55 năm trước, có một người đàn ông tên là Nguyễn Thế Câu, gọi thân mật là Chín Câu, bị Pháp bắt kêu án tử hình vì tội vận động lấy chữ ký của dân đòi hiệp thương tổng tuyển cử tự do để thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, một người phụ nữ đã ra tay cứu ông…
Hôm đó, trong khoảnh đất nhỏ bên hông Chợ Chùa ở Duy Xuyên, còn gọi là chợ Cây Da (nơi đây có cây da gốc 7 người ôm không hết), Pháp đưa ông Chín Câu ra xử bắn. Người dân quanh vùng nghe tin kéo đến rất đông, đứng thành hình bán nguyệt bên gốc da, xôn xao bàn tán. Khi đội hành quyết dàn hàng ngang tiến ra, giương súng lên ngắm thì một người phụ nữ bất ngờ từ đám đông vượt lên, giang rộng hai tay trước họng súng, la lớn:
“Có bắn thì bắn cả hai vợ chồng!”
Thực ra, ngoài hai người lớn, còn có một hài nhi đang tượng hình trong bụng người phụ nữ. Đám đông dân chúng hùa theo, la hét rùm trời: “Không được giết đàn bà và trẻ con!”. Lính Pháp dừng lại, không dám manh động, bởi nếu bắn đàn bà, trẻ con thì dư luận sẽ lên án. Chúng đành mở trói, đưa ông vào giam trong lao Thái Bình ở Duy Xuyên, chờ thời cơ thích hợp thì đưa đi bắn bí mật chứ không dám bắn công khai trước dân.
Người phụ nữ đó là bà Võ Thị Tâm, còn gọi là Mười Tâm. Bà đang dạy bình dân học vụ ở Tam Kỳ thì nghe tin dữ, tức tốc quay về tìm cách cứu chồng. Bà một mặt vận động người dân kéo đến pháp trường gây áp lực với lính Pháp, một mặt lục tìm danh sách những người bà con trong họ tộc có làm việc với Pháp để vận động gia đình họ cứu thoát chồng mình.
Có hai người cháu mới chân ướt chân ráo vô làm trong nhà lao, chưa rành đường đi nước bước ở đó nên không dám cứu. May có một người cháu làm tổ trưởng, sợ mình đứng ra trực tiếp cứu thì thế nào cũng bị Pháp giết ngay, bèn đưa hai người mới vô thay mình đứng gác đêm đó. Nửa đêm, ông Chín Câu ôm bụng la làng, một hai đòi đi nhà vệ sinh. Lính gác bảo muốn đi thì cứ đi tại chỗ, cương quyết không cho ông ra. Ông quằn quại ôm bụng rên la, mồ hôi túa ra ướt đẫm cả người. Túng thế, buộc lòng lính gác phải cho ông đi “giải quyết” cái chuyện “không chờ được nữa”. Đi được một đoạn, ông vùng chạy thoát vào bóng đêm. Hai người cháu không dám bắn, cũng chẳng dám la, để cho ông chạy một quãng xa rồi mới bắn chỉ thiên, tri hô có tù vượt ngục.
Sau đó, ông tập kết ra Bắc luôn. Ba tháng sau ngày ông vượt ngục, bà Mười Tâm sinh con, đặt tên là Dũng, mong nó cũng sẽ dũng cảm, mưu lược như mình trước kẻ thù. Khi con trai đủ lớn, bà gửi con ở nhà người chị chồng tên là Huấn để kết chặt tình thân thuộc, mong được thông cảm để mình đi làm cách mạng. Làm cách mạng mà có con nhỏ thì cực lắm. Bà phân vân giữa một bên là công tác trên giao, một bên là đứa con đang lớn. Bà chọn công tác, bởi con mình đã được gửi gắm nơi tin cậy.
