Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ BCV đồng thời để có cơ sở xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn triển khai dự án “Ứng dụng các công cụ kỹ thuật, bằng chúng và sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình thực thi các Luật và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành ở khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2013-2015, hợp phần Việt Nam” tại TP Đà Nẵng; vừa qua, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức khóa tập huấn “Kỹ năng ứng dụng bộ công cụ SASA vào hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” cho đội ngũ BCV Hội LHPN TP và 3 xã, phường được hưởng thụ từ Dự án: Hòa Cường Bắc, Hòa Khương và Hòa Phong.
Lớp tập huấn diễn ra trong 4 ngày do bà Robyn Yaker, Giảng viên cao cấp của UNWOMEN trực tiếp giảng dạy, tập trung đến 5 nội dung: khái niệm SASA, nội dung SASA, Chiến lược, cấu trúc SASA và Bộ công cụ SASA. SASA là phương pháp huy động cộng đồng trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (tên viết tắt của 4 giai đoạn trong Tiếng Anh: giai đoạn bắt đầu START; giai đoạn nhận thức AWARENESS; Giai đoạn hỗ trợ SUPPORT; Giai đoạn hành động ACTION). Một trong những nội dung quan trọng của SASA đó là phương pháp tiếp cận dựa vào lợi ích huy động tất cả quyền lực hay sức mạnh, bao gồm: sức mạnh tự thân (nội lực), sức mạnh áp đặt lên người khác; sức mạnh đoàn kết và sức mạnh để hành động. Ngoài ra, để tiếp cận thực hiện 4 giai đoạn SASA, tương ứng với mỗi giai đoạn có các chiến lược khác nhau, phù hợp: Các hoạt động/phong trào địa phương; Truyền thông và vận động chính sách; Các tài liệu truyền thông và Tập huấn.
Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức và các nội dung liên quan đến việc ứng dụng bộ công cụ SASA, Giảng viên và học viên còn có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, thực hành đóng vai nhằm giúp Học viên có cách nhìn tổng quát, dễ nhớ, dễ ứng dụng vào thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở địa phương./.
Mỹ Hạnh