Ngày 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Tháo gỡ khó khăn để giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng suất lao động
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã được quốc tế công nhận và xem Việt Nam là một trong những quốc gia, hồi phục kinh tế sau Covid-19 ấn tượng nhất thế giới. Theo đó, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, GDP dự kiến tăng trưởng 8%, thuộc top cao trên thế giới. Kết quả trên tạo đà thuận lợi để tiếp tục phát triển nhanh hơn vào năm 2023, cũng như chống chịu với những biến động được dự báo là rất khó lường của năm tới. Đại biểu Trần Chí Cường kiến nghị một số giải pháp quan trọng, trong đó đối với chính sách tiền tệ và tài khóa, Chính phủ cần rà soát, phân tích sâu hơn và cân nhắc chặt chẽ các mục tiêu lớn của chính sách tài khóa năm 2023.
Đầu tư công được xem là đòn bẩy, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vẫn đạt thấp dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo. Cạnh đó, thời gian qua, nhiều địa phương đã kiến nghị tách dự án giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư thành dự án độc lập trong thực hiện dự án đầu tư và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cũng đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ cũng đã có đề xuất nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện ở một số ít dự án cụ thể, tại một số địa phương nên vẫn chưa thể tháo gỡ được vướng mắc này. Vì vậy, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ xây dựng đề án tổng thể, sớm tổ chức triển khai ở quy mô rộng hơn để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Về dự toán thu ngân sách năm 2023, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Chính phủ cần rà soát, phân tích, đánh giá và xây dựng dự toán sát hợp hơn, nhất là ở các nguồn thu, nhiệm vụ thu còn dư địa, cũng như những yếu tố tác động tích cực từ việc triển khai gói hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đề nghị cần có sự quan tâm, xem xét, có chính sách tạo điều kiện cho các địa phương có thời gian tích lũy để phục hồi, bảo đảm nguồn lực cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh và phát triển thực sự đủ mạnh, nhất là các địa phương đã phải chịu tác động lớn của đại dịch và ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai, thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu, chưa hoàn toàn phục hồi.
Cũng theo đại biểu, trong 15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2022, duy nhất chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội không đạt. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có những phân tích sâu hơn về nguyên nhân, hạn chế và xây dựng kế hoạch hành động quyết liệt để đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn; trong đó, cần giải quyết các yếu tố đầu vào của việc gia tăng năng suất lao động như chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và môi trường sản xuất, chuyển đổi số… và xem đây là điểm đột phá để thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân, cải thiện năng suất chung của toàn xã hội.
Cần kịp thời giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19. Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ và Bộ Y tế sớm cần chỉ rõ những vướng mắc, bất cập về việc đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị vật tư y tế. Đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh tình trạng dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp không nên để bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế lâu hơn.
Theo Báo Đà Nẵng