Năm 1930, lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta đã mở ra một trang mới: Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, cụ Nguyễn Thành Hãn (thân sinh của chị Nguyễn Thị Thanh) được kết nạp vào Đảng (cụ là một trong những người Đảng viên đầu tiên của quê hương Quảng Nam, và cũng là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên).
Năm 1930, ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã sinh ra người con gái tên là Nguyễn Thị Thanh. Cũng năm ấy, người mẹ kính yêu của chị đã qua đời sau cơn bạo bệnh.
Cha chị đi hoạt động cách mạng biền biệt tháng ngày, ít được gần con, không có điều kiện chăm lo, săn sóc con khi ốm, khi đau, lúc khát thèm sữa mẹ. Quê hương đã trở thành chiếc nôi lớn, bà con lối xóm và những người thân đã dang rộng vòng tay ôm ấp chở che thân gái ngay từ lúc mới lọt lòng.
Truyền thống cách mạng của gia đình chị Thanh như mạch nguồn luôn tuôn chảy không ngừng không nghỉ. Cha vừa qua đời cũng là lúc cách mạng bùng nổ, 1945. Nguyễn Thị Thanh nặng trĩu trong lòng thù nhà, nợ nước, nợ áo cơm với những người cùng khổ. 15 tuổi chị lên đường đi theo cách mạng, tiếp bước người cha kính yêu. Chị tham gia phong trào thiếu niên rồi vào lực lượng Cứu quốc quân tại xã Duy Sơn. Đến năm 1949, chị được phân công làm công tác phụ nữ ở xã, một lĩnh vực công tác mà chị đã gắn bó tâm huyết cả cuộc đời mình. Cũng năm ấy, chị đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ vinh quang của Đảng, được Đảng điều làm cán bộ Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng một thời gian rồi lại trở về Duy Sơn tiếp tục với công tác phụ nữ.
Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, bao nhiêu biến cố ở đời cũng là bấy nhiêu biến cố của lòng chị. Năm 1954, chị sinh người con trai đầu lòng (là Trần Quang Dũng). Vừa sinh con ra, chị đã phải gạt nước mắt để tiễn đưa người chồng thân yêu của mình là anh Trần Quang Hải xuống tàu đi tập kết ra Bắc. Chị được Đảng phân công ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Từ đây, chị Thanh đã phải một mình vừa nuôi dưỡng đứa con trai duy nhất vừa tham gia công tác cách mạng. Trong gian khổ, chị vẫn luôn tìm ra niềm vui cuộc sống. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan là hạnh phúc lớn lao của một người mẹ, người vợ; say sưa trong công tác cũng là gạt bỏ bớt được ưu tư, phiền muộn.
Tham gia công tác cách mạng, lặng lẽ nuôi con, nỗi lo công việc luôn trĩu nặng trong lòng. Lúc bấy giờ, những người phụ nữ có chồng đi hoạt động cách mạng, đi tập kết (mà bọn địch thường gọi là có người thân ở phía bên kia) đã trở thành đối tượng nguy hiểm, là mục tiêu tấn công của chúng. Chúng không từ thủ đoạn nào, từ việc mơn trớn, phỉnh phờ, gạ gẫm đến việc dọa dẫm, bắt bớ, khảo tra, đánh vào khí tiết của các mẹ các chị nhằm làm ly tán chị em với cách mạng. Chị Thanh đã vượt qua các cạm bẫy chết người ấy, đồng thời chị còn tìm cách động viên những người cùng cảnh ngộ kiên quyết đấu tranh vượt qua.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khó khăn nào chị cũng tìm cách vượt qua, trong mọi tình huống chị vẫn luôn giữ vững mối liên lạc với tổ chức. Thời gian này, chị được giao nhiệm vụ hoạt động hợp pháp, làm giao liên, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật trụ bám phong trào ở huyện Điện Bàn.
