Đàn ông làm chồng là lẽ đương nhiên. Phụ nữ “làm chồng” là điều không chị em nào mong muốn, nhưng số phận không may đã đặt lên vai họ một lúc ba gánh nặng: làm chồng, làm mẹ, làm cha.
Có chồng cũng như không
Ở tổ 16, phường Thạch Thang, quận Hải Châu không ai không biết đến hoàn cảnh éo le của mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh. Không may lấy phải người chồng bội bạc, thích rượu chè chẳng lo chuyện làm ăn, mọi gánh nặng gia đình đều đặt lên đôi vai bé nhỏ của chị. Thời điểm từ năm 1995 đến 2005 là giai đoạn khó khăn tột cùng của 3 mẹ con người phụ nữ ấy. Ly dị chồng, một nách 2 con nhỏ, trong tay không một xu dính túi, bản thân lại mắc phải căn bệnh quái ác.
Những lúc túng quẫn, chị đã nghĩ đến việc gửi 2 đứa con vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, còn bản thân sẽ quy y cửa Phật. Nhưng rồi, tình thương con đã tiếp thêm cho chị nghị lực đứng lên gầy dựng lại cuộc sống. Để kiếm tiền nuôi con, một lúc chị phải kiêm nhiều công việc: 2 giờ sáng đã dậy đi chở nước mã về nuôi heo, ban ngày đi bán vé số dạo, dọn nhà thuê cho người ta, tối về lại tranh thủ đi móc bọc. Quần quật làm từ sáng đến tối cũng chỉ đủ 3 miệng ăn. Khổ cực là vậy nhưng trong suy nghĩ của người phụ nữ ấy luôn thường trực quyết tâm: Phải cho hai con ăn học đến cùng.
Một hoàn cảnh éo le không kém là chị Trần Thị Hà ở tổ 7, phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Chồng chị không may bị tai nạn mất lúc 2 đứa con còn chập chững tập đi. Ròng rã 18 năm trời chị gắn mình với gánh bún nhỏ bên góc đường Nguyễn Du. Chị bảo, dường như cái nghèo, cái khổ là “nghiệp” của đời chị rồi, không thoát ra được. Được 2 đứa con thì đứa đầu (năm nay 20 tuổi) không may mắc phải căn bệnh chậm phát triển, bị liệt 2 chân nay phải ngồi xe lăn. Khó khăn chồng chất khó khăn, từ năm 2005 đến nay, chị lại nhận chăm sóc bố mẹ đẻ đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Gánh bún nhỏ nuôi 5 miệng ăn, cái cực cái khổ của chị nhân lên gấp bội phần.
Vượt lên số phận
Mặc dù được các cấp hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên, nhưng vẫn còn không ít những phụ nữ đơn thân phải kiếm sống từng ngày. Ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu có gần 30 hộ gia đình phụ nữ đơn thân. Trong đó có đến 90% là hộ nghèo, phải kiếm sống qua ngày bằng những nghề vất vả, như chị Trần Thị Xuân ở tổ 11, chồng bị tai nạn qua đời, suốt 10 năm qua một mình chị nuôi 2 con nhỏ bằng nghề bán nước mía và sửa xe máy, xe đạp ở góc đường Lý Tự Trọng.
Các chị luôn thiếu thốn mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần, nhưng điều đáng quý ở những người phụ nữ này là nghị lực vươn lên không ngừng và những đứa con biết chia sẻ khó khăn, vất vả với mẹ. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh, qua những ngày tháng khó khăn từ hộ đặc biệt nghèo, thường xuyên phải nhờ vào trợ cấp của phường, đến nay gia đình chị không những đã thoát nghèo thành công mà còn có được mái nhà để ở. Đứa con lớn của chị nay đã mở được tiệm làm quảng cáo nho nhỏ, đứa con út hiện là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Bản thân chị hằng ngày mưu sinh bằng quán café cóc trên đường Lý Tự Trọng. Nhớ lại quãng đời gian truân đã qua, chị xúc động chia sẻ: “Bây giờ nhớ lại không hiểu vì sao mình lại sống được đến ngày hôm nay. Ngày đó nhiều lúc thấy hận cuộc đời lắm, chỉ muốn chết cho hết khổ. Nhưng rồi không chết được nên phải gắng sống, mà phải sống cho đàng hoàng”. Với chị Trần Thị Hà, “bí quyết” giúp chị vượt qua khó khăn là luôn lạc quan. Nhiều người dân ở xung quanh đã quen với hình ảnh cô chủ quán bún nghèo nhưng lúc nào cũng nhanh miệng nhanh mồm. Chị tâm niệm “Mình buồn cũng không hết nghèo, hết khổ được. Phải vui để sống, làm việc nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già nữa”.
Góp một phần không nhỏ giúp các chị từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, đó là sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo địa phương, Hội Phụ nữ các cấp. Chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thạch Thang cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên giúp đỡ các chị trong những lúc khó khăn, túng quẫn. Đồng thời các chị cũng là những điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống để chúng tôi làm gương cho các thế hệ phụ nữ sau này”.
Khánh Hòa (Nguồn từ Báo Đà Nẵng)