Trong danh sách những người từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Đà đến tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và nay là thành phố Đà Nẵng thì mẹ Trương Thị Trà là ở xa nhất (làng Đông Phước, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và thuộc vào diện cao niên nhất (83 tuổi).
Tại buổi gặp gỡ giới thiệu về các mẹ, các chị để viết, là người cầm bút mặc áo lính, tôi xác định đi nơi xa nhất và đã chọn mẹ Trà. Tôi yêu vùng quê của mẹ Trà, vì nơi đây có núi đồi, có suối khe, có dòng sông Thu Bồn hồn hậu chảy qua và tít tắp những bãi bắp, mía xanh mơn như quê tôi, đã đi vào thơ ca dung dị mà chan chứa nghĩa tình “Mía dày như bắp làng tôi/Xưa tôi ở trong làng/Giờ làng ở trong tôi…”.
Một chiều mưa tầm tã, từ Đà Nẵng, tôi theo xe của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố do bác tài quen thuộc, dày dạn đường trường Nguyễn Ngọc Minh và các chị Nguyễn Thị Hiền Mai, cán bộ Ban Luật pháp – Chính sách của Hội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương về thăm mẹ. Chúng tôi đi theo lối tắt, đường quê ngoằn ngoèo, quanh co tìm đến nhà mẹ Trà.
Mới bước vào sân nhìn hàng chè tàu xanh mướt, vườn cau, mít, chuối lúc lỉu quả, lòng chúng tôi chợt dâng lên niềm yêu thương, thân thuộc. Một cụ bà nhỏ nhắn, thanh thoát, nhanh nhẹn bước ra ôm lấy từng người như đã từng thân thiết nhiều năm. Thấy trước sân có nhiều ngôi mộ, tôi buột miệng hỏi, mẹ đã bộc bạch: Hồi mới giải phóng Đà Nẵng, cái vườn ni của gia đình một địa chủ yêu nước tên là Nguyễn Đức Diêm, mả không là mả (cả thảy 13 người, vừa là nội vừa là ngoại hy sinh cho cách mạng). Sau đó, bà vợ của ông Diêm-một Bà mẹ Việt Nam anh hùng-giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp II Đại Hồng quản lý. Làng cũ của mẹ Trà là Hoằng Phước đã bị sụt lở bởi lũ nguồn, hai vợ chồng mẹ xin cấp đất, xã đã giao cho mảnh đất này. Ông Lưu Thu, chồng mẹ, nguyên là bộ đội Mặt trận 4 Quảng Đà, Sư đoàn 2 Quân khu V nghỉ hưu năm 1979 đã qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vừa rót nước, mẹ vừa hồn nhiên kể: Tháng Tám năm 1945, tôi là thiếu nhi cầm cờ đỏ sao vàng đi theo các chú, các bác, các anh chị lớn tuổi hô vang khẩu hiệu chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật. Không khí cách mạng ngày ấy vui vẻ và đẹp lắm, đồng bào cờ xí rợp trời, tay gậy gộc, tay giáo mác đi cướp chính quyền. Tôi lớn lên trong cao trào ấy, tham gia Đội Thiếu niên làm giao liên cho Mặt trận Việt Minh. Năm 1951, được Xã đoàn kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc, rồi phụ trách thiếu niên kiểu mẫu; đến tháng 7 năm 1954, được các đồng chí Huyện ủy nằm vùng là Trương Đình, Trương Dạn phân công đào công sự để các anh lãnh đạo hoạt động vận động quần chúng đấu tranh đòi tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Nhưng sau đó, các đảng phái phản động Cần lao Nhân vị, Dân chủ nổi lên, bọn ác ôn bắt những gia đình có đảng viên cộng sản phải mặc áo trắng theo đạo thiên chúa. Số cán bộ cách mạng không đi tập kết ra Bắc như các anh Phanh Thanh Thủ, Phan Long, Nguyễn Đức Tám, Ngô Lưu, anh Thái (Nông hội) được tổ chức phân công ở lại, sau một thời gian hoạt động, anh Tám và anh Long bị địch bắt thủ tiêu, những người còn lại chạy thoát được…
Ban đầu, bọn tôi ở lại đấu tranh hiệp thương thống nhất hai miền Nam – Bắc. Địch không cho phụ nữ ăn đất công điền, bắt gia đình có người tham gia cách mạng khống chế, cải tạo. Các anh dán các khẩu hiệu: “Yêu cầu ông Ngô Đình Diệm chia đất công điền cho phụ nữ”, “Yêu cầu ông Ngô Đình Diệm cho hai miền Nam-Bắc thông thương, liên hệ với nhau” để đấu tranh.
