Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2012-2017 đã đề ra chỉ tiêu vận động tiết kiệm đạt 5000 tỷ đồng vào cuối năm 2017 nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. TW Hội LHPN VN gửi tới các cấp Hội tài liệu sinh hoạt tại Chi hội phụ nữ nhằm giúp cho hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tích cực tham gia hoạt động tiết kiệm do Hội phát động.
Câu 1: Tiết kiệm là gì?
Trả lời: Có nhiều cách hiểu về tiết kiệm
– Theo Bác Hồ: Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
– Theo từ điển Tiếng Việt: là sự dành dụm được sau khi đã chi tiêu hợp lý những thứ cần thiết trong sinh hoạt, sản xuất.
– Theo lời khuyên của chuyên gia làm công tác giảm nghèo: tiết kiệm là phần để dành trước tiêu dùng (tiền, thóc, vật dụng…), điều này đặc biệt quan trọng với phụ nữ nghèo vì bản thân phụ nữ nghèo không có nhiều tiền của, vật chất, thậm chí lúc nào cũng thấy thiếu do vậy muốn tiết kiệm phải để dành trước tiêu dùng.
Câu 2: Vì sao Hội LHPN Việt Nam vận động hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm?
Trả lời:
– Giúp cho chị em phụ nữ tạo thói quen tiết kiệm, khuyến khích chị em tiết kiệm từ khoản tiền nhỏ để tạo lập nguồn vốn của chính gia đình chị em để đầu tư cho sản xuất hoặc tiêu dùng khi cần thiết.
– Là biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy nội lực của từng gia đình chị em và cộng đồng tạo lập nguồn vốn chủ động hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn phát triển kinh tế.
– Thông qua hoạt động tiết kiệm giúp chị em và các thành viên trong gia đình biết cách lập kế hoạch và chi tiêu một cách hợp lý.
– Khuyến khích và tăng thêm tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong chị em phụ nữ cũng như trong cộng đồng từng thôn xóm.
– Giúp cho Hội LHPN thực hiện tốt hơn vai trò chăm lo cho hội viên hội phụ nữ, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi hội PN.
Câu 3: Mỗi hội viên phụ nữ làm thế nào để tiết kiệm tốt nhất ?
Trả lời:
– Chị em phải có mục tiêu và kế hoạch tiết kiệm cụ thể; Ghi chép và rà soát các khoản mục chi tiêu hàng ngày.
– Suy nghĩ về tiết kiệm trước khi chi tiêu: có thực sự cần chi khoản tiền này không, làm thế nào để giảm các khoản chi tiêu, cân nhắc khoản chi tiêu nào nên hạn chế hoặc cắt giảm.
– Vào cuối ngày/ cuối tháng các thành viên trong gia đình cùng xem lại các khoản chi tiêu và so sánh với thời kì trước để biết được việc chi tiêu của mỗi thành viên đã hợp lý chưa.
– Cần tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các thành viên trong gia đình về việc thực hành tiết kiệm.
– Chị em cần bàn cùng chồng, con để lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp với bản thân và gia đình.
– Tiết kiệm ngay khi có thu nhập;
– Để đạt được mục tiêu tiết kiệm đã đề ra đòi hỏi chị em cũng như các thành viên trong gia đình cần kiên trì thực hiện với tính kỷ luật cao.
Câu 4. Chị em có thể tham gia tiết kiệm tại đâu và ở những loại hình tiết kiệm nào?
Trả lời:
– Chỉ có Chi/ tổ phụ nữ mới có quyền vận động và thu tiền tiết kiệm của chị em cũng như các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm.
– Chị em có thể tham gia một hoặc nhiều loại hình tiết kiệm do Hội PN chỉ đạo, quản lý như sau:
+ Tiết kiệm tại các chi/ tổ phụ nữ nơi chị em tham gia sinh hoạt.
+ Tiết kiệm tại nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng; tại các tổ/ nhóm hùn vốn quay vòng do Hội chỉ đạo.
+ Tiết kiệm tại Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các chương trình dự án của Hội mà chị em tham gia.
Câu 5. Mức tiết kiệm tối thiểu, lãi suất, định kỳ nộp tiết kiệm tại chi/ tổ như thế nào?
Trả lời:
– Mức tiết kiệm tối thiểu là 5.000 đồng/ hội viên/ tháng, nơi có điều kiện thuận lợi: 10.000 đ trở lên/ hội viên/ tháng.
– Hội viên trong cùng một chi/ tổ nộp mức tiết kiệm thống nhất do hội viên phụ nữ của chi/ tổ quyết định.
– Định kỳ thu tiết kiệm có thể theo tháng hoặc quý và thu tại buổi sinh hoạt hội viên (theo định kỳ sinh hoạt chi/ tổ phụ nữ).
– Lãi suất vận động tiết kiệm là 0%.
Câu 6: Khi nào chị em được rút tiền tiết kiệm?
Trả lời:
Đây là nguồn tiết kiệm nhỏ được thực hiện trong thời gian dài để sử dụng cho hội viên phụ nữ khó khăn vay nên khuyến khích chị em duy trì tiết kiệm đến cuối nhiệm kỳ. Song trong những trường hợp gia đình chị em gặp khó khăn đặc biệt, chị em báo cho chi/ tổ trưởng phụ nữ để giải quyết.
Câu 7. Ai sẽ được vay tiền tiết kiệm và với lãi suất, kỳ hạn như thế nào?
Trả lời:
– Tất cả hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm tại chi/ tổ đều có quyền vay để phát triển kinh tế gia đình hoặc giải quyết khó khăn đột xuất song ưu tiên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được đa số hội viên, phụ nữ trong chi/ tổ bình xét nhất trí cho vay.
– Lãi suất cho vay (hoặc khoản phí cố định cho chi phí quản lý thu vào đầu kỳ khi thành viên nhận vốn): do chi/ tổ/ nhóm thống nhất quy định nhưng không cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của NHCSXH cùng thời điểm.
– Kỳ hạn vay phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn song không quá 12 tháng.
Câu 8. Tiền tiết kiệm của hội viên, phụ nữ tại chi tổ được quản lý như thế nào?
Trả lời:
– Số tiền tiết kiệm được quản lý theo phương thức tự quản tại chi/ tổ phụ nữ và không được chuyển sang địa bàn khác.
– Toàn thể chị em trong chi/ tổ phụ nữ tham gia tiết kiệm sẽ thảo luận, thống nhất quy chế hoạt động.
– Cán bộ chi/ tổ phụ nữ có trách nhiệm thu, chi, quản lý, ghi chép và báo cáo kết quả hoạt động tiết kiệm cho hội LHPN cấp trên và cho toàn thể hội viên theo định kỳ 6 tháng/ năm.
– Mọi hội viên, phụ nữ đều có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến tiết kiệm.
– Cán bộ chi tổ phụ nữ có trách nhiệm quản lý tiền tiết kiệm theo đúng quy chế, nếu để xảy ra sai sót, vi phạm quy chế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và điều lệ Hội LHPN Việt Nam.