Bà nhiều lần bỏ trốn con mà không thành. Hôm đó, mới 5 giờ sáng, bà cùng một nữ đồng chí của mình khăn gói ra đi thật sớm. Như có linh tính báo trước, cậu bé Dũng bất ngờ dậy sớm hơn mọi bữa, không thấy mẹ và cái mủng quen thuộc của bà ở đâu, liền quày quả chạy đi tìm. Kéo mẹ quay lại nhà, cậu giơ cái rựa lên chặt đứt ngón cái bàn chân bên trái, mếu máo nói: Nếu mẹ không cho con theo thì hãy giết con đi.
Bà ôm con vào lòng, ràn rụa nước mắt. Ngày trước, lúc mang thai nó, mình dám đứng trước họng súng quân giặc mà hô to: “Có bắn thì bắn cả hai vợ chồng”, chừ lẽ nào bỏ nó ở lại một mình, thôi thì đi đâu đành mang nó theo vậy.
Những lần “thử lửa”
Mười Tâm đi đâu cũng dẫn Dũng theo làm giao liên. Dũng phụ trách thùng thư 19 ở Gò Nổi, trên một bãi dâu bên bờ sông. Ở đó có một hầm bí mật được giấu rất kín, ai đi ngang qua đều không thể nào phát hiện được. Nhiệm vụ của Dũng là lấy thư từ Quận 3 Đà Nẵng đưa về thùng thư 19 ở bãi dâu, rồi nhận thư ở đó đưa ngược ra lại Đà Nẵng.
Một lần, Dũng đi lên xóm Chín Chủ (gọi thế, vì xóm chỉ có 9 nóc nhà) để qua bãi dâu bỏ thư. Đi được khoảng 200m, gặp đoàn lính Mỹ đi xuống, Dũng hoảng quá, nhảy đại xuống sông, không dám ngóc đầu, lặn qua tới Gò Nổi. Cũng may, thư bỏ trong lai áo nên không sợ ướt.
Có lần bà gửi Dũng, lúc đó cậu mới 12-13 tuổi, ra ở nhà bà Mười Trâm ở Bồ Mưng, nay thuộc xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, để theo học ông thầy Rựa. Chiều hôm đó, Mỹ đi càn, vứt súng đạn nằm lăn lóc khắp nhà. Thấy không ai để ý, Dũng ăn cắp hai trái lựu đạn, định đem qua nhà một cơ sở tên là Bốn Hàng gần đó. Mới ra tới cổng, nhìn lên thấy một đoàn lính Mỹ xí la xí lô đi xuống. Dũng hoảng quá, nhảy vội xuống ruộng, hai tay nắm hai quả lựu đạn, dùng miệng cắn chốt, bụng nghĩ thầm, chỉ cần tụi nó “a-lê” là mình quăng lựu đạn rồi tuôn chạy ngay.
Chờ tới tối vẫn không nghe động tĩnh gì, Dũng áp hai đầu gối kẹp thật chặt, giữ một quả lựu đạn không cho bung cần, rảnh ra một tay để đóng chốt an toàn cho quả kia. Hú vía. Sau này, Dũng mới biết là cái vụ “ăn cắp’ của mình đã làm cho người con trai của bà Mười Trâm bị Mỹ bắt oan, chúng hạch sách anh này đủ điều, mà thực tình thì anh đâu có biết “thủ phạm” chính là người học trò trú học ở ngay nhà mình. Về sau, có dịp gặp nhau ôn lại chuyện xưa, cả hai cùng ôm nhau cười ngất.
Hai mẹ con bà Mười Tâm lúc nào cũng đánh đôi với nhau như một cặp bài trùng. Và cũng mấy lần họ “chạm trán” với địch.
Lần đầu ở chợ Bà Rén, khoảng tháng 6-1969. Lúc đó, bà Tâm là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Đà, bà Hồng là Hội phó. Hai bà cùng Dũng lên trạm 1 đường dây giải phóng ở huyện Quế Sơn. Tới cầu Bà Rén, bà Tâm bảo bà Hồng và Dũng ở lại. Bà đi trước, tay bưng rổ thuốc lá khô, bên trong giấu cái radio và bộ đồ màu xám mốc của Dũng. Bà lên tới Xuyên Phú giáp ranh với huyện Quế Sơn thì bị địch bắt. Chúng buộc bà quay lại, bà đi trước, hai thằng lính đi kèm hai bên cách sau bà vài bước chân.