Địch không những không đáp ứng một yêu cầu nào, mà còn đàn áp, bắt bớ giam cầm chúng tôi tại các nhà lao Ái Nghĩa, Hội An, Thượng Đức, Côn Đảo. Tôi ở tù từ ngày đám giỗ bà nội tôi (20 tháng 7 năm 1955) đến cuối năm 1957 mới về. Thằng địch ác lắm, tra tấn tù nhân nữ bằng cách dùng búa đóng đinh trên các đầu ngón tay, bắt rắn thả vô ống quần…Tôi sợ rắn đến ngất lên lịm xuống mấy lần nhưng vẫn một mực không khai báo, địch trả về lao xá Hội An giam tiếp 3 tháng rồi chuyển qua nhà lao Cẩm Phô thêm 3 tháng nữa mới kêu án. Mãn hạn tù, tôi về làng, đồng chí Trương Dạn, cán bộ Huyện ủy tới động viên, chia sẻ và giao cho 7 bó truyền đơn tố cáo tội ác của địch đàn áp, đánh đập, giam cầm những gia đình có con em tập kết ra Bắc.
Tôi nhớ rõ, hồi ấy một bó có 3 loại truyền đơn (tố cáo địch về các tội ác, về vi phạm dân chủ và đòi tổng tuyển cử). Tấm băng rôn dán khẩu hiệu đấu tranh xin đất công điền do tôi và hai nông dân khác treo lên đã bị lính của tên Biền, Quận trưởng Thượng Đức, đảng viên Cần lao Nhân vị bắt giữ tại chỗ. Tôi và các chị Kính, chị Xoa, chị Dầm vẫn đứng nguyên giữ chắc tấm băng rôn xác định quyết sống chết với địch tới cùng. Tên Thì – lính của tên Biền, mang cây súng xép chỉ huy bọn địch trèo lên giật dây, cuốn tấm băng rôn lại. Chúng tôi kháng cự quyết liệt, bị chúng bắt trói. Dân ở trong nhà, chúng cũng bắt, tra hỏi tìm người chủ mưu. Tôi và chị em một mực không khai dẫu bị chúng đánh đấm liên hồi. Sau lần đó, mẹ tôi phải rước thầy thuốc từ Huế vào để chữa trị nhiều ngày tôi mới dần hồi phục trở lại.
Vùng Đại Hồng nơi chúng tôi hoạt động không mất liên lạc với cách mạng, nhưng có một cán bộ Huyện ủy nằm vùng bị địch bắt, khai người nuôi giấu cán bộ cách mạng nên địch ba lần tổ chức tố Cộng, bắt đảng viên liên can học ở đình làng Quảng Huế. Phong trào cách mạng lúc ấy bị tan rã, từ Đại Hồng tôi đi Vùng B Đại Lộc vừa bán thuốc lá, cám bắp, dầu phụng vừa tìm cách để liên lạc lại với tổ chức. Tôi gánh hàng qua cầu ông Nở vô nhà bà Hoàng-một cơ sở của ta dưới hình thức là nơi dạy chữ Nho. Bà Hoàng đang dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, trong đó có tài liệu anh em mình gửi. Bà chỉ tôi lên Phú Xuân đưa tài liệu để anh Hậu giao cho bà Bảy Vui, rồi qua Đại Phong trở về làng. Đến năm 1959, tôi mới gặp lại tổ chức là đồng chí Phan Thanh Thủ ở nhà ông Bốn Chỉ thuộc làng Hữu Niên, xã Đại Chánh, nay là đập Khe Tân. Qua đó, tôi được bố trí công tác tại trạm 1, liên lạc với đồng chí Lê Thị Muốn, Nguyễn Thị Tư ở trạm chuyển lương thực, đi về xây dựng cơ sở, vận động xin mắm muối, gạo sắn rồi tổ chức một trạm ngay Khe Lim.
Chúng tôi giả vờ rủ nhau đi củi, mỗi người cột giấu dưới cổ chân 1 lon gạo, lận trong người tương ớt, mắm muối. Cứ mỗi lần đi 2 người để địch khỏi nghi. Các anh xây dựng cơ sở hoặc cần thông báo tình hình đều liên lạc qua tôi. Tôi thường mang giấy tờ đến nhà bà Xã Khóa ở Chấn Sơn (Đại Lãnh), nhà ông Mùi ở Đại Quang, nhà ông Một, ông Sáu Dũng ở Đại Phong.
