Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã chọn địa danh làng Giáng La (Điện Bàn, Quảng Nam) để đặt tên chương đầu tiên của tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” của mình. Bởi nơi đây, trên địa bàn trải rộng từ một ngôi làng Giáng La máu lửa đến cố đô đầy ba động và khắc khoải trước mỗi diễn biến thời cuộc, chứa đựng biết bao số phận con người trên rẻo đất miền Trung bị lôi cuốn vào cơn bão tố của chiến tranh, dai dẳng…, từ cuộc cách mạng Mùa Thu, rồi hiệp định Giơnevơ 1954, cho đến chiến thắng Mùa Xuân 1975.
Bên cạnh những sự kiện ngổn ngang, rối bời tâm tư và cảm xúc, nhân vật Mười Lúa được hư cấu từ hình tượng chị Mười Nhạn – người con gái làng Giáng La (cùng với Phi, Ba Đoát..) có lẽ là một trong những nhân vật đậm nét, ấn tượng dẫn dắt chúng ta trở lại một thời quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương trên quê hương đất Quảng.
Mười Nhạn tên thật Nguyễn Thị Nhạn, sinh ngày 15/10/1931 tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1948, Nguyễn Thị Nhạn đã được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và được đưa về sinh hoạt ở chi bộ Hoàng Cẩn ở Sùng Công – Hoàng Cẩn là tên của một Đảng viên ở Diệm Sơn đã anh dũng hy sinh năm 1947. Khi sáp nhập các xã Tân Kiển, Cẩm Thành, Sùng Công, Tứ Sơn thành xã Điện Tiến, có thời kỳ chị làm bí thư chi bộ xã, Hội phó Hội Phụ nữ. Do thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, chị được huyện Điện Bàn chọn đưa vào Đoàn cán bộ của huyện đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất vào năm 1950 tại Bầu Bầu – Tam Kỳ – Quảng Nam.
Tại Đại hội lịch sử này, cô gái làng Giáng La đã nên duyên với Cao Sơn Pháo, người vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Và cũng từ đây Mười Nhạn gắn cả cuộc đời của mình với cách mạng, với chồng con, với gian truân, với tù tội và với những giai thoại hào hùng của phụ nữ xứ Quảng… Trong tác phẩm “Học phí trả bằng máu”, hình ảnh của nhân vật Mười Nhạn (Mười Lúa) cũng chính thức lộ diện, khi tác giả bắt đầu nhắc đến sự hy sinh của nhân vật Bổn (Cao Sơn Pháo) – Bí thư Tỉnh ủy.
Trên thực tế, từ năm 1954 đến năm 1956, khi chưa tìm bắt được Bí thư Tỉnh ủy Cao Sơn Pháo thì Mười Nhạn luôn nằm trong tầm ngắm của bọn tay sai Mỹ – Diệm ở Điện Thọ, Điện Tiến – Điện Bàn. Khi Cao Sơn Pháo bị sa vào tay giặc, hy sinh thì Mười Nhạn bị bắt. Đây là đợt bể vỡ đầu tiên ở Kỳ Minh – Kỳ Châu, nhiều Đảng viên cán bộ bị rơi vào tay giặc, cơ sở cách mạng nằm ở tình thế hết sức khó khăn.
***
Cao Sơn Pháo tên khai sinh là Bùi Như Tùng, thường gọi tắt là Bùi Tùng. Tuy nhiên, với bà con, họ hàng và người cùng quê anh còn cái tên thân mật là Chín Nghĩ.
Gia đình Chín Nghĩ cũng giống như nhiều gia đình khác ở làng Thái Sơn, ven chân núi Bồ Bồ, huyện Điện Bàn: nghèo mà hiếu học. Thời phong kiến, cụ Bùi Đông Tuyển, thân sinh của Tùng, là người có vốn Hán học vừa làm thầy đồ kiêm thêm nghề đông y, bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng trong vùng. Ngay từ tuổi thiếu niên, theo cha giúp việc, vừa dạy học vừa làm thuốc, Tùng đã bộc lộ sở thích làm thơ, thường là thơ châm biếm, đả kích, vạch mặt bọn tham quan ô lại.