Dũng nhìn xa xa, thấy mẹ mình sao hôm nay có hai thằng lính đi “hộ tống”, sinh nghi, bảo với bà Hồng: Lộ rồi cô Hồng ơi. Bà Hồng chạy ào vô chợ, thoát thân. Dũng chậm chân, bị bắt. Hai mẹ con cương quyết không khai, dù địch kê súng vô sát tai hù dọa.
Lần khác, Dũng đã nhanh trí giải thoát cho cả mẹ mình lẫn bà Nguyễn Thị Thanh, lúc đó là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam. Dũng ở nhà người cô ruột của mình là bà Huấn ở xóm Hến, phía bên này cầu Bà Rén, thuộc địa phận Duy Xuyên. Trong nhà lúc đó có 7 lính chế độ Sài Gòn, ngoài đường thì nhiều lắm. Khoảng 5 giờ 30 chiều, bà Thanh và bà Tâm cùng hé cánh cửa chống (loại cửa mở lên mái nhà, có cây chống cửa) bước vô. Bà Huấn trong nhà nhìn ra thấy nguy quá, vội vàng đuổi hai bà kia đi ra. Cử chỉ thiếu tự nhiên này không qua mắt được bọn lính, chúng nhỏ to bàn tán với nhau. Hai bà biết mình bị lộ, chạy vội ra ngoài đường, nhưng chưa biết đi đâu. 6 giờ là giới nghiêm, xuống quốc lộ không còn xe, dễ bị bắt lắm. Hai bà đang phân vân thì bỗng thấy có bóng người đuổi theo mình. Lo quá, tưởng đâu phen này bị bắt, nhưng nhìn kỹ lại thì nhận ra Dũng. Cậu đã đóng sập cửa rồi chạy theo hai bà. Cách nhà bà Huấn khoảng 200m có một ngôi nhà Dũng thường hay lui tới, ở đó thường xuyên có du kích về họp hành, trao đổi công việc. Dũng nghĩ bụng, đưa mẹ và cô Thanh đến đây là an toàn nhất. Lối vào nhà bố trí dích dắc, không biết đường là luầng quầng không ra được như lạc vào trận đồ Bát quái. Khách mới bước chân vô tới cổng là trong nhà đã hay biết rồi. Lúc đó, ba người mới chớm tới đầu cổng thì hai người đàn bà trong nhà đã lật đật chạy ra mừng rỡ ôm nhau, hỏi han rất thân tình: Chị ở Hàn mới về hả? (Hồi đó, Hàn là tên gọi của Đà Nẵng. Bà chủ nhà nhanh trí nói trớ là khách từ Hàn về để ngầm giới thiệu rằng khách là người ở phố, không phải người ở quê hoạt động cách mạng). Bà chủ nhà trước đó đã biết Dũng có người mẹ làm cách mạng, biết rõ chuyện mẹ Dũng cứu cha nên rất nể trọng. Hôm đó, trong nhà lính chế độ Sài Gòn đi càn ở đầy, nghe chủ nhà giới thiệu có mấy người bà con ở Hàn về thăm chơi, bọn chúng yên tâm, không nghi ngờ gì.
Lần nọ, hai mẹ con bà ở thôn Duy Ninh, xã Xuyên Châu, nay là xã Duy An, Duy Xuyên. Nghe giao liên báo bên kia sông, thuộc địa phận Quế Sơn là an toàn, hôm đó, 9 giờ sáng, hai mẹ con bà cùng với bà Hồng và 4 du kích súng ống đầy đủ chèo một ghe lớn qua vùng giải phóng. Ghe ra được nửa sông, Dũng thấy măng mọc đầy bờ bên kia, hỏi răng măng mọc nhiều rứa mẹ? Bà Tâm hiểu ngay, đó là súng ống của địch ngụy trang, bà thò tay vô trong mủng lấy khẩu súng chuồi xuống dưới bụng ghe. Không thể quay lui được, ghe đành phải sang bờ bên kia. 4 du kích bị bắt. Hai mẹ con bà Tâm và bà Hồng đi mấy bước định lên vùng giải phóng thì cũng bị bắt nốt. Tất cả bị giam ở Quế Sơn một tháng. 4 người du kích bị bắt phơi nắng, sau đó bị đưa đi Côn Đảo. Hai mẹ con bà Tâm và bà Hồng, địch không khai thác được gì nên cũng phải trả tự do.
