Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục phát động các cấp Hội, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Nhằm giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ và phấn đấu thực hiện các tiêu chí thi đua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam biên soạn Tài liệu học tập về phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” dành cho hội viên, phụ nữ. Đây là một trong những cơ sở giúp nâng cao chất lượng thực hiện phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Câu hỏi 1: Phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” bao gồm những tiêu chí gì? Nội dung các tiêu chí có gì khác so với nhiệm kỳ 2007- 2012?
Trả lời: Phong trào thi đua gồm 3 tiêu chí:
1.Tích cực học tập
2.Lao động sáng tạo
3.Xây dựng gia đình hạnh phúc
So với nhiệm kỳ 2007-2012, tên gọi của phong trào vẫn giữ nguyên nhưng về nội dung có một số điều chỉnh.
– Nội dung, tiêu chuẩn của từng tiêu chí có sự điều chỉnh, cụ thể hóa để gắn kết được với nội dung các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội nhiệm kỳ 2012-2017, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
– Nội dung của các tiêu chí được cụ thể hóa để phù hợp với các đối tượng hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội.
Câu hỏi 2: “Phụ nữ tích cực học tập” là gì và phụ nữ cần làm gì để thực hiện “tích cực học tập”?
Trả lời:
Tích cực học tập là sự chủ động, nỗ lực tự học tập và tham gia các hoạt động nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, dưới mọi hình thức.
* Đối với hội viên, phụ nữ, thực hiện tích cực học tập là:
– Học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất của phụ nữ Việt Nam “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”; học chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng; học văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kiến thức giới, kỹ năng sống , kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.
– Học tập, tìm hiểu các nội dung và tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
– Học tập, tìm hiểu về truyền thống của phụ nữ Việt Nam, sự phát triển phụ nữ và bình đẳng giới.
– Học tập, tìm hiểu về tổ chức Hội LHPN Việt Nam; quyền và trách nhiệm của Hội viên theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
* Đối với cán bộ Hội các cấp: Ngoài các nội dung trên cần phải:
– Học tập, nghiên cứu nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Hội; vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
– Học các kỹ năng vận động quần chúng và vận dụng tốt các kỹ năng đó trong công tác Hội.
– Học tập, rèn luyện và phấn đấu theo tiêu chuẩn đạo đức người cán bộ công chức.
Câu hỏi 3: Nêu các nội dung và những việc phụ nữ cần làm để thực hiện“Lao động sáng tạo”?
Trả lời:
Lao động sáng tạolà luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới, cái hợp lý, cái tốt hơn và ứng dụng được vào quá trình lao động, sản xuất, công tác tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt hơn.
* Đối với phụ nữ nông dân, cần:
– Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
– Thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
– Thực hành tiết kiệm trong lao động, có sáng kiến nâng cao năng suất lao động.
– Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, thực hiện sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
* Đối với nữ công chức, viên chức, cần:
– Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình lao động, sản xuất.
– Có sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.
– Thực hành tiết kiệm trong lao động, tổ chức công việc hợp lý.
– Thực hiện các quy định của pháp luật và của đơn vị, doanh nghiệp.
* Đối với nữ lãnh đạo quản lý, cần:
– Đổi mới phương thức tổ chức quản lý, khoa học, hiệu quả.
– Sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
– Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.
* Đối với phụ nữ doanh nhân, tiểu thương, cần:
– Sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả.
– Ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
– Tạo dựng, giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam; coi trọng chữ tín trong sản xuất kinh doanh.
– Thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và trách nhiệm xã hội.
Câu hỏi 4: Nội dung tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc” là gì? Để thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc thì phụ nữ, hội viên cần làm gì?
Trả lời:
Xây dựng gia đình hạnh phúc là các thành viên trong gia đình sống hoà thuận, thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; mọi thành viên trong gia đình toại nguyện với gia đình của mình, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân; đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng, xã hội.
Để thực hiện tốt tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, hội viên, phụ nữ cần đăng ký và thực hiện các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” và các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa
Câu hỏi 5: Những phụ nữ, hội viên như thế nào được coi là đạt tiêu chuẩn“Phụ nữ tích cực học tập”?
