HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TP ĐÀ NẴNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN THƯỜNG VỤ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:41/KH-BTV Đà Nẵng, ngày 23 tháng 04 năm 2013
KẾ HOẠCH
Tổ chức Ngày hội “Phụ nữ, nam giới
với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng”
Căn cứ chương trình công tác năm 2013 của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, BTV Hội LHPN thành phố thống nhất tổ chức ngày hộivới chủ đề “Phụ nữ, nam giới với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng”
Để ngày hội được tổ chức thành công, BTV Hội LHPN thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể như sau:
I/ MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Nhằmtạo sân chơi bổ ích nhân ngày Gia đình Việt Nam. Qua đó, các gia đình có điều kiện được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên góp phần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội.
– Thông qua ngày hội nhằm tạo sự quan tâm, thu hút của cộng đồng, gia đình, các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình trao đổi, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất hành động hướng đến mục tiêu bình đẳng giới. Đồng thời, tạo điều kiện và cơ hội cho cán bộ Hội và cán bộ nữ gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo quản lý và hoạt động xã hội.
II/ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA
– Hội viên phụ nữ và các thành viên trong gia đình HVPN đều được đăng ký tham gia Ngày Hội theo đơn vị và địa phương mình.
– Cán bộ nữ tại các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp
– Cán bộ các cấp Hội từ thành phố đến cơ sở
– Gia đình và đồng nghiệp của cán bộ nữ và cán bộ Hội.
III/ THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM
– Thời gian: 1 ngày. Từ 6h00 – 22h00, thứ 7 ngày 22/6/2013.
– Địa điểm: Trung tâm Hội chợ triễn lãm thành phố
IV/ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
Gồm 2 nội dung hoạt động lớn:
– Các hoạt động kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6
– Các hoạt động về Phụ nữ, nam giới với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng
1/ Hoạt động kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6
1.1/ Thi tìm hiểu kiến thức gia đình
– Thành phần dự thi: Tất cả các gia đình tham dự ngày hội (Bố – mẹ – con) cùng tham gia.
– Hình thức :
+ Đoán từ qua hình ảnh
+ Tìm đáp án đúng
– Nội dung: Kiến thức xoay quanh các chủ đề về P/C tội phạm, TNXH; BĐG; P/C BLGĐ; chăm sóc SKSS…
1.2/ Giao lưu “Gia đình văn hóa – thể thao”
– Thành phần dự thi: Các gia đình tham dự ngày hội (Bố – mẹ – con)
– Nội dung thi (gồm4 hoạt động),
+ Bịt mắt đập niêu
+ Đổ nước vào chai
+ Nhảy bao bố
+ Ném bóng vào rổ
– Mỗi hoạt động có 15 gia đình tham gia (01 gia đình/đơn vị)
1.3/ Giới thiệu, trưng bày các sản phẩm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giao lưu ẩm thực
– Mỗi quận huyện Hội tham gia 2 gian hàng (1 gian hàng ẩm thực, 1 gian hàng sản phẩm); mỗi đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên tham gia 1 gian hàng thuộc các lĩnh vực trên.
– Thời gian các đơn vị thực hiện gian hàng ẩm thực trong suốt 1 ngày (từ 6h sáng đến 22h tối); trong 1 gian hàng nhiều sản phẩm được giới thiệu và bán kế tiếp nhau (không để gian hàng bỏ trống vì không có sản phẩm).
– Riêng sản phẩm ẩm thực làm tại nhà, mang đến bán tại ngày hội phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
1.4/ Đêm giao lưu, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ
– Văn nghệ: Mỗi đơn vị một tiết mục
– Thi thời trang giấy (bố – mẹ – con). Mỗi đơn vị 1 gia đình
– Thi đôi nhảy đẹp (Nam – nữ ). Mỗi đơn vị 2 đôi nhảy tham gia
– Lễ hội hóa trang “Chúng ta là của nhau” (bố – mẹ – con). Mỗi đơn vị một gia đình
– Hát múa tập thể và nhảy sạp
2/ Hoạt động Phụ nữ, nam giới với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng
2.1. Diễn đàn “Tôi kể chuyện này” (Dành cho cán bộ Nữ và cán bộ Hội các cấp)
a. Phát động cuộc thi “Tôi kể chuyện này” trong đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý; cán bộ Hội các cấp từ thành phố đến cơ sở; hội viên Hiệp hội Nữ doanh nhân, Hội Nữ trí thức…
– Nội dung: Chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về những vấn đề, sự kiện… đã và đang xảy ra trong quá trình làm lãnh đạo, quản lý hoặc những câu chuyện được cảm nhận từ những vấn đề trong cuộc sống và công việc.