Kể lại chuyện này, anh Dũng bảo hồi đó may mà chúng nó đưa về Quế Sơn, chứ đưa về Duy Xuyên thì “tiêu” hết rồi. Bởi ở Duy Xuyên thì ai còn lạ gì bà Tâm sau vụ bà cả gan cứu chồng gây xôn xao cả huyện.
Ký ức về người mẹ
Bà Võ Thị Tâm sinh năm 1932. Tuy tên gọi cách mạng là Mười Tâm, tên gọi ở nhà là Mười Tứ, nhưng thực tế bà xếp thứ… 15 trong gia đình. Cha bà là bầu gánh hát bộ, bà một thời theo cha đánh đàn nên cũng ít nhiều rành âm nhạc. Nhà cha bà ở Bàu Cung, thôn Tứ Ngân, nay thuộc xã Điện Ngọc. Trong nhà có hầm bí mật dưới gầm giường, mãi đến năm 1967-1968, khi Mỹ đi càn mới bị “bể”.
Ngoài Dũng, bà còn một người con gái đầu là Nguyễn Thị Như làm giao liên ở Đà Nẵng. Sau khi bà mất, chị Như chuyển sang biệt động thành.
Thầy dạy bà học là một người bà gọi bằng bác, con nhà thúc bá. Bà văn hay chữ tốt, nhờ đó mà vô Tam Kỳ dạy bình dân. Sau đó, bà về lại quê nhà, ban đầu chủ yếu hoạt động ở Điện Bàn. Năm 1967, chuyển ra Đà Nẵng làm Quận ủy viên Quận 3.
Không thể đưa con theo được, bà đưa Dũng vô Sài Gòn ở nhà một người anh em cô cậu ruột với Dũng tên là Hai Huấn. Mới ở gần được tuần, chưa làm xong thủ tục nhập học thì Dũng đã thấy lính tới nhà đọc lệnh bắt ông Huấn rồi bắn ông ngay tại chỗ, vì cho rằng ông này dính líu tới vụ Nguyễn Văn Trỗi, người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara hồi năm 1964. Sợ quá, Dũng nhờ người chị ông Huấn mua vé máy bay về lại Đà Nẵng. Từ đó, tổ chức đưa Dũng ra Bắc mấy lần không lọt, mãi đến năm 1970 mới đi được.
Ra Bắc, Dũng theo học ở Trường học sinh miền Nam số 7, Nam Hà. Lúc đó, cha anh, ông Chín Câu, dạy học ở Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Một hôm, cha anh bảo anh về gấp để nhận thông tin từ miền Nam ra. Đó là một ngày anh không thể nào quên trong đời mình: nhận được tin mẹ mình hy sinh sau một năm, bà bị máy bay Mỹ bắn chết ngay trên đường công tác. Nếu ông Hồ Nghinh không ra Hà Nội năm đó thì tin dữ này càng đến với cha con anh muộn màng hơn.
Anh nửa tháng không ăn không ngủ, lơ mơ thấy mẹ về dẫn mình đi từ Đông Trà (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) ra tới Quận 3. Đôi mắt lạc thần, tay chân bủn rủn, anh không màng tới việc gì cả. Bạn bè học sinh miền Nam đến an ủi, động viên, đút từng muổng cơm, anh mới hoàn hồn trở lại. Trong thâm tâm, anh không tin là mẹ mình mất. Thời chiến tranh, tin tức sai lệch là chuyện thường. Anh quyết tâm về lại miền Nam, trốn vô tới Quảng Bình thì bị bộ đội phát giác anh không giấy tờ gì, đưa trả anh về lại miền Bắc.