Tôi nhớ hồi ấy có lệnh chuẩn bị thủ tiêu một mâm ác ôn của bọn Hội đồng tỉnh, trong đó có một tên ác ôn khét tiếng là địa chủ. Tôi nhận lệnh đưa một đồng chí nam xuống Khe Tre và đưa vô núi để hiệp đồng giờ nổ súng. Đồng chí Năm Tựu vô núi Nước Lớn nhận lệnh giờ G nổ súng, quân ta tấn công diệt mâm ác ôn. Ngoài việc giao liên, tôi còn là người chủ chốt chuẩn bị cho đánh hội đồng, xây dựng cơ sở đưa quân của ta vào.
Năm 1962, ta làm binh vận được một trung đội địa phương quân địch quay về với nhân dân đánh hốt hết cả mâm hội đồng địch. Năm 1963, ta làm binh vận ông Phạm Lưu, Liên gia trưởng mở cổng ấp chiến lược để Tiểu đoàn R20, Huyện đội, du kích xã và 2 trung đội vô rấm quân trong các nhà dân ở ấp chiến lược. 9 giờ địch tập hợp tại ấp chiến lược, quân ta diệt tại chỗ 7 tên, đốt hết cơ quan, lấy một số máy móc quan trọng. Sau này, địch bắt mỗi người dân trong ấp chiến lược nộp 15 ngàn đồng xây dựng lại cơ quan, nhưng các cụ già kêu kiện: “Cộng sản họ làm, mắc chi mấy ông bắt ép chúng tôi đóng tiền!”.
Tính từ năm 1960 đến năm 1962, tôi vận động được 20 thanh niên bổ sung vào lực lượng Huyện đội Đại Lộc. Đầu năm 1964, tôi là Hội trưởng Phụ nữ xã Đại Hồng. Tháng 5 năm 1964, tôi là Hội phó Phụ nữ huyện, phụ trách đấu tranh chính trị huyện.
Từ năm 1966 đến năm 1968, tôi là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Hội trưởng Phụ nữ huyện, phụ trách khối dân vận, đấu tranh chính trị, binh vận. Cuối năm 1968, tôi là Ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Đà, phụ trách thương binh, tử sĩ, đã từng đi bộ ròng rã 7 tháng liền từ núi Đại Lộc đến biên giới Lào, các trại an dưỡng bộ đội.
Năm 1969, tôi là Hội phó Phụ nữ tỉnh. Chị Thanh, Hội trưởng Phụ nữ tỉnh lên nhận công tác ở Quân khu V, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định đưa chị Tâm lên làm Hội trưởng. Tháng 10 năm 1969, Chị Tâm mới nhận chức được một tuần, đi cõng gạo từ vùng giáp ranh mang về cơ quan đóng ở dốc Gió bị máy bay (tàu gáo) bắn chết. Tôi xác định mình còn yếu kém, không đủ năng lực nên không dám nhận làm Hội trưởng thì bị các đồng chí Hồ Nghinh, Ngô Xuân Hạ, Phạm Đức Nam, Trần Văn Đán “dọa” nếu giao chức Hội trưởng mà không nhận thì sẽ kỷ luật. Tôi phải đồng ý nhận chức mà canh cánh nỗi lo sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Đến tháng 8 năm 1973, tôi bị địch bắn bị thương tại chốt điểm cắm cờ giành đất giữ dân.
Vết thương này chưa kịp hồi phục, tôi lại bị thương nặng hơn khi đi lấy xác đồng bào bị bọn lính Nam Hàn giết ở Duy Xuyên. Tại một hầm ở vùng trắng Duy Nghĩa, có 12 xác, mà cả đội công tác của ông Quân và chúng tôi cùng đi suốt 3 tháng nhưng chỉ lấy được 7 xác. Sau đó, đoàn chúng tôi lên thôn 1, thôn 4 Xuyên Tân tìm xác. Ở thôn 1 Xuyên Tân, chúng tôi trú ở hầm cán bộ và hầm du kích họp. Máy bay tàu gáo phát hiện quần đảo thả bom làm chết nhiều người và tôi bị thương, trong tình trạng đang bụng mang dạ chửa. Chị Bốn, Hội Phụ nữ Xuyên Tân liền đưa tôi vào Bệnh viện Nam Phước, sau 5 ngày, tôi được đưa về Quán Gò chữa trị. Khi sức khỏe được hồi phục, tôi lên lại cơ quan ở căn cứ Hòn Tàu.
