Chị Lê Thị Hạnh sinh ngày 15 tháng 8 năm 1932, quê quán tại xóm Phái Nhì, thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; xuất thân trong một gia đình thuộc diện ngụ cư, tại một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống yêu nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, xóm Phái Nhì, thôn Quang Hiện còn được gọi là “Chiếc nôi Cách mạng”.
Gia đình có mười anh chị em, chị là người con thứ hai. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thân sinh chị là cụ Lê Văn Toàn tham gia chính quyền Cách mạng tại địa phương, rồi bị giặc Pháp công khai xử bắn vào cuối năm 1950. Mẹ chị là cụ bà Phan Thị Kỳ sớm lâm cảnh góa bụa một mình chịu thương chịu khó, giữ phẩm hạnh nuôi dạy các con và là cơ sở cách mạng trụ bám bảo vệ và nuôi giấu cán bộ hoạt động trong suốt các thời kỳ kháng chiến tại thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa. Có thể nói rằng, lịch sử gia đình chị là “một lai lịch đỏ”. Cha bị giặc Pháp bắn chết; mười anh chị em, bốn người chết khi còn nhỏ, sáu anh chị em còn lại đều tham gia kháng chiến, giữ những cương vị chủ chốt ở các địa phương. Trong đó, anh trai cả Lê Văn Toàn gia nhập bộ đội từ năm 1947, nguyên là Đại tá, Phó Tư lệnh pháo binh Việt Nam; cậu em út là liệt sĩ và cô em áp út Lê Thị Tính (còn gọi Lê Thị Lan)-nguyên là Bí thư Quận uỷ quận 2 thành phố Đà Nẵng cũ (quận Thanh Khê ngày nay), hy sinh vào đầu Xuân 1968, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sống trong hoàn cảnh gia đình như thế, có thể nói chị có một “tuổi thơ dữ dội”: Cha mất sớm, anh cả đi bộ đội; mới mười bốn, mười lăm tuổi Hạnh đã gánh lấy trách nhiệm là người chị lớn trong gia đình, phải đi nhặt khoai, mót lúa, giúp mẹ nuôi dạy các em. Để sớm ổn định hầu có điều kiện lo cho các em, năm mười bảy tuổi chị nhận lễ ăn hỏi lấy chồng. Mang tên là Hạnh nhưng hạnh phúc lứa đôi của chị quá ngắn ngủi! Sau đám cưới ba ngày, chồng chị đi bộ đội, một tháng sau anh hy sinh, không tìm thấy thi thể. Hiện nay, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn có hai ngôi mộ gió, một ngôi mộ mang tên Liệt sĩ Phạm Đức Thược là chồng chị và một ngôi mộ mang tên Liệt sĩ Lê Văn Huệ em út của chị.
Đã mồ côi cha lại gặp cảnh chồng mất sớm, chị tựa vào mẹ để đứng dậy. Hai người phụ nữ trong một nhà có chung nỗi đau chồng con nương tựa vào nhau chống chèo trước nanh vuốt kẻ thù và dốc hết lòng tham gia công tác kháng chiến ở địa phương. Chính trong hoàn cảnh gian khó ấy, tuy lớn lên chịu cảnh thất học nhưng chị sớm ý thức được nợ nước thù nhà, tình yêu quê hương cháy bỏng nên quyết chí đi theo Cách mạng. Năm tròn mười tám tuổi chị được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam; sau đó, từ 1954 đến 1960 chị liên tục hoạt động cơ sở hợp pháp trong lòng địch tại vùng Quang Hiện, xã Điện Hòa. Đây là giai đoạn gian nan nhất và cũng oanh liệt nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chị với nhiều lần bị địch bắt và chịu nhiều cực hình tra tấn dã man trong các nhà tù của Mỹ-Diệm. Với sức chịu đựng phi thường của mình, chị đã chiến thắng.