Qua nhiều lần địch theo dõi, năm 1957, chị bị chúng bắt giam tại nhà lao Hội An. Trong tù, bất chấp mọi thủ đoạn đòn roi, khảo tra dã man của quân thù, chị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ra tù, chị lại tiếp tục hoạt động, được Đảng phân công làm Phó bí thư chi bộ xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Những năm này, cách mạng miền Nam như bị dìm trong biển máu. Chính quyền Mỹ Diệm ráo riết lùng sục, bắt bớ những người mà chúng gọi là “Cộng sản nằm vùng”. Chúng dồn dân, lập ấp, tiến tới hình thành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam. Những người như chị Thanh luôn ở trong tầm ngắm của chúng. Chúng thề “giết nhầm” hơn là “bỏ sót”. Từ đó, một số cơ sở Đảng ở tỉnh Quảng Nam bị lộ. Năm 1959 chị được Đảng cho chuyển vùng vào hoạt động tại Sài Gòn.
Vừa tới Sài Gòn, còn lạ nước, lạ cái, bơ vơ nơi đất lạ người đông, không quen biết ai, không họ hàng thân thích, trong túi chị lại không có lấy một đồng. Tài sản cá nhân quý nhất của chị lúc này là cậu con trai Trần Quang Dũng mới 5 tuổi luôn ở bên chị. Đi trên đường phố Sài Gòn, cậu con trai thấy cái gì cũng lạ, cũng ngơ ngác, có lúc chị thấy nó chép miệng, nhép môi khi đi qua một quán ăn, chị biết con đang đói và khát nhưng chị cũng phải dằn lòng. Thằng Dũng còn nhỏ nên thấy cái gì nó cũng thích, thấy mẹ khổ quá, nghèo quá nên nó cũng chẳng vòi vĩnh mẹ, chỉ lầm lũi bước đi, lát lát lại ngoái đầu nhìn lại.
Đến Sài Gòn, mẹ con chị Thanh liên hệ được với một gia đình lao động thô sơ là người gốc Quảng, bà Phan Thị Liên. Nhà chật chội, chỉ có phòng thờ cúng là lớn hơn cả, mẹ con chị như lạc vào một cõi u linh. Chị nghĩ: “Ở đâu cũng được, miễn là có nơi trú thân an toàn để dễ bề hoạt động”.
Oái oăm thay, mẹ con chị Thanh ở chưa được bao lâu thì bọn địch ở Quảng Nam đã cho quân vào tận Sài Gòn lùng sục tìm bắt chị bằng mọi giá.
Những ngày ấy rất căng thẳng với chị, vì đây không phải là cuộc chiến tay đôi của hai người không cùng chính kiến mà là sự truy kích của một nền Cộng hòa với một người con gái quê chân yếu tay mềm, điều ấy càng làm cho ý chí của chị thêm cứng rắn, vững vàng hơn.
Năm 1960, chị Thanh đã gặp được bác Bảy Thủ-một cơ sở cách mạng. Bác Bảy đưa mẹ con chị về tận Mỹ Luông, một làng quê xa bên bờ sông Tiền (thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Bác Bảy giới thiệu chị Thanh vào ở giúp việc (nói đúng hơn là ở đợ) cho nhà cô giáo Nhung; qua lời giới thiệu của bác Bảy, chị Thanh được biết: Gia đình cô Nhung cũng có người hoạt động cách mạng bí mật. Cô Nhung có người em ruột đi tập kết ngoài Bắc. Thông tin về cô giáo Nhung chỉ có vậy. Nhưng chừng ấy cũng đủ để hai người gây dựng được lòng tin ban đầu.
Còn cô giáo Nhung chỉ biết chị Thanh là người con gái quê tận xứ Quảng xa xôi, chồng chết, bơ vơ, nghèo khổ, tay ôm con dại phải phiêu dạt xứ người để kiếm sống. Lúc đầu cô Nhung còn tỏ vẻ ái ngại, nhưng qua vài lần tiếp xúc với chị Thanh, cô Nhung cũng không cầm lòng được trước những lời nài nỉ, khẩn cầu và cảm thấy thương hại cho hoàn cảnh của chị Thanh. Và điều cơ bản mà cô cảm nhận được ở chị Thanh, đó là một người tốt.
