Để việc tổ chức các hoạt động lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ có hiệu quả, TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu Tài liệu sinh hoạt Hội viên về Góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp là đạo luật gốc quy định về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước, các chế độ kinh tế, chính trị, dân sự, xã hội và văn hóa của quốc gia; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.Lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý quan trọng, rộng lớn và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong phụ nữ, hội viên và hệ thống Hội. Để việc tổ chức các hoạt động lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ có hiệu quả, TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu Tài liệu sinh hoạt Hội viên về Góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992!
Câu hỏi 1. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 gồm bao nhiêu chương, điều?
Trả lời: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 gồm 11 Chương và 124 điều.
Câu hỏi 2. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định những vấn đề gì?
Trả lời: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định 05 vấn đề lớn, trọng đại của đất nước gồm:
– Chế độ chính trị
– Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
– Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
– Bảo vệ Tổ quốc
– Bộ máy nhà nước: gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và chính quyền địa phương (Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp).
Câu hỏi 3: Vì sao phụ nữ cần tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp?
Trả lời:Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền làm chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân nhằm bảo đảm các quy định hợp lý, đáp ứng mong mỏi của người dân và sát thực tế. Đối với phụ nữ, đây cũng là cơ hội để phát huy quyền làm chủ, vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ; là điều kiện để phụ nữ thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của mình. Tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi hội viên, phụ nữ Việt Nam.
Câu hỏi 4: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những quy định nào liên quan trực tiếp đến hội viên?
Trả lời: Hội viên là công dân, vì vậy các quy định liên quan đến công dân đều trực tiếp liên quan đến hội viên.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 32 điều liên quan trực tiếp đến công dân (hội viên), từ Điều 16, 17, 18, 21 đến Điều 50 với 33 quy định về 26 quyền, 6 nghĩa vụ cơ bản và 1 nguyên tắc bình đẳng và ngang quyền của nam, nữ về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Khoản 1 Điều 27).
26 quyền cơ bản gồm:
-Quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội (Điều 16);
-Quyền có quốc tịch, không bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam và giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 1, 2 Điều 18); quyền sống (Điều 21);
-Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, hiến mô, bộ phận cơ thể người (Điều 22);
-Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; bí mật thư tín, điện thoại, thông tin (Điều 23);
-Quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 24); quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 25);
-Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 26); quyền bầu cử, ứng cử (Điều 28);
-Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Khoản 1 Điều 29);
-Quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 30); quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 31);
-Quyền chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật; quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự khi bị oan sai (Điều 32);
-Quyền sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền tự do kinh doanh (Điều 33);
-Quyền bảo đảm an sinh xã hội (Điều 35);
-Quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 36); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 37);
-Quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc (Điều 38);
-Quyền kết hôn và ly hôn (Khoản 1 Điều 39); quyền chăm sóc, giáo dục của trẻ em (Khoản Điều 40);
-Quyền bảo vệ sức khỏe (Khoản 1 Điều 41); quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 42);
-Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật (Điều 43);
-Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44);
-Quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp (Điều 45); quyền sống trong môi trường trong lành (Khoản 1 Điều 46)
06 nghĩa vụ cơ bản gồm:
-Tôn trọng quyền của người khác (Khoản 1 Điều 16);
-Trung thành với Tổ quốc (Điều 47);
-Bảo vệ Tổ quốc (Điều 48);
-Chấp hành Hiến pháp và pháp luật (Điều 49);
-Nộp thuế (Điều 50);
-Bảo vệ môi trường (Khoản 2 Điều 46).
Câu hỏi 5. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định như thế nào về trách nhiệm của Nhà nước đối với những quy định liên quan trực tiếp đến hội viên?
Trả lời: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 10 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với những quy định liên quan trực tiếp đến công dân (hội viên) gồm:
-Thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Khoản 1 Điều 15),
-Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 3 Điều 18),
-Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ (Khoản 2 Điều 25),
-Có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 27),
-Tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (Khoản 2 Điều 29),
-Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Khoản 2 Điều 31),
-Bảo hộ quyền tự do kinh doanh (Khoản 2 Điều 34),
-Có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở (Khoản 2 Điều 36),
-Bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 39),
-Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ (Khoản 2 Điều 43).
Câu hỏi 6. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những quy định cấm nào đối với những quy định liên quan trực tiếp đến hội viên?
Trả lời: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 10 quy định cấm đối với những quy định liên quan trực tiếp đến hội viên gồm:
-Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Khoản 2 Điều 16),
-Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người (Khoản 2 Điều 22),
-Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý (Khoản 1 Điều 23),
-Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (Khoản 3 Điều 25),
-Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới (Khoản 3 Điều 27),
-Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (Khoản 3 Điều 31),
-Không được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý (Khoản 2 Điều 37),
-Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật (Khoản 2 Điều 38),
-Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Khoản 2 Điều 40),
-Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng (Khoản 2 Điều 41).
Câu hỏi 7. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gợi ý cán bộ, hội viên, phụ nữ góp ý sâu hơn vào những quy định nào trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp ?
Trả lời:Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gợi ý góp ý sâu hơn 13 điều:
– 04 điều liên quan đến vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Điều 9, Khoản 1 Điều 89, Điều 106 và Điều 119. Hội mong muốn dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định rõ địa vị pháp lý để Hội thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ; đồng thời hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình.
– 09 điều liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới gồm: Điều 15, 17, 27, 38, 39, 40, Khoản 2 Điều 62, Khoản 1 Điều 6, Khoản 3 Điều 66. Hội mong muốn dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng giới có tính đến đặc thù giới tính, vai trò và thiên chức làm mẹ của phụ nữ và mối liên hệ đặc biệt giữa trẻ em với phụ nữ, nhất là trẻ em gái sẽ là phụ nữ trong tương lai. Đồng thời mong muốn dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình đối với gia đình, phụ nữ và trẻ em theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn để tránh nhận thức thiên lệch, hiểu không đúng về bình đẳng giới, lúng túng trong việc thể hiện các quy định ưu tiên, bảo vệ, bảo đảm cơ hội, hỗ trợ điều kiện… cho phụ nữ trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và trong thực tế.
Câu hỏi 8. Hội viên, phụ nữ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như thế nào?
Trả lời:
1. Về nội dung, tùy theo điều kiện thực tế, hội viên có thể:
– Góp ý chung toàn bộ dự thảo,
– Góp ý tập trung vào các điều mà Hội gợi ý góp ý sâu hơn và các điều hội viên, phụ nữ quan tâm,
– Đề xuất những mong muốn, kiến nghị cụ thể để Nhà nước quy định trong Hiến pháp.
2. Về cách góp ý đối với những điều đã có trong dự thảo:
– Khẳng định đồng ý với quy định nào và giải thích lý do tại sao đồng ý,
– Khẳng định không đồng ý quy định nào và giải thích lý do tại sao không đồng ý; nêu rõ đề nghị sửa lại hay bỏ hẳn khỏi dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
3. Về cách đề xuất những vấn đề hoặc nội dung chưa có trong dự thảo:
– Nêu vấn đề hoặc nội dung đề nghị bổ sung vào dự thảo (nếu chỉ rõ bổ sung vào chương, điều nào càng tốt).
– Giải thích lý do tại sao lại đề nghị bổ sung vấn đề hoặc nội dung đó vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp./.