Lần thứ nhất chị bị bắt vào tháng 1 năm 1957 và lần thứ hai vào tháng 5 năm 1959. Đây là thời kỳ đẫm máu nhất với chính sách “tố cộng” và “diệt cộng” thâm độc của chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm ở miền Nam lúc bấy giờ. Hàng loạt cơ sở cách mạng nội tuyến bị phá vỡ, nhiều cán bộ nằm vùng bị bắt tù đày, tra tấn dã man trong các nhà lao Hội An, Vĩnh Điện. Cán bộ hoạt động hợp pháp trong vùng địch như chị, việc bị địch bắt dễ như trở bàn tay; nguy hại nhất là sự phản bội của cơ sở.
Trong một vài trang hồi ký hiếm hoi của mình, chị viết:
“Đầu năm 1957, địch tiến hành “tố cộng” đánh phá các cơ sở cách mạng, một số đảng viên cơ sở trong xã lúc này bị địch tình nghi bắt đi học tố cộng. Trong chi bộ có đồng chí P.H và H.H bị địch tra tấn không chịu nổi, khai báo. Ngày 10 tháng 1 năm 1957, địch bắt tôi đưa xuống khu tập trung tố cộng tại Thanh Thuỷ (nay là xã Địên Ngọc). Địch bắt tôi sám hối tố cộng suốt thời gian 7 ngày đêm. Tôi không khai tố gì. Chúng quay ra khai thác bằng các thủ đoạn tra tấn dã man, tôi chết đi sống lại nhiều lần.
Chúng tập trung hỏi tôi: “Mầy là đảng viên sinh hoạt trong chi bộ với ai?”, “Ai hướng dẫn?”, “Mầy liên lạc với cán bộ nằm vùng tên gì?”… Tôi kiên quyết không chịu khai nhận một điều gì do địch đưa ra. Cuối cùng địch đưa P.H và H.H đến gặp tôi.
Vừa xáp mặt hai đồng chí đó, tôi la lên để trấn áp: “Các anh giỏi làm thì giỏi chịu, còn tôi có biết chi đâu, Cộng Sản là ai? Mắc mớ chi các anh lại khai cho tôi!”.
P.H và H.H thấy thái độ tôi kiên quyết không nhận gì với địch, hai đồng chí phản cung, nói: “Các ông đánh tôi đau quá không chịu nổi, khai bậy cho nó để đỡ đau!”.
Cuối cùng địch đưa tôi lên nhà lao Vĩnh Điện giam giữ 6 tháng, không khai thác được gì thêm, chúng thả tôi về.”
Ngày còn sống, mẹ của chị kể lại câu chuyện rằng: “Trong một lần đi giao liên hợp pháp, chị Hạnh bị địch bắt, nghi chị là cơ sở nằm vùng nhưng chứng cứ tài liệu đã bị chị thủ tiêu. Chúng bắt đem chị về trụ sở công xã tra tấn đến nỗi chết đi sống lại nhiều lần. Chị Hạnh một mực nhất quyết không nhận và bị chúng tra tấn đến ngất không tỉnh lại. Nghĩ chị Hạnh đã chết, đang đêm, chúng mang xác chị vất ra ruộng và bắn tin cho người nhà đến lấy xác về chôn. Mẹ chị Hạnh nghe tin, ra đồng tìm bế xác con về. Không ngờ mang về đến nhà chị Hạnh hồi tỉnh lại và được cứu sống…”.
Lần thứ hai chị bị địch bắt vào tháng 5 năm 1959. Lúc này chị đang là cán bộ hợp pháp của huyện, trực tiếp làm Bí thư chi bộ xã Điện Hòa. Bọn địch giam chị ở Chi Công an Điện Bàn. Suốt bảy tháng giam cầm, tra tấn, khai thác bằng nhiều thủ đoạn dã man nhưng không thể khuất phục được chị. Đã vài lần các đồng chí ở bên ngoài móc nối với cơ sở bí mật trong nhà lao bố trí để chị vượt ngục, nhưng sức lực của chị quá yếu nên không thể thực hiện được. Dù không có chứng cứ kết án chị là Việt Cộng, nhưng địch vẫn nghi chị là một “Việt cộng nằm vùng” rất nguy hiểm. Chúng bày mưu thả chị ra rồi giao cho mật vụ đón lõng tìm cách thủ tiêu ở bên ngoài, nhưng chị được cơ sở bí mật bố trí “hớt tay trên” bọn chúng, rồi đón đưa thẳng lên căn cứ.