Công việc trong gia đình cô Nhung khá vất vả, cô đã có 7 người con, tiếp đó lại có thêm 2 đứa con nhỏ nữa, nếu kể cả Dũng (con chị Thanh) thì vô hình dung chị Thanh đã là người mẹ thứ hai của mười con nhỏ. Mọi công việc trong gia đình đều do một tay chị Thanh làm hết. Từ việc nhà cửa, bếp núc, đến chăm sóc, dạy dỗ lũ trẻ.
Hàng ngày, chị Thanh thức dậy thật sớm, ra sông Tiền gánh nước về đổ đầy các chum, ghè để mọi người trong nhà đủ nước dùng trong ngày. Đường từ nhà ra sông khá xa, lại phải men theo lối mòn gồ ghề, có lần chị Thanh vấp ngã ngay trên bến sông, bị xái chân, nhưng chị vẫn gắng gượng đứng dậy khập khiểng bước đi. Nhiều người trong xóm thấy chị khổ, nhưng không ai thấy chị khóc bao giờ, có người ngỡ là chị không biết khóc. Có ai hiểu được nỗi lòng người mẹ từng chịu nhiều cơ cực, để bây giờ dường như nước mắt đã cạn khô. Công việc trong gia đình cô Nhung cứ cuốn lấy chị Thanh từ sáng tới khuya. Nhiều bữa lo xong công việc cho con chủ, chị mới hay con mình chưa được tắm rửa.
Dũng thương mẹ, sớm hiểu được thân phận của mình, lúc nào nó cũng nghe theo lời dặn dò của mẹ. Nhiều đêm nằm ngủ, quờ tay không thấy mẹ, mở mắt choàng dậy thấy mẹ đang lúi húi trong ánh đèn mờ, nó lại nằm im, không dám gọi mẹ.
Một đêm, giữa khuya, cô giáo Nhung tỉnh giấc bất chợt bước vào phòng chị Thanh (vì đã khuya mà phòng vẫn sáng đèn),cô đứng khựng giây lát khi thấy chị Thanh đang gói ghém những tờ truyền đơn và dán những lá cờ đỏ sao vàng. Chị Nhung hỏi: “Em hoạt động cách mạng à?”. Chị Thanh kịp trấn an cô giáo Nhung rồi tìm cách thuyết phục.
Dũng chỉ nghe cô giáo Nhung nói nhỏ với mẹ: “Nè, em có biết việc em đang làm là nguy hiểm không? Ở đây bọn địch lùng sục dữ lắm. Chúng biết thì em chết và cả nhà chị cũng chết”. Cũng may, vì cô Nhung làm nghề dạy học, nuôi người ở đợ là chuyện thường, vả lại chị Thanh luôn thể hiện mình là người ở vì thế bọn địch ít chú ý dòm ngó. Dũng nằm im lắng nghe câu chuyện qua lại giữa hai người. Một lát sau Dũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô giáo Nhung và mẹ nắm chặt tay nhau. Hình như cả hai vừa nhận ra điều gì đấy. Cô Nhung còn dặn thêm:
– Em phải hết sức cẩn thận đấy.
– Cảm ơn chị, em biết rồi, em đã làm những công việc này từ lâu lắm rồi.
Bà con lối xóm càng ngày càng thương chị Thanh. Chị Thanh đã cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn và địa bàn hoạt động càng được mở rộng hơn. Người ta vẫn nói về chị, một cô gái miền Trung đi ở đợ để nuôi con, hiền lành, dễ thương và chịu khó đến tội nghiệp. Có ai hay cô gái đang ở đợ ấy lại là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Mỹ Luông.
Đế quốc Mỹ đã bị sụp đổ chiến lược chiến tranh đặc biệt. Chúng phải chuyển qua chiến tranh cục bộ, ào ạt đổ quân Mỹ, quân chư hầu, súng đạn, phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam.
