Để tăng khả năng tìm được công việc phù hợp, bạn cần thực hiện 6 bước sau đây
1. Xác định mục đích làm việc:
Mục đích làm việc sẽ cho bạn biết mình cần bắt đầu bước đi từ đâu và nên đi như thế nào để khỏi mất công sức và thời gian cho những việc làm không cần thiết, tránh lâm vào trạng thái bất ổn trong công việc do đứng núi này trông núi nọ. Mục đích làm việc thường gồm:
– Làm việc để kiếm tiền nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
– Làm việc để thực hành kỹ năng nghề và trau dồi kinh nghiệm chuyên môn.
– Làm việc để mở rộng môi trường giao tiếp, xác lập vị trí của mình trong xã hội…
2. Phân tích trình độ và sở thích bản thân: đây là lúc bạn tự khám phá bản thân, tìm hiểu điểm mạnh, yếu và khả năng thích ứng của mình đối với công việc. Trên cơ sở đó mà bạn lựa chọn công việc phù hợp.
3. Tìm kiếm thông tin việc làm:
Bạn cần chịu khó trong khi tìm kiếm việc làm mặc dù cơ hội có mỏng manh đến đâu đi nữa, vì nó có thể sẽ rất có ích trong tương lai của bạn. Đối với Trung tâm DVVL Phụ nữ, bạn cần tích cực liên hệ bởi các Doanh nghiệp gởi thông báo tuyển dụng cho Trung tâm thường xuyên hàng ngày, làm vậy bạn sẽ tìm được nhiều cơ hội cho mình.
4. Chuẩn bị hồ sơ xin việc: Chuẩn bị tốt bộ hồ sơ xin việc là hết sức cần thiết. Nhiều khi bạn có khả năng đáp ứng yêu cầu nhưng cơ hội không đến vì hồ sơ đã bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Để hồ sơ xin việc ít bị loại, cần chú ý :
– Có thư giới thiệu kèm theo.
– Đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu, được viết và giữ gìn cẩn thận.
– Đơn xin việc phải gây ấn tượng, nên đánh máy hoặc viết tay để làm rõ những điều muốn trình bày (do mẫu bán sẵn rất sơ sài). Nếu đơn đánh vi tính cần chọn khổ giấy A4, không chọn quá nhiều cỡ chữ, kiểu chữ. Đơn không có lỗi chính tả, câu văn ngắn gọn, rõ ràng, các đoạn văn phải ngắt xuống dòng.
Trong đơn nên giới thiệu về những khả năng, những kinh nghiệm của bạn, đừng quên làm nổi bật các ưu thế của bạn từ quá trình đào tạo hay làm việc trước đó và trình bày các phẩm chất của mình một cách khéo léo. Cuối đơn hãy cam kết về sự phục vụ của bạn và chứng tỏ rằng điều đó có lợi cho đơn vị tuyển dụng.
5. Khi gặp gỡ nhà tuyển dụng và tham dự phỏng vấn, cần:
– Dự kiến những câu hỏi của nhà tuyển dụng, chuẩn bị sẵn những câu trả lời. Những điều người tuyển dụng muốn biết thường là vì sao bạn đến chỗ họ, bạn có thể làm được gì cho họ, bạn là người như thế nào, liệu có hòa hợp với họ không…
– Trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, đầu tóc gọn gàng. Không trang điểm lòe loẹt, xức nhiều nước hoa, đeo quá nhiều trang sức. Tinh thần sảng khoái, tự tin, bình tĩnh.
– Chào hỏi lịch sự, xưng hô tùy theo tuổi tác; mỉm cười, tỏ ra chân thành và nhiệt tình; nét mặt thoải mái, tự tin; trả lời rành mạch, rõ ràng; ngồi thẳng và đối diện người phỏng vấn, không nhấp nhổm; không nên nói xấu về nơi làm việc trước đây…
-Kết thúc phỏng vấn: hãy cảm ơn người phỏng vấn một cách chân thành, chào vui vẻ và hẹn gặp lại. Vào phút cuối cùng bạn vẫn nên để lại một ấn tượng tốt đẹp.
6. Theo dõi kết quả xin việc: để tránh tình trạng đáng tiếc khi thông tin bạn được tiếp nhận đến muộn, hoặc khi những ứng viên có vị thế cao hơn bạn từ chối công việc mà bạn không biết. Nếu bạn không được tiếp nhận ư? Xin đừng nản chí, hãy rút ra bài học và bước tiếp, bạn sẽ có cơ hội hoàn thiện lần sau. Với tư thế chủ động, bạn sẽ là người chiến thắng!
Chúc bạn thành công!