Dự án "Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu" của TP Đà Nẵng rất vinh dự được nhận giải thưởng sáng kiến tại Hội nghị biến đổi khí hậu (COP20) của Liên hiệp quốc được tổ chức tại Lima (Peru) vào đầu tháng 12-2014.
Dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố Đà Nẵng có khả năng chống chịu” là một tiểu dự án của chương trình Mạng lướicác thành phố Châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Quỹ Rockefelle- Hoa Kỳ tài trợ thông viện chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET). Hội LHPN thành phố Đà Nẵng là đối tác chính thực hiện dự án. Với mục tiêu là tăng cường khả năng chống chịu của các xã, phường và quận, huyện dễ bị tổn thương ở TP Đà Nẵng thông qua việc lập nên một quỹ tín dụng quay vòng để xây dựng, sửa chữa nhà ở chống bão; nâng cao kiến thức và năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ Đà Nẵng để đóng vai trò hỗ trợ và xúc tác cho khả năng chống chịu với BĐKH ở Đà Nẵng, thực hiện các hoạt động liên quan đến thích ứng với BĐKH và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM), và hỗ trợ các hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với BĐKH và chuẩn bị ứng phó với thiên tai.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, dự án đạt được những kết quả từ việc nâng cao năng lực đến hỗ trợ tín dụng để làm nhà chống bão. Tính đến nay, Hội đã thực hiện 12 cuộc hội thảo, hội thi, diễn đàn, hội nghị, 52 lớp tập huấn về các kiến thức BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ hội, nhóm trưởng, nhóm phó nhóm TDTK và cộng đồng tại 8 xã, phường mà dự án đã triển khai và hỗ trợ vốn cho 340 hộ, trong đó, nguồn vốn của dự án: 5 tỷ 100 triệu đồng; nguồn quay vòng: 2 tỷ 145 triệu đồng; nguồn dự án hỗ trợ không hoàn lại: 100 triệu đồng (20 hộ x 5 triệu).
Mỗi hộ dân được hưởng thụ dự án đều được thẩm định, tư vấn, thiết kế miễn phí phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, nhu cầu thẩm mỹ của từng căn hộ mà vẫn đảm bảo yếu tố kỹ thuật.
Dự án có một ý nghĩa rất nhân văn, giúp các hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình, mỗi khi mùa mưa bão đến họ không còn nổi lo sợ hãi cho nhà cửa, gia đình mà đổi lại họ được yên tâm làm ăn cải thiện cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp, nâng cao kiến thức cho người dân và giúp họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực về biến đổi khí hậu.
Mô hình nhà chống bão không có mẫu nhà chung nào nhưng đều có một đặc tính kỹ thuật chung đó là cần phải chú trọng đến 3 yếu tố kỹ thuật (phần móng, phần thân, phần mái). 3 yếu tố kỹ thuật có sự gắn kết từ tải trọng ngôi nhà cho đến phần liên kết giữa phần tường ngang và tường dọc cho đến phần mái đều được giằng liên kết đồng thời có nơi chỗ trú ẩn an toàn khi có bão xảy ra và có thể phòng ngừa khi có lụt.
Qua cơn bão Nari năm 2013, những ngôi nhà được dự án hỗ trợ không bị thiệt hại, những ngôi nhà này rất an toàn, người dân an tâm ở trong ngôi nhà của mình khi cơn bão xảy ra.
Từ những thành công trên, ngày 25/11/2014, dự án "Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu" của TP Đà Nẵng đã lọt vào nhóm 12 dự án nổi bật nhất dành được giải sáng kiến của năm 2014 trong khuôn khổ cuộc thi “Thúc đẩy sự thay đổi” tại Bon (Đức). Dự án sẽ chia sẻ và nhận giải thưởng sáng kiến tại Hội nghị biến đổi khí hậu (COP20) của LHQ được tổ chức tại Lima (Peru) vào đầu tháng 12-2014.
Để đạt được giải thưởng đầy ý nghĩa này là nhờ nhà tài trợ (ISET) đã rất tích cực hỗ trợ cho Hội trong quá trình triển khai dự án, từ hỗ trợ kỹ thuật đến kinh phí hoạt động; sự nhiệt tình của các đối tác hỗ trợ kỹ thuật của các hợp phần; tinh thần trách nhiệm của Hội phụ nữ các cấp và các nhóm TDTK trong công tác quản lý Dự án, cũng như sát cánh cùng hộ dân trong suốt quá trình vay vốn, để kịp thời có sự hỗ trợ cần thiết khi hộ dân gặp phải những khó khăn trong quá trình trả nợ vay, đảm bảo thực hiện Dự án đúng quy chế đề ra./.
Phương Dung