Nếu không thật sự để ý và nghiên cứu kỹ, người vợ và người chồng khó nhận ra rằng cả hai có những nhu cầu cảm xúc khác nhau.
Trường hợp xảy ra phổ biến là phái này thường cho phái kia cái mà mình muốn – khác xa nhiều với cái người kia cần – nên cả hai không “rà” trúng “sóng” cảm xúc của nhau. Từ đó, cả hai đều hy sinh, cho đi nhưng công cốc…
Hy sinh sai… “địa chỉ”
Chị Tuyết Đông (P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: Tôi có cảm giác chồng không hiểu tôi. Đi làm về, mệt mỏi, căng thẳng, tôi vừa mở lời, định kể lể với chồng một chút, anh ấy đã gạt phăng: “Em căng thẳng lắm à, thôi, thay đồ anh đưa hai mẹ con đi xem phim”. Trong khi tôi mệt đứ đừ, chỉ muốn chia sẻ với chồng vài câu chuyện cho nhẹ đầu mà…
Ngày chủ nhật, tôi định mua vài thứ để làm món mà cả nhà yêu thích thì chồng gọi điện thoại di động: “Em mua thêm vài món nhậu nữa nhé, nhỏ Hoa, thằng Đức, thằng Minh sắp đến nhà mình chơi đó”.
Mệt thừ ra phục vụ nhóm bạn, tôi vừa rửa chén vừa kêu ca đôi chút cho đỡ mệt, ai ngờ anh nổi cáu: “Bạn là bạn của em đấy chứ, anh nghĩ em suốt tuần phải đi làm, không có cơ hội giao lưu bạn bè nên mới mời tụi bạn về cho em vui. Thật tội nghiệp cho cái thân tôi, gồng mình lên tiếp bạn bè còn bị vợ cằn nhằn. Thật không hiểu nổi”.
Anh Văn Thành, chủ một công ty sản xuất nón ở Q.12 kể tại TT Tư vấn tâm lý: Vợ tôi bảo tôi vô tâm, nhưng thực ra cô ấy cũng đâu hiểu tôi.
Có lần, tôi nổi hứng lau nhà giúp vợ. Vừa lau xong, chạy vô định khoe “thành tích” thì bị vợ hỏi: “Anh lau xong có giặt giẻ lau chưa?”.
Đương nhiên là chưa (đàn ông mà). Vậy là chẳng những vợ không khen tôi, mà còn “tặng” tôi một bài học về lau nhà.
Sinh nhật vợ, tôi cắn răng mua 100 bông hồng để làm nàng cảm động. Vợ tôi tròn mắt: “Sao anh lại có thể làm thế, em chỉ cần một bông là đủ, con thì hết sữa chưa mua, mà anh bỏ ra mấy trăm ngàn đi mua hoa. Làm cho em vui đâu cần bỏ ra cả mấy trăm ngàn”. Ngẫm ra thì vợ có lý, nhưng sao cô ấy không để ý đến cảm xúc của tôi? Đã vậy còn bị lãnh giáo một bài học chi tiêu.
“Cảm” nhau không khó!
TS Phillip C.McGraw – nhà nghiên cứu tâm lý chuyên xây dựng chiến lược sống, đồng thời là chủ tịch hãng luật Courtroom Sciences Inc nổi tiếng ở Mỹ, cho rằng: “Có 12 loại cảm xúc cơ bản, trong đó, phụ nữ và đàn ông, mỗi người cần nhận 6 loại cảm xúc. Đó là, phụ nữ cần nhận sự chăm sóc, sự thông hiểu, sự tôn trọng, sự cống hiến, sự đồng tình và sự bảo đảm, còn đàn ông cần nhận sự tin cậy, sự chấp nhận, sự đánh giá cao, sự khâm phục, sự ủng hộ và sự khuyến khích. Một khi nắm được 12 nhu cầu cảm xúc cơ bản này của nhau, việc “cảm” nhau để hiểu nhau hơn sẽ không còn là vấn đề nan giải”.
Anh Trần Quốc Tuấn, biên tập viên một NXB ở Q.3, TP.HCM chia sẻ: Sau một số lần hơi khủng hoảng tình cảm, tôi để ý kỹ và nhận ra một số quy luật khá thú vị: Khi vợ tôi có dấu hiệu cô đơn, mệt mỏi, tỏ ý cần được chăm sóc thì cũng là lúc tôi đang cần được vợ tin cậy. Những cử chỉ nhỏ như rót cho vợ ly nước, hỏi han vài câu, cô ấy đã vui vẻ hẳn lên vì cảm thấy được yêu, được săn sóc. Cô ấy còn thể hiện sự trân trọng, biết ơn tôi, điều đó lại càng thôi thúc tôi chăm sóc vợ nhiều hơn.
Chị Khưu Minh Hạnh, một tiểu thương ở chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp) cho biết: Nhiều khi rất tréo ngoe, lúc tôi buồn thì ông ấy lại hớn hở, khi ông ấy làm mặt “hình sự”, thì tôi lại muốn đùa cái gì đó cho vui. Mỗi người một công việc, một mối quan hệ khác nhau, làm sao có thể cùng vui, cùng buồn?
Nói vậy thôi chứ tôi cũng đã rút ra một số kinh nghiệm: Để ý và quan sát sẽ “đoán” được cảm xúc của bạn đời. Nhiều lúc, mình cũng phải “hy sinh cảm xúc”. Ví dụ như lúc chồng đang hớn ha hớn hở khoe cái hợp đồng vừa mới ký, dù tôi đang buồn thúi ruột vì một ngày bán hàng ế ẩm, tôi cũng phải “làm bộ” vui để hưởng ứng, “đòi” ông ấy dắt cả nhà đi khao. Nghe bước chân chồng chậm rãi, lê từng bước vào nhà, biết chồng buồn, tôi nấu những món ngon ổng thích. Có lúc chồng không vui, tôi còn gợi ý “tranh thủ đi uống với bạn bè vài ly rồi về sớm với mẹ con”, ông ấy như muốn nhảy chân sáo.
Nói chung, phải hướng đến cân bằng cảm xúc với chồng, đừng để khoảng cách vui-buồn, mong muốn-thất vọng, yêu-ghét giữa hai bên quá lớn”
Theo Trần Triều (Phụ Nữ)