KẾ HOẠCH
Triển khai hoạt động vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại Chi Hội
(nhiệm kỳ 2012-2017)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại Kế hoạch số 158/KH-ĐCT ngày 11/10/2012 của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai hoạt động vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại chi/tổ Hội Phụ nữ, Ban thường vụ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu và chỉ tiêu thi đua
1. Mục đích
– Nâng cao nhận thức, từng bước giúp hội viên, phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng;
– Phát huy nội lực tạo lập nguồn vốn chủ động của hội viên, phụ nữ nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
– Củng cố nâng cao chất lượng các loại hình tiết kiệm hiện có của Hội và tích cực xây dựng loại hình tiết kiệm phù hợp với từng địa bàn.
2. Yêu cầu
– Ban Thường vụ Hội phụ nữ cấp quận/huyện, xã/phường xây dựng kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn tổ chức triển khai, theo dõi, cập nhật và quản lý hoạt động tiết kiệm.
– Các chi hội phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, sử dụng và quản lý nguồn tiết kiệm hiệu quả, minh bạch.
3. Chỉ tiêu
– 100% Chi Hội phụ nữ tổ chức hoạt động tuyên truyền vận động hội viên tham gia tiết kiệm.
– 100% chi hội phụ nữ có ít nhất 1 loại hình tiết kiệm do Hội chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý.
– Phấn đấu 80% hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm tại ít nhất 1 loại hình tiết kiệm do Hội chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý.
– Mức tiết kiệm: tối thiểu 5.000đ/hội viên/tháng. Số dư tiết kiệm vào cuối nhiệm kỳ tại các loại hình tiết kiệm do Hội chỉ đạo và quản lý đạt tối thiểu 300.000đ/hội viên.
– Kết quả tiết kiệm của các loại hình hướng dẫn trong kế hoạch này được tính như sau:
+ Tiết kiệm tại chi hội, tổ/nhóm tiết kiệm, tiết kiệm tại Ngân hàng chính sách xã hội, các chương trình, dự án của Hội: là số dư tiết kiệm vào cuối kỳ báo cáo.
+ Tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng: là số dư tiết kiệm có được trong kỳ báo cáo
II. Các loại hình tiết kiệm và nguyên tắc cơ bản
1. Đối tượng:
– Đối tượng vận động, ủng hộ và tham gia tiết kiệm: cán bộ, hội viên, phụ nữ; các cá nhân hảo tâm, tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn), cộng đồng.
– Đối tượng được vay từ nguồn tiết kiệm: hội viên, phụ nữ tại các Chi/tổ phụ nữ hoặc tại các cơ quan, tổ chức vận động tiết kiệm, ưu tiên phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.
2. Các loại hình tiết kiệm:
Là các loại tiết kiệm do Hội chỉ đạo, quản lý nhằm vận động phát huy nội lực, tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên phụ nữ và cộng đồng bao gồm: + Tiết kiệm tại các chi/tổ hội phụ nữ: hình thức và mức tiết kiệm do các Chi/tổ Hội phụ nữ vận động hội viên phụ nữ tham gia (nhưng không thấp hơn mức tiết kiệm tối thiểu 5.000đ/hội viên/tháng và số dư tiết kiệm cuối nhiệm kỳ 300.000đ/hội viên) và do cán bộ Chi/tổ Hội trực tiếp quản lý nhằm hỗ trợ phụ nữ khó khăn ngay tại chi/tổ phụ nữ đó. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo được tính vào loại hình tiết kiệm này.
+ Tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng: hình thức và mức tiết kiệm do các tổ thống nhất nhằm giúp đỡ các thành viên trong tổ/nhóm, nhưng không thấp hơn mức tiết kiệm tối thiểu 5.000đ/hội viên/tháng và số dư tiết kiệm cuối nhiệm kỳ 300.000đ/hội viên.
+ Tiết kiệm thuộc các chương trình, dự án tín dụng của Hội và Ngân hàng chính sách xã hội: hình thức tiết kiệm do NHCSXH và các chương trình, dự án của Hội quy định và quản lý.
Hội LHPN các quận/huyện, xã/phường căn cứ điều kiện thực tiễn và nhu cầu của hội viên phụ nữ triển khai loai hình tiết kiệm phù hợp, hiệu quả.
