Tôi có cô bạn cùng học với nhau cấp tiểu học, sau đó theo gia đình vào miền Tây sinh sống, hơn hai mươi năm xa cách gần đây mới được gặp lại. Câu chuyện của cô ấy khiến tôi thán phục. Cô ấy đã dũng cảm vượt qua rất nhiều “rào cản” để thành công trong công việc, gia đình, nuôi dưỡng niềm đam mê để có được một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Và đây là câu chuyện của người bạn gái ấy.
Ba mẹ sinh ra tôi vốn vóc người thấp bé, nếu đi thêm đôi giày cao gót thì khi nói chuyện với người bình thường vẫn phải… ngước nhìn. Hồi sinh viên, mặc dù chiều cao khiêm tốn là vậy nhưng tôi chưa bao giờ phải nghĩ ngợi, mặc cảm, vẫn hồn nhiên mang giày cỏ cùng các bạn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, tôi đến nhà thầy giáo hướng dẫn luận văn để chào tạm biệt. Thầy vốn thương tôi như con gái nên nhỏ nhẹ nhắc “Khi đi xin việc nhớ mang đôi giày cao gót nghe con…”.
Tôi hăm hở cầm tập hồ sơ với đầy đủ bằng nọ, bằng kia ngược xuôi xin việc. Đến nhiều nơi, người ta nhìn hồ sơ rồi bảo, tiêu chuẩn về học vấn cô có đủ cả, chỉ thiếu mỗi… chiều cao, cho dù tôi đã vâng lời Thầy độn thêm đôi giày cao gót – thứ mà xưa nay tôi rất ghét. Sau một năm, mỏi mòn hết cơ quan này đến cơ quan khác đều nhận được những câu từ chối, nhiều khi tế nhị, nhưng cũng lắm lúc lỗ mãng đến bực mình, tủi thân. Tôi tự hỏi mình, rồi hỏi cả những người từ chối đơn xin việc của tôi rằng, chiều cao của một cơ thể người quan trọng đến thế sao? Quan trọng hơn cả việc anh ta có đủ kiến thức để làm việc? Nhưng không ai cho tôi câu trả lời xác đáng, cùng lắm cũng chỉ là “Quy định là thế, cô thông cảm”… Thú thật, nhiệt huyết, đam mê cống hiến trong tôi cứ vơi dần, nhường chỗ cho sự tổn thương, mặc cảm…
Thế rồi, cơ may cũng đến với tôi. Có một cơ quan, hay đúng hơn là thủ trưởng của cơ quan đó, không “nhìn mặt mà bắt hình dong”, đã đồng ý nhận tôi vào thử việc. Tôi nghĩ đây là cơ hội cho mình chứng minh dù thấp bé nhưng mình có khả năng làm việc, cống hiến như mọi người. Công việc tôi làm thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, và dĩ nhiên cũng không ít lần tôi phải nhận những lời chòng ghẹo của đồng nghiệp, của những người tôi tiếp xúc, về dáng vóc của mình. Vì thói đời vẫn vậy, nơi nào cũng có người thích lấy khiếm khuyết của người khác làm trò vui. Nhưng tôi đã được “tiêm vắc xin” đủ để… miễn dịch. Những kiến thức được thu nạp một cách nghiêm túc ở trường đại học, cộng với việc luôn tìm tòi, học hỏi đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Dần dần không chỉ lãnh đạo ghi nhận, mà các đồng nghiệp cũng nể phục về sức làm việc của tôi. Sau 7 năm công tác, tôi được đề bạt giữ chức vụ kế toán trưởng của cơ quan với hơn 300 nhân sự.