– Hình thức thể hiện:Người tham gia diễn đàn có thể thể hiện bằng một hoặc một số hình thức như: Chữ viết (văn xuôi, thơ, vè, câu đối…); Hình ảnh (vẽ, chụp ảnh); Sáng tác nhạc…
Ban tổ chức sẽ chọn các bài viết, những bộ sưu tập tranh, ảnh hay, đẹp, chất lượng để trao giải và biên tập trưng bày, phát thanh tại ngày Hội.
b/ Câu chuyện phát thanh
– Ban tổ chức sẽ chọn những bài viết hay từ cuộc thi “Tôi kể chuyện này” để đưa vào chương trình phát thanh của ngày hội.
c/ Góc nhìn phụ nữ tham chính
– Ban tổ chức sẽ chọn những bài viết hay, hình ảnh đẹp, chất lượng từ cuộc thi “Tôi kể chuyện nay” để biên tập và trưng bày “Góc nhìn phụ nữ tham chính”.
2.2/ Chương trình giao lưu “Người trong cuộc”
– Giao lưu các tác giả tham gia cuộc thi “Tôi kể chuyện này”
– Giao lưu tìm hiểu kiến thức giữa các cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp thông qua hình thức Rung chuông vàng.
+ Ban tổ chức sẽ chuẩn bị các câu hỏi cho các cán bộ nữ đăng ký tham dự phần thi này.
+ Mỗi người tham gia sẽ được Ban tổ chức phát 1 bảng trắng, bút lông. Sau khi nghe câu hỏi của MC, Người tham dự sẽ ghi kết quả của mình trên bảng. Người được rung chuông vàng là người cuối cùng trả lời được các đáp án đúng nhất.
+ Nội dung: Tìm hiểu kiến thức về Bình đẳng giới, về phong trào phụ nữ, về thành phố Đà Nẵng…
2.3/ Nam giới đảm việc nhà. Phần này sẽ có 2hoạt động sau
a/ Nam giới với công việc gia đình
– BTC sẽ chuẩn bị các dụng cụ thực hiện phần thi này.
– Mỗi quận huyện Hội cử từ 2-3 nam giới tham gia phần thi.
b/ Nam giới vào bếp
– Ban tổ chức sẽ bố trí các quầy hàng bán thực phẩm, mỗi thành viên tham gia sẽ bốc thăm món ăn cần chế biến.
– Người tham gia sẽ tự lựa chọn thực phẩm với số tiền tương ứng và về địa điểm chế biến món ăn đã chọn.
Mỗi quận huyện Hội cử 5 nam giới, mỗi đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên cử 3 nam giới tham gia hoạt động Nam giới vào bếp.
2.4/ Giao lưu các mô hình CLB
Các quận huyện chọn 5 CLB và các thành viên CLB tham gia giao lưu, gồm các hoạt động sau:
– Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ
– Giao lưu giữa các CLB và gia đình
V/ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
– Tùy theo mỗi hoạt động, Ban tổ chức trao các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích hoặc các phần thưởng.
– Việc tham gia ngày hội là cơ sở để xếp loại thi đua cuối năm 2013.
VI/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1/ Hội LHPN thành phố
– Xây dựng kế hoạch tổng thể. Tranh thủ nguồn lực để tổ chức các hoạt động của ngày hội.
– Có hướng dẫn cụ thể về từng nội dung hoạt động;
– Xây dựng quy chế, thể lệ, thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo, và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động của ngày Hội.
– Giao trách nhiệm cho các Ban chuyên môn Hội LHPN thành phố:
+ Ban Gia đình Xã hội, Ban Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ Việc làm Phụ nữ phụ trách chuẩn bị các hoạt động về gia đình
+ Ban Tổ chức, Ban Chính sách Luật pháp, Ban Tuyên giáo, Văn phòng tổng hợp phụ trách chuẩn bị các hoạt động về Phụ nữ, nam giới với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng
+ Văn phòng chịu trách nhiệm về kinh phí, công tác tổ chức, hậu cần và chuẩn bị các điều kiện phục vụ theo yêu cầu của từng nội dung hoạt động.
2/ Hội LHPN quận/huyện và Hội phụ nữ các đơn vị
– Có kế hoạch cụ thể triển khai cho cơ sở tham gia ngày hội;
– Chuẩn bị mọi điều kiện để tham gia tốt các nội dung hoạt động ngày hội.
– Huy động cán bộ, HVPN và gia đình CB, HVPN tham gia tích cực
Trên đây là kế hoạch tổ chức ngày hội “Phụ nữ, nam giới với hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng”; đề nghị Hội LHPN các quận, huyện, đơn vị căn cứ kế hoạch này để triển khai thực hiện.
(Kế hoạch này thay thế cho kế hoạch số 11/KH-BTV ngày 20/02/2013)
Nơi nhận: TM. BAN THƯỜNG VỤ
– ĐCT TW Hội; CHỦ TỊCH
– Văn phòng, Ban CSLP, GĐXH TW Hội LHPN VN; (Đã ký)
– T/trực;T/vụ Hội LHPN Tp;
– Hội LHPN quận huyện; đơn vị TT
– Ban TG- NC LĐLĐ TP;
– Các đơn vị thành viên
– Lưu VT. Đỗ Thị Kim Lĩnh