Không chỉ sẵn sàng hy sinh xương máu, ngoài tiền tuyến, phụ nữ Việt Nam còn dâng hiến cho đất nước cả tình yêu, tuổi trẻ và nhan sắc của mình; lặng lẽ hy sinh cống hiến cho Tổ quốc biết bao chiến công thầm lặng mà vĩ đại. Những hy sinh vô giá ấy thật khó định lượng và không dễ dàng diễn tả bằng giấy mực.
Ngay từ những trang sử đầu tiên chống Bắc thuộc, Hai Bà Trưng đã nêu cao tấm gương của những liệt nữ sẵn sàng hy sinh thân mình đền nợ nước, trả thù nhà. Dưới thời phong kiến, Thái hậu Dương Vân Nga dám hy sinh quyền lợi của dòng họ nhà chồng vì an nguy của xã tắc.Công chúa Trần Huyền Trân gạt nước mắt trở thành bà hoàng Chiêm quốc để củng cố tình hòa hiếu giữa hai nước Việt – Chăm vì sự tồn tại của đất nước. Công chúa An Tư nhà Trần hy sinh thân mình làm vợ Thoát Hoan mong vãn hồi âm mưu xâm lược của giặc Mông-Nguyên…
Trong thời kỳ đầu cách mạng Việt Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc:
“Dù đánh, dùtreo càng kiên quyết
Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thi hành, chết mới thôi”
(Chị Minh Khai – NXB Phụ nữ, H.1981)
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong những ngày đầu khó khăn của dân tộc, trong “Tuần lễ vàng” các bà, các chị đã đóng góp cả tư trang ngày cưới, đồ trang sức cho Chính phủ mua sắm vũ khí, giải quyết nạn đói cho quốc dân. Các cụ, các mẹ còn góp cả mâm thau, nồi đồng, đỉnh đồng, lư đồng, các vật dụng bằng đồng để quân đội đúc súng đạn, chống lại thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tích cực quyên góp, ủng hộ các cuộc vận động “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu quốc”, các phong trào “bảo trợ thiếu nhi”, “cứu trợ đồng bào bão lụt, “phong trào cứu đói”, “phong trào truyền bá vệ sinh”, mua “công phiếu kháng chiến” tích cực tăng gia sản xuất, đóng “ thuế nông nghiệp”… Hàng vạn nữ dân công đã gác việc nhà sang một bên, đóng góp hàng triệu ngày công phục vụ các chiến dịch. Phụ nữ đô thị hưởng ứng triệt để lệnh tản cư, rời bỏ nhà cửa và tiện nghi sinh hoạt lên rừng tham gia kháng chiến.
Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng vạn người mẹ, người vợ miền Bắc đã không ngần ngại hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên chồng con, anh em lên đường vào Nam chiến đấu thực hiện nghĩa vụ của hậu phương miền Bắc, hết long chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “ Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “ thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chị em vùng tự do, vùng địch tạm chiếm đã không tiếc sức người sức của đóng góp cho cách mạng, tiếp tế cho kháng chiến, ủng hộ “quỹ độc lập”, “quỹ đảm phụ quốc phòng”, “quỹ ủng hộ đồng bào Nam Bộ”, “tuần lễ Nam Bộ”, “ngày Nam Bộ”, v.v… Trong vùng địch hậu chị em cũng không ngại nguy hiểm, không quản hy sinh, hết lòng giúp đỡ, che giấu cán bộ. Họ dành dụm từng đồng tiền, bát gạo, từng tấc vải, viên thuốc để tiếp tế, ủng hộ cho cách mạng. Kể sao xiết những hy sinh lớn lao của bao người mẹ, người vợ Việt Nam – những người đã lặng lẽ nuốt nước mắt hiến dâng cho cho đất nước những người thân yêu nhất của mình. Nhiều người mẹ tiễn chồng, tiễn con, rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha anh lên đường đánh giặc.
Không phải vô cớ mà từ bao đời nay hình tượng người mẹ Việt Nam kiên cường, dũng cảm, giàu đức hy sinh đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của bà mẹ Tổ quốc vĩ đại.
Làm mẹ là thiên chức cao cả của người phụ nữ trong mọi thời đại, tuy nhiên, trong xã hội phong kiến Việt Nam, do điều kiện kinh tế, xã hội có những ràng buộc nhất định, để thực hiện được thiên chức làm mẹ, người phụ nữ đã phải phấn đấu, hy sinh nhiều gấp bội. Trong gia đình, trong mối quan hệ họ hàng làng xóm, người phụ nữ Việt Nam luôn hy sinh, nhường nhịn, nhận phần thua thiệt về bản thân mình. Chính những phẩm chất đảm đang, nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung đã xây dựng nên những người mẹ hy sinh quên mình vì con cái (bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn), những người vợ hết mình vì chồng, vì gia đình.
(Hội LHPN Việt Nam)