 15 năm trực thuộc TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, sự đồng thuận của nhân dân, trong đó có sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng, góp phần đem lại niềm tin và hạnh phúc cho gia đình, yên vui cho xã hội.
Trong quá trình đổi mới phát triển, bên cạnh những thuận lợi và khó khăn chung của đất nước, tổ chức Hội đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức, nhất là áp lực giữa nhu cầu, nguyện vọng ngày càng cao của phụ nữ với khả năng đáp ứng của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ cơ sở. Nếu không giải được bài toán khó này, phong trào Hội sẽ không thể phát triển.
Nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Phụ nữ TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X đề ra. Sau 5 năm nhìn lại, chúng tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng: thành công mà Hội LHPN TP Đà Nẵng có được cơ bản là xuất phát từ việc đội ngũ cán bộ Hội đã xác định rõ yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, và yêu cầu đó được cụ thể hóa bằng việc nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình mới, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tại Đại hội này, chúng tôi xin được chia sẻ về 4 mô hình chúng tôi cho là hiệu quả nhất, đó là: “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ”, “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo”, “3 trong 1” và “Mái nhà xanh” với mong muốn góp tiếng nói thảo luận, bàn bạc tìm giải pháp tốt, cách làm hay cho nhiệm kỳ tới.
Thứ nhất là mô hình “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ”, được triển khai từ năm 2008 và đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện. Theo mô hình này, tất cả những Chi hội Phụ nữ đảm bảo các tiêu chí của Giải thưởng đều được đăng ký tham gia. Các tiêu chí được Hội đồng Giải thưởng thống nhất đặt ra với những yêu cầu nâng cao chất lượng tổ chức Hội, chất lượng hội viên, gắn với nhiệm vụ của mỗi công dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của địa phương, trong đó có các tiêu chí cơ bản: Chi hội liên tục 5 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc, có 80 hội viên trở lên; Chi hội không có người: sinh con thứ 3, BLGĐ, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trẻ em suy sinh dưỡng; tham gia tích cực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường… Sau 01 năm đăng ký, 3 lần thẩm định với phương thức loại trừ dần những Chi hội có chất lượng thấp hơn, lần cuối cùng chọn ra 10 Chi hội xuất sắc nhất trong năm, để tôn vinh trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8 – 3.
Sau 4 năm thực hiện, đến nay đã có 40 Chi hội đạt Giải thưởng gồm Giấy chứng nhận, Bằng khen của UBND TP và tiền thưởng – mỗi Chi hội 3 triệu đồng. Từ hiệu quả thiết thực của Giải thưởng, năm 2011, Chủ tịch UBND TP đã thống nhất về chủ trương “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ” là một hình thức khen thưởng chuyên đề hàng năm của TP Đà Nẵng, đồng thời nâng mức giải thưởng với tổng trị giá 65 triệu đồng/năm (Chi hội xuất sắc nhất trong 10 Chi đạt giải sẽ được thưởng 10 triệu đồng, số tiền thưởng sẽ thấp dần theo kết quả xếp loại từ 01 đến 10 để khuyến khích sự thi đua vượt bậc của các Chi hội).
Dù mới thực hiện trong 4 năm nhưng “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ” đã thực sự trở thành một động lực thi đua của các Chi hội trên địa bàn TP, là mục tiêu phấn đấu của mỗi hội viên phụ nữ trong cộng đồng dân cư. Chính điều đó càng đặt ra yêu cầu “nâng tầm” ngày càng cao đối với cán bộ Hội, nhất là về cách thức, kỹ năng vận động, thuyết phục, tổ chức hoạt động để chất lượng sinh hoạt Chi hội và chất lượng hội viên phát triển toàn diện và bền vững. Để Chi hội 5 năm liên tục xuất sắc, 100% hội viên không sinh con thứ 3, gia đình không có bạo lực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường… là điều không giản đơn nếu không có tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu, nỗ lực thi đua của cả tập thể cũng như của từng cán bộ, hội viên.
Mô hình thứ hai là mô hình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo”.
Đà Nẵng đang được xem là một TP phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cao, không còn hộ đói sau khi thực hiện tốt chương trình “5 không”. Tuy nhiên, hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo hàng năm vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể. Đảng, chính quyền các cấp TP cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp sức để giảm tỉ lệ hộ nghèo. Hội PN cũng được giao trách nhiệm tham gia chương trình “Giảm nghèo” của TP, trong đó tập trung chủ yếu cho các hộ phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân, đặc biệt nghèo, có 3 con trở lên. Chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” bắt nguồn từ yêu cầu và nhiệm vụ đó. Từ Chương trình, Hội đã triển khai một hệ thống giải pháp như: Xây dựng “Quỹ tiếp sức cho phụ nữ nghèo”, xây dựng “Mái ấm tình thương”, triển khai mô hình “3 trong 1”, hỗ trợ phương tiện sinh kế và quản lý tốt các chương trình tín dụng cho phụ nữ nghèo, với yêu cầu 100% quận/huyện, cơ sở, Chi hội tham gia.