Trả lời:
* Đối với hội viên, phụ nữ
– Nắm vững và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư.
– Có hoạt động cụ thể thực hiện học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có ý thức phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”.
– Có trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ.
– Có nhận thức tốt về bình đẳng giới; có kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.
– Hiểu biết về tổ chức Hội và hoạt động của Hội, tham gia đầy đủ các đợt sinh hoạt, học tập các nội dung do Hội LHPN địa phương, đơn vị tổ chức.
– Nắm vững các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”
– Áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện cụ thể bằng: kết quả học tập, lao động, công tác; tổ chức cuộc sống gia đình; thực hành tiết kiệm; chăm sóc và nuôi dạy con, tham gia các hoạt động xã hội.
* Đối với cán bộ Hội các cấp:Ngoài những tiêu chuẩn trên cần phải:
– Nắm vữngNghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam; Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để vận dụng cho phù hợp thực tiễn ở địa phương, đơn vị.
– Vận dụng kỹ năng vận động quần chúng trong công tác Hội.
– Gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và hoạt động công tác Hội tại địa phương, đơn vị.
Câu hỏi 6: Tiêu chuẩn để hội viên, phụ nữ đạt tiêu chí “Lao động sáng tạo”?
Trả lời:
Những phụ nữ, hội viên đạt tiêu chuẩn “lao động sáng tạo” là những người:
– Có sáng kiến cải tiến hoặc áp dụng công nghệ mới trong lao động, sản xuất, công tác.
– Lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
– Đạt tiêu chí “Gia đình không đói nghèo” hoặc gia đình có mức sống cải thiện hơn, năm sau cao hơn năm trước.
– Riêng đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động: Hàng năm đạt danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên.
Câu hỏi 7: Tiêu chuẩn để đạt tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc” là gì?
Trả lời:
Để đạt tiêu chuẩn “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, gia đình của hội viên, phụ nữ cần đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”và đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”.
Câu hỏi 8: Những phụ nữ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” thì có thể được nhận những danh hiệu gì?
Trả lời:
Hội viên, phụ nữ được nhận danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến” khi đạt cả 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Việc bình xét được tiến hành hàng năm, vào dịp tổng kết cuối năm.
Trong số những người đạt danh hiệu“Phụ nữ tiên tiến”, hàng năm sẽ bình chọn những người xuất sắc nhất để được nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc”.
Bên cạnh việc xét danh hiệu hàng năm, đến cuối nhiệm kỳ, hội viên và phụ nữ có thể đạt các danh hiệu sau:
– “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ cấp xã: Là những người có 5 năm đạt danh hiệu“Phụ nữ xuất sắc”.
– “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ cấp huyện: Là những người tiêu biểu được lựa chọn trong số “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ của cấp xã.
– “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ cấp tỉnh: Là những người tiêu biểu được lựa chọn trong số “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ của cấp huyện.
– “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ toàn quốc: Là những người tiêu biểu được lựa chọn trong số “Phụ nữ xuất sắc” nhiệm kỳ của cấp tỉnh.
Câu hỏi 9: Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp có những hình thức khen thưởnggì cho những phụ nữ thực hiện tốt phong trào thi đua?
Trả lời:
– Ban Thường vụ Hội LHPN cấp xã ghi nhận, biểu dương cá nhân đạt danh hiệu“Phụ nữ xuất sắc” hàng năm, nhiệm kỳ cấp xã.
– Ban Thường vụ Hội LHPN cấp huyện cấp Giấy khen cho cá nhân đạt danh hiệu“Phụ nữ xuất sắc” hàng năm, nhiệm kỳ cấp huyện.
– Ban Thường vụ Hội LHPN cấp tỉnh cấp Giấy khen cho cá nhân đạt danh hiệu“Phụ nữ xuất sắc” hàng năm, nhiệm kỳ cấp tỉnh.
– Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc” hàng năm, nhiệm kỳ toàn quốc./.