Tôi biết chị qua lời kể của anh Hà Quốc Lân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Anh Lân cho biết: “Ở địa phương có nhiều tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực, nhưng người khiến tôi khâm phục nhất là chị Nguyễn Thị Bích”.
Qua giới thiệu của anh Lân, tôi đến nhà chị tại khu chung cư S, thuộc khối Thành Vinh 10, phường Thọ Quang. Chị đón tôi với nụ cười hiền lành. Chị kể: Trước đây, chị làm kế toán cho một công ty tư nhân. Sau khi nghỉ việc, chị ở nhà làm nội trợ. Chồng bị tai biến nằm liệt giường suốt 14 năm nay, không có lương hưu hay trợ cấp gì. Anh chị có 3 người con, con trai đầu đã đi làm, hai con đang đi học. Ở khu chung cư này đa số là những gia đình có thu nhập thấp. Nhiều người vì tất bật với việc mưu sinh nên không có điều kiện đến trường. Chị thấy mình có thể giúp họ kiếm cái chữ để mở mang trí tuệ và hòa nhập cộng đồng nên chị quyết tâm mở lớp học xóa mù chữ. Trước khi đi đến quyết định này, chị Bích đã trăn trở rất nhiều vì còn phải lo cho cuộc sống của gia đình, lo chăm sóc cho người chồng bị tàn tật, chị sợ mình không thể đảm nhiệm hết một lúc nhiều công việc. Nhưng chính nghị lực cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã khiến chị mạnh dạn mở lớp học xóa mù chữ dành cho những người thu nhập thấp tại khu chung cư. Học viên có đủ mọi lứa tuổi, từ thiếu niên 10 tuổi đến người 40 tuổi.
Thời gian đầu mở lớp, gặp rất nhiều khó khăn. Chị phải mượn căn phòng của Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng để làm lớp học. Sau đó, chị đã phối hợp với Hội Khuyến học cùng Trung tâm học tập cộng đồng phường Thọ Quang liên hệ với các trường học trên địa bàn phường xin lại những bộ bàn ghế cũ, hư hỏng về cho con trai chị sửa chữa. Khi lớp học được một thời gian, chị phải trả phòng cho công ty, rồi nhờ chính quyền địa phương mượn lại phòng nên sau 3 tháng, lớp học mới hoạt động trở lại.
Nhưng khó khăn lớn nhất theo chị Bích là việc phải làm sao vận động được mọi người đến lớp học. Chị chia sẻ: “Nhiều người không tha thiết đến việc học. Với họ, kiếm tiền quan trọng hơn kiếm chữ. Vì vậy, chị phải đến từng nhà vận động, thậm chí phải năn nỉ họ”. Nhớ nhất là trường hợp của em T. (13 tuổi), mặc dù rất ham học nhưng vì em là lao động đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình nên mẹ em không thể cho đi học. Chỉ có hai mẹ con, mẹ ốm đau liên miên nên hằng ngày em phải đi bán hàng rong kiếm tiền nuôi mẹ. Để giúp T. đến lớp, chị Bích cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để em an tâm việc học. Hay như trường hợp của chị S. (40 tuổi), chị Bích cũng phải vận động mãi mới chịu đi học. Để chị S. không tự ti, mặc cảm vì mình lớn tuổi, chị Bích đã cử chị làm lớp trưởng.
Vận động được mọi người đến lớp, chị Bích còn phải nghĩ cách làm sao để họ thường xuyên đi học, không bỏ buổi. Những ai bận việc bỏ buổi học nào, chị lại đến tận nhà phụ đạo lại buổi học đó. Chị luôn tâm niệm: “Bất cứ giá nào cũng phải động viên mọi người đi học để họ có cái chữ, làm người có ích cho xã hội”. Đêm nào, chị cũng bật đèn ở lớp học thật sớm để mọi người biết mà đi học. Có những hôm trời mưa, ai cũng ngại đến lớp, chị phải đến gõ cửa từng nhà để gọi.
Khó khăn là vậy nhưng mỗi lần thấy học viên cặm cụi tập viết từng nét chữ, ê a đánh vần, chị cảm thấy như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc. Chưa một lần nào chị nghĩ đến ý định bỏ lớp vì chị xem công việc này như một phần không thể thiếu trong cuộc đời chị. Mỗi học viên trong lớp hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Chị chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình để họ biết chữ, dễ kiếm việc làm hơn. Sau 3 năm, chị Bích đã mở được 2 lớp xóa mù chữ. Lớp đầu tiên có 10 học viên đã được phổ cập tiểu học. Hiện tại lớp thứ hai có 14 học viên, trong đó có 3 em bị bệnh thiểu não.
Trong suốt cuộc nói chuyện, chưa lần nào tôi thấy chị than vãn về những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống đời thường. Chị cười tươi: “Dù sao cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng sống vì chị thấy mình làm được việc có ích cho xã hội”.
Hoàng Hân