Giải pháp để khi bước vào nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố và các xã của Đà Nẵng đạt tỷ lệ trên 35%; tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 phải từ 25% trở lên.
Sự tham gia ngày càng sâu sắc hơn của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo mà lâu nay thường nam giới đảm nhiệm… Đây là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu nêu lên và tập trung bàn thảo sôi nổi trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, do Thành ủy tổ chức sáng 13-11.
Không khó để nhận thấy, trong số những thành quả lớn về thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới của Đà Nẵng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp luôn được chú trọng. So với nhiệm kỳ 2005-2010, nhiệm kỳ 2010-2015 tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch tham gia cấp ủy toàn thành phố chiếm 23,3%. Hiện thành phố đã hoàn thành quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt các cấp thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Để làm được điều này, từ năm 2006 đến năm 2010 thành phố đã đưa 167 cán bộ nữ trong tổng số 372 cán bộ đào tạo sau đại học đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước và lý luận chính trị.
Công tác bố trí, bổ nhiệm cán bộ nữ các cấp, các ngành, nhất là trước khi chuẩn bị nhân sự HĐND, UBND và đại hội Đảng các cấp được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo, rà soát bổ sung trong quá trình quy hoạch. Trong đó, bố trí cán bộ nữ tham gia các cấp, các ngành bảo đảm số lượng và chất lượng là mục tiêu ưu tiên. Thời gian gần đây, số phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, đại biểu HĐND, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo UBND các cấp, lãnh đạo ngành và các tổ chức chính trị-xã hội có xu hướng tăng.
Tín hiệu đáng mừng nữa là trong số cán bộ thuộc diện nguồn nhân lực chất lượng cao toàn thành phố, số lượng cán bộ nữ tham gia đăng ký và được chấp nhận chiếm tỷ lệ gần 67%. Trong quá trình công tác sau đào tạo trong và ngoài nước, 48% nữ cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt các vị trí lãnh đạo trong cơ quan. Gần đây nhất, khi Sở Nội vụ đánh giá năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc khối chính quyền thì có 56% tỷ lệ nữ đạt loại tốt trở lên; trong số 3% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì tỷ lệ nữ giới chiếm đa số. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng, khẳng định sự chủ động, nỗ lực vươn lên của phụ nữ làm chủ tri thức, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng chính quyền, xây dựng Đà Nẵng phát triển năng động hơn.
Tuy nhiên, đánh giá trên nhiều phương diện, khả năng tham chính của nữ giới trên địa bàn thành phố bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt là sự vươn lên, thể hiện năng lực sắc bén, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành công tác, bản lĩnh chính trị, tầm ảnh hưởng của nữ giới vẫn chưa cao. Có đơn vị, nữ giới có rất nhiều đóng góp quan trọng và nổi bật trong công việc nhưng bản thân họ vẫn âm thầm, lặng lẽ, chưa thể hiện đúng mức. Nguyên nhân phần lớn vẫn là do rào cản tâm lý, văn hóa truyền thống và những yếu tố gia đình, xã hội tạo nên. Trong quá trình công tác, không ít phụ nữ còn tư tưởng an phận, chưa quyết tâm cao và nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong việc tham gia vào các cương vị lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, một số cấp ủy chưa tập trung quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác cán bộ nữ.
Để bảo đảm mục tiêu đã đề cập ở trên, giải pháp cơ bản nhất cần được tổ chức quán triệt là từng cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo việc xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể cán bộ lãnh đạo, quản lý cán bộ các cấp đến năm 2020. Trong công tác bố trí, luân chuyển cán bộ phải quan tâm đến cán bộ nữ. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo cán bộ, nhất thiết phải bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị, quản lý Nhà nước từ 30% trở lên.
Song song đó, công tác phát triển đảng viên nữ phải được coi trọng đúng mức và chú trọng phân công, bố trí những công việc, phần việc để có điều kiện thể hiện và phấn đấu trưởng thành. Trong bối cảnh đó, vai trò dẫn dắt, động viên, tập hợp, cổ vũ và đề xuất những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đóng vai trò rất quan trọng. Riêng đối với từng phụ nữ, năng lực làm chủ kiến thức, bản lĩnh chính trị, năng động trong điều hành, lãnh đạo và có ý chí quyết tâm trưởng thành chính là những yếu tố cần thiết để họ được tiếp tục chú ý, quan tâm, dìu dắt. Điều đặc biệt, để có thể tham chính, trở thành những cán bộ lãnh đạo uy tín, từng phụ nữ cần sự sẻ chia và phấn đấu vượt lên những khó khăn trong quá trình thực hiện thiên chức của mình trong gia đình để đảm đương tốt vai trò trong xã hội.
Diệu Minh
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)