3.Nguyên tắc vận động, sử dụng và quản lý
– Việc vận động, sử dụng và quản lý nguồn tiết kiệm được thực hiện tại Chi hội hoặc tổ phụ nữ theo phương thức “tự quản”, trừ loại hình tiết kiệm thuộc NHCSXH, các chương trình, dự án tín dụng của Hội Phụ nữ thành phố đang quản lý.
– Lãi suất vận động tiết kiệm là 0%. Lãi suất cho vay hoặc khoản phí cố định cho chi phí quản lý thu vào đầu kỳ khi nhận vốn đều do chi/tổ/nhóm thống nhất quy định nhưng không cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của NHCSXH tại cùng thời điểm.
– Các loại hình tiết kiệm có quyết định thành lập của Hội LHPN xã/phường, có quy chế hoạt động và được thảo luận, thống nhất của các thành viên tham gia.
– Đối với các loại hình tiết kiệm tại chi/tổ phụ nữ, mức tiết kiệm định kỳ hàng tháng được quy định thống nhất. Khuyến khích hội viên, phụ nữ chỉ rút tiết kiệm trong trường hợp cần thiết.
– Hoạt động thu tiết kiệm, bình xét đối tượng và cho vay được thực hiện ngay tại cuộc sinh hoạt theo các loại hình tiết kiệm.
– Đối với những nguồn ủng hộ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm sẽ chuyển thành quỹ chung của Chi hội phụ nữ và chỉ sử dụng vào mục đích cho phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bất trắc trong cuộc sống vay vốn.
– Kết quả đóng góp tiết kiệm, ủng hộ, cho vay nguồn tiết kiệm phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, thống nhất, có sổ sách theo dõi, quản lý (thống nhất theo dõi theo mẫu hướng dẫn của Thành Hội).
– Các cấp Hội có trách nhiệm, kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại hình tiết kiệm, báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm với hội cấp trên.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Hội LHPN quận/huyện
– Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai; Phân công cán bộ phụ trách, hướng dẫn, theo dõi, cập nhật và quản lý hoạt động tiết kiệm.
– Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về vận động và quản lý nguồn tiết kiệm cho cán bộ Hội cấp cơ sở, cán bộ chi tổ và ban điều hành, quản lý của các tổ/nhóm tiết kiệm – tín dụng, góp vốn quay vòng.
– Hướng dẫn Hội LHPN các xã/phường ban hành Quyết định công nhận hoạt động tiết kiệm và Quy chế hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và tham khảo khung quy chế, các biểu mẫu,… do Thành Hội định hướng.
– Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thống kê, báo cáo kết quả hoạt động tiết kiệm. Đánh giá sơ, tổng kết hoạt động và nhân rộng các loại hình tiết kiệm hiệu quả. Biểu dương các loại hình, cá nhân tiêu biểu.
2. Hội LHPN cấp xã/phường:
– Tuyên truyền vận động để cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu ý nghĩa, mục đích của hoạt động tiết kiệm và tham gia loại hình tiết kiệm.
– Hướng dẫn các chi hội PN xây dựng các loại hình tiết kiệm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và nhu cầu của chị em.
– Ban hành Quyết định công nhận hoạt động tiết kiệm và phê duyệt Quy chế hoạt động của các loại hình tiết kiệm theo từng chi/tổ hội. Riêng đối với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN xã/phường thực hiện theo hướng dẫn thực hiện Quỹ của Thành Hội đã ban hành.
– Hướng dẫn cán bộ chi/ tổ/nhóm tiết kiệm ghi chép sổ sách, biểu mẫu của từng loại hình tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả.
– Kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định
Trên đây là kế hoạch triển khai hoạt động vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại chi hội nhiệm kỳ 2012-2017, đề nghị Hội Phụ nữ các quận/huyện, xã/phường tổ chức triển khai có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về Thành Hội thông qua Ban Kinh tế – Đối ngoại./.
Nơi nhận: TM. BAN THƯỜNG VỤ
– Hội LHPN các quận/huyện PHÓ CHỦ TỊCH
– BTV Hội LHPN TP (đã ký)
– Lưu: VT, Ban KTĐN Lê Thị Mỹ Hạnh