Tôi nhận ra điều đó sau khi gặp chị.
Chị thấp và mập, khuôn mặt ưa nhìn nhưng luôn bịt kín khăn. Đón tôi và chị Phan Thị Mai Vân, Chủ tịch Hội phụ nữ Hòa Khương vào trang trại, chị đứng trước cửa nhà, mặt kín khăn để đi luôn!
Chị Trần Thị Hà, đọc diễn văn khai mạc đêm văn nghệ chào mừng
Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Đường vào trang trại của chị qua xóm nhỏ, nghĩa địa, ngoằn ngoèo, độc ổ trâu ổ nghé, có khi đi giữa vườn bạch đàn. Tôi đang lo khi về sẽ tối thì xe triềng đảo, lốp bẹp dí. Đẩy được mươi mét mồ hôi túa ra, phải để xe giữa rừng bạch đàn rồi lên xe chị Vân. Chị Vân nói: Lạ thiệt! một ngày không biết mấy lần vào ra đường này cộng mấy chuyến hộc tốc đi lấy nước cơm dưới phố, cả trăm km, vậy mà bà ấy cứ tròn trùi trụi!
Tôi không bất ngờ lắm vì trước khi đi, tôi đã được nghe qua sơ yếu lý lịch nhân vật: Trần Thị Hà, 48 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Phú Sơn 2, xã Hòa Khương; Có 1 chồng, 4 con trai; Chủ 3 lò gạch với 45 công nhân kiêm chủ: 1 trang trại có 50 con heo, 4 ao cá có diện tích mặt nước 12 sào, 12 ha rừng, 1 xe vận tải nhỏ hiệu Hoa Mai để “gọi đâu có đó”, 1 xe công nông chỉ chạy trên con đường dài 30m chở gạch mộc từ máy cắt sang sân phơi, 1 di động có số thuê bao là 0905145112. Tôi còn được trang bị thêm một túi cẩm nang như cẩm nang Gia Cát Lượng soạn cho Lưu Bị trước khi sang Đông Ngô lấy vợ: chị rất bận, trước khi đi phải gọi điện! Thế nhưng cẩm nang này chỉ hiệu nghiệm khi chị… đứng! Ba lần tôi gọi chị là ba lần nhạc chuông đổ mải miết rồi dòng chữ hiện lên màn hình: không trả lời! Sau đó chị gọi lại nói đang chạy không nghe, giờ dừng xe mới biết chị gọi! Rồi khi gặp nhau chị mới nói thêm: suốt ngày trên xe, chạy khắp!
Không biết bình thường thì bận như thế nào nhưng đón tôi và Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hòa Khương, cấp trên trực tiếp của chị ở ngay trước nhà với mặt kín khăn, nụ cười qua đôi mắt long lánh, bên chiếc xe máy có hai cái khung thồ hàng to bè! Thế rồi lên trang trại, một lời mời vào nhà lấy lệ cũng không!
Chị nói mỗi ngày về phố 5 lần, lấy nước cơm từ đường Hoàng Diệu sang Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ. Hòa Khương là xã giáp ranh huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Có nghĩa hàng ngày chị từ miền tây thành phố, xuyên qua nghĩa địa, làng xóm và nhiều con đường xanh sạch đẹp, đến miền đông thành phố để lấy… nước cơm! Mỗi ngày 45 thùng, mỗi chuyến 9 thùng. Nếu bận, phải giảm chuyến đi xe máy mà thay vào đó bằng một chuyến ô tô do chồng lái. Cùng đi nhưng “hồn ai nấy giữ”: chồng đi ô tô, vợ đi xe máy để vào từng hẻm lấy chở ra ô tô!
– Một thùng 5 ngàn, xăng xe, củi lửa, mỗi ngày là 300 ngàn. Rẻ hơn ăn cám lại không thuốc tăng trọng, là thịt heo sạch. Người dồn nước cơm có tiền lại sạch môi trường – Chị nói tính kỹ lắm. Chuyến từ 2 đến 4 giờ sáng và 4 đến 6 giờ rưỡi. Chuyến buổi trưa là 11 giờ, khi công nhân lò gạch nghỉ. 2 giờ chiều, sắp đặt việc xong làm một chuyến nữa. Chuyến cuối là sau bữa tối, từ 7-9 giờ.