Vết thương trên thịt da lâu ngày đã thành sẹo, nỗi đau thể xác rồi cũng qua đi, nhưng những vết tích của “bầy thú ăn thịt người” của chính quyền Mỹ Ngụy đã vĩnh viễn để lại trên thân thể cùng nỗi đau tinh thần cứ rỉ máu mãi trong tim chị. Trên đôi chân của chị chi chít những dấu chấm thâm tròn to như viên bi, đó là vết tích của những mũi dùi sắt nung đỏ đâm vào da thịt; một bên cổ chân chị lõm khuyết thành một vòng tròn, đó là vết tích của chiếc cùm sắt ăn mòn đến thối thịt lòi cả xương. Mãi mãi đến sau này, mỗi lần thấy trên phim ảnh cảnh tra tấn, tù đày là chị không dám nhìn. Chị nhắm mắt quay đi và nói một mình “Khủng khiếp quá, như vừa mới nếm trải hôm qua!”.
Mỗi khi có dịp, con cháu thường hay khơi gợi để chị kể chuyện lao tù năm xưa. Chị hay ra điều kiện “Hãy vấn cho mẹ một điếu thuốc lá Cẩm Lệ mới kể”. Chị ghiền thuốc lá vấn Cẩm Lệ từ nhỏ. Khi nghe ai đó đọc câu “Tiếng đồn con gái Quảng Đà/Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người” là chị thích thú cười góp chuyện. Những lúc kể chuyện chốn lao tù, chị ít khi nói về mình mà hay kể về đồng chí, về chị Trần Thị Lý, chị Vân … Trong khi kể chuyện, chị có một sự liên tưởng khá thú vị: Nhà thơ Tố Hữu không cùng ngồi tù với các chị mà viết như thật, “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/Không giết được em, người con gái anh hùng”; rất nhiều chị em tù nhân phải chịu cảnh như thế và còn hơn thế nữa, như chị Trần Thị Lý còn bị địch đập bể đôi cái chai la-de đem xoáy sâu vào cửa mình, đau đớn tột cùng…
Nghe chuyện của các chị bị địch tra tấn vừa khiếp sợ lại vừa lôi cuốn. Bị tra tấn kiểu gì là sợ nhất? Với tù nhân, sợ nhất là chuyện địch cho “đi tàu ngầm”, tức là bị địch dìm vào thùng phi, lấy dùi cui gõ nhẹ ở bên ngoài, một cử chỉ nhẹ nhàng như đánh nhịp phách nhưng với sự cộng lực của sức nước là ngón đòn khủng khiếp, từng bộ phận trong cơ thể tưởng như giần nhừ, bị nghiền nát. Với chị em, ngán nhất là bị chúng cột hai ống quần rồi bỏ rắn nước vào bên trong; thế nhưng chịu mãi rồi thành quen, chỉ cảm thấy lành lạnh, nhồn nhột. Còn bị tra điện ư! Thấy chúng nó xách máy ra là mừng thầm rồi, bị điện giật vài phát là chết giấc ngay, hết biết…đau, hết biết… khai! Với chị, hình như bị địch đánh đập tra tấn nhiều quá nên những ngón đòn hiểm ác của chúng đã làm cho chị chai sạn, tôi luyện thêm sức chịu đựng phi thường.
Từ năm 1960, sau nhiều lần thoát khỏi nhà tù Mỹ-Ngụy, bị địch truy lùng gắt gao, không thể hoạt động hợp pháp được nữa, chị thoát ly hẳn lên căn cứ và làm Bí thư Chi bộ Đội công tác của huyện, phụ trách xã Điện Hòa. Cũng vào thời gian này, chị chuyển sang làm công tác Hội Phụ nữ; từ Hội trưởng Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng huyện Điện Bàn, lên Hội phó Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Quảng Đà, rồi trúng cử Chấp hành Phụ nữ Giải phóng Khu V, trúng cử bầu bổ sung Tỉnh ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Đà. Tại Đại hội phụ nữ Giải phóng tỉnh Quảng Đà lần thứ II (tháng 3 năm 1966), chị Lê Thị Hạnh được bầu làm Hội Trưởng- Bí thư Đảng Đoàn.
Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ tỉnh Quảng Đà còn in đậm dấu ấn chị Lê Thị Hạnh-Người chỉ huy “Đội quân tóc dài” cả ngàn người tiến vào thành phố Đà Nẵng trong dịp Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1968. Trong lúc đoàn quân đang tiến lên, có chị bị trúng đạn của địch gục xuống, tràn ruột ra ngoài; chị thân chinh bế đồng đội đưa về tuyến sau, rồi tiếp tục xông lên vị trí chỉ huy của mình. Chiến dịch Mùa Xuân năm ấy ta đã làm chủ được một số vùng ven Đà Nẵng, nhưng sau đó địch dồn sức phản công mạnh ta đổ máu nhiều nên có lệnh rút lui. Khi nhận được lệnh này, chị nói trong bức bối: “Đang thừa thắng xông lên, tại sao lại có cái lệnh sáu mặc như thế?”. Mọi người không hiểu “lệnh sáu mặc” là gì. Đó là cách nói lái theo kiểu dân Quảng Nam của chị, phải hiểu thành cái “lệnh sặc máu!”.
Cuối năm 1970, chị được chuyển ra miền Bắc chữa bệnh và học tập. Và đây cũng là dịp chị có điều kiện kết duyên cùng anh Nguyễn Hữu Phán (còn gọi là A), Ủy viên Ban Giao bưu Khu V bấy giờ. Mối lương duyên đồng chí của hai anh chị do đồng chí Võ Chí Công tác hợp mà thành. Một năm sau, chị sinh cháu Nguyễn Phương Thảo tại Bệnh viện E Hà Nội trong niềm vui cùng với sự lo lắng của bao người.
Chuyện chị sinh con lại một lần nữa thể hiện ý chí và sức chịu đựng của một nữ phạm nhân từng trải. Hơn bốn mươi tuổi chị mới sinh mụn con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng anh chị-đứa con được thai nghén trong gian lao và bom đạn ngút trời. Ngày ấy chị mang thai cháu Phương Thảo mới đến tháng thứ 7 thì có sự cố không lành cho thai nhi, vì sức khỏe của mẹ và con, buộc phải sinh mổ thiếu tháng ngoài ý muốn. Việc sinh mổ với một người mẹ có sức khỏe bình thường không khó, nhưng với chị Hạnh lúc bấy giờ lại là một ca phẩu thuật không đơn giản. Phương tiện y học ở miền Bắc cách đây bốn mươi năm làm sao sánh bằng với ngày nay; không thể siêu âm, chụp hình để biết được thai nhi là gái hay trai, thấy đủ hình hài từ khi còn trong bụng mẹ. Những người phụ nữ lớn tuổi từng lăn lộn ở chiến trường Khu V nhiều năm như chị, đang mang thai, ai dám chắc không có di chứng của chiến tranh và chất độc hóa học ngấm vào máu thịt! Làm sao có thể dự đoán được những gì sẽ hiện ra dưới lưỡi dao mổ. Nỗi lo chồng lên nỗi lo! Vừa mới ở chiến trường ra sức khỏe của chị quá yếu, mổ không gây mê rất đau, các bác sĩ lo chị không chịu nổi; mà gây mê thì sợ có thể sẽ ảnh hưởng đến não bộ thai nhi sau này. Đây là lúc bản lĩnh của người nữ chiến sĩ từng chiến thắng kẻ thù trong ngục tù của chị được thể hiện! Lên bàn mổ bệnh viện không cần thuốc mê, để bác sĩ rạch bụng bế con mình ra là đau lắm, nhưng chắc là không thể đau bằng những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù mà chị từng chịu đựng trong tù ngục để bảo vệ đồng chí và bí mật cách mạng. Hơn ai hết, chị biết được điều đó và quyết định chịu đựng, không cần gây mê để bảo vệ con mình. Bệnh viện chọn tình thế giải quyết nhanh, gần như cùng lúc thai nhi được bế ra là tiêm thuốc mê ngay cho chị. Một ca mổ trong chớp nhoáng. Hình như chị chưa kịp cảm nhận cơn đau, đang mải mê chờ đợi một niềm hạnh phúc thiêng liêng: Được làm mẹ. Giây phút ấy, chỉ kịp nghe ai đó nói “một cháu gái lành lặn đủ hình hài” là chị chìm vào cơn mê sâu đến tận ngày hôm sau. Khi chị tỉnh dậy được ôm con mà tưởng như mơ, niềm vui rưng rưng khi được thực sự làm mẹ.
