“Mặc dù đã lớn tuổi nhưng chị Trinh vẫn còn xông xáo và nhanh nhẹn với công việc lắm. Là kỹ sư chăn nuôi, chị rất gần gũi và gắn bó với người nông dân để giúp họ tiếp cận kỹ thuật mới và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm”, chị Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang chia sẻ với chúng tôi về Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Hồng Thị Trinh.
Chị Trinh là người rất năng động tham gia thực hiện nhiều mô hình và dự án có ích cho người nông dân. Chị kể: “Chị ra trường năm 1987, đến nay đã 28 năm công tác trong ngành nông nghiệp. Năm 2010, chị là Phó ban Dự án di dời vùng sạt lở ven sông. Trong dự án này, chị đã tham gia phối hợp với xã Hòa Bắc di dân ở vùng núi sạt lở chuyển lên thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc”. Với sự giúp đỡ của chị trong việc tập huấn ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo vườn, nhiều người dân ở khu tái định cư mới đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, không còn sợ mưa bão, lũ quét như trước.
Sau tháng 6-2010, với cương vị mới là Chủ tịch Hội Nông dân huyện, chị lại triển khai áp dụng nhiều mô hình mới giúp bà con nông dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao năng suất. Đặc biệt, trong năm 2013, chị tích cực vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới mà cụ thể là kêu gọi nông dân tham gia mở đường giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, nuôi cá nước ngọt, trồng hoa, cây cảnh… Chị đã cùng với Hội Nông dân huyện vận động 100% hộ nông dân đăng ký xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, tham gia xây dựng thôn, xã văn hóa. Hội đã phối hợp tổ chức 93 lớp tập huấn cho 3.720 lượt nông dân tham gia; đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vận động hơn 3.000 cán bộ, hội viên nông dân ra quân Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp và trồng mới 1.350 cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét 52 km kênh mương nội đồng…
Để cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng nấm rơm, nấm sò tại các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Liên cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, chị Trinh đã cùng với các hội viên thực hiện thành công việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng hoa cúc tại các xã Hòa Châu, Hòa Phước; trồng hoa ly tại các xã Hòa Phước, Hòa Liên và vận động thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoa – cây cảnh Nhơn Thọ, Hòa Phước; HTX đá mỹ nghệ Hòa Sơn. Ngoài ra, còn có một số mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng như mô hình sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến; mô hình nuôi tôm ở Trường Định, Hòa Liên; mô hình trồng rau an toàn ở xã Hòa Phong, Hòa Tiến; mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa Phong, Hòa Khương… Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở thôn Trường Định đã thu về từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ với lợi nhuận bình quân từ 100-200 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, các mô hình trồng rau an toàn cũng giúp người dân thu lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/năm…
Với những thành tích đạt được, chị Trinh đã được UBND thành phố và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2013.
Đ.L
Nguồn: Báo Đà Nẵng