1/ Về quyền khởi kiện vụ án ly hôn
– Hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi người vợ đang mang thai hoặc hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ, chồng có thể ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong giải quyết vụ án ly hôn. Cụ thể: tại khoản 3 Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng đối với trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này đã đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trong lúc họ đang cần được bảo vệ nhất. Tức là, dù có đủ các căn cứ để ly hôn theo yêu cầu của một bên tại khoản 1 Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì người chồng vẫn không có quyền yêu cầu ly hôn trong khi vợ đang mang thai, sinh con, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Hơn nữa, ở trường hợp này người vợ vẫn được đảm bảo quyền ly hôn nếu họ nộp đơn cho Tòa án.
– Vai trò của Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam trong vấn đề khởi kiện vụ án ly hôn: Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành cho phép Hội khởi kiện vụ án ly hôn trong một số trường hợp. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 187, BLTTDS quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”. Như vậy, quyền khởi kiện vụ án ly hôn không chỉ bó hẹp trong phạm vi các đương sự (vợ và chồng), những người thân thích của đương sự trong trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mà còn mở rộng ra cho các cơ quan khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, trong đó có Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam. Có thể thấy, pháp luật Tố tụng dân sự hiện hành đã dành phần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ án ly hôn bằng cách trao quyền khởi kiện để bảo vệ phụ nữ cho một chủ thể thứ ba đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam.
2/ Ưu tiên quyền nuôi con của phụ nữ sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 ưu tiên trao quyền nuôi con dưới 3 tuổi cho người mẹ tại khoản 3 Điều 81: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Quy định này đã đảm bảo lợi ích cho cả phụ nữ và trẻ em. Việc trao cho người mẹ quyền nuôi con dưới 3 tuổi là phù hợp với thực tiễn xã hội, đảm bảo lợi ích của người mẹ và trẻ em, bởi suy cho cùng, trong giai đoạn này, người mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là sự phát triển về thể chất. Cho nên, việc trao cho người mẹ quyền trực tiếp nuôi dưỡng trẻ dưới 3 tuổi đã bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho phụ nữ trong vụ án ly hôn có tranh chấp về quyền nuôi con.
3/ Quyền được tính công sức ngang với lao động có thu nhập khi phân chia tài sản
Người vợ làm công việc nội trợ, không tham gia sản xuất và tạo ra nguồn thu nhập từ xã hội cho gia đình, vẫn sẽ được xem xét như lao động có thu nhập đóng góp công sức vào việc tạo lập khối tài sản chung theo khoản 1, Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và điểm b, khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP về Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân, việc tạo ra thu nhập của một bên cần có sự hỗ trợ, hợp tác của bên kia trong công việc chăm sóc con cái, gia đình. Do vậy, tài sản mà một người tạo ra không chỉ thuộc về riêng người đó mà còn là công sức đóng góp của người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân. Quy định chia tài sản chung khi ly hôn đã không áp đặt một cách cứng nhắc dựa trên người trực tiếp tạo lập, phát triển khối tài sản đó mà xem xét như công sức chung của cả hai bên, bởi mỗi bên đều có đóng góp, dù trực tiếp, dù gián tiếp, công sức đóng góp ấy vẫn phải được ghi nhận và đảm bảo quyền lợi cho chủ thể khi ly hôn. Quy định này đã bảo vệ hiệu quả lợi ích của người phụ nữ trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, đặc biệt là những người phụ nữ là nội trợ, chấp nhận hy sinh công việc tạo ra thu nhập của mình để làm trở thành một người đảm nhận việc chăm sóc con cái, gia đình trong đời sống hôn nhân./.
Trần Thị Thu Huyền