Mô hình này đã nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông và đặc biệt sự hưởng ứng rộng rãi, tích cực của nhân dân thành phố do Thành Hội đã phối hợp khởi đầu bằng chương trình truyền hình trực tiếp “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” trên Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Chương trình thực sự đã tạo nên sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng; đặc biệt phong trào thực hành tiết kiệm làm theo lời Bác, các mô hình “Nuôi heo đất”, “Trâu vàng tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Tiết kiệm một ngày đầu xuân”… đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo hội viên phụ nữ, sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Kết quả, trong 3 năm, chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” đã vận động được trên 11 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã xây mới và sữa chữa được 305 mái ấm tình thương; hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn không hoàn lại, cho vay vốn với lãi xuất thấp cho trên 1.700 hộ PN nghèo, đặc biệt nghèo; tặng học bổng, xe đạp, máy vi tính, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh đặc biệt nghèo có nguy cơ bỏ học và các em bỏ học đi học nghề trị giá 2,3 tỷ đồng.
Có thể nói, chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” đã thể hiện quyết tâm cao đối với công tác giảm nghèo của các cấp Hội Phụ nữ TP Đà Nẵng, giúp hàng ngàn hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Kính thưa Đại hội!
Một giải pháp của Chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” là “3 trong 1”, đây cũng chính là mô hình thứ ba mà Hội LHPN Đà Nẵng xin được chia sẻ tại Đại hội này.
Mô hình “3 trong 1” thoạt nghe ai cũng thấy quen, rất quen. Chính đó là dụng ý chúng tôi đặt tên cho mô hình nhằm tạo ấn tượng để dễ nhớ, dễ làm, ai cũng có thể tham gia được. Phương thức hoạt động của mô hình này là: mỗi nhóm có 3 người (cán bộ Hội Phụ nữ, 1 đại diện cấp ủy hoặc tổ trưởng/tổ phó Tổ dân phố, 1 tình nguyện viên) giúp đỡ 1 người thuộc 1 trong 3 hoạt động: Giúp phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp đỡ, động viên trẻ em bỏ học trở lại trường hoặc cảm hóa trẻ em chưa ngoan trở nên tiến bộ; giúp đỡ gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình không còn tình trạng bạo lực.
Phương thức hoạt động của mô hình này đã huy động sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với hoạt động của Hội, nên đã mang lại hiệu quả rõ rệt ngay từ năm đầu mới triển khai. Kết quả, trong 3 năm thực hiện (2009 – 2011) đã có 2.158 nhóm “3 trong 1” được thành lập, 2.064 hộ/2.079 hộ được đăng ký giúp đã thoát nghèo bền vững, 543 em/551 TTN hư được đăng ký giúp đỡ đã tiến bộ và vận động được 357 em bỏ học trở lại trường (phổ thông, bổ túc), 119 em ra học nghề; 301 hộ/312 hộ được đăng ký giúp đỡ không còn tình trạng BLGĐ.
Kính thưa Đại hội!
Mô hình thứ tư chúng tôi xin được đề cập tới là mô hình “Mái nhà xanh”. Đây là mô hình cụ thể hóa Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Đoàn Chủ tịch TW Hội phát động; đồng thời thiết thực triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng thành phố môi trường và thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Xuất phát từ các yêu cầu đó, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã xây dựng mô hình “Mái nhà xanh” với các tiêu chí: 5 không: không có người vi phạm pháp luật và TNXH, không có trẻ em bỏ học, không có BLGĐ, không có PN sinh con thứ 3, không có trẻ em suy dinh dưỡng; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch phố và 2 T: tiết kiệm, tận dụng.
Cùng với việc triển khai thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch” theo hướng dẫn của TW Hội, mô hình “Mái nhà xanh” đã vận động hội viên phụ nữ thực hiện tiêu chí “2 T”; vừa thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày đúng cách, vừa tận dụng các nguồn rác thải để bảo vệ môi trường và tạo được nguồn tài chính cho gia đình và tổ chức Hội. Có thể nói, việc hướng dẫn, vận động các hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn được Hội triển khai sâu rộng đã góp phần giáo dục mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên, cùng nhau xây dựng cộng đồng xanh, bền vững.Hiện nay, mô hình này đã được 100% cơ sở Hội với 2.635 Chi hội, Tổ phụ nữ triển khai thực hiện, gây quỹ được trên 700 triệu đồng để trao tặng phương tiện sinh kế cho PN nghèo và hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo; xây nhà vệ sinh cho các hộ đặc biệt nghèo; tặng giỏ nhựa và hộp nhựa cho HVPN thay thế túi nilông khi đi chợ…Ngoài ra, năm 2010, Hội LHPN TP đã thực hiện thử nghiệm mô hình “Sống xanh” trong cộng đồng và mô hình “Xanh nhà, xanh công sở” tại cơ quan,giúp các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng nâng cao nhận thức, từ chỗ không quan tâm đến quan tâm, thay đổi nhận thức, biết lắng nghe, chia sẻ, thực hiện và hưởng ứng nhiệt tình.
