Với nghị lực, ý chí và tình yêu thương, chị Đặng Thị Ngọc Ánh giám đốc Công ty TNHH Tâm Thiện (54B Bùi Thị Xuân, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã làm nên những điều kỳ diệu. Kỳ diệu bởi ở đây cả giám đốc và nhân viên đều là những người tàn tật nhưng họ đã quyết tâm đứng lên chăm chỉ làm việc tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho đời.
Chị em trong CLB Phụ nữ khuyết tật tham gia một đợt văn nghệ tại Đà Nẵng.
Sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh em, bản thân chị Ánh không may bị liệt hai chân từ nhỏ, mọi di chuyển đều phải nhờ vào đôi tay, phải mất nhiều năm chị tập đứng, rồi bước đi những bước đầu xiêu vẹo với nỗi đau đớn… Những khiếm khuyết trên cơ thể khiến chị từ bỏ ước mơ tiếp tục dấn thân trên con đường học vấn. 16 tuổi chị quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, với những người lành lặn đã khó, với những người bị liệt hai chân như chị thì hành trình tự đứng trên đôi chân tật nguyện chẳng đơn giản chút nào. Suốt 13 năm lưu lạc trên đất Sài Gòn, chị giúp việc cho nhiều gia đình chỉ mong đủ cơm ăn và học nghề may.
Ra đi với hai bàn tay trắng nhưng ngày trở về chị đã mua được 1 chiếc máy may về Đà Nẵng kiếm sống. Chị tâm sự “Những người khuyết tật có cuộc sống đã buồn. Buồn hơn là đi gõ cửa khắp nơi nhưng chẳng ai nhận được một người tàn tật vào làm. Từ đó tôi luôn nung nấu ý nghĩ phải làm điều gí đó để vượt lên sống có ích, tự nuôi bản thân và giúp đỡ những người cùng chung cảnh ngộ, thành lập Công ty để có tư cách pháp nhân, dễ quan hệ, ký kết hợp đồng với khách hàng chứ thật ra đây là mái nhà mà các thành viên trong gia đình đều nương tựa vào nhau, yêu thương nhau để sống, cùng vượt qua số phận”. Vì vậy, Chị quyết định chọn hai chữ Tâm Thiện để đặt tên cho Công ty, xuất phát từ suy nghĩ và muốn chia sẻ bớt nỗi đau của những người bị tàn tật. Tất cả những thành viên người khuyết tật sống và làm việc tại Công ty Tâm Thiện không ai gọi chị là Giám đốc mà gọi chị bằng cái tên trìu mến: “Mẹ Ánh”, với tất cả tình cảm yêu thương trân trọng, biết ơn đã cưu mang mình.
Đứng trước trụ sở có dòng chữ “Công ty trách nhiệm hữu hạn Tâm Thiện ” của người khuyết tật” không ai tin rằng đây là nơi sống, làm việc của 58 người khuyết tật. Nằm lọt thỏm trong khu dân cư, ngôi nhà của chị Ánh rộng chừng 200m2, 4 bức vách được che chắn, chắp vá bằng tôn cũ, ván ép…Mái nhà lợp tôn thấp lè tè, mùa mưa dột, mùa nắng nóng hầm hập, bên trong mọi khoảng trống dành cho chỗ đặt máy may công nghiệp, máy thêu cùng các loại vải vóc. Ban ngày, căn nhà làm xưởng để may, thêu in lụa, đêm đến trở thành chỗ ngủ của hàng chục người.
Trong quá trình hình thành và phát triển của cơ sở Dạy nghề người khuyết tật và trẻ em mồ côi Công ty gặp nhiều khó khăn nhưng bằng ý chi và nghị lực của tất cả các thành viên, từ chỗ chỉ có vài chiếc máy may, Công ty của chị đến nay đã có 25 chiếc máy may, 2 máy thêu, 1 máy in lụa. Năm 2010 Công ty chị được UBND thành phố Đà Nẵng cấp hơn 700 m2 đất để làm nhà xưởng khuyết tật sống và làm việc. Năm 2011, được Hội Liên hiệp thành phố Đà Nẵng giúp 10 máy may. Số học viên khuyết tật, mồ côi cũng tăng thêm 72 người. Sau những ngày gian khó, chạy đôn chạy đáo tìm đối tác để may gia công; hiện nay chị thường xuyên nhận được các hợp đồng may đồng phục cho các Công ty: Điện lực, cấp nước với hơn 30 nghìn sản phẩm/năm. Trung bình mỗi tháng doanh thu đạt 80trđ/tháng, chi phí ăn ở, trả lương cho công nhân còn lại 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Ở Công ty, chị vừa là người quản lý vừa là công nhân may. Đêm đến chị còn dạy văn hóa, văn nghệ, ngôn ngữ cho các khuyết tật, hết chạy ngược lại chạy xuôi để kết nối những sợi chỉ không lành lặn, những số phận không may mắn, để tất cả đứng lên, giúp ích cho đời.
Ngoài các hoạt động tại Công ty, chị Ánh còn là một vận động viên chơi cầu lông xuất sắc. Được giới thiệu vào Trung tâm thể thao người khuyết tật của Thành phố, chị bắt đầu tập luyện các môn thể thao. Năm 2002, lần đầu tiên tham gia hội thao người khuyết tật toàn quốc, chị Ánh giành được một HCV môn cầu lông và ba HCB môn bơi lội. Không lâu sau, chị được tham gia vào đội tuyển Para games quốc gia, tham dự các giải đấu và giành được nhiều giải thưởng tại các kỳ Para games ở Đông Nam Á. Từ đó chị có biệt danh là “Ánh Para games”.
Với những thành tích đó, chị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật” năm 2007, được Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen “Doanh nghiệp vượt khó năm 2011”./.
Trần Thương
(Theo trang thông tin điện tử quận Sơn Trà)