Tôi hỏi sao phải chọn giờ Ngọ cho nắng dội? Chị bảo lúc công nhân làm mình phải có mặt để họ cần gì thì hỗ trợ chớ khoán rồi, cả sản lượng và chất lượng, đi thì họ phải đợi, mất thời gian là mất tiền công của họ!
Tôi e rằng chị làm mất thẩm mỹ những con đường xanh sạch đẹp của thành phố thì chị nói: đâu có, đậy kín, như chở sơn thôi! Không kín lỡ nghiêng xe đổ đã uổng mà còn mất công hốt dọn nữa. Đường nhựa xe chạy rầm rầm, vô trang trại thì vậy đó. Nắng còn sướng, mưa mới cực, sình lầy, vòng qua vòng lại mấy vũng nước như đánh võng, xe nghiêng, xìa miết!
Tôi nghĩ chiếc xe đang nằm ngoài rừng bạch đàn mà thấy… sướng!
Chị Hà nói: tui có một chuyến lúc 2 giờ sáng chớ mọi người đều đi 4 giờ. Riêng thôn Phú Sơn 2 đã mấy chục người, 4 giờ sáng đi như đổ quân về thành phố, vui lắm. 2 giờ sáng đi một mình không sợ sao? Tôi hỏi. Chị nói: không, hẹn với ông Trung phó thôn, 2 giờ sáng ổng nháy máy, gặp nhau ngoài đường rồi cùng đi. Không tính đường đi trong hẻm, vô trang trại, không tính việc hội phụ nữ thì mỗi ngày tui đã đi 200km, mỗi ngày 2 lần tấp vô cây xăng, đổ đầy bình mới thôi!
Một anh đang đun nồi nước cơm to như nồi bánh chưng xóm nói: công nhân môi trường tự nguyện đó, thứ nước cơm ni không cho heo ăn thì chỉ mau hư cống, vừa chua vừa hôi.
Trong chuồng chừng 50 con, cả heo nái lẫn heo bột. Chị nói cao điểm là 70 con. Chị nói nhờ ở xa khu dân cư và kỹ lưỡng từ đun nấu, cấm kỵ heo rọ ngoài vào nên trong khi dịch tai xanh hoành hành, nhiều người điêu đứng vì chuồng trại trống rỗng thì đàn heo nhà chị vẫn phơi phới!
Heo phơi phới thì mấy ao cá quẫy động nước, hoa mướp vàng ươm, bầu bí lủng lẳng!
Chúng tôi theo chị ra lò gạch. Trên sân phơi người cào đống than, người phủ bạt che mưa. Cạnh lò đầu tiên gần chục người xúm xít bên mấy nồi bốc khói, xắt thịt, rửa rau. Chị Vân hỏi chị Hà: lễ gác cuốc à? Tôi ngạc nhiên: sao lại gác cuốc? Chị Hà nói vào mùa mưa lò nghỉ một tháng, trước khi nghỉ làm một bữa liên hoan. Nói là gác cuốc nhưng thực ra là chuyển sang trồng rừng cho nên cũng gọi là lễ lên rừng.
Chị đang xắt thịt dừng tay chỉ chị cao gầy đang đảo nồi giả cầy thơm nức: đó là chị Lang, tổ trưởng tổ vào ra, anh đang giã tỏi ớt là Minh, tổ trưởng tổ nhồi nặn. Chị kia là cây dân ca của lò gạch…
Chị Hà nói “tổ vào ra” là tổ chị em, chuyên gánh gạch vào lò đun rồi gánh gạch chín ra. Còn “tổ nhồi nặn” của đàn ông, chuyên nhồi đất và cho vào khuôn cắt! Cây dân ca là chị Hoa, đơn thân, con gái học 12, học giỏi. Chị Hoa hát rất hay, thi ở huyện, thành phố luôn có giải cao.
Tôi hỏi chị xắt thịt chồng làm gì thì chị chỉ về nghĩa địa nói “ổng đi củi”!