Vượt qua “rào cản” của xã hội để khẳng định mình dù vất vả, nhọc nhằn nhưng vượt qua định kiến của gia đình để theo đuổi niềm đam mê cũng không phải là chuyện dễ dàng. Sau khi lập gia đình, tôi sinh liền trong 3 năm hai đứa con, công việc và áp lực về thời gian đối với tôi càng trở nên khốc liệt hơn. Tôi vốn là “mẫu phụ nữ” chiều chồng, thương con, đảm đương gách vác công việc gia đình. Nhưng chẳng biết tự khi nào tôi trở nên cáu gắt, nóng giận thất thường. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề hơn bao giờ hết…Tôi nghĩ phải làm sao để cải thiện cuộc sống gia đình. Muốn như vậy thì động viên chồng chia sẻ công việc gia đình, con cái với mình. Nhưng phải làm sao để chồng tự nguyện không cảm thấy bị vợ “bắt nạt”, không bị gắn mác “sợ vợ”?…Có người bạn nói với tôi rằng, bạn ấy đã phải “gieo hạt bình đẳng” ngay từ ngày mới về sống chung, nhưng phải đến 10 năm sau mới có kết quả. Tôi bây giờ mới bắt đầu liệu có quá muộn quá không? Muộn cũng phải làm, mình đã thành công một lần ngoài xã hội rồi, giờ cũng sẽ được thôi – tôi tự an ủi, tự trấn an mình. Thế rồi, tôi bắt tay vào lập “kế hoạch”. Trước tiên, tôi sắp xếp thời gian để “hẹn hò” với chồng đi ăn tối ở một không gian thật lãng mạn. Và tối hôm ấy, tôi đã chuyển tải được mong muốn của mình đến chồng khá “nhuyễn”. Tôi cũng phát hiện ra, chồng tôi không phải là người vô tâm, nhưng lại quá “vụng về” trong cách thể hiện. Sau đó, tôi thường “nhờ” anh làm giúp những việc nhẹ nhàng như đưa đón con, chơi với con – như vậy cũng đồng nghĩa với việc anh bớt dần những bữa nhậu với bạn bè mỗi buổi chiều. Những lúc các con ở nhà trẻ, tôi rủ anh cùng nấu ăn, cùng làm việc nhà, vợ chồng vừa làm vừa rủ rỉ trò chuyện… Cuộc sống của chúng tôi nhờ vậy trở nên nhẹ nhàng, êm thấm hơn rất nhiều.
Đôi khi tôi nghĩ, mình là người phụ nữ không an phận. Bởi sau khi “cải cách” thành công trong gia đình, tôi lại tiếp tục dấn thân vào thách thức mới, hay đúng hơn là một niềm đam mê. Có lẽ với nhiều người, phụ nữ có gia đình, con cái đùm đề mà vẫn theo đuổi niềm đam mê riêng là… một cái tội (!). Thế mà tôi lại “dính” vào mới khổ – hay là may mắn? Niềm đam mê của tôi đó là môn cầu lông – đây là một phát hiện bất ngờ thú vị khi tôi phát hiện ra mình có khả năng đặc biệt này. Tôi lại phải tính toán làm sao để dôi ra chút thời gian để theo đuổi. Các con đã lớn, tập được tính tự lập nên đỡ lo. Chỉ có ngại chồng. Vì anh muốn buổi tối, cả nhà cùng quây quần ăn cơm, trò chuyện cùng nhau. Mong muốn đó thật chính đáng. Nhưng đó là lại thời gian tôi có thể tận dụng để tham gia tập luyện cùng đội. Tôi buộc phải lựa chọn. Sự việc trở nên “nghiêm trọng” hơn khi không chỉ chồng mà cả mẹ và em gái tôi cũng ra sức chỉ trích. Rồi một hôm, tôi đang tập để chuẩn bị đi thi cấp tỉnh, thì nhận được điện của ba tôi gọi về “có việc gấp”. Lật đật chạy về, thấy ba mẹ và chồng tôi ngồi nghiêm nghị ở bàn chờ. Ba tôi sau khi nói lý do của “buổi họp gia đình” liền ra tối hậu thư: “Bây giờ con chọn bỏ chồng hay bỏ cầu lông?”. Tôi bình tĩnh trả lời: “Con không bỏ chồng, cũng không bỏ cầu lông. Con chọn cả hai. Bởi cả hai đều đưa đến hạnh phúc cho con. Con muốn được sống hạnh phúc”… Sau lần đó, mọi người không còn căng thẳng với tôi nữa, bởi suy cho cùng ai cũng mong muốn con mình, vợ mình được sống hạnh phúc. Nhưng tôi biết, vấn đề vẫn chưa được giải quyết rốt ráo nên tôi nghĩ phải tìm cách “lôi kéo” chồng cùng tham gia Câu lạc bộ cầu lông với mình. Chồng sẽ cảm thông hơn khi có cùng niềm đam mê với vợ. Thế rồi, không hiểu từ khi nào, chồng tôi cũng trở nên mê thích môn thể thao có lợi cho sức khỏe này và có phần… ngưỡng mộ vợ vì “có khiếu hơn”. Năm đó, tôi dự thi và đoạt giải nhất cấp tỉnh, được chọn tham gia thi quốc gia.
Bây giờ tôi có thể tự hào khoe với bạn, huy chương các giải cầu lông lớn nhỏ, tôi có đến… một rổ. Nhưng, điều tôi có được còn quý hơn rất nhiều, đó là một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Sự nỗ lực không ngừng, thậm chí đôi khi phải dũng cảm “đối đầu” đã giúp tôi đạt được điều đó.
AN NHIÊN
(Hội viên Nguyễn Thị Phượng,
Hội Phụ nữ Công an quận Sơn Trà)
* Bài dự thi "Tôi kể chuyện này" do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2013