Sau ngày thống nhất đất nước, việc đầu tiên khi anh về lại quê nhà là đi tìm mẹ. Theo giấy báo tử của Ty Thương binh Xã hội Quảng Nam – Đà Nẵng, anh ngược lên vùng ranh Lộc Sơn, Đại Lộc, tìm gặp người dân địa phương từng chứng kiến cái chết của mẹ mình. Bà con kể rằng, lúc đó mẹ anh đang chỉ đạo việc chuyển gạo lên nuôi quân thì bị máy bay Mỹ phát hiện, nó kêu thêm 4 chiếc trực thăng lên đổ quân bao vây, bắc loa kêu gọi đầu hàng. Mẹ anh và 4 người nữa giơ súng lên bắn máy bay, bị chúng xả một loạt đạn, hy sinh ngay tại chỗ. Hơn mười người khác bị bắt. Đó là ngày 20 tháng 10 năm 1971.
Nhìn bao quát nơi mà mẹ mình đã ngã xuống năm nào, anh thấy cay cay trong mắt. Anh vẫn không tin rằng mẹ mình đã mất. Năm 1969, mẹ nắm tay anh đứng trong một tiệm ảnh ở Nam Phước, Duy Xuyên, để chụp hình lưu niệm như mới xảy ra ngày hôm qua. Nhờ tấm hình duy nhất đó mà anh tách ra chân dung mẹ mình để thờ trên bàn thờ.
Tấm lòng để lại
Viết về một người đã khuất từ 40 năm trước như bà Mười Tâm thì thật chẳng dễ chút nào. Nhưng may mắn là còn có nhân chứng sống là anh Nguyễn Thế Dũng, người con và là đồng chí của bà trong những năm tháng gian khổ nhất của cuộc chiến. Hôm chúng tôi về Điện Ngọc, anh Dũng đưa chúng tôi đến gặp ông Huỳnh Đức Lý, người đồng hương, từng sinh hoạt cùng chi bộ với mẹ anh. Ông bảo, khi bà là Quận ủy viên phụ trách công tác phong trào Quận 3 Đà Nẵng, bà đã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở Phước Trường, nay thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
Dũng trước đây còn giữ được một băng ghi âm lời phát biểu của mẹ anh tại Đại hội Tỉnh Đảng bộ năm 1971 : “học sinh – sinh viên là hàng ngũ trí thức, chúng ta nên vận động, khơi dậy lòng yêu nước để họ cùng dân tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng …”. Bà phát biểu với tư cách cán bộ phong trào, có lý có tình, nhà có người tham gia chế độ Sài Gòn nghe bà nói cũng góp gạo cho cách mạng nuôi quân. Rất tiếc, thời gian qua, cuốn băng đã bị thất lạc.
Tên bà là Tâm, Mười Tâm. Nếu có ai đó nói rằng tên sao người vậy thì quan niệm này nó vận vào cuộc đời bà Mười Tâm không sai một mảy may. Bà gan dạ, dũng cảm cứu chồng, trải lòng thương con, đổ máu xương mình ra cho ngày thống nhất đất nước. Bằng trái tim, bằng cái Tâm của một người phụ nữ Việt Nam, trên cương vị nào bà cũng để lại sự yêu thương, lòng kính trọng. Không chỉ đồng bào, đồng chí, mà ngay cả những người bên kia chiến tuyến cũng nhận ra điều đó. Đảng và Nhà nước đã vinh danh bà bằng những tặng thưởng cao quí: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Ba và nhiều phần thưởng khác.
Ghi lại những dòng này qua lời kể của những người còn sống, trong đó chủ yếu là anh Nguyễn Thế Dũng, cũng là cách cùng anh thắp một nén tâm nhang tưởng niệm nhân ngày giỗ thứ 40 của người Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ đặc khu Quảng Đà năm nào…
Văn Thành Lê