Điểm nhấn của mô hình “Mái nhà xanh” trong việc thực hiện các tiêu chí gia đình “5 không” là công tác tuyên truyền, vận động phòng chống BLGĐ. Bên cạnh tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị 25/CT về PCBLGĐ trên địa bàn TP, Hội LHPN TP đã tham mưu HĐND TP tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Vai trò của nam giới trong việc phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc” cho 130 nam giới thường xuyên có hành vi bạo lực với phụ nữ.
Thực sự ban đầu chúng tôi chưa dám tin các nam giới này đến dự buổi tọa đàm đông đủ. Nhưng với cách làm linh hoạt, sáng tạo: nội dung giấy mời rất nhẹ nhàng, không thể hiện gì đến “bạo lực gia đình” nên rất nhiều ông chồng cho đến khi tới buổi tọa đàm, nghe đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND nói một phần câu chuyện mới chợt nhận ra vì sao mình được mời đến đây! Một số trường hợp ban đầu nhận ra mục đích cuộc tọa đàm nên định né tránh, Hội đã phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân phố/Thôn trưởng, Chủ tịch Mặt trận, thậm chí cả với Công an xã/phường vận động, thuyết phục, tạo điều kiện phương tiện đi lại, để cuối cùng hơn 95% ông chồng đã có mặt. Cuộc trò chuyện chí lý chí tình của vị lãnh đạo cao nhất TP thực sự đã thuyết phục được nhiều ông chồng “mắc bệnh đánh vợ” lâu ngày tỉnh ngộ. Sau khi ký cam kết không BLGĐ, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, khi trở về nhà rất nhiều ông chồng đã có cách hành xử tốt hơn. Còn Hội Phụ nữ Đà Nẵng vẫn quyết tâm thực hiện cuộc vận động này bằng những hình thức như: gặp mặt vợ của 130 ông chồng trên để hướng dẫn họ về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực; hỗ trợ kinh phí, vốn, phương tiện làm ăn cho những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; yêu cầu các nhóm “3 trong 1” tiếp tục vận động, giúp đỡ… Kết quả, đến nay, có trên 70% ông chồng đã tiến bộ, được Chủ tịch HĐND TP viết thư khen ngợi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán.
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa Đại hội!
Việc triển khai các mô hình này luôn có sự gắn kết, đan xen chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, 01 Chi hội tham gia “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ” phải là Chi hội thực hiện có hiệu quả 3 mô hình trên; mô hình “3 trong 1” là một biện pháp cho việc thực hiện “Chương trình tiếp súc cho phụ nữ nghèo”; mô hình “Mái nhà xanh” gắn với “3 trong 1”, nhất là hoạt động PCBLGĐ và giảm nghèo… Chính điều này đã tạo thuận lợi cho các cấp Hội, HVPN trong quá trình tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả một cách đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, chúng tôi tự rút ra những bài học như sau:
Một là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, HVPN. Chú trọng việc xây dựng một đội ngũ BCV, TTV để có khả năng, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải thiết thực, sinh động; dễ nghe, dễ nhớ để thực hiện.
Hai là, các cấp Hội Phụ nữ phải nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của các mô hình. Vì thế cán bộ Hội phải nắm vững mục tiêu, nội dung hoạt động, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo các mô hình hoạt động phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện mô hình ở cơ sở, hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để có giải pháp và phương hướng thực hiện cho thời gian tới.
Kính thưa Đại hội!
Nhiệm kỳ 2012 – 2017 chúng ta lại tiếp tục thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, trong đó báo cáo chính trị đã đặc biệt nhấn mạnh nội dung về “đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội”. Với những mô hình trên, Hội LHPN Đà Nẵng hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói để chia sẻ cùng các tỉnh/thành Hội những cách làm hay, những giải pháp thực sự có hiệu quả trong triển khai các hoạt động của Hội LHPN các cấp. Đồng thời, đến với Đại hội, chúng tôi cũng rất mong nhận được những chia sẻ của các địa phương bạn để xây dựng thêm những mô hình mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kì mới.
Cũng tại Đại hội, chúng tôi kính đề nghị Đoàn Chủ tịch TW Hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Cụ thể là cần tổ chức một số hội nghị chuyên đề về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội để các tỉnh/thành có điều kiện giao lưu; vừa lĩnh hội quan điểm chỉ đạo trực tiếp của TW Hội, vừa được học hỏi lẫn nhau trong việc triển khai các mô hình, nhân rộng mô hình một cách hiệu quả.
Cuối cùng kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng toàn thể đại biểu tham dự Đại hội mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!