Năm 1965, chị được Đảng điều động trở lại Điện Hòa làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, sau đó chuyển về thị xã Hội An. Chị được bầu vào Thị ủy, rồi Thường vụ Thị ủy, làm Hội trưởng Phụ nữ thị xã Hội An. Đến năm 1969, chị được bầu vào Đặc khu ủy Quảng Đà. Làm Hội trưởng Phụ nữ Đặc khu Quảng Đà, kiêm Bí thư Đảng ủy dân vận Đặc khu.
Sau 2 năm tạm xa địa bàn công tác đi dự lớp bồi dưỡng chính trị ở trường Đảng, Khu V, chị Thanh thấy thời gian sao mà dài đến thế. Hai năm không phải là quãng thời gian để chị nghỉ ngơi. Hai năm ấy đã cho chị rút ra những nguyên lý lý luận từ thực tiễn. Học xong, chị Thanh lại trở về cương vị cũ của mình ở đặc khu, đồng thời giữ thêm chức vụ Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ đặc khu Quảng Đà.
Từng trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, rồi đi học, rồi chị được Đảng cho đi điều trị tại miền Bắc. Nhưng dù đi đâu, về đâu, chị Thanh vẫn luôn gắn mình với công tác phụ nữ.
Tháng 4 năm 1980, tại Đại hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ VI chị được bầu vào Ban Chấp hành Hội, giữ chức vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh cho đến tháng 3 năm 1987, khi đã đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy vẫn là công tác phụ nữ, nhưng trong chiến tranh và trong hòa bình lại có nhiều điểm không giống nhau, chị Thanh đã nhanh chóng nhận ra điều đó như nhận ra những thách thức cần đòi hỏi đến năng lực. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo các phong trào, nên chị rất chú trọng đến việc nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương nghị quyết của Đảng, phải làm sao đưa được chủ trương, nghị quyết ấy vào cuộc sống, để cho chủ trương nghị quyết trở thành linh hồn cuộc sống. Điều này đã khiến chị đi sâu, đi sát đời sống thực tế, phong trào qua từng giai đoạn.
Làm công tác phụ nữ nhiều năm, chị Thanh nhận thấy vai trò người phụ nữ luôn có trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và có sức tác động lớn, vừa có tính lâu dài cũng vừa mang tính thời điểm. Đại hội VI đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung, đẩy mạnh phong trào người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “thiết thực góp phần đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước”.
Thời gian này, phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng, cùng với những đức tính siêng năng, cần cù vốn có trong lao động, chị em còn có nhiều sáng kiến sáng tạo trong các lĩnh vực công tác từ đồng ruộng đến công trường nhà máy nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, nhưng vẫn không quên thực hành tiết kiệm.
Khắp các địa phương trong tỉnh phong trào thi đua của chị em phụ nữ, các tổ chức Hội luôn nở rộ, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình, từ Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang, Đà Nẵng…Từ phong trào thi đua: Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đến việc sinh đẻ có kế hoạch, từ chăm lo công tác hậu phương quân đội đến việc xã viên nhận khoán trên đồng ruộng, từ việc đỡ đầu, chăm sóc con em liệt sĩ và người già neo đơn, đến phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, từ phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đến việc động viên chị em đưa chồng con đi biên giới. Chị em còn là động lực chính trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp. Việc nào nghe ra cũng mới, nhiều người còn thấy lạ lẫm đến ngỡ ngàng.
Ở đâu cần chị Thanh có mặt, chị đã lội qua ruộng cạn, đồng sâu hướng dẫn nông dân cấy lúa, trồng màu theo ứng dụng mới của khoa học kỹ thuật. Chị Thanh đi tới đâu, người ta đều thấy gần gũi như người thân đi xa nhà trở lại. Chị như là “người con của mọi nhà, người em của vạn kiếp phôi pha”. Khiêm tốn, chân thành, nhiệt tình và tận tụy cộng với bản tính trung thực và nhân hậu đã đưa chị đến gần hơn với nhân dân và chị em phụ nữ. Bởi lẽ ngay từ thuở lọt lòng, chị Thanh đã sống trong vòng tay yêu thương của nhân dân, bằng giọt sữa của nhân dân. Người dân quê đã dạy cho chị từ lời ăn, tiếng nói, cách sống làm người. Vì thế, lúc nào chị cũng thấy “trong máu mình có máu của nhân dân”.