Chị Vân nói chồng chị ấy mất rồi. Lò gạch có 20 nữ, đều là đơn thân nuôi con. Người chồng chết, người nhỡ thì kiếm chút con để tựa lúc già.
Chị Hà chỉ một người đàn bà nhỏ thó đang dồn mớ than vụn nói: chị Lý lấy chồng đi bộ đội về, đứa con bị chất độc da cam, ngồi một chỗ, rồi ông chồng bỏ đi mất tăm.
Chị Lý thua tôi 8 tuổi nhưng vẫn một hai xưng chị với tôi. Chị kể làm gì thì làm cứ đến bữa là phải chạy về cho con ăn. Bà con cô bác khuyên kiếm thêm con để sau này em nuôi anh. Vậy là chị chịu cực một tay làm nuôi ba miệng ăn. Đứa con bị chất độc da cam đã 21 tuổi, nặng hơn 50 ký nhưng chị vẫn phải bồng, làm từ việc vệ sinh nhỏ đến vệ sinh lớn cho nó.
Cùng tôi đi qua ba lò gạch chị Hà nói: năm 2009 than 300 ngàn/tấn, nay 900, đất 45 ngàn/m3, nay 60, củi 180 ngàn/m3, nay 240. Đất cát núi cần nặng lửa gạch mới chắc nên tốn than lắm. Gạch của chị không có chữ nhưng có uy tín, các đại lý mua hết nhưng do đầu vào gì cũng đội lên, làm tay thì công ăn nhiều, 3 lò vôi trừ vốn trừ công còn 9 triệu một tháng. Lên tuy-nen cần 5 tỉ mà mình vơ cào tất tật may ra mới được 1 tỉ. Thôi, gắng thời gian nữa để giải quyết việc làm cho anh chị em chớ vợ chồng đang tính chuyển sang chăn nuôi. Mình có mặt bằng tốt, được đầu tư vốn giống, kỹ thuật, nuôi nhiều mới giải quyết việc làm cho mọi người được. Họ theo mình gần hai mươi năm nay, khốn khó có nhau. Hồi mới dựng lò chưa bán được gạch, nợ tiền công nhưng anh em vẫn làm. Nay lớn tuổi cả, không làm gì được nữa, nhiều người không biết đi xe máy, lấy nước cơm dưới phố quá xa, nuôi ở nhà mà gặp đợt dịch tai xanh như vừa rồi thì chết nữa. Chị Lý thì công ngày tiền triệu mà làm xa cũng bỏ, ai bồng đứa con 50 ký cho mà đi!
*
Chị Phan Thị Mai Vân nói: hội phụ nữ ở nông thôn cũng rất nhiều việc. Thu lãi vay hộ nghèo, sinh đẻ kế hoạch, chống bạo lực gia đình, thu gom sách cũ tặng học sinh nghèo, tổ chức 8/3, 20/10, 1/6, trung thu, hũ gạo tình thương, góp vốn quay vòng, phổ biến kiến thức mẹ, sức khỏe con, bình đẳng giới… Chưa kể mấy vụ không thuộc dạng “mùa màng” như hòa giải. Mấy ông hay uống rượu sau ngày cày cuốc nhưng vào vài li là ưa cằn nhằn.
Chị Hà nói: Hòa giải nhiều lắm. Đi hòa giải cũng phân nhau, người nói với chồng, người nói với vợ, lấy dẫn chứng từ mình, từ mọi người xung quanh, mọi người đều hiểu ra, không có vụ nào phải lên xã, không có vụ nào phải li dị. Rồi vận động chị em sinh hoạt. Chi hội có 280 hội viên, cày cuốc giỏi chớ hội họp thụ động lắm. Tui nói 100 tuổi vẫn là phụ nữ, không phân biệt già trẻ, cứ tự tin đi. Động viên chị em nhưng trước hết là phải sát chị em, người nào cực nhất người nào cực nhì, biết để giúp đỡ hỗ trợ. Mỗi lần lũ lụt, hỗ trợ về cứ theo đó mà cấp phát, hộ nào trước, hộ nào sau, cán bộ hội phải sau cùng. Gia đình sao thì tập thể vậy, mình không vững thì tập thể lệch. Hồi đầu thì phải vận động nhiều chớ giờ vào nếp rồi, hô một cái là các tổ hưởng ứng. Văn nghệ tham gia, hiến máu nhân đạo cũng tham gia. Hơn 40 tuổi cũng xung phong đi hiến máu, xuống tận thành phố, vui lắm.