Ngày 03/6/1940, Bùi Như Tùng được Ngô Huy Diễn, Tỉnh ủy viên nằm vùng tiến hành kết nạp vào Đảng, tại khu Mả Vôi. Bên cạnh tinh thần tận tụy trong công tác cách mạng, người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi này còn tỏ rõ tinh thần ham học, cầu tiến bộ và có một trí nhớ rất tốt. Nhờ công phu nghiên cứu và trí nhớ đặc biệt đó, khi cần truyền đạt cho anh em những tài liệu chính trị quan trọng, ví như tập Biện Chứng Pháp, Cao Sơn Pháo có thể đọc thuộc lòng cho anh em ghi chép, chứ không dùng đến văn bản…
Chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở cách mạng phát triển khá mạnh ở xã Điện Tiến, rồi cả phủ Điện Bàn. Nhưng khi hình thức hoạt động công khai càng mở rộng thì trong hàng ngũ hội viên các đoàn, hội quần chúng càng khó tuyển chọn những người trong sạch. Chính quyền bảo hộ, bọn tay sai ở địa phương đã bắt đầu đánh hơi được sự hiện diện của những người cách mạng. Hàng loạt đợt đàn áp, khủng bố của địch lần lượt phá vỡ nhiều cơ sở quần chúng.
Tháng 6 năm 1942, Cao Sơn Pháo bất ngờ bị địch bắt tại nhà, dẫn thẳng về Sở mật thám tỉnh ở Hội An. Lúc đầu địch chuyển anh ra ở Phú Bài, về sau đưa lên an trí ở Ly Hy (Thừa Thiên) gần 3 năm (đến ngày 09/3/1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, anh mới ra khỏi trại). Trong tù, anh làm nhiều thơ. Bởi theo anh, nhà tù là trường huấn luyện, mỗi bài thơ cũng là một bài học về tình cảm cách mạng.
Lúc này, cùng cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Điện Bàn đã thắng lợi vẻ vang. Trong thắng lợi đó, có phần đóng góp xứng đáng của Ủy ban vận động Cứu quốc Lam Sơn. Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng chỉ định phủ ủy lâm thời Điện Bàn, dưới mật danh Phủ ủy Lê Hựu với Bí thư Phủ ủy lâm thời là Cao Sơn Pháo, Phó bí thư là Phạm Ký.
Tháng 04/1950, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng họp Đại hội ở Đức Bố, xã Tam Anh, huyện Tam Kỳ. Đại hội đã bầu Cao Sơn Pháo làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 01/1951, anh Cao Sơn Pháo được cử đi học một trường chính trị cao cấp tại Trung Quốc. Mùa thu năm 1954, anh về nước, đang tham gia cải cách ruộng đất ở miền Bắc thì Hiệp định Giơnevơ ký kết. Anh Cao Sơn Pháo được bố trí đi trên một chuyến bay của Ủy ban Liên hiệp đình chiến, về Liên khu V. Anh đã có mặt kịp thời, tham gia hướng dẫn lớp học về việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, do Liên khu V tổ chức tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi làm nhiệm vụ tại đây, anh lập tức về ngay Quảng Nam, cùng tập thể Tỉnh ủy gánh vác công việc hệ trọng và cấp bách, sửa soạn cho một thời kỳ mới của cách mạng mà thực ra hầu hết cán bộ, đảng viên chưa lường hết được bao nỗi gian nan, ác liệt đang chờ đón họ.
Tháng 8 năm 1954, Tỉnh ủy mới được Liên khu V chỉ định, khoảng một phần số Tỉnh ủy viên (năm đồng chí, trong đó có đồng chí Cao Sơn Pháo) được phân công ở lại miền Nam. Cơ quan Tỉnh ủy phải di chuyển nhiều nơi. Và một trong những vùng đất đứng chân bền vững nhất vẫn là huyện Điện Bàn. Mùa thu năm 1956, cơ quan Tỉnh ủy đang đóng ở dãy núi Đại An, phía Tây Nam xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.
Ngày 14/8/1956 tức là mồng 9 tháng 7 năm Bính Thân, Cao Sơn Pháo bị địch sát hại, sau khi bị lọt vào vòng vây của bọn thám báo. Năm ấy, anh Pháo chưa đầy 39 tuổi.
Trong tác phẩm “Học phí trả bằng máu” nhà văn Nguyễn Khắc Phục tả lại sự kiện này như sau: “ Một tháng sau, Giáng La bàng hoàng đón nhận một tai họa khủng khiếp: Lính Diệm lùng sục lên ranh núi, phát hiện chỗ ông Bốn ẩn tạm. Ông phóng theo con suối cạn, mong thoát khỏi vòng vây, không may trượt chân trên tảng đá đầy rêu, bị thương nặng ở đầu và lọt vào tay giặc. Tụi nó đánh đập, tra khảo ông ngay tại chỗ, hy vọng ông sẽ khai ra kho giấu vũ khí hoặc nơi tránh trớ của những đồng chí khác. Ông Bốn khinh bỉ im lặng. Giặc sai thằng Đinh bắn chết ông, rồi lén chôn ông úp mặt xuống huyệt. Tụi Diệm mở đại tiệc ăn mừng đã sát hại được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ba Đoát mắt đỏ ngầu, tới ngay nhà Mười Lúa, giận như điên. “Mất cảnh giác rứa là cùng. Mà những người đi theo bảo vệ ổng, răng không đánh tưới, mở đường máu, phá vây cho Bí thư Tỉnh ủy chạy thoát?”.
Mười Lúa khóc chết lặng…”
***
Biết rõ Mười Nhạn là vợ của Cao Sơn Pháo nên địch cho đây là đối tượng nguy hiểm, luôn rình rập, theo dõi. Đến tháng 9/1956, do một cơ sở bị bắt và đầu thú khai báo với địch, bất ngờ Mười Nhạn cùng các đồng chí Phan Hy, Phan Chúng bị bắt đưa về nhà lao Vĩnh Điện. Chúng xiềng Mười Nhạn và đồng chí Phan Hy vào một xiềng, suốt 5 tháng liền, ăn, nằm, ngồi cùng một chỗ trong một xiềng xích. Chúng không từ một thủ đoạn dã man, tồi tệ nào để tra tấn người phụ nữ có đứa con đầu lòng chưa đầy 6 tuổi, chỉ một câu hỏi giằng co:
– Giấu Cộng sản ở đâu?
– Cao Sơn Pháo ở đâu?
Khi chúng trói, kéo ngược chị lên xà nhà thì cái thai 2 tháng tuổi trong bụng chị không tài nào chịu được, máu trong người chị túa ra ướt cả hai chân chị, máu lai láng trên nền nhà… Chúng còn hành động ghê tởm là bắt anh Lê Mân, từng là cơ sở của Mười Nhạn đã khiếp sợ ra đầu thú, phải hiếp chị. Tuy nhiên, chị đã ra sức phản đối chống trả quyết liệt, khiến chúng không thực hiện được. Đến tháng 9 năm 1959 chúng đưa chị từ nhà giam khu Kỳ Phú – Kỳ Lam về nhà lao Vĩnh Điện rồi thả chị về. Chị thoát khỏi nhà tù của địch lần thứ nhất.
Về địa phương, Mười Nhạn được đưa vào sinh hoạt ở chi bộ Giáng La do Phan Là làm Bí thư. Chi bộ được củng cố, phong trào được phục hồi nhanh chóng. Năm 1962, Tỉnh ủy cho con trai độc nhất của chị là Bùi Chính Cương ra miền Bắc để học tập. Trên đường đưa Cương đi thì tình cờ gặp anh Tín là cơ sở hoạt động của địa phương, nhưng khi Tín bị bắt, bị tra tấn chịu không nổi lại khai chị Mười Nhạn đã đưa con trai ra miền Bắc, chị còn có quan hệ với cách mạng… Vậy là chị bị bắt lại lần thứ hai.
Trong tù chị đòi đối chất với Tín, trước mặt bọn thẩm vấn chị khẳng định:
– Con tôi đang ở Sài Gòn, với cô ruột nó. Lúc tôi đưa con đi Sài Gòn tôi có khai báo với chính quyền, với ông Hoanh là đại diện xã Kỳ Minh. Không tin, tôi sẽ gọi con tôi ở sài Gòn về thì rõ cả. Nếu cần, các ông hỏi cô ruột của Tín là bà Trí sẽ biết sự thật.
Sau đó, chúng cho rằng Tín đã khai bừa, vu khống và không thể giam chị được nữa. Đầu năm 1962 được thả về, chị báo cáo với chi bộ và trên xét thấy không thể để chị hoạt động hợp pháp nữa mà cần phải thoát ly.
Đây là thời kỳ Huyện ủy Điện Bàn đang phát động “đồng khởi” phá kìm, giành dân, tạo chỗ đứng để phát triển phong trào xuống vùng cát… nên rất cần nhiều thanh niên lên đường tham gia vào lực lượng vũ trang, vào các đội công tác… Trong tình hình đó, nhiều cơ sở hợp pháp thấy đã bị lộ, ở lại sẽ rơi vào tay giặc nên cũng muốn thoát ly. Thế là Nguyễn Thị Nhạn, Nguyễn Hữu Mười (Mười Tùy) quyết định tổ chức một đêm mitting tại chợ Phong Thử lên án bọn ác ôn và tay sai bán nước, kêu gọi thanh niên lên đường cầm súng đánh giặc…
Sau buổi mitting với đông đảo bà con ở Phong Thử đến dự hôm ấy, Mười Nhạn chia tay bà con thoát ly ra vùng giải phóng.
