Là thành viên của Đoàn công tác Quân khu 5 đến thăm, tặng quà và khám chữa bệnh cho bà con huyện Tà Veng, tỉnh Rat-ta-na-ki-(Cam-pu-chia) đầu tháng 4/2014, bản thân tôi đã có những kỷ niệm sâu sắc về chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Hành trang mang theo được tinh giảm tối đa nhưng trang bị tác nghiệp của tôi lại khá cồng kềnh: máy ảnh, máy quay, chân máy quay, máy tính cá nhân. Hành trình trên chuyến xe cùng với đoàn công tác là đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần Quân khu 5). Trước khi qua cửa khẩu, tôi được anh lái xe và 2 bác sĩ từng nhiều năm chiến đấu, công tác trên đất bạn, “phụ đạo” cấp tốc một số câu giao tiếp thông thường. Đường về Tà Veng gập ghềnh, khúc khuỷu, có đoạn rung xóc bần bật như qua gờ giảm tốc, mới thấm thía hơn, hình dung hơn nữa những vất vả, khó nhọc của các Đội quy tập mộ liệt sĩ trên đất bạn. Mùa mưa đường càng trơn trượt, lầy lội rất khó đi.
3h30 phút sáng xuất phát từ Đà Nẵng, hơn 17 giờ mới đến nơi. Địa điểm “trú quân” là một trường tiểu học nằm ở Trung tâm huyện, thầy trò đang nghỉ Tết Chol Ch’năm Thmay. Thuận lợi cho Đoàn công tác là được Đội quy tập mộ liệt sĩ K52 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đã đến trước, dọn vệ sinh môi trường, chuẩn bị bến bãi, trang trí. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Hoàng Vỹ, kỹ sư xây dựng, nhân viên hậu cần Bệnh viện quân y 17 được giao đảm nhận vai trò bếp trưởng, nhanh chóng “nổi lửa” bắc bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Cả đoàn quây quần ngoài trời dưới bóng đèn của máy phát điện. Là “phái yếu”, tôi và chị Thái Thị Thuận (hộ sinh khoa Ngoại Chung) được sắp xếp ở một phòng riêng. Chiếc giường là 4 chiếc bàn ghép lại với nhau nên lúc nào cũng… “rung rinh, rung rinh”.
Tác giả (bên trái) chuản bị bữa liên hoan mừng giỗ tổ Hùng Vương
Hết thời gian chạy máy nổ, điện tắt, nhìn ra ngoài bầu trời chan hòa ánh trăng. Đêm Tà Veng hừng hực nóng. Dường như nước giếng ở đây có phèn, gội đầu xong cảm giác như tóc cứ rin rit. Cả trường chỉ có một cái giếng khoan bơm bằng tay, phải đẩy hơn 50 cái mới đầy một xô nước. Không có nhà tắm, hai chị em xách nước vào tắm trong nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi khẽ nói với nhau “được thế là tốt rồi!”. Năm ngoái Đoàn công tác Quân khu đi khám bệnh, tặng quà bên Lào không có nơi để trú chân, phải ở nhà kho, nằm trên nền đất. Là phóng viên quen “phóng” đi khắp biên giới, hải đảo nhưng chuyến đi này cảm giác vẫn hoàn toàn mới mẻ. Lần đầu tiên đặt chân tới Ra-ta-na-ki-ri, nhưng địa danh này không hề xa lạ bởi tôi đã biết ít nhiều qua câu chuyện của những người lính tình nguyện Việt Nam. Biết bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi này khi tuổi đời còn rất trẻ…Lúc tối, ngồi trò chuyện cùng Trung úy Phạm Thanh Hồng, phân đội trưởng Phân đội 1 Đội quy tập mộ liệt sĩ K52, tôi được biết, chỉ riêng mùa khô năm nay, trên địa bàn này, các anh đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 30 mộ liệt sĩ, nhưng tất cả những hàng chữ ghi tên, đơn vị, quê quán trong các lọ thuốc Pê-ni-xi-lin trải qua thời gian đã bị phân hủy hoàn toàn.
Trời vừa hửng sáng, cả đoàn “khởi động” cho ngày làm việc khẩn trương. 400 phần quà, hàng chục thùng thuốc chữa bệnh được dỡ xuống từ 2 xe tải. 8 giờ sáng, sân trường tiểu học đông nghịt người. Từ các phum, làng xa xôi, bà con đổ về đây mỗi lúc một đông. Những phụ nữ địu theo con nhỏ mới vài tháng tuổi. Nhiều cụ già đầu quấn khăn, chống gậy, chân đi dép Lào, bước run run… Một mình vừa quay phim vừa chụp ảnh, được các anh phiên dịch của đoàn trợ giúp phỏng vấn cảm tưởng của người dân, tôi đã thu hoạch được những tư liệu cần thiết để hoàn thành các tác phẩm báo chí. Đến 12 giờ trưa, lượng người khám vẫn tiếp tục gia tăng, đoàn công tác phải làm việc thông tầm để bà con có sức khỏe tốt vui đón tết cổ truyền. Tiếng lành đồn xa, hôm sau, lượng người đến vẫn đông không kém. Dự kiến khám bệnh cho l.000 người song thực tế đã tăng hơn 10%. Tuy làm việc với cường độ cao nhưng các thành viên đoàn công tác vẫn rất vui vì thấy hiệu quả của công việc. Biết ở Việt Nam hôm nay là ngày giỗ tổ Hùng Vương, buổi chiều cấp ủy, chính quyền và bà con huyện Tà Veng đã mang đến ủng hộ đoàn công tác 5 con gà và 5 ký thịt heo. Tối đến, chủ và khách cùng liên hoan, nhảy múa theo điệu nhạc, tay trong tay trao nhau câu hát “Việt Nam-Cam-pu-chia xa-ma-khi (đoàn kết)”.
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 khám bệnh cho bà con huyện Tà Veng, tỉnh Rat-ta-na-ki-ri Ảnh Ngọc Diệp
Ba ngày trên đất bạn trôi qua thật nhanh. Và tôi nhận ra rằng đó chuyến đi “tác nghiệp” đầy kỷ niệm, không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của mình.
Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp (6Nh – 203 Đà Nẵng)