I. Cách nhận biết và phòng, chống bệnh Tay – Chân – Miệng
1. Đặc điểm của bệnh:
* Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra.
* Bệnh thường gặp ở trẻ ≤ 5 tuổi.
* Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
* Nếu bị bệnh thể nặng, bệnh sẽ diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong.
2. Đường lây truyền:
Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hoá: uống nước, ăn thức ăn bị nhiễm vi rút; qua bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ bị nhiễm vi rút; qua các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, dĩa, thìa, cốc… bị nhiễm vi rút.
3. Các biện pháp phòng bệnh Tay – Chân – Miệng
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn /cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, thìa, cốc, đồ chơi…
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vị cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà …. Bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường
– Khi trẻ có dấu hiệu: sốt, quấy khóc, có các nốt bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ tay, đaùa gối hoặc miệng, lơ mơ, li bì …. Đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời
– Khi trẻ mắc bệnh: cần cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với trẻ khác
4. Cách nhận biết và theo dõi, xử trí bệnh Tay – Chân – Miệng
a) Để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sỹ chuyên khoa Nhi khám ngay khi thấy có các triệu chứng sau:
– Bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống và chảy nước bọt nhiều)
– Bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ tay, đầu gối.
– Không sốt hoặc có sốt kèm theo.
b) Theo dõi tại nhà và nhập viện khi thấy có các triệu chứng sau:
– Biểu hiện về thần kinh: Hốt hoảng, giật mình, chới với (cảm giác mất thăng bằng), run chi, co giật, đứng không vững.
– Rối loạn về tim mạch: Da nổi bông (vân tím), mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ đang sốt. Mạch nhanh, tay chân lạnh.
– Rối loạn tiêu hóa: Nôn ói nhiều, có thể có tiêu chảy.
– Sốt cao liên tục: Trên hoặc bằng 39oC.
c) Điều trị tại nhà khi bác sỹ chuyên khoa cho phép:
Hạ sốt, giảm đau bằng (Paracetamol, Efferalgan, Panadol…).
Kháng sinh nếu có bội nhiễm.
Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
Ăn lỏng, chia nhỏ nhiều bữa.
Vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ.
d) Khi nào cần đưa trẻ TÁI KHÁM:
Tái khám mỗi 1 – 2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
– Các dấu hiệu cần TÁI KHÁM NGAY:
Sốt cao hoặc nôn ói nhiều.
Giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân
Quấy khóc nhiều, bứt rứt, thở mệt.
e) Biến chứng của bệnh Tay Chân Miệng
– Não: Viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp.
– Tim mạch: Viêm cơ tim.
– Hô hấp: Phù phổi cấp.
– Biến chứng phối hợp: Các biến chứng có thể phối hợp trên cùng một bệnh nhân như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ, có thể do Enterovirus 71.
II. Hướng dẫn vệ sinh cá nhân, sát khuẩn môi trường, nhà ở, lớp học, vật dụng, đồ chơi trẻ em… trong phòng, chống Tay chân miệng
“Thực hiện ăn sạch, uống sạch, đồ chơi của trẻ sạch, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh”
Mọi người nên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên khử trùng, sát khuẩn môi trường, nhà ở, trường học, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường hằng ngày để phòng chống bệnh tay chân miệng.
A. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH KHỬ KHUẨN:
Bước 1: Rửa sạch dụng cụ, sàn, tường nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bước 2: Tiến hành khử khuẩn bằng các dung dịch sau:
* Dung dịch nước Javel 0,5% hoặc dung dịch Chloramin B 2%: dùng để khử trùng vật dụng, đồ chơi của trẻ, bề mặt có tiếp xúc, sàn nhà, các chất tiết đường hô hấp số lượng nhỏ.
* Dung dịch nước Javel 1% : dùng để khử trùng phân, bô có phân, bệ cầu tiêu.
Bước 3: Sau 30 phút, lau lại bằng khăn khô hoặc khăn giấy dùng 1 lần, nếu dùng khăn vải thì phải giặt khăn ngay sau khi sử dụng.
Bước 4: Rửa tay lại sau khi lau rửa khử trùng bằng hóa chất (mặc dù có mang găng tay khi làm việc).
B. CÁCH PHA NƯỚC JAVEL:
Chỉ áp dụng cho cho nước Javel 5%
Pha dung dịch 0,5%: Một phần nước Javel 5% vào 9 phần nước
Pha dung dịch 1%: Một phần nước Javel 5% vào 9 phần nước
C. CÁCH PHA CHLORAMIN B
Chỉ áp dụng cho bột Chloramin B 25%
Pha dung dịch 2%: Lấy 20g bột Chloramin B 25% pha trong 1 lít nước
Lưu ý: Hóa chất Chloramin B, nước Javel nhớ để xa tầm tay của trẻ em
(Nguồn Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng)