Tôi gọi chị vậy không chỉ bởi gương mặt phúc hậu luôn rạng rỡ nụ cười mà cả ở mỗi câu nói chị đều mang niềm vui: nhiều việc nhưng vui lắm! Hay lắm! Búi tóc no tròn sau gáy, vóc dáng khỏe khoắn, nụ cười lúm đồng tiền và nói chuyện không màu mè, rào đón của chị khiến tôi nghĩ người khó tính cũng dễ bị chinh phục. Đó là điều mà người làm công tác phụ nữ rất cần. Nhưng chị lắc đầu: không phải hoàn toàn vậy đâu, vẫn có một vài người không tán thành.
Chị Châu Thị Nguyệt mang rác về làm quỹ
– Chắc là người quá khó tính? Tôi hỏi.
Chị nói: Chi hội của tôi trước đây làm nông, sau giải tỏa ruộng đồng thành phố xá. Nói phố xá nghe ngon chớ chị thấy đó, tên đường chưa có, tên kiệt cũng không. Chị em trình độ không có, tìm kiếm việc làm rất khó phải nhào ra buôn gánh bán bưng: người bán nước mía, người bán bún, người nồi cháo lòng… Quần quật từ sang đến tối, nuôi cả gia đình. Ngay những người làm Nhà máy Dệt may Hòa Thọ, tiếng là công nhân nhưng cũng không phải dư dả gì. Mươi ngàn đóng góp hay một buổi họp đối với họ không phải dễ. Nhiều khi nghe nói nọ nói kia, tôi tự ái lắm nhưng rồi thôi, cứ nghĩ mình làm vì việc chung là hết bực. Mình từng là người khó khăn, mong đợi được giúp đỡ sao thì hiểu quá rồi.
Anh Đính, chồng chị nói: thằng Phùng Châu Mỹ, con trai thứ hai của vợ chồng tui bị tim. Làm được đồng nào mua thuốc đồng đó. Năm 2003, hai vợ chồng bán hết mảnh đất ở Điện Dương, Điện Ngọc được hơn ba chục triệu. Dành cho mẹ mười triệu dưỡng già còn lại chạy vạy, vay mượn đưa con ra Huế mổ tim hết 55 triệu. Giờ cháu ổn định rồi, cả nhà ủng hộ bả làm từ thiện. Hội phụ nữ ngó vậy chớ rất nhiều việc: thu tiền vay vốn, đóng góp người nghèo, sinh đẻ kế hoạch, chăm sóc con cái, kết hợp giáo dục nhà trường với gia đình, động viên nhập ngũ, bình đẳng giới, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ lũ lụt, vệ sinh môi trường, phòng chống ma túy… toàn việc cần vận động. Vậy mà mỗi khi lụt bão, bả xin áo quần cũ, mì tôm, sách cũ, gạo, nhờ em rể – Anh Đính chỉ người đàn ông đang uống nước với mình nói – dượng ấy lái xe ô tô chở lên mấy xã Hòa Liên, Hòa Sơn cho.
Chị Nguyệt cười: toàn việc cần thời gian không à. Chi hội có 150 chị em. Tham gia hũ gạo tình thương thì người 2 ký, người 5 ký. Người cái bao, kẻ cái túi, nhận rồi ghi vào sổ, như kiến tha về tổ! Nghe ai ốm đau, hết gạo lại “tha” đi. Thu gom rác thải cũng vậy, ít nhiều gì cũng nhặt nhạnh. Có khi tổ chức cho chị em đi tham quan vào ngày lễ Mồng 8 tháng 3 hay 20 tháng 10, có mấy vỏ chai nước tui cũng xách về. Là việc thường xuyên nhưng tiền thì không thường xuyên! Có nhiều bán nhiều, có ít vẫn gọi bán vì nhà chật không dồn được. Bởi vậy lúc vài ba chục ngàn, lúc mươi ngàn. Nhiều cũng ghi, ít cũng ghi vào sổ.
Chị Nguyệt cho tôi xem tấm ảnh xách túi vỏ chai từ Suối Hoa về, cười: Ngó vậy mà dồn dồn lại cũng có tiền tổ chức Tết thiếu nhi Mồng 1 tháng 6, Trung thu, đi thăm chị em khó khăn vào các ngày 8/3, 20/10, vui lắm.
Chị vừa giở sổ vừa nói: chị em hội viên của tôi nghèo vì vậy mà dù có sao kê thu lãi vốn vay trên phường gửi về trước cả tuần nhưng tôi chỉ đi nhắc rồi còn đến sát ngày vay vốn mới đi thu. Thu vậy sẽ vất vả, dễ trễ với phường vì nhiều người hẹn lần hai lần ba. Nhưng thôi, chịu cực chút chớ chị em nghèo quá mà.
Chị lại cười: Làm việc hội phụ nữ chỉ cần siêng là được.
Tôi nhìn quyển vở học sinh, từng trang viết ngay ngắn rõ ràng. Trang vận động mua Bảo hiểm y tế cho những người đặc biệt khó khăn lại hay ốm đau được 13 người. Chị nói những người này thuộc diện khá, vợ hoặc chồng có công việc ổn định, mỗi người 50 ngàn.
Tôi hỏi: – Chỉ người khó khăn thôi sao?
Chị gật đầu: vì người nghèo đã có chính sách. Những người gặp khó khăn thì chỉ gần như mình mới biết và giúp đỡ mới kịp thời. Chị đặt chỉ tiêu mỗi năm 2 thẻ bảo hiểm. Năm nay bà Trần Thị Cây 44 tuổi, chị Nguyễn Thị Ánh 40 tuổi đã nhận sổ bảo hiểm.
Trong quyển sổ của chị có một trang ghi thăm ốm đau. Chị che lại, nói: thăm ốm đau thì tự bỏ tiền túi, tui ghi để biết mình có sơ sót ai không thôi.
Anh Đính cười: bà ấy cứ nói không có của thì góp công, ngoài mấy việc của hội còn đi xin vải mấy chị công nhân về may được 20 bộ bà ba tặng cho Hội cao tuổi. Đến thăm các cụ nhưng thấy ai nghèo thì còn cho thêm cái bao gối hay đôi dép.
Ngôi nhà nhỏ, thiếu ánh sáng vì kiểu xây đã lâu. Mái ngói không có trần, sau trận mưa rào vẫn nóng hập. Gian trước mặt để cho chị gái mở sạp bán hàng tạp hóa, dọc lối đi vào là mấy cái máy may, máy vắt sổ, áo quần vải vóc khách hàng, chiếc giường nhỏ cho mẹ chồng.
Tôi hỏi: tiệm may nhưng sao không treo bảng?
Chị Nguyệt cười: không có bảng mọi người vẫn tới. May lai rai, ngày chừng 50 ngàn. Lương công nhân của ông xã trừ tiền thuốc, cà phê còn chừng triệu rưỡi, vậy là đủ sống. Chị Nguyệt nhìn chồng, lại cười: Em sướng cái là cơm nước có con gái lo, ngoài lúc may, làm việc hội thì ai kêu đi thăm hỏi, làm từ thiện đều đi được ngay. Đang may cũng dẹp, đứng dậy đi được ngay.
Tôi cười: nghe chừng chị rất ham đi. Bà già không nhăn sao?
Anh Đính bảo: cổ cưng mẹ chồng như cưng trứng đó. Ốm đau, về quê chạp giỗ gì cũng cổ đưa đi thôi.
Cô con gái Châu Anh đang ngồi thùa khuy ở góc nhà nói: má đi hoài, cả nhà con chờ má ăn cơm đã thành… tật rồi.
Anh Đính nói: Nhà cấp bốn xây dựng từ năm 1989, lúc vợ chồng mới cưới đến nay con gái vào đại học rồi mới có 2 lần quét nước vôi. Được đồng nào hết tập trung cho con chữa bệnh đến cho con ăn học.
Tôi nhìn giấy khen, bằng khen trên tường: nghèo nhưng giàu thành tích.
Chị Nguyệt cười: khi đi làm có nghĩ đến giấy khen đâu. Tự nhiên phường đưa lên vậy à. Con bé Châu Anh này cũng vậy. Năm 2004, Châu Anh nhặt được túi tiền, vàng và ngân phiếu đến 80 triệu, hơn cả nhà cửa mà gia đình em đang ở. Thằng Châu Mỹ lại vừa mổ tim xong, nợ nần chất đầy nhưng nghĩ người ta mất của cháy ruột cháy gan. Thế là lần theo người đổ xe rác, tìm được người mất để trả lại. Rồi Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên thành phố tặng giấy khen “có thành tích xuất sắc trong phong trào Người tốt việc tốt”. Ủy Ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – Thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen Giải thưởng Sống đẹp năm 2005. Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen “ có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động Thanh niên sống đẹp” do Ủy viên Bộ chính trị thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trao năm 2005. Chị Nguyệt có giấy khen của Ban chấp hành Đảng bộ quận Cẩm Lệ, bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tặng “Là phụ nữ điển hình, thành đạt của thành phố Đà Nẵng”.
Hai lần tôi đến đều thấy mấy đứa con của chị đang cặm cụi may. Châu Anh đang là sinh viên trường Cao đẳng thương mại. Châu Mỹ đã thi đậu vào trường THPT Hòa Vang. Ngoài giờ học lại phụ mẹ may vá. Con trai Phùng Châu Pháp học lớp 5, là học sinh giỏi của trường TH Ông Ích Khiêm.
Chị Nguyệt nói: nhà chật nhưng 8/3 hay 20/10 đều làm tại đây, mượn thêm đoạn đường trước nhà. Ông xã làm công nhân nhà máy thuốc lá, làm ca nhiều khi vừa đêm về vẫn cắt chữ, cắm hoa, kê bàn ghế. Chị em họp xong rồi hát hò, vui lắm còn ảnh với mấy ông dọn dẹp! Không phải chỉ phụ tôi mấy vụ đó, mỗi khi có vợ chồng nhà nào mâu thuẫn, cãi vã anh đều đi với tôi can ngăn, khuyên giải. Người lớn tuổi lại dễ, sửa sai ngay còn vợ chồng trẻ thì không, nói là việc riêng của họ. Vợ chồng tôi phải về nhưng sáng hôm sau, ảnh đón anh chồng ở quán cà phê, phân tích phải trái.
Anh Đính nói: khi đó rượu đã giảm, cơn nóng đã lắng, nói là họ hiểu được. Đi can vợ chồng người ta cãi nhau nhiều, tôi nhận thấy muốn có một gia đình hạnh phúc thì người vợ cần hiểu biết sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, lo cho con cái ăn học, người chồng phải có việc làm để tài chính trong nhà không thiếu hụt và cuối cùng là con cái phải nghe lời cha mẹ.
Tôi hỏi: chị Nguyệt đã đạt yêu cầu đó chưa?
Anh nói: trong nhà thì cổ dư rồi nhưng việc công chưa già dặn lắm. Việc phụ nữ phức tạp lắm, mệt lắm mà cổ nhiều khi quá đơn giản, cứ nói vui thôi.
Chị Nguyệt cười: mình siêng một chút mà được bao việc, vui quá đi chớ.
Tôi bật cười, sự bất đồng của vợ chồng này thật đáng yêu.
Trước khi gặp chị Nguyệt, chị Trần Thị Quế Phương, chủ tịch Hội phụ nữ phường Khuê Trung đã nói với tôi: Không riêng gì hội viên mà cán bộ hội cũng rất khó khăn, phải lo bươn chải kiếm sống. Bởi vậy những đồng tiền chắt bóp, nhặt nhạnh thành quỹ tiếp sức phụ nữ nghèo. Những người được tiếp sức bằng những vật dụng rất cụ thể như nồi cơm điện, quạt, chiếc xe đạp, xe nước mía hay là nước sạch để ăn uống. Tức là phải biết người được tiếp sức cần gì. Từ chỗ vận động chị em nuôi heo đất thay heo thật, bây giờ là vận động nuôi trâu vàng.
Tôi nhìn tấm Bằng khen “là phụ nữ điển hình, thành đạt”. Hóa ra sự thành đạt nhiều khi rất đơn giản, rất gần gụi, ở mình và ở cả người quanh mình. Trong một ngôi nhà bé nhỏ của chị Châu Thị Nguyệt, Chi hội phó chi hội phụ nữ 3 phường Khuê Trung quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng luôn sáng nụ cười là vậy.
Nguyễn Thị Thu Sương