Tôi được Tỉnh ủy bố trí đưa ra miền Bắc chữa bệnh và công tác vào tháng 8 năm 1973. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về lại cơ quan Tổ chức của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng. Quê nhà thiếu cán bộ, Huyện ủy Đại Lộc ra xin tỉnh đưa tôi về bố trí Ủy viên Thường vụ, phụ trách Nông hội, Phụ nữ, Dân vận.
“Ngẫm lại đời mình, tôi thấy thanh thản, hạnh phúc bởi đã hết lòng với nhiệm vụ được giao, được bà con, chị em yêu quý, giúp đỡ. Nghĩ về nhân dân, chị em của mình tôi thấy tự hào vì họ rất tốt, rất kiên trung, bất khuất. Họ sẵn sàng giao tiền của, giao chồng con cho cách mạng. Chồng chết, con chết, hết đứa này đến đứa khác họ vẫn tin tưởng không hề đắn đo tính toán. Tại sao mình nói họ nghe và làm theo? Nhiều lúc tôi cũng suy nghĩ về điều này và tự hỏi phải chăng vì mình chiến đấu có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, mình sống hoàn toàn vô tư, trong sáng, một lòng phụng sự cách mạng, không tơ hào lợi danh cho riêng mình”.
Theo cảm xúc được sống lại những kỷ niệm đẹp thời chiến tranh, mẹ Trà kể một thôi, một hồi tưởng chừng không dứt được. Nhân có trái mít chín trong vườn mẹ hái sẵn để phần, chị em trong đoàn bổ ra, mẹ mới ngừng lời, mời khách. Nhà văn Thu Sương buột miệng: “Mẹ có thể cho chúng con biết một vài đúc kết “xương máu” trong công tác hoạt động phụ nữ?”. Mẹ Trà điềm tĩnh: “Kinh nghiệm, kinh nghiếc chi, mình nói là làm, xung phong đi trước; đánh địch là đi trước, lúc khó khăn nhất thì mình xung phong đi đầu. Trong bất cứ việc gì, khi làm đều đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, quyền lợi của cá nhân đặt ra sau. Bài học lớn nhất của cán bộ, đảng viên là nêu gương đi đầu, phục vụ cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc trên hết, trước hết “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Có lẽ vì lối sống đẹp, luôn nghĩ cho sự nghiệp, cho việc lớn và những nghĩa tình ở đời nên vừa rồi mẹ bị té ngã từ trên gác xuống mà vẫn tai qua nạn khỏi. Tôi cầm tay mẹ hỏi: “Con nghe nói, năm 1990, mẹ đi cưới vợ cho chồng, phải không?”. Mẹ cười độ lượng: “Thì đúng như rứa đó, con. Tau tạo điều kiện, mở rộng lòng vun đắp cho ông Thu lấy cô y tá tên là Nguyễn Thị Mừng, sinh cho ổng liền mấy đứa con cho vui nhà vui cửa, các cháu đều trưởng thành cả rồi”.
Đang lúc vui chuyện, Mẹ Trà dặn dò: “Ở thành phố thế nào các anh, các chị rõ hơn tôi, còn ở vùng quê hẻo lánh hiện nay thì chị em cán bộ Hội ăn không ngon ngủ không yên vì hội viên phụ nữ ít ý thức về giới, sinh hoạt, hội họp không thường xuyên, chỉ đóng góp ào ào, rồi thôi. Làm sao sinh hoạt phải đi vào nội dung trọng tâm, nội dung 1 biện pháp 10, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc”.
Chúng tôi chia tay mẹ Trà. Hiền Mai và nhà văn Thu Sương nhận quà từ vườn nhà mẹ Trà, lúc ra về giúi nhanh tiền cho mẹ. Mẹ lắc đầu, mắng yêu: “Mấy đứa bay mà trả tiền trái cây trong vườn tau cho, thì đừng đến nhà tau nữa, nghe!”. Mẹ Trà nhìn theo chúng tôi với ánh nhìn bịn rịn, trìu mến. Nhìn dáng mẹ đứng tựa vào hàng chè tàu dõi theo trong ánh hoàng hôn, tôi có cảm giác như mẹ đang tựa vào quá khứ hào hùng tốt đẹp một thời để tiếp tục sống với cái tình, cái nghĩa của hiện tại, trong đó có những người em, người con, người cháu ở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đang nối tiếp bước chân của mẹ.
Lê Anh Dũng