Sau giờ làm việc ở cơ quan, trở về nhà, chị tận dụng thời gian chăm lo cho chồng, cho con rất chu tất như muốn bù đắp quãng thời gian suốt 20 năm, nên chồng, nên vợ mà anh chị gần gũi bên nhau chỉ tính được bằng tháng, bằng ngày.
Lấy chồng thời chiến tranh, rồi lại tiễn chồng đi tập kết, rồi lại tiễn chồng ra biên giới Tây Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Hòa bình lập lại chị tiếp tục tiễn chồng đi làm chuyên gia quân sự tại đất nước Cu Ba xa xôi. Cuộc đời người phụ nữ cứ như là sân ga đưa tiễn. Nhưng với chị Thanh, cái sân ga ấy còn là hậu phương vững chắc, đáng tin cậy của chồng con.
Bà con và những người lớn tuổi trong khu phố gần nhà chị Thanh, mỗi lần gặp nhau, dù rảnh rỗi hay lúc bận rộn, vẫn nhận ra trên gương mặt chị tiềm ẩn một nụ cười nhân hậu.
Khi đã về hưu, thỉnh thoảng chị Thanh vẫn đến cơ quan Hội, vừa là thăm lại người xưa, chốn cũ, được nghe chị em giải bày tâm sự và chị có thể tham gia ý kiến vào những công việc chị em đang cần chị.
Chị còn dành thời gian, tâm huyết vào công tác xã hội như phong trào khuyến học, từ thiện ở địa phương. Dường như chị không chịu để một phút giây ngơi nghỉ. Nhìn vào chị Thanh, chị em phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng như được nhìn vào một tấm gương “Đa sắc màu”, người ta có thể tìm thấy trong đó ánh lên tính trung thực, lòng vị tha, bao dung và nhân hậu…
Tôi gặp chị Thanh trên nẻo đường chiến tranh và quen biết chị từ trong kháng chiến. Chị sống rất tình cảm, giản dị nhưng có tính kiên định, chị có lòng thương yêu, tin tưởng ở con người. Trong cuộc sống chị luôn có niềm tin, niềm tin có cơ sở và luôn được củng cố. Chờ chồng ư, chị vẫn tin và chờ đợi, nuôi con, chị vẫn tin đến ngày con khôn lớn, khó khăn, gian khổ nhưng chị vẫn tin là kháng chiến sẽ thành công, và tất cả đã thành sự thật.
Tháng 6 năm 1995, tuổi đã cao nhưng chị Thanh vẫn tìm mọi cách để trở về An Giang thăm lại nhà cô giáo Nhung, thăm lại bà con Mỹ Luông, nơi chị đã sống và hoạt động cách mạng trong những ngày gian khổ, thăm lại cái tình cái nghĩa như là sự tri ân, xin cảm ơn những ngày gian khổ. Nhưng tiếc thay, vừa tới Sài Gòn, chưa kịp trở lại An Giang thì chị đã qua đời trong cơn đau tim đột ngột.
Chừng ấy thôi cũng đủ cho ta hiểu thêm về tấm lòng của một người Cách mạng.
Chị ra đi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đau xót thốt lên: “Chúng em mất đi cây đại thụ để che chở, giúp đỡ”. Vâng, chị Thanh là cây đại thụ, vượt qua giông tố ở nhiều thời khắc lịch sử đáng nhớ. Cây đại thụ ấy không còn, để lại một khoảng trời trống vắng. Chúng ta muốn nói với chị Thanh, xin chị hãy yên lòng, thanh thản ra đi, như những ngày đầu vô tư, hồn nhiên đi làm cách mạng, vì những mầm non chị vun trồng, chị hằng mơ ước, nay đã lên xanh, hùng vĩ một đại ngàn.
Đỗ Văn Đông