Mô hình “Sống xanh” được Hội LHPN thành phố triển khai thí điểm tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Đến nay, các hội PN đã phát triển ra các mô hình như “Chi hội xanh”, “Công sở xanh”, “Sống xanh” tại các trường học…
Từ mô hình “Sống xanh” tại các khu dân cư, Hội LHPN đã phát động chị em trồng rau sạch tại nhà, tiết kiệm điện, nước, sử dụng túi sinh thái, phân loại rác thải, tận dụng các vật dụng đã qua sử dụng như chai nhựa, thùng các-tông, vải vụn, bạt quảng cáo… để tạo ra những sản phẩm thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Chị Hoàng Tâm, Trưởng nhóm “Sống xanh” Chi hội Phụ nữ số 3 (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) có sáng kiến tận dụng những chiếc bạt đã bỏ đi và may được gần 100 chiếc túi tái chế cho các thành viên “Sống xanh” trong tổ. Chị Tâm cho biết, việc làm đó vừa tận dụng những tấm bạt còn rất mới lại tiết kiệm tiền cho chị em mua giỏ đi chợ. Cũng như chị Tâm, chị Ngọc Hoa (khu dân cư số 2, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã có ý tưởng trồng hoa súng trong sân nhà vừa bán kiếm được tiền vừa tạo ra những mảng xanh từ nhà ra phố.
Chị Lê Thị Phượng (thuộc Chi hội Quang Thành 4A6, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) lại có cách làm khác là dùng rác thải nhà bếp ủ trong thùng xốp làm phân bón cho cây cối trong vườn. Với cách này vừa giúp gia đình chị có thêm phân bón vừa giảm ít nhất 2kg rác mỗi ngày. Chị Trần Thị Thuận, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Sơn Trà lại thực hiện “Sống xanh” bằng cách trồng rau sạch trên sân thượng trong khay nhựa và thùng xốp. Chị Thuận cho biết, nhờ cách làm này mà gia đình chị luôn có rau sạch để ăn và thi thoảng mang sang nhà hàng xóm cho chị em dùng dần. Phụ nữ tại khu dân cư số 2 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) lại tận dụng những bãi đất trống bỏ hoang, chưa làm nhà ven sông để trồng rau, không chỉ giúp gia đình các chị có rau sạch ăn quanh năm mà còn tăng thu nhập cho chị em mỗi người từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.
Mô hình “Trồng chuối lấy lá gói thực phẩm thay túi ni-lông” của chị Đặng Thị Tuyết (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cũng đã giúp tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo vệ môi trường. Chị Tuyết cho biết: “Lá chuối dùng gói thực phẩm để lâu không gây mùi khó chịu, dùng xong đem đổ vào hố rác trong vườn làm phân bón cho cây, số lá chuối không sử dụng hết lại đem ra chợ bán”. Hiện, mô hình này đã được nhân rộng trên 100 gia đình tại 3 thôn Thạch Bồ, An Trạch và Bắc An (xã Hòa Tiến). Cùng nhiều cách làm khác của phụ nữ Đà Nẵng như phát triển kinh tế từ việc cung cấp giống cây xanh của chị Hồng Nhạn (xã Hòa Tiến) hay trồng hoa trên các tuyến đường của Chi hội Phụ nữ Phước Hiệp (phường Nam Dương, quận Hải Châu) đã góp phần tạo thu nhập và làm cho các tuyến đường trở nên xanh và đẹp hơn.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đỗ Thị Kim Lĩnh, đến nay, toàn thành phố có 88 câu lạc bộ, 611 nhóm “Sống xanh” với 8.574 thành viên. Qua mô hình đã góp phần giúp các thành viên tham gia “Sống xanh” nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thói quen sinh hoạt hằng ngày theo hướng tích cực và trở thành những thành viên tiên phong trong phong trào bảo vệ môi trường tại khu dân cư”. |
Bài và ảnh: THANH TÌNH
Nguồn: Báo Đà Nẵng