Nếu bạn hỏi các chuyên gia về giáo dục và tâm lý, bạn sẽ gặp nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số người thì tuyên bố rằng càng sớm càng tốt, một số khác lại khuyên các phụ huynh nên chờ đợi cho tới khi trẻ được 5, 6 tuổi, có thể nói rành tiếng mẹ đẻ. Ý kiến nào cũng có những luận điểm bảo vệ đầy thuyết phục.
Theo quan điểm thứ nhất thì trẻ em học rất nhanh, chúng dễ dàng nắm bắt những kiến thức mới và ghi nhớ từ vựng, từ quan điểm thứ hai – không nên đánh mất tuổi thơ của con cái, bắt chúng phải học hành quá sớm. Nhưng nếu như việc học khiến trẻ thích thú thì không nên từ chối cơ hội cho trẻ những kiến thức mới mẻ. Bởi có những ý kiến cho rằng người ta chỉ có thể nói được một ngoại ngữ thật giỏi, tiếng mẹ đẻ nếu bắt đầu học ngoại ngữ ấy từ khi còn nhỏ.
Có thể lấy làm thí dụ những gia đình có cha mẹ là người từ hai đất nước khác nhau, trẻ em của họ có thể sử dụng cùng lúc hai ngôn ngữ. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì cũng nên chờ đợi cho tới khi trẻ hoàn toàn nắm được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, có thể xây dựng được những câu phức tạp và thể hiện được suy nghĩ, mong muốn của mình.
Tất nhiên, quyết định cuối cùng là của các bậc phụ huynh bởi vì chuyện con trẻ học hành có dễ dàng và thuận lợi hay không phụ thuộc vào chính họ. Những nguyên tắc chính cho việc học tập của trẻ em ở giai đoạn sớm là biến việc học hành thành những trò chơi thú vị. Trẻ càng bị cuốn hút bao nhiêu thì kiến thức càng dễ thấm vào chúng bấy nhiêu.
Tuy vậy, bạn cũng nên nhớ rằng trẻ em có thể nắm bắt tri thức mới rất nhanh nhưng cũng có thể quên chúng nhanh y như vậy nếu không được thực hành chúng thường xuyên. Vì thế nên có quá trình học tập liên tục và thường xuyên nhắc nhở trí nhớ của con trẻ bằng các từ ngữ mới và câu mới.
Nhiều phụ huynh không có khả năng giúp trẻ tự học tiếng Anh nên họ cho con vào các lớp học dành cho trẻ em. Lựa chọn này có điểm ưu: trong nhóm trẻ không chỉ học được từ ngữ mới mà còn có thêm bạn bè mới – trẻ sẽ trở nên kỷ luật và có tinh thần tập thể.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ có thể buông hẳn việc học hành của trẻ. Ngược lại, hỏi trẻ về giờ học và thảo luận với trẻ về những gì trẻ học được ở lớp là cách bạn giúp trẻ củng cố kiến thức tốt nhất.
Hãy sử dụng các thẻ ghi chữ cái và từ
Cũng giống như việc học chữ cái tiếng Việt, những tấm thẻ ghi nhớ là người giúp đỡ tốt nhất cho việc học ngoại ngữ. Với những tấm thẻ này, trẻ nhanh chóng phân biệt được các từ khác nhau.
Hãy sử dụng mọi đồ vật trong nhà vào việc học tập của trẻ, thí dụ dán từ chỉ các đồ vật lên bàn, ghế, tủ lạnh… Trẻ em tiếp thu những điều mới mẻ rất nhanh chóng và cách này giúp trẻ có được những kho từ vựng phong phú.
Đừng im lặng!
Trò chuyện với trẻ bằng tiếng Anh có thể bắt đầu ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí có thể trước cả khi bạn cho trẻ bắt đầu việc học tập – như thế trẻ sẽ quen với những âm thanh và tiếp nhận chúng. Thí dụ bạn có thể kể chuyện cho bé nghe và sử dụng vài từ tiếng Anh, miêu tả những hành động của mình khi chơi hay đi dạo với trẻ.
Khi trẻ bắt đầu hiểu những từ riêng rẽ bạn có thể chuyển sang hội thoại. Hình thức hội thoại đơn giản nhất – bạn nói bằng tiếng Anh, trẻ trả lời bằng tiếng Việt. Sau đó sẽ khó hơn một chút: khuyến khích trẻ sử dụng những từ tiếng Anh riêng rẽ. Cuối cùng trẻ sẽ tự xây dựng câu và trả lời bằng tiếng Anh.
Không cần thiết phải tập trung vào ngữ pháp, hãy chú ý nhiều hơn tới ý nghĩa của từ, còn việc xây dựng các cấu trúc câu phức tạp hãy cứ để cho tới lúc trẻ cảm thấy tự tin trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, những lời khuyên này chỉ dành cho các bậc phụ huynh giỏi tiếng Anh. Trong trường hợp ngược lại, bạn có thể sẽ dạy con cách phát âm, ngữ pháp sai và sau đó sẽ mất nhiều thời gian để sửa chữa điều đó.
Học tiếng Anh với các nhân vật yêu thích
Phim hoạt hình, những chương trình TV yêu thích, các trò chơi, sách có hình ảnh – đó là những phương pháp đơn giản và hiệu quả khiến trẻ thích thú tham gia vào việc học ngoại ngữ. Sự kết hợp của các loại hình này sẽ giúp phát triển kỹ năng nghe hiểu bằng tiếng nước ngoài cũng như các kỹ năng đọc và giao tiếp.
Để có thể củng cố những vốn từ đã học được, hãy cùng trẻ nghĩ ra những câu chuyện ngắn. tất nhiên đề tài của những câu chuyện đó phải hết sức đơn giản, thí dụ hướng dần trẻ kể chuyện về món đồ chơi yêu thích, về gia đình, hay về chuyện trẻ ăn gì vào bữa sáng…
Theo Phụ Nữ Online