Đầu năm 1975, để lại con thơ ở miền Bắc, chị trở lại chiến trường Khu V. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định phân công chị giữ chức vụ Phó Ban kiểm tra Tỉnh ủy. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975), Quảng Đà sát nhập với Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, chị là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, là tỉnh ủy viên chuyên trách công tác tổ chức và kiểm tra của Đảng. Tháng 4 năm 1976, chị trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa VI.
Cuối năm 1989, vì điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, chị xin nghỉ hưu, trên cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Gần suốt một đời theo Đảng hy sinh cho Cách mạng, từ chốn lao tù Mỹ ngụy đến các cương vị là lãnh đạo cao cấp của tỉnh, chị Lê Thị Hạnh luôn thể hiện là chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người cán bộ tận tâm với công việc, là một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng. Chị nhận quyết định nghỉ hưu trở về với đời thường lòng nhẹ thảnh thơi, nhưng những lo toan cho gia đình trong những năm tháng cuối đời còn nặng gánh. Đứa con gái duy nhất chưa đủ độ trưởng thành, anh A chồng chị bị tai biến mạch máu não lần thứ ba, để lại di chứng nặng nề, bị liệt và không nói được.
Tâm sự về mẹ mình, mắt chị Thảo rưng rưng, giọng ngập ngừng, nghèn nghẹn:
“Cuộc đời mẹ chưa có được một ngày sung sướng, nghỉ việc nước để về lo cho ba bị tai biến mạch máu não gần hai mươi năm; bản thân mẹ bị viêm loét dạ dày lâu năm, rồi chuyển thành ung thư màng ruột; gần như ba mẹ coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai. Mẹ có một sức chịu đựng phi thường. Mỗi lần lên cơn, mẹ đau dữ lắm nhưng cắn răng chịu đựng, có khi đau quá mẹ một mình bò quanh nhà mà không một tiếng rên la ca thán. Mẹ vẫn lo sợ tiếng rên la của mình sẽ lây lan nỗi lo sợ, gây nên sự bất an, làm nhụt ý chí của mọi người. “Chịu được đau, đói, khổ … nhưng không chịu được lời nói xúc phạm mình.”, ngày còn sống mẹ thường nói và sống đúng như thế. Khi căn bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối bục phát phải nhập viện, mẹ biết mình không thể qua khỏi. Đến lúc ấy, mẹ vẫn cứ canh cánh nỗi lo rằng, nếu mẹ đi trước thì ai sẽ chăm cho ba. Đúng hai mươi ngày sau là mẹ mất (2004). Mẹ mất rồi ba buồn và cũng đi theo luôn sau đó vài năm!”
Lại nhắc chuyện cô bé Phương Thảo năm xưa: Lúc mới từ bụng mẹ bồng ra, bé chỉ nặng 1,7 ki-lô-gam; đến bây giờ đã là chị Nguyễn Phương Thảo tròn bốn mươi tuổi và là mẹ của hai con, đang công tác tại Viễn Thông Đà Nẵng. Người duy nhất còn lưu giữ được nhiều kỷ vật và kỷ niệm lung linh trong kí ức về mẹ.
Xin phép gia đình chị Nguyễn Phương Thảo, người viết bài này được thắp một nén tâm nhang kính viếng hương hồn mẹ Lê Thị Hạnh-Người phụ nữ có sức chịu đựng phi thường.
Bùi Tự Lực