Chị nói làm cán bộ hội cần nhiệt tình, nhiều khi phải liều một chút. Như đêm văn nghệ chào mừng Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và gây quỹ chi hội vừa rồi cũng vậy. Thiếu một người múa phụ họa, bà Trần Thị Màn đã 52 tuổi nhưng vẫn xung phong. Ngày gặt cấy, tối tập múa, cả tháng ròng. Sắp đến ngày diễn thì má tui mất. Tui lo ma chay cho má mà cứ nghĩ công sức chị em tập cả tháng trời. Thôi, làm kẻo uổng công. Chưa mở cửa mả cho mẹ nhưng tui lên đọc khai mạc đêm diễn rồi giao chị em. Một khán giả tặng quỹ 1 triệu cũng nhờ chị chi hội phó nhận và cảm ơn. Buổi biểu diễn văn nghệ được 9 triệu luôn!
Chiếc xe tải hiệu Hoa Mai chạy vào, người lái xe chắc đậm như lực sĩ bước xuống. Chị Hà giới thiệu đó là anh Đinh Ngọc Dũng, chồng chị.
Anh Dũng nói việc nhà đầy nhưng vợ có sức gánh việc phụ nữ thì ủng hộ. Lao động cực thân, để bà ấy làm việc hội cho vui.
Chị Hà nói: Bốn đứa con trai nhưng hai đứa đầu đều học công nghệ thông tin. Một đứa ra trường đi làm ở Vinh, một đứa đang học. Hai đứa nhỏ đang học phổ thông, việc trang trại, lò gạch chỉ có 2 vợ chồng với nhau. Tui đi chợ về là vất lên bàn, mấy thằng con hoặc ảnh nấu. Ngày 8/3, 20/10 hay 1/6, trung thu thì đi mút chỉ.
– Tui thả cho đi thoải mái! Anh Dũng nói.
Chị Hà nói: làm hội phụ nữ 10 năm rồi, 3 năm làm tổ, 7 năm làm chi. Nhiệm kỳ vừa rồi tưởng được nghĩ mà mọi người cứ bầu.
Chị Vân kèm cặp người kế nhiệm mấy năm nữa rồi mới tính chuyện nghỉ!
Anh Dũng nói: Nghỉ làm chi. Chạy suốt ngày mà cứ mập trùi trụi, nghỉ để lăn à?
Mọi người cười. Anh Dũng cũng cười: Đời có nhiều cái hay lắm. Năm 2005 tui đau nặng. Đã quây màn chuẩn bị làm đám rồi tự nhiên tỉnh lại. Tôi lên đây, sắm xe chở gạch bỏ đại lý. Càng làm càng khỏe.
Lễ gác cuốc được dọn giữa sân, khi rừng bạch đàn đã tím thẫm. Anh Dũng nâng ly mời mọi người. Mọi người cụng ly: chuẩn bị lên rừng.
Sau màn chào hỏi, mọi người đề nghị chị Hoa hát. Chị nói: điệu xuân nữ “Người Hòa Vang” nghe. Mọi người vỗ tay.
Chị Hoa hát ngay nhưng quay lưng lại mâm cơm, hướng mặt về phía núi mà hát. Giọng chị ngọt, ấm nhưng hơi nhỏ, giữa trảng đồi hoàng hôn gió cứ man mác. Giá có míc thì tuyệt.
Chị Hà nói: chị em nghèo cả, tui cũng vậy. Giấy xin phép mở lò năm 1995 tui còn giữ, vốn có 25 triệu. Nay khá hơn chút nhưng phải tính hướng làm ăn mới mà mọi người vẫn có việc. Có người mới có ta mà.
Tôi nhìn những gương mặt rạng rỡ giữa núi đồi đã buông màn đêm. Thật tuyệt khi mai đây, thay cho lò gach là chuồng trại và những người trong mâm cơm này tiếp tục bên nhau.
Nguyễn Thị Thu Sương