Trước hết nói về việc nâng cao năng lực giám sát. Năng lực giám sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ quan có khách quan có, trong đó đặc biệt phụ thuộc vào yếu tố sát hay không sát với đối tượng được giám sát. Sát hay không sát là yếu tố vừa khách quan vừa chủ quan nhưng có thể nói tính chất chủ quan chi phối rất quyết định. Và dẫu chủ quan hay khách quan thì Hội Liên hiệp Phụ nữ với một mạng lưới tổ chức rộng khắp và một lực lượng hội viên nói riêng, phụ nữ nói chung đông đảo, rất phù hợp với yêu cầu sâu sát trong hoạt động giám sát. Với tư cách là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nếu được huy động tốt và biết phát huy cao độ lợi thế nêu trên thì Hội Liên hiệp Phụ nữ có thể đóng góp hữu hiệu hơn vào việc nâng cao chất lượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Phụ nữ có ưu điểm là quan tâm đến từng tiểu tiết, nói cách khác rất cặn kẽ chi li, không như nam giới thường đại khái, do vậy càng phù hợp với hoạt động giám sát. Đó cũng là một lợi thế khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hoạt động giám sát. Vấn đề là phải biết bố trí lực lượng để việc giám sát có được cái nhìn toàn cục, tránh tình trạng chỉ thấy cái sai nhỏ hay cái mất ít mà không nhận ra cái đúng lớn hay cái được nhiều, và ngược lại. Muốn thế thì người đứng đầu các cấp hội có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát, thông qua việc tập hợp và bố trí lực lượng để thu thập thông tin, nhất là thông qua việc chọn lọc và đánh giá thông tin sao cho đúng với bản chất của từng vụ việc, sao cho sát hợp với sự thật, bởi như có người từng nói: nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì chứ một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật.
Phạm vi hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc khá đa dạng, vì thế muốn góp phần nâng cao năng lực giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội liên hiệp phụ nữ phải giành thời gian và công sức giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của nữ giới. Chẳng hạn các tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cần tập trung giám sát việc thực thi những đạo luật hoặc chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Thực tế sau khi có các đạo luật rất có ý nghĩa và giàu tính nhân văn này, tình hình bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình ở thành phố chúng ta vẫn chưa hết hạn chế bất cập, mà nguyên nhân chính là thiếu một quá trình giám sát thường xuyên và sâu sát. Tất nhiên phụ nữ có thể tham gia giám sát trên nhiều lĩnh vực dân sinh khác, nhưng trước hết cần đóng góp thật tốt ở lĩnh vực vừa nêu.
Đến đây tôi xin chuyển qua vấn đề nâng cao chất lượng phản biện xã hội. Tôi nghĩ nếu không phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hoạt động giám sát thì cũng khó phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ trong phản biện xã hội. Có nhiều nhà nghiên cứu đã định nghĩa thế nào là phản biện xã hội mà xem chừng cũng chưa có tiếng nói chung. Là người làm thực tiễn, chúng tôi cho rằng định nghĩa kiểu gì đi nữa thì phản biện cũng đều phải cãi, phải tranh luận, phải tìm ra chỗ sai, chỗ còn bất cập, chỗ còn chưa phù hợp trong một đạo luật hay một dự thảo luật, trong một chính sách hoặc một dự thảo chính sách về các vấn đề xã hội… rồi dùng lý lẽ để khẳng định sai cỡ nào và thế nào mới đúng, bất cập ra sao và thế nào mới là đến nơi đến chốn, chưa phù hợp chỗ nào và thế nào mới phù hợp… Muốn thế người phản biện xã hội phải sát dân, sát đời sống, sát thực tế. Đương nhiên không phải ai sát dân, sát đời sống, sát thực tế cũng đều tham gia phản biện xã hội tốt, bởi phản biện xã hội còn đòi hỏi khả năng lập luận mạch lạc, diễn đạt rõ ràng, thái độ điềm tĩnh và có văn hóa tranh luận, không độc quyền chân lý. Thậm chí, phản biện còn đòi hỏi nhiều hơn thế, chẳng hạn đòi hỏi phải dám nói trái nói ngược…
Muốn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, đại diện tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần có chân trong các hội đồng tư vấn hoạch định chính sách và pháp luật để có thể có tiếng nói phản biện ngay trong quá trình dự thảo, không để ván đã đóng thuyền hay gạo đã thành cơm mới phản biện. Ví dụ để đảm bảo cho cán bộ công chức là nữ được hưởng quyền lợi về đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ một cách bình đẳng cùng nam giới, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phải được mời làm thành viên của Hội đồng Đào tạo thành phố nhằm phản biện có hiệu quả các chính sách về đào tạo cán bộ công chức sao cho bình đẳng giới. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã làm tốt vai trò phản biện trên lĩnh vực này và qua đó tự hào đã góp phần nâng cao hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Xin chân thành cảm ơn các đồng chí và các vị đã lắng nghe. Chúc cuộc hội thảo của chúng ta đạt được những yêu cầu đã đặt ra./.
Lê Thị Mỹ Hạnh
PCT Hội LHPN TPĐN