Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, chủ cơ sở là một trong những phụ nữ tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng vừa được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Có được thành quả này là cả một quá trình phấn đấu vươn lên thoát nghèo của chị Tâm với nghề làm hương mang thương hiệu “Tịnh Quang”.
Trước đây, gia đình chị là hộ nghèo của phường, khi chồng mất sớm chị phải bươn chải làm đủ việc bằng lao động chân tay để có tiền nuôi dạy 5 con. Năm 2005, chị được hội phụ nữ phường tạo điều kiện cho vay 3 triệu đồng, với số tiền này chị mua hương hàng ngày đi bán tại các chợ. Từ những đồng vốn ban đầu ấy, chị đã dành dụm, chắt chiu có một số tiền lớn hơn và quyết định mua một máy làm hương quay bằng tay để tự sản xuất. Với nam giới, công việc này đã là vất vả thì với chị càng vất vả hơn, nhưng với ý chí và nghị lực của một phụ nữ không chấp nhận "cái nghèo", chị đã vươn lên, vượt qua những vất vả. "Trời không phụ người" và chị đã thành công khi tích luỹ được kinh nghiệm để làm ra những que hương có mùi thơm riêng, cháy lâu, tạo được uy tín với các đại lý tiêu thụ.
Chị Thu Tâm tham gia diễn đàn giao lưu tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo và vinh danh phụ nữ tiêu biểu do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức tháng 10/2013
Công việc làm ăn thuận lợi, chị đã mở rộng đầu tư trang bị thêm 15 máy làm hương đạp bằng chân và tìm kiếm thêm lao động trợ giúp. Điều quan trọng và có tính quyết định trong sản xuất chính là việc chị luôn chú trọng tìm tòi để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, thậm chí không quản ngại đường sá xa xôi vào tận thành phố Hồ Chí Minh để học tập kinh nghiệm của các cơ sở làm hương lớn. Từ đó, tạo ra một đặc trưng riêng của sản phẩm, để rồi sức lan tỏa sản phẩm hương của cơ sở Tịnh Quang không chỉ ở thành phố Đà Nẵng mà đã có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện tại xưởng có 20 lao động, trong đó đa phần là chị em hoàn cảnh khó khăn được chị dạy nghề. Những công nhân này có mức thu nhập ổn định từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/ tháng. Để góp phần giảm đi sự vất vả trong quá trình lao động, đồng thời để tăng năng suất, đáp ứng những đơn hàng lớn, chị đã đầu tư các máy làm hương chạy bằng điện thay thế những máy thủ công trước đây và chị đã chuyển 15 máy làm hương đạp bằng chân về cho các hộ gia đình nghèo để họ tự sản xuất và chị sẽ mua lại sản phẩm. Bên cạnh làm hương, cơ sở đang đẩy mạnh sản xuất mặt hàng hương trầm để đáp ứng thị trường. Chị chia sẻ; để thoát nghèo bền vững, ngoài sự giúp đỡ của các hội chính quyền đoàn thể thì bản thân mình phải có sự quyết tâm và năng động trong việc nắm bắt những nhu cầu của thị trường.
Với phụ nữ địa phương, chị thật sự là gương sáng về ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hoà An, quận Cẩm Lệ cho biết: đi lên từ hai bàn tay trắng nên chị Tâm luôn quan tâm chia sẻ giúp đỡ những chị em trong hội có cùng hoàn cảnh thông qua việc tạo công ăn việc làm. Ngoài ra chị còn tham gia tích cực các hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo ở phường có điều kiện đến trường.
Hiện, dù đã bước sang tuổi 56 nhưng ở chị Tâm vẫn hăng say lao động không những cho gia đình mình mà cho chính những người xung quanh. Chị cho biết thời gian tới chị có dự định vận động những gia đình sản xuất hương của phường thành một câu lạc bộ sản xuất để có thể huy động nhiều nguồn lực mở rộng sản xuất qua đó giải quyết việc thêm nhiều cho chị em nghèo./.
Đỗ Trưởng