Trưa hôm sau thì bọn Trần Quốc Thái, Quận trưởng Điện Bàn và tay chân ở Vĩnh Điện nghe được tin Mười Nhạn tổ chức mitting và đã thóat ly tức điên lên nhưng đã muộn…
Sở dĩ tên Quận trưởng gian ác Trần Quốc Thái tức tối và cay đắng vì trước đó không lâu, khoảng tháng 3/1958 tại một cuộc mitting ở làng Đông Hồ – xã Điện An, ngoài dân làng địa phương chúng còn bắt trên 11.000 người mà chúng gọi là “can cứu chính trị” của Điện Bàn đến dự để nghe hắn huênh hoang rằng: “Đã diệt xong 27 tên cán bộ cộng sản nằm vùng”, “đã đánh tận gốc những người theo Cộng sản”, “đã nhổ sạch cỏ”… Vậy mà, từ trong cỏ, trong tranh, trong lúa và trong dân lành “cộng sản nằm vùng” đã đứng lên mitting, hàng ngàn dân đến dự trong vui mừng, háo hức… và các cơn bão “đồng khởi” đã nổi lên khắp nơi vây bủa, đẩy lùi, tấn công vào sào huyệt của kẻ thù.
Thoát ly ra vùng giải phóng, Huyện ủy Điện Bàn phân công chị làm công tác tuyên huấn, công tác tổ chức, công tác đấu tranh chính trị…
Thời kỳ chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Xuân Mậu Thân – 1968, đồng chí Hồ Nghinh – Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà ký quyết định điều động chị lên tỉnh, phân công về “Ban đấu tranh chính trị”, chuyên trách công tác nội thành Đà Nẵng.
Chuẩn bị cho chiến dịch, cùng với hoạt động quân sự. Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng nội thành, đặc biệt nắm cho được số đồng bào ở nông thôn bị địch đánh phá ác liệt hoặc bị xúc tác chạy vào… Vì vậy một số lớn cán bộ, đảng viên ở các vùng nông thôn được giao nhiệm vụ ở trong thành phố, từ đây hình thành nên các chi bộ, gọi là “chi bộ 2”. Chị được Ban đấu tranh chính trị tỉnh phân công làm Bí thư Ban cán sự…
Từ năm 1973 – 1980, tại Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Đà lần thứ IV và Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ V chị được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Sau đó chị về làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Quá trình hoạt động cách mạng, chị được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân chương, Huy chương các loại. Với những năm tù đày, bị tra tấn, hành hạ, chị được Đảng đánh giá là “đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Trong suốt thời gian nghỉ hưu, dù tuổi cao, sức yếu, song Mười Nhạn vẫn luôn được xem là một biểu tượng phụ nữ năng nổ trong các hoạt động xã hội. Chị thường xuyên tham gia công tác ở phường, ở Hội, làm công tác từ thiện. Vào những ngày lễ, tết chị lại lặn lội về Sùng Công, về La Thọ, về Xuân Diệm, Cẩm Sơn… thăm bà con, thăm những cơ sở, những gia đình đã chịu khó, chịu khổ, chịu tan cửa nát nhà nuôi nấng, chở che chị và những người đồng chí của chị trong những năm khó khăn, đen tối, gian khổ, ác liệt. Chị Mười Nhạn mất vào ngày 16-2-2010 (nhằm mồng 3 Tết năm Canh Dần).
***
Chung quanh cuộc đời chị Mười Nhạn, ngoài người chồng thông minh, dũng cảm bị giặc sát hại từ rất sớm, người thân quan trọng nhất với chị chỉ còn lại đứa con trai lên 6 khi chị bắt đầu trải chịu con đường tù tội, tra khảo vì sự nghiệp cách mạng. May mắn thay, vào thời điểm cực kỳ khó khăn ấy, đứa con trai duy nhất của chị đã kịp thời được sự đùm bọc, che chở của đồng bào, đồng chí Giáng La và chuyển ra miền Bắc học tập.
Giờ đây, Bùi Chính Cương – đứa bé năm xưa nay đã là một người đàn ông xấp xỉ tuổi 60, hiện công tác tại Sở Khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng. Kể chuyện về người mẹ, anh nói:
– Hồi đó, những chuyện xảy ra ở làng Giáng La, tôi còn nhỏ quá, không nhớ nổi. Mẹ tôi cũng nói lại, tôi chẳng có mấy ngày gần người cha. Sau đó lớn lên, tôi được gởi ra Bắc, rồi đi học ở Liên Xô. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới biết được những đóng góp cống hiến của cha mẹ tôi trong những ngày tháng chiến chinh. Tuy nhiên, trong trái tim tôi, mẹ tôi luôn là một người phụ nữ Quảng Nam tuyệt vời. Lúc nào tôi cũng thấy bà bận rộn lo những công việc chung của xã hội, mà chẳng mấy để ý đến việc riêng, phần mình…
Trần Trung Sáng